231
644
2887
20402
20962
6849809
Hồ Hảo sinh ra và lớn lên trên một vùng đất trù phú nằm ven đường số Tám (Vinh – Napê), xưa gọi là làng Hữu Bằng, tổng Hữu Bằng nay là xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây, từ xưa đã nổi tiếng không chỉ có cảnh sơn thủy hữu tình mà còn có truyền thống hiếu học. Đây còn là một địa bàn quan trọng của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Thân sinh của Hồ Hảo mất khi anh chưa đầy 3 tuổi. Mẹ anh, bà Trần Thị Thái là một người rất đảm đang, cương trực. Ngoài việc cần mẫn chăm lo công việc ruộng vườn, nuôi dạy 5 con ăn học, nhiều phen bà phải chống chọi với cường quyền áp bức để duy trì cuộc sống gia đình. Có lần bà ra tận đình làng đòi lại bằng được khoản tiền sưu mà bọn hào lý địa phương đã thu gian lận. Ngay cả với bọn Tây, bà cũng không hề sợ hãi. Khi Phan Đình Phùng xây dựng căn cứ tại vùng núi Vụ Quang, cùng với nhân dân Hương Khê, Hương Sơn, gia đình bà đã tích cực giúp đỡ nghĩa quân. Tiếp theo đó, trong những năm 1904-1905, bà lại là một trong những người hăng hái ủng hộ tiền cho phong trào Đông Du.
Hồ Hảo là con thứ năm trong gia đình. Anh được mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và lo việc học hành chu đáo. Mười bốn tuổi, Hồ Hảo vào học tại trường Pháp - Việt, huyện Hương Sơn, là một học sinh sôi nổi, thông minh và có lòng tự trọng, anh rất bất bình với những điều ngang trái trong trường. Anh căm ghét những thái độ hống hách, những cử chỉ thô bạo, xúc phạm nhân cách học sinh của những giáo viên hay bỡ đợ, nịnh hót và luôn mồm ca ngợi công đức “đại Pháp”.
Từ khi có hoạt động của Hội Phục Việt, sách báo tiến bộ bắt đầu được bí mật phổ biến trong trường. Mỗi cột báo, mỗi trang sách chứa đựng những nội dung mới mẻ đã có sức cuốn hút lạ thường đối với những học sinh hiếu động, thích tìm hiểu cái mới như Hồ Hảo. Nhiều hôm Hồ Hảo ngồi bên bờ sông Phố đọc sách quyên cả cơm trưa. Sách báo ấy còn theo anh vào cả trong giờ học trên lớp. Một hôm, viên đốc giám thấy ở ô bàn Hồ Hảo có một cuốn sách cấm, y tịch thu sách, vớ thước đánh anh, Hồ Hảo đứng phắt dậy, giật lấy thước, đem đặt trên bàn rồi thản nhiên đi ra ngoài. Năm 1929, Hồ Hảo bị viên đốc giám đuổi ra khỏi trường vì tội “thường xuyên tàng trữ sách cấm và có những hành vi ngang ngược, chống đối”.
Không được học ở trường huyện, Hồ Hảo nhờ ông chú xin cho vào học tại trường Tổng ở Phố Châu. Tại đây, anh được gặp thầy giáo Nguyễn Mỹ Tài, một hội viên tích cực của Hội Phục Việt ở Hương Sơn. Được thầy Tài hướng dẫn, cho xem thơ ca yêu nước và cách mạng, được các hội viên Phục Việt trong trường giúp đỡ, bồi dưỡng, ước mơ của Hồ Hảo càng có điều kiện chắp cánh bay cao. Anh tham gia tích cực các buổi hội thảo về tình hình thời cuộc của tổ chức Sinh đoàn. Ngày đêm, Hồ Hảo dồn sức chăm lo việc xây dựng củng cố tổ chức Sinh đoàn và tìm những hình thức hoạt động thích hợp cho tổ chức này.
Ngày 3/2/1930, Đảng CSVN ra đời. Ít lâu sau, Đảng bộ huyện Hương Sơn được thành lập. Được chi bộ giao nhiệm vụ, Hồ Hảo chuyển tổ chức Sinh đoàn của Đảng Tân Việt thành tổ chức Sinh hội của Đảng CSVN.
Từ đấy, Hồ Hảo lao vào các hoạt động sôi nổi khẩn trương của học sinh do Sinh hội làm nòng cốt. Anh tích cực tham gia tổ chức các buổi diễn thuyết, tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về các chủ trương chính sách của Đảng. Trong dịp kỉ niệm Quốc tế Lao động 1/5/1930 ở Hương Sơn, Hồ Hảo là một trong những người tổ chức, lãnh đạo việc treo cờ, rải truyền đơn. Trải qua những hoạt động thử thách như vậy, Hồ Hảo đã đến với Đảng. Vào một đêm đầu tháng 5/1930, các Đảng viên chi bộ Trường tiểu học Phố Châu họp dưới một gốc cây phượng vỹ của trường, đón nhận Hồ Hảo vào đội ngũ của mình. Trong giờ phút thiêng liêng đó, Hồ Hảo đứng trước lá cờ Đảng, tuyên thệ suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Giữa lúc phong trào học sinh đang phát triển mạnh mẽ, giữa lúc Hồ Hảo đang sống những ngày sôi động và đẹp đẽ thì nhà trường bước vào dịp nghỉ hè. Theo chủ trương của Đảng, anh được giới thiệu về hoạt động tại Chi bộ Hữu Bằng.
