189
423
3268
20783
20962
6850190
Hồ Thị Nhung sinh ngày 10 tháng 10 năm Kỷ Dậu (1909), tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là ông Cử nhân Hồ Sỹ Lâm và thân mẫu là bà Dương Thị Thuyên. Hồ Thị Nhung sinh ra trong một gia đình nhà Nho mang dòng máu yêu nước và khoa bảng của hai dòng họ nổi tiếng nhất, nhì của mảnh đất văn vật làng Quỳnh, đó là Họ Hồ và họ Dương.
Trải qua bao đời dựng nước và giữ nước, họ Hồ và họ Dương làng Quỳnh Đôi đã sản sinh ra nhiều anh hùng liệt sỹ, danh tướng lương thần, làm rạng danh cho truyền thống quê hương. Hồ Thị Nhung được nuôi dưỡng và lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, tiếp thụ những nét đẹp tinh hoa văn hóa của truyền thống gia đình, dòng họ, cùng với sự nỗ lực của bản thân, Hồ Thị Nhung tiếp tục lập thêm nhiều thành tích, góp phần tô đẹp cho truyền thống văn hóa của người con gái xứ Nghệ bất khuất kiên cường.
Trong phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, làng Quỳnh là địa phương có phong trào mạnh. Tên tuổi của những người hoạt động nổi danh như bà Trần Thị Trâm, Hồ Bá Kiện, Hồ Học Lãm, Hồ Tùng Mậu đã đi vào sử sách. Gia đình Hồ Thị Nhung đều tích cực tham gia ủng hộ phong trào Đông Du. Hồ Thị Nhung được bà Trâm rất yêu mến. Mỗi lần bà phải đi công việc quyên góp hoặc vận động, bà thường cho Hồ Thị Nhung đi theo để làm quen với công việc cách mạng. Bề ngoài hai bà cháu đóng vai đi Vinh buôn tơ lụa, nhưng bên trong là đi hoạt động cách mạng.
Năm 1927, Quỳnh Đôi có hai tổ chức cách mạng hoạt động đan chen là Hội Thanh niên và Tân Việt. Hồ Thị Nhung được bà Trần Thị Trâm tin cậy giao cho nhiều công việc bí mật như đi liên lạc, vận động nhân dân quyên góp để giúp đỡ những gia đình có người đi tham gia cách mạng gặp khó khăn.
Tháng 7- 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, các đồng chí Nguyễn Hữu Giảng và Dương Văn Lan dẫn dắt Hồ Thị Nhung tham gia hoạt động trong tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng. Hồ Thị Nhung hăng hái tham gia cuộc vận động kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 do Đông Dương Cộng sản Đảng phát động và trở thành một trong những người phụ nữ đi gieo mầm cách mạng.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 3 năm 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và Dương Vũ Bản đã về làng Quỳnh Đôi tổ chức cuộc họp để thành lập Chi bộ Đảng làng Quỳnh. Những đồng chí hoạt động trong hai tổ chức cách mạng Đảng Tân Việt và Đông Dương Cộng sản Đảng tiêu biểu ở làng Quỳnh được chuyển sang gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Hồ Thị Nhung trở thành lớp đảng viên đầu tiên của huyện Đảng bộ Quỳnh Lưu. Để giữ bí mật, đồng chí Hồ Thị Nhung đã đổi tên, lấy bí danh là Châu. Chi bộ Đảng làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu được thành lập gồm có 17 đảng viên. Đây là Chi bộ được thành lập sớm nhất và cũng có số lượng đảng viên đông nhất của huyện Quỳnh Lưu.
Chi bộ Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, thành lập các tổ chức Nông hội Đỏ, Phụ nữ giải phóng, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ lão, Hội Tán trợ lần lượt ra đời và hoạt động rất sôi nổi. Đồng chí Hồ Thị Nhung được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ Giải phóng, phụ trách công tác phụ vận.
Nhân ngày kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, học tập và noi gương tinh thần đấu tranh của công nông Vinh Bến Thủy, Huyện ủy Quỳnh Lưu tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của ngày 1/5/1930. Lần đầu tiên một đấu tranh có sự liên kết Công Nông liên minh. Là một Ban chấp hành phụ trách công tác phụ vận, Hồ Thị Nhung luôn bám sát cơ sở, vận động nhân dân tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình. Để công việc đạt hiệu quả cao, Hồ Thị Nhung biết kết hợp cùng một lúc hai nhiệm vụ, tuyên truyền và vận động. Hồ Thị Nhung đã họp Hội phụ nữ Giải phóng làng Quỳnh Đôi, trao đổi nhiệm vụ và phân công đồng chí Nguyễn Thị Thảo phụ trách công tác vận động bà con ở làng Quỳnh, Hồ Thị Nhung đi vận động nhân dân ở các xã lân cận.
Là một đảng viên, được Đảng và tổ chức tin cậy giao nhiệm vụ, Hồ Thị Nhung bất chấp vất vả, hiểm nguy, lăn lộn để xây dựng và phát triển phong trào. Như con thoi, khi Hồ Thị Nhung tham gia may cờ đỏ búa liềm, khi lại đi quyên góp cùng Hội phụ nữ. Để động viên Tự vệ Đỏ luyện tập, đồng chí luôn đến động viên anh chị em, khi mang ấm nước chè xanh, nồi khoai luộc, mớ lạc, những lúc rỗi, Hồ Thị Nhung còn hăng hái tham gia luyện tập quân sự cùng đội Tự vệ. Đêm đêm, đồng chí tham gia cùng tự vệ tuần tra canh gác bảo vệ dân làng. Trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, cơ sở in tài liệu, truyền đơn báo chí cách mạng của Huyện Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu đặt tại nhà đồng chí Hồ Tùng Mởu, Hồ Thị Nhung luôn tranh thủ thời gian tham gia in ấn để có nhiều tài liệu, truyền đơn báo chí. Hồ Thị Nhung cùng với Nguyễn Thị Thảo, nấu cơm nước phục vụ các đồng chí Huyện ủy Quỳnh Lưu mỗi lần có tổ chức hội họp.
Những ngày Huyện ủy Quỳnh Lưu phát động phong trào đấu tranh, Hồ Thị Nhung thoắt ẩn, thoắt hiện, khi vận động ở nơi này, khi lại có mặt trong đoàn biểu tình hô khẩu hiệu, có lúc lại đứng diễn thuyết trước hàng ngàn quần chúng nhân dân. Trong các cuộc biểu tình tiêu biểu của nhân dân huyện Quỳnh Lưu vào các ngày 20-6-1930, 31-1-1931 và 4-2-1931, đều có sự tham gia và lãnh đạo của đồng chí Hồ Thị Nhung. Khi phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao, Hồ Thị Nhung hăng hái vận động, tuyển chọn những người hăng hái, dũng cảm, không sợ hy sinh để giới thiệu cho Chi bộ kết nạp vào hàng ngũ những người Cộng sản. Đồng chí còn tuyên truyền vận động những nam nữ thanh niên có tinh thần yêu nước, căm thù giặc, dũng cảm, mưu trí tham gia vào đội Tự vệ Đỏ, tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ...
Phong trào cách mạng ở huyện Quỳnh Lưu càng phát triển mạnh thì uy tín của đồng chí Hồ Thị Nhung đối với tổ chức Đảng cũng như quần chúng nhân dân ngày càng cao. Thực dân Pháp lệnh cho bọn mật thám theo dõi, lùng sục đêm ngày, quyết bắt bằng được Hồ Thị Nhung cùng các đồng chí Cộng sản lãnh đạo phong trào.
Sau cuộc đấu tranh ngày 4-2-1931, Tôn Thất Định là tri huyện Quỳnh Lưu nhận lệnh của Sở mật thám ở Vinh, mở chiến dịch khủng bố trắng để đàn áp phong trào Cộng sản. Ngày 6-2-1931, Tôn Thất Định triệu tập cuộc họp gồm tất cả các quan lại, từ chánh tổng xuống ngũ hương ở các làng xã trong toàn huyện lên huấn thị và bắt chúng phải làm mật thám chỉ điểm. Đêm ngày chúng cho lính canh phòng, lùng sục, vây ráp, bắt bớ để nhận mặt các chiến sỹ yêu nước và Cộng sản. Làng Quỳnh Đôi là địa phương có Chi bộ Cộng sản mạnh, trở thành mục tiêu đàn áp của chúng. Làng Quỳnh Đôi có 5 đồng chí đảng viên bị bắt. Bắt được Cộng sản, không cần tra hỏi, chúng kéo lê những chiến sỹ Cộng sản ra bờ Nậu giữa làng xử bắn, nhằm uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân. Chi bộ làng Quỳnh có 17 đồng chí thì 14 chiến sỹ kiên trung đã bị bắt, trong số đó có đồng chí Hồ Thị Nhung, Nguyễn Thị Thảo và Hồ Ngọc Diệu.
