Hồ Mỹ Xuyên (1920 – 1948)

Tác giả: admin
Ngày 2018-09-19 08:26:13

Hồ Mỹ Xuyên tên thật là Hồ Bá Bối, sinh ngày 02/4/1920 trong một gia đình - gia tộc có truyền thống khoa bảng và yêu nước lâu đời ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Hồ Mỹ Xuyên là con duy nhất của nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu và bà Nguyễn Thị Thảo, cháu đích tôn của Hồ Bá Kiện, một chí sỹ trong phong trào văn thân chống Pháp, chắt ngành trưởng của Hồ Bá Ôn, là quan Án Sát Nam Định dưới triều vua Tự Đức. Gia tộc Hồ Bá Ôn có 5 danh nhân cách mạng tầm cỡ quốc gia và 4 đời liệt sĩ, Hồ Mỹ Xuyên là liệt sĩ đời thứ tư. Ông hy sinh lúc mới 28 tuổi, để lại 3 người con sau này là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước: Hồ Anh Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam; Hồ Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam; Hồ Đức Việt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Hồ Bá Bối lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và bà nội, cha là Hồ Bá Cự (Hồ Tùng Mậu) xuất dương tìm đường cứu nước lúc bé Bối vừa mới chào đời. Lớn lên trong cảnh nghèo túng, bữa no bữa đói, cha bị chính quyền thực dân truy nã, mẹ và bà nội bị quan huyện thường xuyên gọi lên tra hỏi, nhà cửa phải bán để trả nợ, bà con hàng xóm thương tình có những hôm vắt cục cơm nắm mang sang cho Bối. Nhưng Bối cũng chẳng ăn được ăn một mình, còn chú (Hồ Ngọc Diệu) mười tuổi cũng không có gì ăn nên hai chú cháu phải chia nhau ăn lót dạ.

Đến tuổi đi học, Bối được học với thầy Trợ Vơi (Cù Minh Vy), từng là hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên khi thầy dạy học ở Thanh Hóa. Thầy thường rất đỗi tự hào kể về quê hương xã Mỹ Xuyên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa của mình. Bé Bối nghe thích lắm, liền tự ý đổi tên Hồ Bá Bối thành Hồ Mỹ Xuyên.

Năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra mạnh mẽ, làng Quỳnh Đôi là trung tâm cách mạng của huyện nhà. Mẹ và chú Hồ Ngọc Diệu đều có chân trong Chi bộ cộng sản đầu tiên của làng, Hồ Ngọc Diệu là Phó Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu. Mỗi lần Chi bộ hay Huyện ủy họp ở nhà thờ cụ Án Nam (tức Hồ Bá Ôn) thì chú bé Hồ Mỹ Xuyên được làm nhiệm vụ canh gác. Chú ngồi ngoài cửa canh chừng bằng cách đánh mõ bằng lưỡi khi gặp sự cố, người bên trong biết đó mà tránh.

Ngày bà Thảo bị bắt giam, Xuyên đưa cơm lên nhà lao Huyện cho mẹ, chú cũng bị chúng gọi vào dỗ dành, tra hỏi. Nhờ sự thông minh và linh hoạt của mình mà những câu trả lời của chú đã dễ dàng qua mắt được bọn mật thám. Phong trào cách mạng tạm lắng. Mẹ Xuyên sau mấy tháng bị giam ở huyện lại trở về làm ăn, mua tơ, dệt lụa đem ra chợ Nồi bán. Bà nội cũng lọm khọm quay tơ từ sáng đến đêm giúp con dâu dệt lụa.

Tuy nhà nghèo nhưng Xuyên vẫn được đi học tử tế. Sau khi đậu bằng Sơ học yếu lược, Xuyên học tiếp trường tiểu học. Ở trường, ông Hồ Mậu Đờn ra tờ báo tay “Tuổi Xuân” do ông làm chủ bút, Hồ Mỹ Xuyên và Hồ Sỹ Lãng viết bài, Hoàn Hữu Cảnh có hoa tay nên được giao nhiệm vụ vẽ bìa và chép bài lên báo. Tờ Tuổi Xuân được chuyền tay nhau trong đám học sinh trường huyện. Tiếc là Tuổi Xuân mới ra được đến tờ số 6 đã phải đình bản vì bị Chánh tổng để ý. Trong báo có một bài thơ của cậu bé Xuyên nhạo báng một gia đình phú nông nổi tiếng keo kiệt, gian lận vẫn mãi được lưu truyền:
“Bủn xỉn như ông được mấy người
Tiếng đồn lừng lẫy khắp trong ngoài
Hòn kia cha đẽo không còn đít
Thúng nọ con đong một hóa hai”

