Lê Xuân Đào (1903-1932)

Tác giả: admin
Ngày 2009-04-22 07:11:09

Lê Xuân Đào húy là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, sinh năm Quý Mão (1903), là con của ông Lê Quyến và Bà Hoàng Thị Chí. Cả hai ông bà cùng ở làng Phù Xá, tổng Phù Long nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. 

Làng của anh nằm cạnh đê 42, sát bờ sông Lam. Chợ Vực nằm ở phía ngoài cổng thôn, sát mé đê, nơi đầu mối của con đường làng huyện. Đường băng qua các tổng Thông Lãng, Hoàng Cần mà ra Thái Lão, gặp đường quốc lộ 46- Vinh Đô Lương. Lối đê trước ngõ nhà anh đi ngược lên là Xuân Liễu, Xuân La rồi thẳng đến Đan Nhiễm, làng quê của Phan Bội Châu, thêm một thôi đường nữa, ấy là Sa Nam. Từ Chợ Vực, theo mặt đê đi xuống băng qua đường xe lửa có ga Yên Thái, thẳng xuôi, ta sẽ qua Lam Thành, Ngã ba Chợ Tràng rồi gặp Quốc lộ số 8, là con đường nối Vinh với Thà-Kẹt (Lào). Phía trên sát Phù Xá là làng Long Cù có phần nằm ngoài bờ đê, chòi ra như một bán đảo. Nơi ấy có Chợ Đón. Các thuyền buôn xuôi ngược đều neo đậu ở đấy để trao đổi hàng hóa. Như thế, làng quê của Lê Mạnh Thân nằm trên một dải đất ven sông, là nơi trù phú và cận tiện thông thương nhất vùng. Ở vào vị trí ấy, việc ngược ngàn, xuôi biển vào Nam ra Bắc là cận tiện và rộng mở đối với nhiều bậc đàn ông. Còn các bà, các chị thì buôn hàng xén, hàng tấm, vải vóc, tơ lụa, hết chợ gần đến chợ xa, giao lưu rộng rãi. 

Ruộng đất là tư điền thổ của làng anh chủ yếu nằm phía trong đê, diện tích không lớn nhưng đều là loại nhất nhị đẳng, do tầng lớp địa chủ, phú hào nắm giữ. Lớp dân là Bạch đinh như ông Lê Quyến thì chỉ được cày đất công, cũng là do làng cấp. Đấy là số đất nằm trên một bãi nổi lên giữa sông, tức dải cù lao, cùng chung phần với Long Xuyên và Mai Sơn, là các làng ở hữu ngạn sông nhưng cũng thuộc tổng Phù Long. Diện tích soi bãi không có nhiều lại chỉ gieo vãi được vào vụ chiêm, dân thì đông, phải là đàn ông từ 18 tuổi trở lên mới được chia loại đất như vậy và nó thường được gọi là phần làng. Cùng với việc được chia ruộng là phần phải nộp sưu thuế, gánh vác lao dịch. Vả lại muốn sang canh tác ở bên đó thì ngưòi cày ruộng phải qua đò. Cây trồng lại luôn luôn bị sóc đe dọa, không mấy năm tránh được nạn lũ tiểu mãn. 

