289
769
2993
9723
20962
6839130
Trong phạm vị bài viết này, tôi không có ý định viết lại tiểu sử đồng chí Hồ Tùng Mậu vì có thể đã có nhiều công trình khoa học đã đề cập. Ở đây, tôi cho rằng, đồng chí Hồ Tùng Mậu là một danh nhân.
ഀ
ഀ
Trên thế giới và ở nước ta đã có nhiều danh nhân được công nhận. Tùy theo quan niệm của mỗi tổ chức, để công nhân ai đó là danh nhân, người ta đưa ra những tiêu chí(hoặc tiêu chuẩn) để xét. Thí dụ Tổ chức văn hoá, Giáo dục, Khoa học của Liên Hợp quốc(UNESCO) trong phiên họp thứ 18 năm 1974 đã ra Quyết định số 18 C/4351 trong đó nói rõ: thường kỳ họp để xét công nhận các danh nhân. Tiêu chuẩn chung nhất của UNESCO về vấn đề này là chỉ công nhận và khuyến nghị các quốc gia thành viên UNESCO tổ chức kỷ niệm những người nào “đã để lại dấu ấn trong qúa trình phát triển của nhân loại”. Tại cuộc họp thứ 24 ở Paris (thủ đô nước Cộng hoà Pháp) vào tháng 10 và 11/ 1987, UNESCO đã nhắc lại Quyết định đó và quyết định công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là “anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam “.
ഀ
ഀ
Nhưng cũng có những người không hề có văn bản của một tổ chức nào công nhận nhưng lại được lòng dân nhiều thế hệ công nhận một cách mặc nhiên, coi như một danhnhân. Nước nào cũng có hiện tượng này. Đó là cách ứng xử folklore hợp với mạch chảy truyền thống và sự thừa nhận tự nhiên của lòng người. Chẳng thế mà trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức UNESCO công nhận là vĩ nhân thì nhân dân Việt Nam đã công nhận từ lâu rồi, công nhận từ khi Người còn sống. Sự tôn vinh của nhân dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn thật tâm, tức là xuất phát từ con tim khối óc của mình, chứ không phảilà sự thúc ép của sự sùng bái cá nhân. Cũng như vậy, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, “đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, thì nhiều nới ở miền Nam trong thế kìm kẹp của Mỹ- nguỵ, vẫn xây đền thờ Bác Hồ. “Văn hoá đền”(tôi cho là có loại văn hoá đó) là sự ứng xử của con người hiện tại đối với công lao của các bậc tiên liệt có công với làng xã, quê hương, đất nước. Đi vào đền là đi vào cõi tâm thành kính với danh nhân.
ഀ
ഀ
Đồng chí Hồ Tùng Mậu là danh nhân theo cách đó. Danh hiệu cao quý nhất của đồng chí Hồ Tùng Mậu là người cộng sản. Nếu kể đến chức vụ cao nhất trong Đảng và Chính phủ thì đồng chí Hồ Tùng Mậu là Tổng Thanh tra của ban Thanh tra Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 138 C/SL ngày 18/12/1949 bổ nhiệm, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II.
ഀ
ഀ
Xa hơn nữa, trong buổi đầu nhem nhóm ngọn lửa cách mạng, đồng chí Hồ Tùng Mậu là một người hoạt động từ rất sớm, nhiều năm lăn lộn trong các phong trào yêu nước và cách mạng ở Thái Lan, Trung Quốc. Năm 1923, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã cùng với Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái thành lập nhóm Tâm tâm xã. Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người đầu tiên tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Chính đồng chí Hồ Tùng Mậu đã tham dự các lớp huấn luyện chính trị của tổ chức này.
ഀ
ഀ
Một mốc lớn trong “thời dựng Đảng” có sự tham gia của đồng chí Hồ Tùng Mậu. Đó là sự kiện Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 7 thnág 2/1930 ở bán đảo Cửu Long(Hương Cảng). Tại Hội nghị này, ngoài hai đại biểu của Đông Dương cộng sản đảng(Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh), hai đại biểu của An Nam cộng sản đảng(Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu), còn đồng chí Hồ Tùng Mậu giúp việc cho Đại diện quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc và giúp các công việc cho Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Như vậy, đồng chí Hồ Tùng Mậu thuộc vào lớp những người cách mạng tiền bối, và xét trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể coi đồng chí Hồ Tùng Mậu thuộc loại lớp người “khai quốc công thần”.