Sau khi đậu bằng tiểu học ở huyện, Xuyên vào Vinh học tiếp trường trung học tư thục Ninh Tân được vài năm. Năm 1937, Xuyên được kết nạp vào Đoàn Thanh niên dân chủ sau gọi là Đoàn Thanh niên phản đế. Thời gian này, Đoàn Thanh niên phản đế hoạt động ở Vinh khá sôi nổi: Anh em truyền nhau đọc các sách báo tiến bộ, vận động quần chúng lập các phường hội hiếu, hỷ, đòi dân chủ, dân quyền, tăng lương, giảm thuế, v.v., tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ cho anh chị em lao động, tổ chức các buổi mít tinh kỷ niệm nhũng ngày lễ lớn như 14/7 cách mạng Pháp; 7/11 Cách mạng Tháng Mười Nga; 27/2 Công xã Quảng Châu…dường như trên tất cả các hoạt động Hồ Mỹ Xuyên đều tham gia tích cực.

Từ năm 1941, Xuyên trở về làng, thường tham gia tổ chức và đạo diễn các vở kịch nhằm giác ngộ và nêu cao tinh thần yêu nước. Ngoài vai trò tổ chức biễu diễn, Hồ Mỹ Xuyên còn tham gia sáng tác kịch, thơ, “Ngũ Tử tư” và “Chiêu Quân cống Hồ” là hai vở kịch thơ khá nổi tiếng đã được đăng trên nhiều tạp chí lúc bấy giờ.

Ở Quỳnh Đôi, sau ngày 9/3/1945, hàng chục cán bộ cách mạng từ các nhà tù Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Trà Khê… sau khi được trả tự do đã trở về quê nhà. Trong số đó có cụ Hồ Tùng Mậu, thân sinh Hồ Mỹ Xuyên, các ông Dương Đình Thúy, Dương Văn Lan, Phan Hữu Khiêm, Hoàng Trung Tư, bà Hồ Thị Nhung, các anh Hồ Viết Thắng, Hồ Đức Phiệt, Dương Ngọc Võ, Phan Duy Hiến…Tuy chưa bắt được liên lạc với cơ sở cách mạng các nơi, nhưng các đồng chí trên, với trách nhiệm cá nhân, tỏa đi hoạt động trong huyện Quỳnh Lưu và các huyện khác trong tỉnh Nghệ An. Ơ lại Quỳnh Đôi có các đồng chí Dương Đình Thúy, Hồ Thị Nhung, cùng với các anh chị trong Thanh niên phản đế trước đây như Hồ Mậu Đơn, Hồ Mỹ Xuyên, Hoàng Ngọc Nhân, Nguyễn Xuân Kim, Hồ Thị Ái, Hồ Thị Diệp…bắt tay vào gây dựng tổ chức Việt Minh bí mật.

Trong phong trào này Hồ Mỹ Xuyên phụ trách tổ chức các nhóm Thanh niên cứu quốc và Nông dân cứu quốc. Ngoài vai trò bảo vệ, canh phòng trộm cắp, giữ gìn mùa màng cho nhân dân, rèn vũ khí chuẩn bị chiến đấu khi có thời cơ đến thì các đồng chí còn hướng dẫn thanh niên đứng ra quyên góp gạo, ngô, khoai, cơm để phát chẩn cho các nhà nghèo đứt bữa. Lập ra đài phát thanh, thư viện tại đình làng…kêu gọi nhân dân quan tâm tới thời thế và ủng hộ Hồng quân Liên Xô…Bất cứ hoạt nào Hồ Mỹ Xuyên cũng tham gia nhiệt tình cùng với anh em trên vai trò là người gợi ý và đứng ra tổ chức.

Tháng 7/1945 Hồ Mỹ Xuyên cùng các đồng chí Dương Đình Thúy, Hồ Thị Nhung đứng ra thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng làng. Do hoạt động tích cực và có hiệu quả, Hồ Mỹ Xuyên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh được phân công tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền toàn huyện Quỳnh Lưu.

Ngày 22/8/1945, Hồ Mỹ Xuyên được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban nhân dân Cách mạng huyện và tham gia Chấp hành Huyện ủy.