Gia đình ông bà Quyến có 5 ngưòi con. Với tình cảnh như vậy, hoa lợi từ đất làng chia không sao nuôi nổi chừng ấy miệng ăn. Nên từ lâu ông Quyến đã phải đi chống bè thuê cho các chủ buôn gỗ. Một hôm ông nói với bà: “Tôi cố công làm và gắng dành dụm để có thể tạo được vài thửa ruộng trong đê, có ruộng rồi ra sức chăm bón may chi mới nuôi nổi các con”. Bà mưa nắng ngoài đồng cũng như ông sóng nước trên sông đều là vất vả. Công việc chạy bè thuê, từ nhà ra đi, hết đường sông lại len lỏi bìa rừng, mỏm núi để đón gỗ từ đầu nguồn, rồi kết thành mảng theo đường khe đưa ra bến rồi mới kênh thành bè, gỗ nằm dưới, bương lùng phía trên ràng rịt lấy nhau để khi gió đẩy, nước xô cũng không xiêu, không rã. Muốn thế người thợ bè phải rộp phồng cả hai bàn tay. Từ đó phải qua nhiều chặng lên thác xuống ghềnh mới đưa được bè về xuôi. Khi có trận mưa to ở thượng nguồn, lũ lụt dồn về gặp nơi sông uốn khúc những cột nước dâng cao rồi uốn khúc nhấn chìm hết cả mảng bè, con người không còn một mảnh áo khô. Gạo muối, củi đóm cũng ướt sạch. Nhịn đói rồi dầm mưa, dãi nắng, chờ đến bến có người rồi mới lên trao đổi, nhóm lửa nấu cơm. Còn tiền công thì khi bè về đến bến nhà, chủ cho đếm từng khúc gỗ, từng cây nứa rồi mới chịu trả tiền công. Khổ nhục là thế nhưng ông Quyến vẫn siêng năng, chịu đựng để theo đuổi mục đích mà vợ chồng đã bàn định. Và nhờ sự bền gan chắt lót trong nhiều năm như vậy của hai ông bà, họ dành trữ được hơn 100 đồng bạc (tiền Đông Dương) đem mua được hai mẫu ba sào ruộng loại tốt. (Theo Hồi ký của ông Võ Trọng Ân, kể năm 1968) 

Về phần Lê Mạnh Thân, khi nhà chưa có thêm ruộng, anh chỉ được theo học chữ Nho ở trong làng. Anh học tỏa và có trí nhớ tốt, đã đọc được sách Tam quốc chí từ nguyên bản chữ Hán. Đọc xong thiên nào anh kể lại đầy đủ cốt truyện của thiên ấy và nhận xét khá tinh tế về từng nhân vật trong truyện. (Theo Hồi ký của ông Võ Trọng Ân, kể năm 1968. ). Bấy giờ, cùng vớí các lớp học chữ Hán tại các thôn làng, ở tổng đã mở các lớp thuộc bậc Sơ học của trường Pháp - Việt. Lúc lên 10 tuổi thì Thân được theo học ở đấy. Sau đó đỗ Tuyển sinh thì cũng là lúc ruộng nhà mình có thu hoạch khi cuộc sống gia đình có khấm khá hơn thì Lê Mạnh Thân được cha mẹ cho xuống Vinh theo học lớp Nhì, thuộc phần cao hơn của trường Pháp - Việt (Bậc tiểu học xưa gồm 6 năm, từ lớp Năm đến lớp Nhất, trong đó có hai năm lớp Nhì) Thân học chăm và chơi cũng hăng. Bóng đã, tổ tôm anh đều thành thạo và nhiều lúc tỏ ra nổi trội hơn trong đám bạn bè. Những công việc do tập thể học sinh đề ra anh đều làm một cách không nề hà nên được bạn bè kể cả anh em thuộc tầng lớp trên cảm mến. Càng lớn Thân càng có vóc dáng cao lớn, săn chắc. Đôi mắt sáng tinh anh nhưng tính ít nói, thích trầm lặng như sớm dấu những nỗi niềm tư lự. Với trí thông minh nổi trội và tính ham học hỏi đến nơi đến chốn của Thân, ai cũng tin rồi anh sẽ đỗ đạt cao và dễ đắc dụng trong ngạch công chức. Nhưng khi Thân vừa lên lớp Nhất thì bà Chí, mẹ của anh qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông Quyến bấy lâu lao lực quá gắng nay gặp cảnh người vợ đột ngột ra đi, sức khỏe bị giảm sút nhiều nên ít tháng sau, ông cũng mất. Bố mẹ không còn nữa Thân phải trông nom, nuôi nấng bốn người em: hai trai, hai gái. Trước cảnh hoạn nạn côi cút ấy, ai cũng nghĩ nếu không có một sự hỗ trợ nào thì Thân không thể nào tiếp tục công việc bút nghiên được nữa. Có người bà con ở ngoài tỉnh ngỏ ý muốn tạo điều kiện cho anh học tiếp, ít ra cũng đỗ cái Xéc-ti-phi-ca (Giấy chứng nhận đỗ kỳ thi hết bậc Tiểu học, thường gọi là bằng Pri- me) để có thể xin làm một chân thầy ký thì Lê Mạnh Thân nói: “Tôi muốn đi chống bè thuê ít lâu để hiểu thêm công việc của bố mình trước đây”. Rồi Thân xuống bến thay chỗ do cha mình bỏ lại. Các chú, các anh giỏi chèo chống đã không ngờ trước sự mau thành thạo trong việc cạy bát, bè bơi của Thân. 

