8
578
1304
3771
0
6854960
Đồng chí Lê Bảng sinh năm 1905 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà), Tỉnh Hà Tĩnh. Sớm mồ côi cha mẹ, phải sống cùng người bác họ, lớn lên giữa vùng quê nghèo hằng ngày chứng kiến cảnh lầm than cơ cực, nên ngay từ thưở nhỏ cậu bé Lê Bảng đã chịu thương, chịu khó và thấu hiểu hoàn cảnh của những kiếp người nô lệ, lầm than.
Năm 1925-1927, tại Can Lộc cơ sở của các tổ chức yêu nước như Hội Hưng Nam, Hội Thanh Niên đã được thành lập và hoạt động mạnh mẽ nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng đấu tranh với cường hào, đòi chia ruộng đất cho dân cày.
Đến cuối năm 1929, ở Can Lộc đã có 5 tổ chức cơ sở của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, gồm: Hữu Ngoại, Đỉnh Lữ, Cải Lương, Trảo Nha, Yên Tràng(1). Riêng xã Hồng Lộc có 12 thành viên tham gia tích cực gồm: Hồ Ngọc Tàng (tổ trưởng), Lê Bảng, Hồ Nhuệ, Bùi Vinh, Hồ Phối, Phạm Triển, Phan Tớn, Cù Khản, Cù Điệt, Nguyễn Tánh, Nguyễn Vượng, Trần Toán.
Sau khi Tỉnh Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh ra đời (tháng 3/1930), đến tháng 4/1930 Đảng bộ huyện Can Lộc cũng nhanh chóng được thành lập. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hồng Lộc, Can Lộc đã cùng với nhân dân các huyện trong tỉnh Hà Tĩnh vùng dậy đấu tranh, làm nên một Xô viết Nghệ Tĩnh long trời chuyển đất.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Huyện ủy Can Lộc nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), ở một số nơi trong làng Phù Lưu Thượng, Thượng Yến đã treo cờ Đảng và rải truyền đơn vạch tội ác của địch và kêu gọi quần chúng đấu tranh.
Cuối tháng 7/1930, Huyện ủy Can Lộc chủ trương vận động quần chúng nhân dân đấu tranh nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (ngày 1/8), biểu tình kéo tới huyện đường đưa yêu sách, đòi miễn giảm sưu thuế, chia lại công điền. Ngày 1/8/1930, cuộc biểu tình đầu tiên của đông đảo nhân dân trong toàn huyện đã diễn ra tại Can Lộc, riêng Hồng Lộc có hơn 500 người của 3 làng Phù Lưu Thượng, Thượng Yến và Đại Lự. Đây là cuộc biểu tình lớn của nhân dân Can Lộc với sự tham gia đông đảo của nhân dân Hồng Lộc và bước đầu giành được thắng lợi. Tiếng vang của cuộc biểu tình nhanh chóng lan truyền khắp các huyện trong tỉnh.
Sau cuộc biểu tình, Ban chấp hành Nông hội được thành lập, gồm có: đồng chí Lê Bảng, Nguyễn Kỳ, Hồ Thân, Hồ Dụ. Đồng chí Hồ Thân được cử làm Bí thư, Nguyễn Kỳ trong ban cổ động, còn Lê Bảng được phân công trong ban tổ chức phụ trách công tác tài chính.
Đầu tháng 9/1930, Huyện ủy Can Lộc chủ trương tổ chức biểu tình toàn huyện, kéo đến chất vấn tri huyện Trần Mạnh Đàn chậm trễ trong việc trả lời yêu sách của cuộc biểu tình ngày 1/8/1930. Ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân của 5 tổng Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài Khê, Nga Khê và Lai Thạch mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, rầm rộ từ các ngả đường kéo về huyện lỵ. Thực dân Pháp đã cho binh lính đến đàn áp cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân.
Sau cuộc biểu tình, phong trào cách mạng của nhân dân Can Lộc ngày một lên cao. Trong thời gian này, đồng chí Lê Bảng tham gia trong Ban chấp hành Nông hội và được giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc cho huyện. Nhận nhiệm vụ mới hết sức khó khăn, nguy hiểm bởi huyện Can Lộc nơi có phong trào đấu tranh mạnh, địch thường xuyên khủng bố gắt gao, mật thám lùng lục khắp nơi để bắt bớ những cán bộ lãnh đạo cốt cán của Đảng và những người tham gia đấu tranh, nhưng đồng chí Lê Bảng đã luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao phó và tin tưởng.
