262
644
2918
20433
20962
6849840
Đồng chí Lê Đăng Thường (? – 1931) quê ở làng Phúc Yên, xã Bạch Ngọc, tổng Đô Lương, phủ Anh Sơn (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương), tỉnh Nghệ An. Bạch Ngọc xưa, Ngọc Sơn nay nằm ở cửa ngõ phía Tây của huyện Đô Lương là một xã có truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ lên đất nước ta, người dân Ngọc sơn đã cùng với nhân dân cả nước tiếp bước truyền thống cha ông hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Đặc biệt, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các thế hệ nhân dân Ngọc Sơn tiếp tục đoàn kết nắm tay nhau “rũ bùn đứng dậy”, góp phần tạo nên một Nghệ Tĩnh đỏ - đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931. Liệt sỹ Lê Đăng Thường là một trong những tấm gương sáng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của quê hương Ngọc Sơn.
Đồng chí Lê Đăng Thường sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ của đồng chí là ông Lê Đăng Nhương và bà Lê Thị Thiều. Ông Lê Đăng Nhương tuy chỉ là một người nông dân ngày đêm bám đất băng đồng, vất vả kiếm miếng cơm manh áo nuôi sống gia đình nhưng lại rất có tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ. Theo ý ông Lê Đăng Nhương, bà Lê Thị Thiều đã chắt chiu để anh em đồng chí Lê Đăng Thường được theo học chữ tại trường làng. Nhờ đó, đồng chí Lê Đăng Thường đã sớm tiếp xúc với văn thơ yêu nước.
Cuối tháng 3/1930, dưới sự lãnh đạo của phái viên Tỉnh ủy Nghệ An, Phủ ủy lâm thời Anh Sơn được thành lập do đồng chí Trần Du làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Phủ ủy Anh Sơn đã cắt cử các đồng chí đảng viên về từng tổng và thôn xã để xúc tiến tuyên truyền, kết nạp thêm đảng viên. Sau một thời gian vận động, chi bộ đảng xã Bạch Ngọc ra đời với tên gọi là Chi bộ Bạch Truật, do đồng chí Cao Tiến Tuệ làm Bí thư.
Mặc dù mới thành lập nhưng các đồng chí đảng viên trong chi bộ Bạch Truật đã tiếp thu chỉ thị của cấp trên, nhanh chóng tiến hành công tác tuyên truyền, phát triển cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng yêu nước. Vào thời gian này, đồng chí Lê Đăng Thường trở thành hội viên Nông hội đỏ và trở thành thành viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền của chi bộ. Là người hiểu biết, đồng chí Lê Đăng Thường được anh trai là đồng chí Lê Đăng Xương – Phụ trách Nông hội đỏ, giao nhiệm vụ đọc và giảng các bài báo tiến bộ cho hội viên nông hội. Các hoạt động bình giảng sách báo thông qua ngôn ngữ hóm hỉnh, dễ hiểu của đồng chí đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Bên cạnh đó, đồng chí và hội viên Nông hội còn thường xuyên tham gia hội Tuồng (gọi là Trò). Thông qua các vở trò ca ngợi tinh thần yêu quê hương, đất nước, hội Tuồng đã càng củng cố thêm tinh thần yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm trong mỗi người con Yên Phúc.
Không chỉ hăng hái trong công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước cho bà con nhân dân, đồng chí Lê Đăng Thường còn là nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh trực diện với kẻ địch. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh giữa phe hộ và phe hào nhằm chống lại phù thu lạm bổ, đòi lại diện tích các bãi phù sa cho bà con nhân dân.
Đặc biệt, tháng 9/1930, Phủ ủy Anh Sơn chủ trương tổ chức cuộc đấu tranh với quy mô lớn để buộc kẻ địch thực hiện những yêu sách của quần chúng mà tri phủ Anh Sơn đã ký nhận và tháng 6/1930. Sáng ngày 8/9/1930, Yên Phúc đã rộn ràng trong tiếng trống, tiếng mõ. Theo chỉ đạo của chi bộ, đồng chí Lê Đăng Thường cùng bà con nhân dân đồng loạt tiến về địa điểm tập trung, hòa vào đoàn biểu tình của xã Bạch Ngọc. Khi đoàn biểu tình của tổng Bạch Ngọc đi qua cầu Hói Quan, kẻ địch đã cho máy bay ném bom xuống khiến cầu bị hỏng và 2 người chết, một số người bị thương. Trước tương quan lực lượng không cân đối, chi bộ đã cho đoàn biểu tình tạm thời rút lui để hạn chế thương vong, bảo toàn lực lượng.