Làm công việc đơn thuần chở bè nhưng Thân là người có học. Chủ buôn gỗ là Vĩnh Dụ thì rất giỏi khai thác năng lực của kẻ làm thuê nên không lâu ông ta chuyển anh lên bờ giữ chân tài công, như là thư ký, ghi chép sổ sách, tính toán kho quỹ, vật tư, lao động, tiền nong. Vĩnh Dụ là một tay chủ lớn, ngoài bến Chợ Vực ra còn có nhiều bãi gỗ khác. Một thời gian thấy Thân có năng lực tốt thì muốn đưa anh đến một nơi có nhiều khách hàng hơn nhưng Thân không đi vì anh muốn ở gần nhà để tiện giúp đỡ các em. 

Bấy giờ nhà ông Trương Bích cũng đã giàu lên và cũng buôn gỗ, bèn mời Thân sang giúp cho mình. Thân đã nhận lời. Tất nhiên là qua việc đó giữa Vĩnh Dụ và Trương Bích có dẫn đến mâu thuẫn nhưng sau Vĩnh Dụ nhận ra: Trương Bích là con cô mà Thân là cháu cậu thì ông ta cũng phải chịu. Còn với Lê Mạnh Thân thì khi về giúp việc ở nhà Trương Bích cũng như trước kia làm cho Vĩnh Dụ, mọi việc anh đều xử lý phân minh, kịp thời. Đối với những ngưòi làm công, khi không may có một buổi bị đau hay gia đình gặp cảnh đột xuất phải vắng mặt thì anh vẫn ghi công cho họ trọn ngày. Về tiền công, anh trình sổ sách đúng hạn để chủ chi trả kịp thời cho ngưòi lao động. Cảnh bè bơi, buôn bán, trên chợ, dưới thuyền, người lao động làm ăn đông như khách giang hồ, cờ bạc, nghiện hút cũng lắm. Lê Mạnh Thân thì cái gì cũng hay, tổ tôm, cờ tướng rất sành. Ai cũng sợ con ngưòi đa tài ấy dễ sa ngã nhưng anh quả là kẻ có chí, luôn tự chủ để tránh xa những môi trường không lành mạnh. Võ Trọng Ân, người cùng làng, lớn tuổi hơn có ý theo dõi để dò biết chí hướng của Thân. Anh nói với Ân: “ Cố Ngoét Đài cũng là người họ Võ nhà ông, chẳng phải cố đã cùng Vương Thúc Oánh, Võ Trọng Cánh đưa các anh Lê Duy Doãn, Phạm Đài, Nguyễn Văn Nghiệm ( Tức Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng) đi xuất dương đó sao. Đến lượt ông, ông cũng đang lo công việc đó. Thế chẳng lẽ một người trai tráng như tôi lại chịu luẩn quẩn để suốt đời nhận cái khoản tiền công làm thuê qua ngày, đoạn tháng thế này sao.!” (Theo Hồi ký của ông Võ Trọng Ân, năm 1968). Từ lâu, các bạn bè của Thân đã nói với Võ Trọng Ân rằng, anh ấy không phải là con người sinh ra để chịu sống trong vòng trói buộc. Ít lâu sau, ông Ân gặp và trao cho Lê Mạnh Thân một thẻ căn cước mang tên là Lê Xuân Đào với lời hẹn về ngày giờ và địa điểm lên đường ra đi nước ngoài. 

Bấy giờ Lê Xuân Đào đã lập gia đình. Sau khi bố mẹ qua đời thì vừa đến tuổi 16 Đào phải cưới vợ để lo việc nhà. Chị là Trần Thị Giai, người làng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ (nay là xã Đức Châu, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đó là một người phụ nữ hiền thục, đảm đang, dốc một lòng vì gia đạo nhà chồng. Chị coi các chị gái và em chồng như em ruột. Hai em trai của Đào là Tấn và Cương đã lớn thêm, biết cày bừa, quản lý ruộng nương, vườn tược. Các chị gái Bui và Như bắt đầu lo được cơm nước chợ búa, giặt giũ. Họ yêu thương yêu đoàn kết, cùng chăm lo mọi công việc gia đình. 