Với những hoạt động tích cực, sôi nổi của mình, tháng 8/1930, đồng chí Lê Bảng được kết nạp Đảng, đồng thời được phân công trong Ban tuyên truyền và tổ chức quần chúng. Thời gian này phong trào đấu tranh lên rất mạnh. Đồng chí đã đến từng nhà dân kêu gọi, vận động, đồng thời vạch tội ác của thực dân phong kiến và bè lũ tay sai. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra.
Ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng Mười Nga, cùng các địa phương khác, nhân dân 3 làng Phù Lưu Thượng, Thượng Yến và Đại Lự tổ chức biểu tình với hơn 2.000 người tham gia. Liên tiếp các cuộc đấu tranh nổ ra ở Đồng Độ (Thụ Lộc), Trương Vùn, Ngọc Mỹ, Chợ Eo, Hạ Yến… Với sự nhanh nhạy và kiên quyết, đồng chí Lê Bảng đã cùng với quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào đấu tranh trong toàn xã.
Sang đầu năm 1931, cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức quần chúng được xây dựng và củng cố như: Nông hội đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên cộng sản đoàn, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ…
Thời gian này đồng chí Lê Bảng được giao nhiệm vụ phụ trách hội Cứu tế đỏ, thành lập hợp tác mua bán, có nhiệm vụ vận động quần chúng đóng góp nguyệt phí để mua mắm, muối, vải giấy bán cho nhân dân nhằm tập hợp lực lượng sản xuất, tránh lãng phí nhân lực, khỏi tập trung vào việc chợ búa….
Để đối phó với phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, ngoài việc dùng súng đàn áp trực tiếp vào cuộc biểu tình, thực dân Pháp còn tăng cường truy lùng bắt bớ cán bộ, đảng viên, nhất là những nơi phong trào phát triển mạnh. Tháng 8/1931, đồng chí Lê Bảng sa vào tay giặc. Mặc dù bị đánh đập, tra tấn dã man, thế nhưng đồng chí Lê Bảng vẫn cắn răng không khai.
Tháng 9/1931, Lê Bảng bị đưa vào giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Lúc bấy giờ nhà lao Hà Tĩnh chật ních tù nhân với chế độ giam giữ khắc nghiệt. Các đồng chí bị cùm chân phải nằm trên tấm ván bằng gỗ lim dày, lạnh buốt. Buổi sáng, mỗi tù nhân chỉ được mở cùm 2 hoặc 3 phút để đi vệ sinh, hễ ai chậm là bị đánh. Mỗi ngày các đồng chí chỉ được 2 vắt cơm bằng gạo mốc trộn với trấu, thức ăn là mắm thối đã có dòi, rau đã úa, uống nước đục và hôi. Trong lúc ăn cơm, hễ ai to tiếng đều bị đánh đập giữa lúc ăn. Bất phân tội nặng nhẹ, các đồng chí khi bị bắt vào nhà lao đều bị đánh đập hết sức tàn bạo, với những cực hình tra tấn thời trung cổ hòng lấy lời khai. Trước chế độ khắc nghiệt đó, Chi bộ Nhà lao Hà Tĩnh đã lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh với nhiều hình thức. Đồng chí Lê Bảng đã cùng các bạn tù tích cực tham gia đấu tranh.
Mặc dù bị đánh đập, tra tấn, bị giam cầm với chế độ khắc nghiệt nhưng với ý chí kiên cường và niềm tin vào Đảng, đồng chí Lê Bảng và các anh em tù nhân đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Anh chị em thường lấy nền nhà, tường nhà lao, gầm nằm của mình làm bảng viết để học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ. Người biết nhiều dạy cho người chưa biết. Nhiều đồng chí khi vào tù chưa biết đọc biết viết, những sau khi ra tù đã đọc thông viết thạo.