Đầu năm 1931, do hạn hán kéo dài nên nhân dân Yên Phúc đâu đâu cũng lâm vào cảnh đói kém. Trước tình cảnh người người, nhà nhà dìu dắt nhau vào rừng sâu đào củ mài, củ nâu để sống qua ngày, đồng chí Lê Đăng Thường đã cùng với các đồng chí đảng viên, hội viên nông hội đỏ tổ chức vận động địa chủ cho vay thóc cứu đói. Đối với những địa chủ không hợp tác, các đồng chí đã tổ chức cho quần chúng phá kho thóc chia cho những gia đình bị đói. Nhờ hoạt động cứu trợ kịp thời và hiệu quả này mà lòng tin của nhân dân đối với chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng đã được nâng cao.
Tháng 9/1931, với các hoạt động sôi nổi và những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Lê Đăng Thường được kết nạp vào chi bộ Bạch Truật. Từ một hội viên Nông hội đỏ, đồng chí Lê Đăng Thường đã được tổ chức ghi nhận và trở thành người Đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ và trí lực cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước dưới lời hiệu triệu của lá cờ đỏ búa liềm.
Ngày 15/9/1931, đồng chí Lê Đăng Thường đã cùng với chi bộ Bạch Truật tổ chức và lãnh đạo hơn 100 người đến nhà lý trưởng làng Phúc Yên là Phan Huy Cầu để giải vây cho 2 quần chúng ưu tú bị địch bắt. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của đồng chí và chi bộ đảng, nhân dân xã Bạch Ngọc đã phối hợp với nhân dân các xã Vĩnh Giang, Tân Dân tổ chức cuộc biểu tình lớn. Trước sức mạnh của đoàn biểu tình đã lên đến hơn người, tri phủ Phan Tử Khầm đã cho lính kéo về đàn áp.
Sự đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân khiến kẻ địch vô cùng lo sợ. Thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai đã tăng cường chính sách khủng bố, bắt bớ trên quy mô toàn tỉnh. Tại phủ Anh Sơn nói chung và xã Bạch Ngọc nói riêng, chúng đã tiến hành nhiều cuộc đàn áp, bắt bớ đảng viên và quần chúng ưu tú. Trong đợt lùng sục, càn quét này, đồng chí Lê Đăng Thường cùng 77 đồng chí khác đã rơi vào tay giặc. Đồng chí bị địch bắt và đưa về đồn Yên Lĩnh. Tại đây, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo hòng khai thác thông tin tổ chức Đảng tại Bạch Ngọc. Tuy nhiên những thủ đoạn đó đã không khuất phục được ý chí của người cộng sản kiên trung Lê Đăng Thường. Bất lực, chúng đã quyết định giải đồng chí Lê Đăng Thường về giam tại nhà lao Phủ Diễn, sau đó giải về Nhà lao Vinh.
Nhà lao Vinh nằm trong khu vực thành cổ Vinh với diện tích 19.500m2 là nơi đã từng giam giữ nhiều thế hệ những người yêu nước, các chiến sỹ cách mạng từ phong trào Văn Thân, Cần Vương đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Kẻ địch đã sử dụng những thủ đoạn vừa trắng trợn, vừa tinh vi, nham hiểm như: mua chuộc, tra tấn… hòng khai thác thông tin hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng. Dù chịu nhiều loại cực hình nhưng đồng chí Lê Đăng Thường vẫn một mực lắc đầu không khai báo. Mỗi lần hỏi không nhận được câu trả lời ưng ý, kẻ địch lại điên cuồng trút lên cơ thể đồng chí những trận mưa roi đuôi bò, roi da cá đuối… hòng làm nhụt ý chí của người cộng sản Lê Đăng Thường.