Đoàn xuất dương trong đó có Lê Xuân Đào ra đi vào cuối tháng 9 AL, tức giữa quý 4 năm 1923, là dịp đã cơ bản hết đi những trận mưa lớn trên rừng. Họ đi đò dọc từ Vinh rồi ngược lên mà rẽ vào sông La, qua Tam Soa, không theo sông Ngàn Phố như những người đi trước đó, vì nghĩ rằng lối ấy đã bị lộ, nên họ ngược Ngàn Sâu để băng qua Động Trìm, Động Trẹo. Sang đến đất Xiêm thì có Đặng Thái Thuyến và Hồ Tùng Mậu tới đón về bản Mạy, huyện Pít-xa-nu-lôc tỉnh Phi Chịt. Tại đấy, lớp của Đào được cụ Đặng Thúc Hứa trực tiếp phụ trách. Hình thức là vừa phát rẫy làm nương vừa học tập. Nội dung huấn luyện là các tài liệu, các bài ca cổ vũ tinh thần ái quốc, ái quần. Phần bí mật là truyền đạt kế hoạch, nội quy để đảm bảo an toàn cho chặng xuất dương tiếp theo, tức sẽ đi qua Quảng Châu (Trung Quốc). Nhưng khi lớp học ở đấy kết thúc thì tiếng bom của Phạm Hồng Thái từ Sa Điện dội về thúc dục những người cách mạng ở trong nước phải có hình thức hoạt động thích hợp để hưởng ứng. Bởi vậy, được tổ chức chỉ định, Lê Xuân Đào trở về Nghệ - Tĩnh để cùng gây dựng cơ sở mới. Cũng sau tiếng bom Sa Điện, thựcdân Pháp cho tay chân của chúng kiểm soát rất gắt gao đối với những ai ở nơi xa mới về. Lê Xuân Đào mượn cớ là bấy lâu lo ngược ngàn mua gỗ cho chủ nên chúng không làm được gì. Anh ngầm lo tổ chức Nghiệp đoàn trong những người làm công, lập nhiều tổ Ái hữu trong bà con dân cày, các chị em cùng buôn bán. Anh vận động trai tráng trong làng khơi dậy cuộc đấu tranh của phe Hộ chống phe Hào; đòi quân cấp công điền thổ và chống phù thu lạm bổ về sưu thuế. Các hoạt động như vậy ở một địa phương có nhiều dân thợ và dân buôn như Phù Xá thì đã dễ dàng hòa nhập với phong trào đấu tranh chống cúp phạt, đòi tăng tiền lương, bớt giờ làm của công nhân thành thị. Chính nhờ có sự hỗ trợ của các vùng nông thôn phụ cận như vậy nên phong trào thợ thuyền ở Vinh – Bến Thủy có thêm sức mạnh mà phát triển các phường hội của ngưòi lao động để dẫn đến việc thành lập tổ chức Phục Việt (14/7/1925). Rồi ngay sau đó, Lê Xuân Đào lo xúc tiến việc thành lập tổ chức ấy trên quê hương mình. 

Khi công việc đang tiến hành một cách thuận lợi thì trong làng xẩy ra chuyện Võ Trọng Ân và Lê Xuân Đào bị bắt. Thực dân Pháp cho bắt Võ Trọng Ân thì dễ hiểu, vì ông đã đưa nhiều thanh niên xuất dương và hiện đang là cán bộ cốt cán của Hội Phục Việt ở địa phương. Còn Lê Đào anh này là một nông dân gần như không biết chữ, chỉ lo cày cuốc nuôi vợ con. Té ra đáng bắt Lê Xuân Đào thì chúng lại bắt nhầm ra Lê Đào. Còn đối tượng chúng định bắt thì hôm đó đang bị ốm. Khi chúng trở lại bắt trúng anh, cho trói lại giải xuống Vinh thì Lê Đào vẫn còn ngồi khóc và liền được thả ra. (Theo Hồi ký của ông Võ Trọng Ân năm 1968). Chúng giam riêng Lê Xuân Đào ra một nơi. Qua hàng chục lần tra hỏi và lấy khẩu cung, anh chỉ vẫn một mực nói: “Tôi cha mẹ mất sớm phải lo ngược xuôi chống bè thuê để kiếm tiền nuôi gia đình, không biết gì về điều các ông hỏi”. Cuối cùng chúng quy tội “Xuất dương mà không có giấy phép của Tòa Khâm sứ” rồi giam anh thêm 3 tháng nữa. Khi anh được thả ra thì đã hết quý 3 năm 1927. Anh lại phải cùng các đồng chí khác lo gây dựng lại cơ sở của Hội Phục Việt, lúc đó tổ chức này đã đổi là Đảng Tân Việt. 

Quả là ỏ một địa phương, nơi đường sắt băng qua đê 42, cũng là nơi để tiếp giáp với các miền: Vinh - Phù Thạch - Nam Đàn - Thanh Chương này đang cần có những con người như Lê Xuân Đào. Vì Vinh- Bến Thủy nằm trong phủ Hưng Nguyên. Phủ lỵ đặt sát đất Cửa Nam của thị xã. Đường quốc lộ 46 từ Vinh qua Thái Lão để đi Sa Nam, ngược Đô Lương gần như chạy song song với đê 42, kẹp lấy đại bộ phận đất đai và cư dân của phủ. Dọc tuyến đê 42, sát bờ sông cứ cách một quãng không xa lại có một đồn binh và lính khố xanh đóng giữ, nào đồn Yên Thái, đồn Xuân Liễu, đồn Xuân La, đồn Đông Sơn (bên kia sông)… Không có những con người gan góc, nhanh nhẹn thì không thể lãnh đạo được phong trào quần chúng ở đây. Ở Lê Xuân Đào, bề ngoài dản dị, ngó bộ xuề xoà nhưng bên trong thì rất sắt đá. Đã định ra một công việc gì mà thấy hợp lý là quyết tâm làm cho kỳ được; Anh thường nói với các bạn cùng chí hướng: Phù Long không thể nằm im. Phù Long phải là một điểm sôi động của phong trào. 

Biết rằng về đối sánh lực lượng giữa ta và địch thì dấy lên một cuộc đấu tranh ở nơi này là rất khó, nhưng Lê Xuân Đào quyết thực hiện cho kỳ được Chỉ thị của cấp trên là sau ngày thành lập Đảng (3/2/1930) là nơi đây phải có tổ chức đoàn thể, phải có phong trào quần chúng. Nhiều đồng chí tỏ ra lo lắng sợ không gây dựng nổi lực lượng. Anh giải thích: Nhân dân hai bên bờ sông Lam ở đây, kể cả vùng bắc Đức Thọ, đời đời sống chủ yếu là nhờ vào ruộng đất công, mà công điền thổ là loại tư liệu sản xuất luôn bị bọn cường hào, địa chủ, dựa vào đế quốc Pháp và Nam triều để chấp chiếm. Thời nào đồng bào ở đây cũng hăng hái đứng lên chống thù trong giặc ngoài nhưng chưa có một lãnh tụ nào đứng ra lo giải quyết vấn đề ruộng đất cho bà con, nên khi xong loạn lạc là niềm tin ở họ vụt tắt. Nay Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tịch thu ruộng đất do địa chủ chiếm giữ chia cho dân cày, và miễn sưu, giảm thuế, ta phải đề cao khẩu hiệu đó để kêu gọi đấu tranh. Khi quần chúng đã nhận ra lợi ích chính đáng và thiết thực của mình thì họ sẽ vùng lên mạnh mẽ và lập nên chiến công to lớn. Thực hiện ý định đó, trong khi chưa đủ điều kiện để xây dựng Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên, Lê Xuân Đào ra sức vận động thành lập tổ chức Đảng ở địa phương minh. Sau một quá trình vận động, một Chi bộ Đảng gồm đảng viên thuộc hai tổng là Phù Long của Hưng Nguyên và Tổng Nam Kim của Nam Đàn được thành lập do Lê Xuân Đào, bí danh là Giang, làm bí thư và hai chi ủy viên là Nguyễn Thị Phia người làng Trung Cần, bí danh là Lam, và Nguyễn Hữu Nhượng, người làng Dương Liễu, bí danh là Trúc. 

Dựa trên cơ sở đó, sau các cuộc biểu tình toàn huyện: Nam Đàn 30/8/1930 và Thanh Chương 1/9/1930, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định phát động tiếp một cuộc đấu tranh lớn ở Hưng Nguyên nên đã phái một số cán bộ đảng viên và công nhân về giúp đỡ để cùng tổ chức quần chúng, in truyền đơn, tập diễn thuyết nhằm tiến tới ngày đó, và một cuộc biểu tình với nội dung, quy mô chưa từng có đã được phát động vào ngày 12/9/1930. Bộ ba Lam – Giang – Trúc và các đảng viên trong chi bộ ghép nói trên là bộ phận tham mưu cốt yếu để huy động các tầng lớp nhân dân, đầu tiên là thuộc hai tổng Phù Long, Nam Kim và cả vùng làng Đào, Thịnh Quả, quê vợ của Lê Xuân Đào cũng có ngưòi tham gia vào cuộc đấu tranh lưu huyết vang dội này. 

Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu nhưng đã là một mốc son đi vào lịch sử, sau đó được chọn làm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong một bức thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Hiện nay ở một số làng đỏ, Xô-Viết nông dân đã được thành lập”. Xô - Viết nông dân là một hình thức chính quyền ở nông thôn trên cơ sở liên minh-công nông-binh dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng: Đảng cộng sản Việt Nam. Nó làm tiền đề cho công cuộc xây dựng chính quyền Dân chủ nhân dân và những con người như Lê Xuân Đào đã là hạt nhân xây dựng nên các Xô-Viết nông dân ngày ấy. 

Sau cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930, Lê Xuân Đào cùng đồng chí Lê Doãn Sửu do Tỉnh ủy phái về đã vận động các cơ sở Đảng trong phủ để thành lập Phủ ủy Lâm thời Đảng bộ phủ Hưng Nguyên. (Ban chấp hành lâm thời phủ ủy Hưng Nguyên do Võ Trọng Nhỏ làm Bí thư). Xong công việc đó, Lê Xuân Đào được Trung ương Đảng điều động bổ sung vào Ban Tài chính Xứ ủy Trung Kỳ, giữ chức trưởng ban. Bấy giờ ở quê nhà, bà con trong thôn xóm lấy tên đứa con trai đầu của Lê Xuân Đào mà gọi anh là Chắt Lũ (Lũ là tên hồi mới sinh của Lê Văn Ký con đầu lòng của Lê Mạnh Thân. Ký mất lúc 18 tuổi). Và từ đây các đồng chí trong đoàn thể thường gọi anh theo cái tên đó. Để mở rộng mạng lưới gây quỹ hoạt động cho Đảng, Lê Xuân Đào mời cả một số thân sỹ, trí thức cộng tác, như nhà nho Đầu xứ Nguyễn Ngô Dật cùng tham gia. Cùng với việc phân công cho các thành viên trong tổ chức cùng lo, với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí, tự Lê Xuân Đào, anh đã đi đến nhiều nơi vận động được nhiều tiền của và vũ khí cho đoàn thể. Hoàng Thị Tích, người làng Phú Mỹ là giao thông viên của Ban Tài chính Xứ ủy đã hai lần được Lê Xuân Đào cử đi nhận các khoản kinh phí đã quyên góp được ở cùng một vùng dân cư. Ví dụ như: Ngày rằm tháng chín năm Canh Ngọ, nhận từ Lê Quang Duyệt ở Yên Dũng Thượng 300 đồng (Bạc Đông Dương) và 3 khẩu súng ngắn. Ngày 2/6/1931 nhận ở một công nhân tên là Quê (người Bắc), ở sau rú Quyết, số tiền 2500 đồng và 2 khẩu súng (Hồi ký của Hoàng Thị Tích, 1968). Nhờ thế ngoài chi phí cho những hoạt động thiết yếu của cơ quan Xứ ủy, việc bồi dưỡng, trợ cấp cho các gia đình và cá nhân bị nạn trong đấu tranh, cơ quan Tài chính cũng đã giải quyết một cách kịp thời. Nhà có người hy sinh, ngoài kinh phí mai táng còn được cấp 20 đồng, người bị thương trong đấu tranh cũng được quỹ trợ cấp 10 đồng… 