ഀ
ഀ
Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một trong những người gần gũi và là người học trò, người giúp việc đắc lực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh ở Hồng Kông bắt giam trái phép năm 1931, đồng chí Hồ Tùng Mậu là người tích cực liên hệ với Hội quốc tế Cứu tế Đỏ và vận động luật sư H.Lôdơbai dùng pháp lý đấu tranh buộc chính quyền Anh ở Hồng Kông trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc. Trong bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đồng chí Hồ Tùng Mậu “còn thân thiết hơn anh em ruột thịt” coi “mất chú , đồng bào mất một người lãnh đạo tận tuỵ, Chính phủ mất một người lãnh đạo lão luyện. Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi”( Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr.88).
ഀ
ഀ
Đồng chí Hồ Tùng Mậu còn bị cảnh sát Anh ở Hồng Kông bắt(tháng 6/1931) và bị trục xuất khỏi tô giới Anh đưa về Việt Nam rồi bị kết án tư rhình, sau giảm xuống chung thân. Cũng như bao chiến sỹ cách mạng trung kiên khác của Tổ quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu coi cái chết tựa như lông hồng, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho dân tộc. Cả cuộc đời mình, từ thời niên thiếu cho đến khi anh dũng ngã xuống trước làn đạn của máy bay thực dân Pháp tại Thanh Hoá khi đang thực thi chuyến công tác ở Liên khu IV ngày 23/7/1951. Đồng chí Hồ tùng Mậu là một tấm gương lớn suốt đời phấn đấu cống hiến cho lý tưởng của Đảng, của cách mạng, lấy độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào làm lẽ sống. Người anh hùng dân tộc Bungari Khơrixtô Bôtép trong cuộc đấu tranh chống ách ngoại xâm Thổ Nhĩ Kỳ nói một câu bất hủ: “Người nào ngã xuống trong cuộc chiến đáu cho độc lập, tự do thì người đó không bao giờ chết”. Điều này cũng đúng cho bao thế hệ người cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Điều này cũng thật đúng với đồng chí Hồ Tùng Mậu. Đồngc hí Hồ Tùng Mậu đã đi vào cõi bất tử, là người con cách mạng làm rạng rỡ cho làng Quỳnh, cho Quỳnh Lưu, cho Xứ Nghệ và cho đất Việt.
ഀ
ഀ
Sôi nổi, giản dị, liêm khiết, thuỷ chung với đồng chí, đồng bào, không màng danh vọng... những đức tính đó của đồng chí Hồ Tùng Mậu đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong thế hệ cách mạng cùng thời. Tấm gương đó có tính chất giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi có nghe lại chuyện rằng, đồng chí Hồ Tùng Mậu là người kịch liệt phê phán những hành động bột phát của cán bộ và nhân dân Nghệ An phá đền chùa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cái chất cách mạng của con người xứ Nghệ, ở Hồ Tùng Mậu có một tầm vắn hoá lớn, có ý nghĩa tích cực cho cuộc sống của chúng ta hiện nay.
ഀ
ഀ
Mỗi một con người chúng ta rồi sẽ ra đi. Có những cuộc ra đi để lại dấu ấn cho sự phát triển. đồng chí Hồ Tùng Mậu là con người gieo mầm cho sự sống, cho văn hoá cách mạng. Bình sinh, đồng chí Hồ Tùng Mậu là con người giản dị, đem “cái tôi” dâng hiến cho đời. Có thể có một lúc nào đó chúng ta còn chưa quan tâm đúng mức tới tưởng niệm các danh nhân. Nhưng thiết nghĩ rằng, trong phạm vi của địa phương và cả ở Trung ương cũng nên có một số công trình công cộng mang tên đồng chí Hồ Tùng Mậu, một ngôi trường, một đường phố, một công viên... chẳng hạn. làm vậy cùng là đúng với sự nghiệp cách mạng đổi mới hiện nay, không chỉ cốt để ghi công mà còn là để nhân lên cái cao cả trong mạch dòng truyền thống của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”.
ഀ
ഀ
Với ý nghĩa đó, bài viết này xin được coi như một nén nhang của một người thế hệ sau tưởng nhớ bậc danh nhân Hồ Tùng Mậu, dịp 45 năm ngày hy sinh của Người./.
PGS. Mạch Quang Thắng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh