23
423
3102
20617
20962
6850024
Đồng chí Hồ Ngọc Tàng sinh năm (1896 - 1930) tại thôn Phù Lưu Thượng, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (nay thuộc xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là ông Hồ Ngọc Bát, một người nông dân hiền lành, chất phác. Mẹ là bà Nguyễn Thị Nhung, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, yêu chồng thương con.
Đồng chí Hồ Ngọc Tàng được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ nhỏ đồng chí đã sớm được tiếp cận những tư tưởng yêu nước, tiến bộ. Đến tuổi trưởng thành, với tố chất thông minh, học giỏi, hiểu biết nhiều, Hồ Ngọc Tàng đã mở lớp tự dạy học, giảng những bài thơ ca của các bậc tiền bối như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhằm tuyên truyền, giác ngộ lòng yêu nước cho học trò ở địa phương.
Năm 1927, phong trào cách mạng ở huyện Can Lộc phát triển mạnh, được sự dìu dắt của đồng chí Hoàng Khoái Lạc (người làng Đỉnh Lự, xã Tân Lộc), đồng chí Hồ Ngọc Tàng được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Ngọc Tàng, các đồng chí đã tuyên truyền giác ngộ ý thức cách mạng cho quần chúng, vận động quần chúng bãi bỏ các hủ tục mê tín dị đoan, cưới hỏi, ma chay, đấu tranh chống lại cường hào.
Tháng 4/1930, sau khi Đảng bộ lâm thời huyện Can Lộc được thành lập, chi bộ Phù Lưu Thượng đầu tiên cũng ra đời, gồm 5 đảng viên do đồng chí Hồ Ngọc Tàng làm Bí thư. Đồng chí đã cùng chi bộ Đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nhờ vậy số đảng viên không ngừng tăng thêm.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy, Tỉnh ủy về việc tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, đồng chí Hồ Ngọc Tàng tổ chức họp bàn kế hoạch đấu tranh. Sau khi phân công nhiệm vụ, các đồng chí đã nhanh chóng bắt tay vào công tác in ấn truyền đơn ngay tại gian bếp của gia đình đồng chí Hồ Ngọc Tàng.
Ngày 1/5/1930, đồng chí Hồ Ngọc Tàng và các đồng chí đảng viên đã vận động nhân dân trong làng tham gia đấu tranh, tổ chức treo cờ đỏ búa liềm tại cây đa Đỉnh Lự, rải truyền đơn ở một số làng trong tổng để vạch trần tội ác của địch và kêu gọi quần chúng ủng hộ Đảng, ủng hộ cách mạng, từ đó tiến tới vận động quần chúng nhân dân đi biểu tình, vừa thị uy, vừa đưa yêu sách đòi quyền lợi cho nhân dân.
Ngày 1/8/1930, đồng chí Hồ Ngọc Tàng chỉ đạo nhân dân Phù Lưu Thượng cùng đông đảo quần chúng các làng thuộc tổng Phù Lưu và Lai Thạch tập trung tại Truông Gió (Hồng Lộc) để nghe đồng chí Hoàng Khoái Lạc - thay mặt Ban chỉ đạo cuộc biểu tình nói rõ về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, sau đó kéo đến bến đò Hạ Vàng và khu vực huyện lỵ, tiếp tục tiến đến phía Bắc cầu Nghèn giương cao cờ Đảng và biểu ngữ, đưa yêu sách. Vừa đi, đoàn biểu tình vừa hô vang khẩu hiệu:
Đánh đuổi thực dân Pháp, giảm thuế thân và thuế ruộng đất, bỏ thuế chợ, thuế đò, chia lại ruộng đất cho nhân dân… Được tin quần chúng đấu tranh, tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã dẫn 5 tên lính lệ có súng ra đối phó. Trước uy thế dâng cao của quần chúng, tên tri huyện dùng kế hoãn binh để thuyết phục đoàn biểu tình, không dám đàn áp và ký vào bản yêu sách 10 điểm mà quần chúng đưa ra và hứa “Báo cáo lên quan tỉnh, 10 ngày sau sẽ trả lời”.
Tiếp đó, ngày 7/9/1930, cuộc biểu tình lớn thứ hai lại bùng nổ trên đất Can Lộc, đồng chí Hồ Ngọc Tàng cùng đoàn người đã gương cao cờ búa liềm, biểu ngữ, tập trung tại Truông Gió (chân Động Hàn) kéo đến đình Sóc (Phú Lộc), lên Hạ Vàng rồi tập hợp lực lượng vùng Thượng Can kéo vào huyện đường Can Lộc, với mục đích là đòi tri huyện Trần Mạnh Đàn trả lời những yêu sách như đã hứa trong cuộc biểu tình trước đó. Thấy khí thế quần chúng quá mạnh, tên tri huyện cùng bọn nha bỏ trốn, những người biểu tình đã xông vào đập phá công sở và giải thoát được một số người bị bọn chúng bắt giữ.
Noi gương tinh thần của các chiến sỹ cách mạng và hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân Bến Thủy - Vinh, tối ngày 17/9/1930, đồng chí Hồ Ngọc Tàng chỉ huy nhân dân 2 tổng Nội Ngoại và Phù Lưu tổ chức mít tinh tại Truông gió với những ngọn đuốc sáng rực cả bầu trời, tiến hành biểu tình thị uy. Một số quan lại địa phương đã hốt hoảng bỏ nhà chạy trốn. Sự kiện này càng thôi thúc nhân dân ở vùng Hạ Can nổi dậy đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn.
Giữa tháng 10/1930, Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất ở huyện Can Lộc được tổ chức ở làng Phù Lưu Thượng. Chi bộ Phù Lưu Thượng có 2 đại biểu đại diện tham dự Đại hội là đồng chí Hồ Ngọc Tàng và Hồ Thuyết. Cả 2 đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Huyện ủy Can Lộc.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh, ngày 10/11/1930, tên cai đội tù đến từ chợ Đình cùng 50 tên lính khố xanh về lùng sục khắp làng Phù Lưu Thượng và chúng vây bắt 3 anh em: Hồ Ngọc Tàng, Hồ Ngọc Bá, Hồ Ngọc Khoa.
Trên đường bị địch giải về giam tại Nhà lao Hà Tĩnh, chúng đã dùng mọi thủ đoạn, mọi cực hình tra tấn đồng chí Hồ Ngọc Tàng rất dã man để khai thác tài liệu bí mật của Đảng. Trước thái độ kiên cường, bất khuất của đồng chí, chúng không thể khuất phục được người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nên chúng đã xử bắn đồng chí ngay tại nhà riêng.
Trước mũi súng cùng với những lời mua chuộc, dụ dỗ của bọn chúng, đồng chí Hồ Ngọc Tàng đã ung dung nhắn gửi lời cuối cùng với đồng bào, đồng chí:
“Sống làm nô lệ chi cho thối
Chết với Sơn Hà rứa cũng thơm”.
Chiều ngày 11/11/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, nhân dân 2 làng Đỉnh Lự và Kim Chùy với gần 500 người đã tổ chức lễ truy điệu đồng chí Hồ Ngọc Tàng, người đảng viên đầu tiên của quê hương Phù Lưu Thượng.
Với những đóng góp to lớn của mình trong phong trào giải phóng dân tộc, đồng chí Hồ Ngọc Tàng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng bằng Tổ Quốc ghi công theo Quyết định số 151/TTg ngày 19 tháng 4 năm 1961. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hồ Ngọc Tàng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập, phấn đấu và noi theo./.
Ths. Hồ Thị Hải Liễu
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
Lịch sử Đảng bộ huyện Lộc Hà, NXB Chính trị quốc gia, năm 1993
Lịch sử đảng bộ xã Hồng Lộc (1930 - 2010), NXB Văn hóa TT - Hà Nội 2011
Lời kể, tư liệu của gia đình ông Hồ Ngọc Phượng. Cháu nội đồng chí Hồ Ngọc Tàng