231
769
2935
9665
20962
6839072
Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-2017), 115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902-2017) – Cán bộ tiền bối xuất sắc của Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với UBND huyện Nghi Lộc, Đảng ủy, UBND xã Nghi Xuân đã tổ chức một số hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của quê hương và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền bối cách mạng.
Học sinh tham quan Bộ trưng bày chuyên đề “Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931”
Sáng ngày 06/9/2017, tại khuôn viên UBND xã Nghi Xuân, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức trưng bày bộ pa nô chuyên đề Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và chân dung các chiến sỹ Xô viết ở huyện Nghi Lộc bị địch bắt, tù đày. Với những hình ảnh chân thực và sinh động, bô pa nô của Bảo tàng đã tái hiện lại nội dung của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả, ảnh hưởng và ý nghĩa. Đặc biệt, Bảo tàng đã giành riêng ba tấm pa nô để trưng bày hình ảnh một số di tích tiêu biểu gắn liền với các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô viết ở huyện Nghi Lộc như nhà thờ Nguyễn Thức Tự, Cây Đa Chính Vỵ và chân dung các chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh tiêu biểu của quê hương Nghi Lộc như các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Hữu Ba, Hoàng Văn Ấp, Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Thức Mẫn, Nguyễn Đình Thực…Bộ trưng bày thu hút đông đảo bà con nhân dân trong vùng và sự quan tâm của các em học sinh, góp phần khơi dậy lòng tự hào, lòng biết ơn sâu sắc đối tới các chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Vào lúc 14h ngày 08/9/2017, tại hội trường UBND xã Nghi Xuân đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ giữa hai trường THCS Nghi Xuân và THCS Nghi Phong.
Tham dự buổi giao lưu văn hóa có các đồng chí: Lê Anh Dũng – Phó Bí thư huyện ủy, Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo một số phòng, ban, các tổ chức đoàn thể huyện Nghi Lộc, Đảng ủy, UBND xã Nghi Xuân, lãnh đạo Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và gần 300 em học sinh đại diện của hai trường.
Chương trình giao lưu văn hóa tìm hiểu về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 và 115 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902-2017) đã diễn ra sôi nổi, hấp dẫn và kịch tính với 5 phần thi: Câu hỏi nhanh, Đoán ý đồng đội, Mảnh ghép lịch sử, Câu hỏi tìm hiểu và Kể chuyện lịch sử. Qua mỗi phần thi, các em học sinh lại được trở về với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hào hùng năm xưa, về với những năm tháng hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Cán bộ tiền bối xuất sắc của Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Đặc biệt, phần thi kể chuyện lịch sử đã để lại nhiều cảm xúc sâu lắng cho người tham dự, góp phần bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng năm 1930-1931 là cuộc cách mạng long trời lở đất đã làm lung lay, tê liệt bộ máy cai trị của thực dân phong kiến, lập nên chính quyền Xô viết của công nông. Có được kỳ tích phi thường đó một phần là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên khai sinh là Nguyễn Văn Sắc) sinh ngày 01/02/1902 tại làng Bạch Mai (nay là phố Bạch Mai), Hà Nội. Trong quá trình hoạt động, đồng chí còn có các bí danh như Thịnh, Thạch. Giữa năm 1929, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào Nghệ Tĩnh để lãnh đạo phong trào cách mạng. Với cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có nhiều đóng góp lớn lao cho phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh. Đồng chí đã ngày đêm bám sát cơ sở, trực tiếp chỉ đạo việc thành lập hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ An, Hà Tĩnh: Tỉnh bộ Vinh, Tỉnh bộ Nghệ An, Tỉnh bộ Hà Tĩnh, chi bộ Thanh Chương, Nam Đàn, chi bộ Hưng Nguyên… Sự thành lập và kiện toàn các tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh là một trong những điều kiện trực tiếp làm bùng nổ phong trào cách mạng 1930-1931 với các cuộc biểu tình tiêu biểu như: 1/5/1930; 30/8/1930; 1/9/1930; 12/9/1930… Hàng ngàn tờ truyền đơn, báo chí của Xứ ủy Trung Kỳ do đồng chí viết và chỉ đạo in ấn đã được rải, tuyên truyền xuống tận cơ sở. Đầu tháng 5/1931, trong chuyến công tác ra Hà Nội, bọn mật thám do Nghiêm Thượng Biền chỉ điểm đã bắt được đồng chí tại ga Hàng Cỏ (Khách sạn Nam Lai), giải về giam tại nhà lao Vinh. Tại đây, kẻ thù đã sử dụng mọi cực hình tra tấn hòng lấy lời khai của đồng chí Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Không lay chuyển được ý chí gang thép của đồng chí, chúng đã bí mật, hèn hạ đưa đồng chí xuống đồn Song Lộc, Nghi Lộc xử bắn vào rạng sáng ngày 25/5/1931. Tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc như ngọn lửa thiêng thắp sáng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngọn lửa thiêng ấy đã soi sáng con đường đi của cách mạng Việt Nam từ ngày bình mình cho đến những giai đoạn cách mạng sau này.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi thầy cô giáo của các em học sinh xen kẽ giữa các phần thi đã làm tăng thêm không khí sôi động cho buổi giao lưu văn hóa.
Kết thúc cuộc thi, đội trường THCS Nghi Xuân đã dành giải nhất, đội trường THCS Nghi Phong đạt giải nhì. Qua buổi giao lưu các em đã thể hiện sự hiểu biết, ham học hỏi và tự hào về truyền thống của ông cha, tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô Viết anh hùng. Các em – thế hệ trẻ của đất nước đã, đang và sẽ học tập, noi theo các bậc tiền nhân, góp phần “giữ lửa” truyền thống để cho tinh thần Xô Viết Nghệ Tĩnh, tinh thần cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc mãi mãi tỏa sáng.