Sau thời gian giam cầm tại nhà tù huyện Quỳnh Lưu, kẻ địch đưa Hồ Thị Nhung vào giam ở nhà lao Vinh. Đồng chí phải chịu mọi cực hình tra tấn và các âm mưu thâm độc, nhưng vẫn không lấy được một lời khai nào của người Cộng sản gan vàng dạ sắt ấy. Bọn địch chán nản, tức tối vì không tìm được bằng chứng xác đáng để buộc tội, chúng đành phải trả lại tự do cho Hồ Thị Nhung.
Ra tù, biết kẻ thù vẫn đang bí mật theo dõi để có bằng chứng, Hồ Thị Nhung cải trang làm người đi buôn bán ở các chợ, tìm cách liên lạc, móc nối phong trào.Với gánh hàng ngụy trang, hôm chợ thượng, mai xuống chợ hạ, Hồ Thị Nhung luon hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao.
Ngày 3-3-1931, Huyện ủy Quỳnh Lưu chỉ thị cho các Chi bộ vận động quần chúng đi dự mít tinh và làm lễ truy điệu các đồng chí vừa hy sinh trong các cuộc đấu tranh. Sau buổi mít tinh, tinh thần quần chúng nhân dân được củng cố, các tổ chức quần chúng cách mạng vẫn hoạt động đều. Được sự che chở, bảo vệ của con cháu họ Hồ và nhân dân làng Quỳnh, cơ sở in ấn truyền đơn báo chí của Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu đặt tại nhà Hồ Tùng Mậu vẫn chưa bị lộ
Tháng 4- 1931, Huyện ủy Quỳnh Lưu được bổ sung thêm một số đồng chí vào cấp ủy. Đồng chí Dương Vũ Bản được cử làm Bí thư thay cho đồng chí Đào Quang. Đồng chí Hồ Ngọc Diệu (em trai đồng chí Hồ Tùng Mậu) làm Phó Bí thư; đồng chí Phan Hữu Khiêm, Nguyễn Văn Xô, Hồ Thị Nhung là Huyện ủy viên.
Mặc dù địch đốt nhà, cướp của, lùng sục bắt bớ cán bộ, nhưng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1931, Huyện ủy vẫn tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình với hàng ngàn người tham gia, phản đối chính sách khủng bố trắng, phản đối việc ép nhân dân treo cờ vàng và rước thẻ quy thuận. Hòa chung với phong trào đấu tranh của các huyện trong tỉnh, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1- 5- 1931, ở huyện Quỳnh Lưu, cờ đỏ búa liềm vẫn được treo trên các cây cao và đình làng. Truyền đơn cách mạng vẫn được rải ở nơi đông người tụ họp. Tài liệu, báo chí được phân phát xuống tận các Chi bộ. Làng xóm vẫn rộn ràng tiếng trống đấu tranh. Các lớp học chữ Quốc ngữ vẫn được duy trì. Đồng chí Hồ Thị Nhung đã cùng những đội tự vệ hoạt động mạnh, bắt bọn cường hào gian ác phải nộp thóc gạo, tiền để trợ cấp cho các gia đình có người hy sinh, bị thương, bị bắt trong cuộc đấu tranh. Nhờ những hoạt động tích cực và có hiệu quả, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã giải quyết bớt được một số khó khăn. Quần chúng nhân dân vẫn một lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, theo cách mạng.
Ngày 22-6-1931, Ban chấp hành Huyện ủy Quỳnh Lưu đã họp bàn cách đối phó với sự đàn áp khủng bố của kẻ địch. Tháng 7- 1931, Huyện ủy Quỳnh Lưu dời trụ sở làm việc về Khe Chiêm. Ngày 28-9-1931, Hồ Thị Nhung và các đồng chí lãnh đạo chủ trì của huyện Quỳnh Lưu bị sa lưới.