Có lần, Lê Xuân Đào cùng Bùi Hải Thiệu, người Phố Đông (tổng Nam Kim) đến quyên tiền ở nhà Hương Giai (tại Hưng Nhân, Hưng Nguyên). Công việc bị lộ. Các anh phá vòng vây chạy ngược lên. Đến ga Yên Xuân, nhân lúc tàu hỏa đang lấy khách, Chắt Lũ vớ ngay cái đòn gánh của một chị bán cá trao cho Thiệu. Thiệu ngoắc tay nải vào đó rồi đủng đỉnh bước lên toa xe. Còn Lũ thì với bộ quần áo bà ba màu đất, anh chui qua gầm tàu mà sang phía bên kia rồi hòa mình vào dòng người đang từ ga về chợ. Thế mà bọn lính đuổi theo các anh bị mất hút tăm hơi. 

Địch tăng cường đàn áp, nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh, bị giam cầm, công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn. Xứ ủy lại phải cử Lê Xuân Đào về bổ sung và Ban lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An. Đó là khi cơ quan từ Giang Sơn ( nay thuộc Đô Lương) đã phải tránh lên Cao Vều, vùng núi phía Tây của tỉnh, nơi giáp ranh giữa hai huyện Thanh Chương, và Anh Sơn. Tuy đã về tỉnh nhưng khi Xứ ủy có khó khăn về tài chính mà cần đến anh lại được phái về. 

Thời gian tại cơ quan Tỉnh uỷ, ở rừng lâu ngày, vì bọn địch lùng ráp rất dữ dội, điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, không may Chắt Lũ bị đau, thể lực anh giảm sút. Có buổi cơ quan chuyển đến Bãi Gia, dưới chân Lèn Kim Nhan, Chắt Lũ cứ đi được một đoạn lại bị ngã. Không có thuốc, các đồng chí Tôn Thị Quế, Nguyễn Công Tá phải ngắt đọt cây hèo (cùng loại với mây, song) vắt lấy nước để Lũ điều trị. Uống xong, hơi đỡ một chút, anh lại tiếp tục đi. Tuy thế mọi công việc anh đều lo trước tính sau, sắp xếp đến nơi đến chốn. Có lúc anh em trong cơ quan phải ăn củ nâu và rau rừng trừ bữa, nhưng bột gạo nếp dùng để thay thạch in tài liệu thì không bao giờ anh để thiếu. Nhờ có các anh mà những ngày phong trào bị đàn áp khốc liệt nhất, Tỉnh ủy Nghệ An vẫn giữ được mạch máu liên lạc với các cơ sở cấp trên. 

Ngày 21/3/1932,Lê Xuân Đào về xuôi để dự Hội nghị do Xứ ủy triệu tập. Bấy giờ, các nẻo đường quen thuộc đều đã bị kẻ địch ngáng chặn, bủa vây. Anh phải tự lần ra lối đi mới bằng cách xuyên qua các làng. Đêm 24/3/1932 anh về đến Hưng Nguyên, vào ẩn trong một ngôi chùa ở Đôn Nhượng (sau này thuộc xã Hưng Đạo), thì không may có kẻ phản bội rình riết rồi báo cho bọn mật thám và Tây đồn. Chúng huy động lính đến bọc bắt anh. Biết không thể thoát khỏi, Lê Xuân Đào đã rút súng ngắn chống lại. Khi bọn địch biết trong túi anh đã hết đạn nhưng chúng vẫn sợ, không dám đến bắt nên đã hèn nhát nổ súng giết chết anh. 

Lê Xuân Đào mất đi là một tổn thất lớn của Đảng ta, cụ thế là Tỉnh Đảng bộ Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ. Nhưng tấm gương sáng của một con ngưòi đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình tại Thái Lão 12/9/1930 bất tử trong lịch sử dân tộc và tạo lập nên Xô Viết nông dân, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa là vĩnh viễn trường tồn. Nó đã thúc đẩy, làm cho các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ.

Chu Trọng Huyến

Video