Tháng 9/1945, Xuyên được điều động vào Vinh, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ an, sau được điều vào Huế cùng với các anh Hồng Chương, Hồ Lịch thành lập Ban Chấp hành lâm thời Thanh niên cứu quốc Trung Bộ. Sau một thời gian, Xuyên trở lại Nghệ An với cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, chịu trách nhiệm chính là tổ chức lớp huấn luyện lý luận chính trị cho cán bộ cấp huyện, mở đầu hệ thống trường Đảng của Đảng bộ tỉnh Nghệ An.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Mỹ Xuyên được cử phụ trách công tác tuyên truyền kháng chiến trong tỉnh. Năm 1947, anh được Trung ương điều động lên Việt Bắc làm công tác kiểm tra Đảng. Ngày 20/11/1947, anh được chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ cử làm Đặc ủy viên trong Đặc ủy đoàn đi kinh lý Liên khu 10 gồm các tỉnh vùng Tây Bắc. Thời gian này anh đổi tên thành Hồ Kim Xuyên.

Cuộc chiến của quân dân nhằm đẩy lùi thực dân Pháp tại chiến khu Việt Bắc hết sức cam go nên việc Đặc ủy đoàn được phái đi Liên khu 10 có ý nghĩa rất quan trọng và cũng không kém phần gian khổ, hiểm nguy. Trong công việc Hồ Kim Xuyên luôn tỏ ra là một cán bộ có nghị lực lớn, đi đến đâu anh cũng được cán bộ và nhân dân tiếp đón nồng nhiệt. Tiếc rằng trong chuyến kinh lý đi qua hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào trung tuần tháng 3/1948 anh đã bất ngờ bị tai nạn. Dù bị thương nặng và hết sức đau đớn, nhưng để không làm lỡ chuyến công tác của đoàn anh cố gắng kìm chế, mỗi khi anh em hỏi có đau nữa không anh đều trả lời “không hề chi”. Đến ngày 19/3/1948, lúc cơn đau phát lên dữ dội, anh dần kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng vào 9h30 phút tối. Sáng sớm hôm sau, Bộ trưởng Bồ Xuân Luật thảo ngay điện khẩn báo cáo lên Hồ Chủ Tịch.

Tang lễ đồng chí Đặc ủy viên Hồ Kim Xuyên được tổ chức rất trọng thể tại nghĩa trang huyện Lục Yên, trên địa bàn xã Trần Phú, có đông đảo cán bộ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai và nhân dân địa phương tham dự, biểu lộ lòng thương tiếc sâu sắc.

Được tin Hồ Kim Xuyên tử nạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xúc động. Người đích thân đánh máy bức thư gửi đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4:
"Chú Mậu thân mến!
Tôi rất đau buồn báo tin cho chú biết:
Cháu Hồ Kim Xuyên không may đã hy sinh trong khi đi công tác cùng Đặc ủy đoàn Chính phủ tại Lục Yên châu – Yên Bái.
Tin này đến với chú chắc chú cũng rất đau đớn. Nhưng mong chú trấn tĩnh, bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi cũng rất đau xót trước việc cháu Xuyên chết. Cháu Xuyên mất đi, chú mất một người con, tôi mất một người cháu, nhân dân mất một chiến sĩ, đoàn thể mất một cán bộ. Chú cần giữ gìn sức khỏe vì công việc kháng chiến còn nhiều. Chú chuyển cho tôi lời chia buồn tới bà cố, thím và tất cả gia đình. Trước tin này mong cố bà, thím và gia đình bớt buồn thương để khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chào thân ái
!
Hồ Chủ Tịch"

Tin dữ Hồ Mỹ Xuyên qua đời về tới Quỳnh Đôi, Nghệ An. Bà nội, mẹ và vợ anh nhận nỗi đau xé ruột. Đặc biệt là vợ anh, chị Nguyễn Thị Chanh. Chị là cháu nội của liệt sĩ Nguyễn Quý Yêm và là con gái của cụ Nguyễn phúc Thiệp, bạn đồng tâm của cụ Hồ Tùng Mậu. Chị về làm dâu gia đình Hồ Tùng Mậu khi Xuyên và chị đều 18 tuổi, đã là vợ chồng với nhau được10 năm mà thời gian ân ái ngọt bùi chẳng được là bao. Xuyên mất đi để lại cho chị 3 đứa con thơ: Hồ Anh Dũng 8 tuổi, Hồ Ngọc Hải 4 tuổi và Hồ Đức Việt chưa đầy một tuổi. Sự mất mát không gì có thể khỏa lấp được.

Đồng chí Hồ Mỹ Xuyên mất đi, nhưng đối với gia đình, bạn bè, đồng chí, anh vẫn còn mãi trong ký ức như một thanh niên tài hoa, một nhà thơ nghĩa khí, một cán bộ cách mạng kiên cường. Hậu duệ của anh đã nối nghiệp cha một cách xứng đáng trên con đường tranh đấu, góp phần xây dựng và bảo vệ nước nhà.

Video