Với phẩm chất, ý chí của mình, đồng chí Lê Đăng Thường cùng với các chiến sỹ bị giam cầm tại nhà lao Vinh lại đứng lên sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh mới ngay trong chính chốn lao tù tăm tối. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản nhà lao Vinh[1], đồng chí Lê Đăng Thường và anh em tù chính trị thông qua các hình thức đấu tranh như: mở các lớp học chính trị, làm reo, tuyệt thực, sáng tác kịch, văn thơ yêu nước… đã góp phần biến nhà tù thành trường học cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu chiêu hàng, phản cách mạng của địch.
Do hoạt động năng nổ của mình, đồng chí Lê Đăng Thường bị kẻ địch cho là thành phần nguy hiểm nên thường xuyên bị “chăm sóc đặc biệt”. Sau 5 tháng bị địch bắt giam và tra tấn, đồng chí đã ngã xuống. Đồng chí Lê Đăng Thường hi sinh nhưng tinh thần, ý chí kiên đấu tranh kiên cường, bất khuất của đồng chí đã góp phần cổ vũ tinh thần đấu tranh của anh em tù chính trị tại Nhà lao Vinh.
Ghi nhận cống hiến của đồng chí Lê Đăng Thường với phong trào cách mạng, ngày 8 tháng 10 năm 1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ đã truy tặng đồng chí Bằng Tổ Quốc ghi công theo Quyết định số 288/Qđ-TTga. Ngày 22 tháng 10 năm 2013, đồng chí Lê Đăng Thường đã được Tỉnh ủy Nghệ An ra Quyết định số 4705-QĐ/TU công nhận là Cán bộ Lão thành cách mạng.
Ảnh: Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Lê Đăng Thường
Một điều đặc biệt, vợ Liệt sỹ Lê Đăng Thường cũng là một Cán bộ Lão thành cách mạng. Đồng chí Hoàng Thị Hiến sinh năm 1902, cùng quê với đồng chí Lê Đăng Thường. Theo bước người chồng, đồng chí Hoàng Thị Hiến[2] là nữ cán bộ năng nổ trong phong trào cách mạng năm 1930-1931, nhà của bà cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ Đảng. Sau khi đồng chí Lê Đăng Thường hi sinh tại nhà lao Vinh, đồng chí Hoàng Thị Hiến cũng bị địch bắt giam tại đồn Yên Lĩnh. Sau 3 tháng tù không khai thác được thông tin gì, địch buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi ra tù, đồng chí Hoàng Thị Hiến tiếp tục tích cực tham gia các tổ chức quần chúng giai đoạn 1940-1941. Liên tục sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1956, đồng chí hoạt động trong vai trò ủy viên Ban Chấp hành, rồi Hội trưởng Hội phụ nữ xã. Đồng chí Hoàng Thị Hiến vừa là một nữ đảng viên luôn sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vừa là một người phụ nữ đảm đang đã một mình nuôi dạy hai người con là Lê Đăng Đương[3] và Lê Thị Em nên người. Với những cống hiến của mình, ngày 31 tháng 8 năm 1964, gia đình đồng chí Hoàng Thị Hiến đã được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Bằng Có công với nước. Ngày 14 tháng 4 năm 1983, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh cũng đã ra Quyết định số 18/QĐ/TU công nhận là đồng chí cán bộ đảng viên hoạt động lâu năm (trước tháng 8 năm 1945). Tháng 8 năm 2022, đồng chí Hoàng Thị Hiến tiếp tục được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba.
Ảnh: Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba cho đồng chí Hoàng Thị Hiến
Sinh ra và ươm mầm cách mạng trên quê hương Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, liệt sĩ Lê Đăng Thường đã sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ và trở thành một đảng viên tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Không chỉ đi đầu dậy trước trong phong trào cách mạng địa phương, Liệt sỹ Lê Đăng Thường còn là tấm gương sáng về một tinh thần kiên trung trong lao tù đế quốc. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đăng Thường và gia đình xứng đáng để mọi thế hệ học tập và noi theo./.
Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Chi bộ Đảng Cộng sản Nhà Lao Vinh ra đời vào tháng 6/1930 do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư.
[2] Không rõ thời gian kết nạp Đảng.
[3] Đồng chí Lê Đăng Đương sinh năm 1924, được công nhận là cán bộ Tiền Khởi nghĩa.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương 1930 - 1963, NXB Nghệ An, 2005;
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Ngọc Sơn (1930-2005), NXB Hồng Đức, 2015;
- Tư liệu do gia đình đồng chí Lê Đăng Thường cung cấp.