Hồ Thị Nhung bị bắt lần thứ hai. Kẻ địch đã giải đồng chí vào thẳng nhà lao Vinh giam giữ và tra tấn để kết án. Tại phòng giam nữ, Hồ Thị Nhung đã gặp lại những nữ chiến sỹ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở các huyện bị bắt những năm trước đây: Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Tôn Thị Quế, Hoàng Thị Ái. Gặp lại nhau, chị em mừng, mừng. Hồ Thị Nhung cùng chị em làm báo miệng, tham gia các cuộc đấu tranh tuyệt thực, đấu tranh reo để phản đối chế độ cai trị hà khắc của bọn cai ngục đối với tù chính trị. Hồ Thị Nhung đã vượt qua những ngày đau đớn về thể xác khi bị tra tấn và đấu tranh gay go quyết liệt với chính bản thân mình để khỏi bị sa ngã trước những âm mưu, thủ đoạn mua chuộc của kẻ thù, giữ vững lòng tin vào ngày chiến thắng cuối cùng của cuộc cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.
Cuối năm năm 1935, tình hình chính trị nước Pháp và thế giới có sự diễn biến, Hồ Thị Nhung và một số tù chính trị được ra tù về tìm cách liên lạc với các đồng chí mới được thả, móc nối với một số đồng chí chưa bị bắt để khôi phục lại các Chi bộ Đảng. Được nhân dân tin cậy, Đảng tín nhiệm, Hồ Thị Nhung được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ. Khi huyện Đảng bộ Quỳnh Lưu được kiện toàn tổ chức, Hồ Thị Nhung được bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy Lâm thời.
Phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân huyện Quỳnh Lưu trong thời kỳ Mặt trận dân chủ phát triển mạnh. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng trong giai đoạn mới, tháng 7 năm 1937, Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu tiến hành Đại hội tại làng Quỳnh Đôi. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm có 5 đồng chí trong đó có đồng chí Hồ Thị Nhung.
Lợi dụng thời kỳ đấu tranh hợp pháp, cùng với các đồng chí trong Ban chấp hành Huyện ủy, đồng chí Hồ Thị Nhung ra sức tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ, lập hội đọc sách báo, lập hội bóng đá, hội văn nghệ, phong trào Làng Quỳnh Đôi phát triển mạnh nhất.
Đầu tháng 4- 1938, Đảng bộ Nghệ An mở Đại hội lần thứ hai tại làng Đông Chữ, huyện Nghi Lộc. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Đức Dương được bầu làm Bí thư. Phụ nữ có 2 đồng chí, Nguyễn Thị Xân và Hồ Thị Nhung.
Sang năm 1939, nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai càng đến gần. Chính phủ của Mặt trận bình dân Pháp bị đổ. Điều này có ảnh hưởng xấu đến phong trào cách mạng Việt Nam. Để tránh hậu họa, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều lại mở chiến dịch khủng bố, ráo riết truy lùng bắt các chiến sỹ Cộng sản, kể cả những người chúng vừa có lệnh thả ra. Ngày 1-5-1939, Huyện ủy Quỳnh Lưu tổ chức cuộc mít tinh toàn huyện tại Hồi Nồi thuộc làng Quỳnh Đôi, nhằm kêu gọi nhân dân đấu tranh, giành cho được những thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua. Bọn lính được lệnh kéo đến lùng bắt. 10 đồng chí cán bộ lãnh đạo bị bắt, làng Quỳnh Đôi có 3 đồng chí, trong đó có đồng chí Hồ Thị Nhung. Đây là lần thứ 3 đồng chí Hồ Thị Nhung bị bắt.
Sau thời gian bị bắt giam tại vào nhà lao Vinh, đến tháng 3- 1941, thực dân Pháp đã áp giải tất cả nữ tù chính trị mà chúng liệt vào danh sách“cứng đầu” từ nhà lao Vinh ra ga và đẩy họ lên một toa tàu hỏa bịt kín, chở thẳng vào giam tại Nha Trang (Khánh Hòa). Cùng chuyến đi với đồng chí Hồ Thị Nhung còn có các nữ chiến sỹ xô viết tiêu biểu như Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã, Tôn Thị Quế, Hoàng Thị Ái và nhiều chị em khác ở Nghệ An tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh vừa bị bắt trở lại. Sau một thời gian giam cầm tại nhà lao Nha Trang, thực dân Pháp lại đẩy chị em tù chính trị trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh lên giam tại một nhà lao ở vùng rừng núi hẻo lánh của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Hồ Thị Nhung được trả tự do.
