Liệt sĩ Nguyễn Trọng Bình – tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2025-03-04 15:16:04

Mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), chúng ta lại thương nhớ, tri ân, càng trân quý về những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh cho đất nước.  Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành hồn thiêng, là tấm gương để các thế hệ phấn đấu học tập và noi theo. Liệt sĩ Nguyễn Trọng Bình – đảng viên ưu tú, người cầm đầu cuộc biểu tình ngày 9/9/1930 của Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Anh là một trong những tấm gương như thế.

Đồng chí Nguyễn Trọng Bình sinh năm 1898 tại làng Dị Nậu, tổng Cấp Dẫn (nay là xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh), tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong gia đình nho học, đồng chí Nguyễn Trọng Bình sớm được cha cho theo học các lớp chữ Hán và lễ nghĩa. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, người dân Dị Nậu nói riêng và của tổng Cấp Dẫn nói chung, đồng chí Nguyễn Trọng Bình đã sớm nuôi chí căm thù chính quyền thực dân, phong kiến.

Năm 1928, tiểu tổ Tân Việt tổng Cấp Dẫn được thành lập đã bí mật vận chuyển một số sách báo tiến bộ giúp các đồng chí thanh niên ở đây có tài liệu học tập. Hoạt động của tiểu tổ đã tác động tích cực đến tinh thần yêu nước của Nhân dân tổng Cấp Dẫn, trong đó có đồng chí Nguyễn Trọng Bình. Năm 1928, người thanh niên mang chí lớn Nguyễn Trọng Bình đã gia nhập Đảng Tân Việt với mong muốn tìm được con đường giải phóng quê hương.

Cuối tháng 3/1930, Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Tỉnh ủy chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng tổ chức các cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng. Lúc này, đồng chí Trần Hưng được cấp trên cử về Kỳ Anh để tổ chức bắt mối phát triển đảng viên, xây dựng lực lượng. Sau khi tìm hiểu tình hình, nhận thấy chất “lửa” trong người thanh niên Nguyễn Trọng Bình, Bùi Thị, Nguyễn Tiến Liên, đồng chí Trần Hưng đã bắt liên lạc và kết nạp các đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là ba hạt giống đỏ đầu tiên của quê hương Kỳ Anh. Sau khi được kết nạp, các đồng chí phân công nhau tìm lại các đồng chí của mình trong trong Đại tổ Tân Việt Kỳ Anh để chuyển Đảng cho họ. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Trọng Bình, Bùi Thị và Nguyễn Tiến Liên cũng tăng cường công tác vận động những thanh niên yêu nước địa phương để giác ngộ và kết nạp vào Đảng. Trong thời gian ngắn (tháng 3 đến tháng 5/1930), từ ba đồng chí đảng viên đầu tiên, trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã xây dựng được 7 chi bộ với số lượng 42 đảng viên.

Tại Dị Nậu, quê hương của đồng chí Nguyễn Trọng Bình, Chi bộ Dị Nậu cũng nhanh chóng được ra đời vào tháng 5/1930. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, mang trên mình trọng trách lãnh đạo Chi bộ và Nhân dân Dị Nậu đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho quê hương.

Đầu tháng 6/1930, tình hình cách mạng Kỳ Anh ngày càng phát triển, đặt ra yêu cầu cần có một tổ chức lãnh đạo trên địa bàn toàn huyện. Ngày 05/6/1930, hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Kỳ Anh đã được triệu tập. Đền Phương Giai được chọn làm địa điểm hội nghị, vì đây là trung tâm của vùng bắc Kỳ Anh, lại rất yên tĩnh, cẩn mật, đi lại thuận tiện và là nơi thờ cúng linh thiêng nên dễ bề che mắt bọn mật thám Pháp. Với sự tham gia của 37 đại biểu, hội nghị đã bàn các biện pháp xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể yêu nước, cũng như kế hoạch, chủ trương hành động của Đảng bộ. Hội nghị cũng đã thống nhất bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Kỳ Anh. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình cùng với 6 đồng chí khác đã được hội nghị bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời.

Ngay sau khi thành lập, nhận sự phân công của Đảng bộ Kỳ Anh, đồng chí Nguyễn Trọng Bình cùng các cán bộ Đảng nhanh chóng về các địa phương hoạt động và xây dựng, phát triển tổ chức Đảng ở các cấp cơ sở. Các đồng chí đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ về tư tưởng, đồng thời, thông qua tổ chức quần chúng (Nông hội đỏ) để bồi dưỡng, lựa chọn những quần chúng kiên trung để kết nạp vào Đảng. Đến tháng 9/1930, Đảng bộ huyện Kỳ Anh phát triển được 9 chi bộ với 93 đảng viên.

Ngoài ra, trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Trọng Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Kỳ Anh - còn được Ban Chấp hành giao trách nhiệm xây dựng lực lượng tự vệ và chuẩn bị mọi điều kiện cho hoạt động đấu tranh của quần chúng Nhân dân khi Đảng yêu cầu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Bình với phương thức vận động linh hoạt đã không quản gian khổ, bí mật đi sâu vào quần chúng, vận động nông dân tham gia các tổ chức yêu nước như: hội lợp nhà, hội cày, hội cấy… để bà con đùm bọc nhau, giúp nhau trong cuộc sống, đoàn kết chống lại những âm mưu của địa chủ phong kiến. Từ những hoạt động thực tiễn, đồng chí Nguyễn Trọng Bình đã lựa chọn những thanh niên và kết nạp họ vào đội Tự vệ đỏ. Chỉ sau một thời gian ngắn, đội Tự vệ đỏ ở các làng được thành lập, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các cuộc mít tinh, các cuộc họp của quần chúng; tuần tra, trấn áp hành động của bọn hào lý; khi cần thiết sẽ được điều động làm nhiệm vụ ở các nơi trong xã và huyện.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ vận động, kết nạp những thanh niên ưu tú vào Đảng và xây dựng lực lượng Tự vệ đỏ, đồng chí Nguyễn Trọng Bình đã cùng các đồng chí cán bộ Đảng lãnh đạo, tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh như: bí mật in ấn truyền đơn, rải truyền đơn ở các thôn, làng nhằm vạch tội ác của kẻ thù, kêu gọi Nhân dân đứng lên đấu tranh; may cờ và phân công người đi cắm cờ ở núi Hương, núi Voi, cầu Chợ,…. Những hoạt động đó đã đẩy khí thế cách mạng của Nhân dân Kỳ Anh ngày một dâng cao, buộc kẻ địch phải chấp nhận một số yêu sách của nông dân.

Tháng 9/1930, để tiếp tục đưa phong trào đấu tranh của Nhân dân Kỳ Anh tiến lên, Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời đã nhanh chóng tổ chức lực lượng và chuẩn bị các điều kiện cho cuộc biểu tình trong toàn huyện. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình được Huyện ủy lâm thời tín nhiệm phân công làm tổng chỉ huy cuộc biểu tình.

Sáng ngày 09/9/1930, hàng nghìn nông dân Kỳ Anh từ các làng trong huyện đã tập trung ở Cụp Nước Mắm (Kỳ Thọ). Đoàn biểu tình đội ngũ chỉnh tề do Nguyễn Trọng Bình trực tiếp chỉ huy, theo đường Quốc lộ 1A kéo thẳng về huyện lỵ. Đội tự vệ do Lê Quế phụ trách chia nhau bảo vệ trước và sau. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu tranh đấu, lôi cuốn thêm người ở các làng ven đường tham gia nên mỗi lúc mỗi đông. Khi đoàn biểu tình vào tới nơi, Tri huyện Lê Đức Trinh cùng nha lại, lính tráng đều đã bỏ trốn. Công đường vắng ngắt. Quần chúng xông vào đốt sổ sách, giấy tờ, phá trại lính, mở cửa trại giam thả hết những người bị cầm tù. Ban chỉ huy đưa bản yêu sách bắt Trần Đình Xí ký tên, đóng dấu và hứa chuyển lên Công sứ tỉnh. Cuộc biểu tình ngày 9/9/1930 do đồng chí Nguyễn Trọng Bình làm tổng chỉ huy được coi là đỉnh cao trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 của huyện Kỳ Anh.

Sau cuộc đấu tranh ở huyện đường Kỳ Anh ngày 9/9/1930 do Huyện ủy lâm thời Kỳ Anh lãnh đạo, thực dân Pháp thi hành nhiều chính sách đàn áp các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng. Chúng đặt Kỳ Anh trong tình trạng thiết quân luật, chặt phá cây cối, tạo thành một vành đai trắng xung quanh các làng, đồng thời điều hàng trăm lính khố xanh lên Kỳ Anh, tăng cường và thiết lập thêm đồn bốt từ đầu đến cuối huyện. Địch còn lập ra hàng chục điếm canh, ra lệnh giới nghiêm, cấm người đi lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bất cứ ngày hay đêm, khắp các ngả đường thôn xóm, hết lính Tây đến lính ngũ lục, đoàn phu sục sạo khắp nơi lùng bắt cán bộ cách mạng. Trong đợt càn quét của địch, đồng chí Nguyễn Trọng Bình bị địch bắt và giam vào Nhà lao Hà Tĩnh, đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản.

Trong lao tù đế quốc, mặc những cực hình tra tấn của kẻ thù trút lên người, đồng chí Nguyễn Trọng Bình vẫn kiên quyết giữ vững khí tiết, không khai báo điều gì ảnh hưởng đến bí mật của Đảng và các đồng chí của mình.

Không khuất phục được ý chí của người cộng sản Nguyễn Trọng Bình, ngày 02/01/1931, kẻ địch đã giải đồng chí về hành hình tại chân thành huyện lỵ Kỳ Anh nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của Nhân dân. Trước khi bị hành hình, người con ưu tú của quê hương Kỳ Anh vẫn không hề e sợ, đồng chí Nguyễn Trọng Bình vẫn hiên ngang hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Đồng chí nguyễn Trọng Bình đã anh dũng hi sinh khi vừa mới 33 tuổi.

Nghe tin Nguyễn Trọng Bình bị xử chém, đồng chí Nguyễn Tiến Huệ đang bị địch bắt giam tại Nhà lao Hà Tĩnh, đã xúc động làm bài thơ để tưởng niệm người đồng chí của mình:

“Sống, thác như anh trọn vẹn rồi

Sống cao thanh khí một con người

Sống tham tranh đấu rung trời đất

Thác để nêu gương sáng giống nòi.

Vững bước phất cao cờ xã hội

Phanh gan chửi đổng lũ nhơ đời

Tinh thần khí phách anh lưu mãi

Rực rỡ hình anh trong trí tôi”.[1]

Ghi nhớ, tri ân công lao và những đóng góp của liệt sĩ Nguyễn Trọng Bình – người đảng viên ưu tú, phần mộ của đồng chí được đặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Kỳ Anh. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình cũng đã được vinh danh, đặt tên cho một tuyến đường tại phường Hưng Trí, Thị xã Kỳ Anh. Một điều đặc biệt, năm 2023, trường THCS Giang Đồng đã được đổi tên thành trường THCS Nguyễn Trọng Bình. Tên tuổi và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Trọng Bình và các thế hệ liệt sĩ, đảng viên, quần chúng yêu nước sẽ mãi trường tồn, khắc sâu vào trang sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

ThS.Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Bảo quản 



[1] Lịch sử Đảng bộ xã Kỳ Giang (1930-2015), NXB lao động, 2016, tr.25

Video