Tháng 2/1932, thực dân Pháp đưa đồng chí Lê Bảng vào giam tại Kỳ Anh. Tại đây, đồng chí Lê Bảng đã tiếp tục cùng với các đồng chí đảng viên khác đã họp nhau lại tìm cách tổ chức anh em đấu tranh với địch. Đến tháng 12/1934, đồng chí Lê Bảng và một số đồng chí được trả tự do. Về nhà đồng chí tiếp tục hoạt động…
Đầu tháng 4/1937, tại nhà đồng chí Trần Cận ở Tiền Lối, Hội nghị thành lập Huyện ủy lâm thời Can Lộc được tiến hành.bvHội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Huyện ủy mới gồm 3 đồng chí do đồng chí Trần Cận làm Bí thư, đồng thời thống nhất chủ trương tổ chức lại các Chi bộ đảng; chọn cán bộ cốt cán để xây dựng các đoàn thể quần chúng, lập các Hội ái hữu hướng dẫn nhân dân đấu tranh, đòi quyền dân sinh, dân chủ từ thấp đến cao. Đồng chí Lê Bảng tham gia tích cực trong Hội ái hữu, cùng với các đồng chí khác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, tổ chức đời sống; đồng thời hỗ trợ nhân dân đấu tranh với hào lý địa phương đòi giảm sưu, giảm thụ phu, đòi lại ruộng đất…
Sang năm 1939, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai càng đến gần. Chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp bị đổ. Trong nước, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều mở chiến dịch khủng bố, ráo riết truy lùng bắt các chiến sỹ cộng sản, kể cả những người chúng vừa có lệnh thả ra. Tại Hồng Lộc, tổ chức Đảng khôi phục chưa được bao lâu đã bị một số phần tử cơ hội tìm cách phá hoại. Do đó nhiều đồng chí đảng viên cốt cán bị sa vào tay giặc, trong đó có đồng chí Lê Bảng.
Đồng chí Lê Bảng bị giam tại nhà lao huyện một năm. Trong thời gian bị bắt giam tại đây, đồng chí tiếp tục cùng anh em tù đấu tranh đòi ăn uống sạch sẽ và chống đánh đập.Trước thái độ đấu tranh kiên quyết của tù nhân, dần dần kẻ địch phải nhân nhượng không đánh đập tù nhân, cho anh em tù chăn nuôi gà, lợn và không bắt làm những việc nặng.
Tháng 9/1941, đồng chí ra tù, không quản khó khăn, nguy hiểm tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng. Thời gian này, Lê Bảng tham gia vận động quần chúng nhân dân tham gia Hội tương tế ái hữu, đấu tranh chống áp bức của bọn cường hào…
Tháng 6/1945, tổ chức Mặt trận Việt Minh đã được thành lập ở các làng. Đồng chí Lê Bảng hoạt động tích cực trong tổ chức Việt Minh.
Tháng 7/1945, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được thành lập tại Huế. Trong bộ máy chính quyền có Bộ Thanh niên do luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng (thời điểm này nhân dân thường gọi là lực lượng thanh niên Phan Anh). Tổ chức thanh niên này được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Đồng chí Lê Bảng được cử vào hoạt động trong tổ chức của thanh niên Phan Anh nhằm lợi dụng sự hoạt động công khai để vận động quần chúng và tập hợp lực lượng quần chúng.
Ngày 17/8/1945, Ban mặt trận Việt Minh trong các làng đã huy động lực lượng quần chúng, thanh niên với các loại vũ khí trong tay cùng các xã khác vùng Hạ và Thượng Can kéo lên huyện lỵ Can Lộc đấu tranh giành chính quyền. Các đoàn tỏa ra vây quanh Huyện lỵ. Trong cuộc đấu tranh này đồng chí Lê Bảng được giao nhiệm vụ hạ cờ của Chính phủ bù nhìn, kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh. Khi cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tung bay trên đỉnh kỳ đài trước của huyện đường, tri huyện, quan lại, viên chức nói chung khúm núm giao tất cả sổ sách, giấy tờ, ấn triện cho đại diện Việt Minh và ra khỏi huyện đường…
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hồng Lộc giàu truyền thống yêu nước đã hun đúc và nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết cách mạng cho đồng chí Lê Bảng. Với những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, đặc biệt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Lê Bảng là tấm gương sáng ngời cho chúng ta học tập và noi theo./.
Lương Thùy Vân - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1) Lịch sử đảng bộ xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Tỉnh Hà Tĩnh; Nxb VHTT, Hà Nội, 2011, tr18