Được trở về quê hương sau bao năm xa cách, Hồ Thị Nhung vui mừng hân hoan khi được gặp mặt gia đình và bà con làng xóm. Gặp lại các đồng chí ở địa phương cùng hoạt động cách mạng từ ngày đầu xây dựng Chi bộ Đảng làng Quỳnh. Hồ Thị Nhung sung sướng nghẹn ngào không nói nên lời khi được gặp lại đồng chí Hồ Tùng Mậu sau 25 năm xa cách.
Ngày 17-8-1945, đồng chí Hồ Thị Nhung cùng Ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh huyện Quỳnh Lưu lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Thị Nhung được bầu làm Ủy viên Ủy ban Hành chánh lâm thời Huyện ủy Quỳnh Lưu .
Để góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đồng chí Hồ Thị Nhung đã làm việc không quản ngày đêm, đi từng cơ sở để vận động nhân dân thi đua quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: diệt Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Cùng với chị em Hội Phụ nữ Cứu quốc toàn tỉnh, Hồ Thị Nhung luôn tích cực động viên chị em tăng gia sản xuất, chăn nuôi, xây dựng“Hội nông gia tương tế”, “Hũ gạo tiết kiệm”, tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” ủng hộ kháng chiến.
Với những thành tích hoạt động trong những năm đầu nước nhà vừa giành được độc lập, Hồ Thị Nhung đã góp phần làm rạng danh cho truyền thống “Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”của phụ nữ Việt Nam. Ngày 19-3-1946, Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nghệ An tiến hành Đại hội tại cửa Tả, thành phố Vinh, đồng chí Hồ Thị Nhung được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ Cứu quốc đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Đồng chí còn được cử vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Nghệ An.
Tháng 7 năm 1947 đồng chí Hồ Thị Nhung được Ủy ban kháng chiến Liên khu IV điều động lên làm Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Liên khu IV. Ngoài công việc lãnh đạo Khu ủy Liên khu IV, đồng chí còn được phân công đảm nhiệm công tác xây dựng và phát triển phong trào phụ nữ của tỉnh Quảng Bình.
Cuối năm 1950, đồng chí Hồ Thị Nhung được bầu là Đại biểu ra Việt Bắc tham dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ Hai (tháng 2 năm 1951). Sau Đại hội Đảng đồng chí tham dự lớp học lý luận chính trị tại Việt Bắc. Năm 1952, sau khóa học, Hồ Thị Nhung được giữ lại công tác ở Việt Bắc làm Bí thư Đảng Đoàn phụ nữ Liên khu Việt Bắc. Năm 1955, đồng chí Hồ Thị Nhung được bầu vào Ban cán sự Liên khu, là Ủy viên Liên khu Việt Bắc.
Hòa bình lập lại (1956), đồng chí Hồ Thị Nhung tham gia Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Năm 1959, đồng chí được Trung ương Hội cử làm Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, tham gia Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ Thanh hóa. Năm 1961, đồng chí Hồ Thị Nhung được cử làm Trưởng Ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cho đến năm 1964, đồng chí được về nghỉ hưu tại Hà Nội.
Do có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Hồ Thị Nhung đã được Đảng và nhà nước tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý :
Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất.
Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
Năm 1990, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các Bác sỹ, gia đình, họ hàng và bạn bè thân thích hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí Hồ Thị Nhung đã từ trần vào hồi 18 giờ 30 phút ngày 9-10-1990 (tức 21- 8 năm Canh Ngọ) Hưởng thọ 82 tuổi. Thi hài đồng chí được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội.
Hồ Thị Nhung, cuộc đời có trên 60 năm xông pha hoạt động cách mạng, nếm mật, nằm gai, vào tù, ra tội, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng phụ nữ. Đồng chí Hồ Thị Nhung là một bông hoa đẹp trong rừng hoa tươi thắm sắc hương của quê hương Xô viết Nghệ An Anh hùng ./.