Lúc này trong cả nước, đặc biệt là ở Nghệ Tĩnh, phong trào cách mạng đang dâng lên mạnh mẽ. Hòa nhịp với phong trào đấu tranh của công nhân Vinh-Bến Thủy và nông dân các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Can Lộc…Đảng bộ Hương Sơn cũng chủ trương phát động quần chúng đấu tranh với nhiệt tình sôi nổi của tuổi trẻ, Hồ Hảo ngày đêm lăn lộn trong các xóm thôn để tuyên truyền vận động bà con gia nhập các tổ chức quần chúng cách mạng chẩn bị đứng lên đấu tranh với bọn phong kiến, đế quốc. Tinh thần cách mạng hừng hực trong người Đảng viên trẻ ấy có sức cảm hóa sâu sắc mọi người.
Ngày 17/9/1930, Hồ Hảo được tham dự hội nghị của Huyện ủy Hương Sơn, bàn việc huy động quần chúng biểu tình thị uy vạch mặt bọn quan lại Nam Triều có nhiều nợ máu với nhân dân. Tại hội nghị này, đồng chí được cử vào Ban chỉ huy cuộc đấu tranh.
Sang ngày 19/9/1930, trên các ngả đường, từng đoàn, từng đoàn người đổ tuôn ra đường số 8 kết thành một khối kéo về địa điểm tập trung. Với cương vị là người chỉ huy, Hồ Hảo như môt con thoi khi ở đầu, khi ở giữa, lúc ở cuối đoàn vừa chấn chỉnh đội ngũ, vừa khích lệ động viên quần chúng. Được sự cổ cũ mạnh mẽ của Hồ Hảo và những người chỉ huy khác, quần chúng cách mạng như triều dâng thác đổ, xông tới phá nhà một tên việt gian ở Hương Sơn bất chấp sự ngăn trở của đoàn phu và máy bay lượn vào uy hiếp.
Sau thắng lợi của cuộc ra quân này, Huyện uỷ chủ trương vận động quần chúng tiếp tục biểu tình kéo thẳng lên huyện đường đưa yêu sách giảm sưu miễn thuế. Để bảo vệ quần chúng cách mạng, tối ngày 21/9 /1930 Hồ Hảo chỉ huy bộ phận tự vệ tới vùng Cầu Nầm cắt dây điện báo, không cho bọn địch liên lạc với nhau, dựng chướng ngại vật để ngăn chặn binh lính các nơi về đàn áp cuộc biểu tình.
Rạng ngày 22/9/1930, hơn 2000 quần chúng, tay gậy, tay mác kéo thẳng vào huyện đường Hương Sơn. Tri huyện Hương Sơn huy động tất cả lính đồn Phố Châu ra đàn áp. Hắn cho lính bắn xả vào đoàn biểu tình, làm nhiều người chết và bị thương. Bất chấp sự đàn áp đẫm máu của địch, Hồ Hảo xông tới những nơi khó khăn nguy hiểm nhất. Mặc dù trực tiếp chỉ huy tự vệ chống chọi với bọn lính, đồng chí vẫn không quên bố trí lực lượng dìu cõng những người bị thương về phía sau cứu chữa hoặc đem thi hài những người đã hi sinh về địa phương chôn cất. Những ngày sau cuộc đấu tranh này, Hồ Hảo đến thăm hỏi động viên những nhà có những người bị nạn và cùng với các đồng chí khác tìm cách ổn định, giữ vững tinh thần cho quần chúng.
Trước những đòn tấn công bất ngờ của quần chúng cách mạng, bọn đế quốc và phong kiến Nam triều ở Hương Sơn vô cùng hốt hoảng. Chúng ra sức truy lùng những người lãnh đạo phong trào. Đầu tháng 10/1930, Hồ Hảo bị bắt.
Ngày hôm đó, bọn địch đem Hồ Hảo về nhà lao Hà Tĩnh. Ở đây đã đủ mặt những tên mật thám gian ác khét tiếng với đủ các loại dụng cụ tra tấn đang chực sẵn để “đón tiếp” Hồ Hảo, một tên cộng sản học trò nguy hiểm ở Hương Sơn. Bọn đao phủ tưởng sẽ khuất phục được Hồ Hảo, nhưng chúng đã nhầm. Sau những trận đòn roi băm nát thịt da Hồ Hảo, bọn mật thám hỏi:
- Anh vào Đảng để làm gì?
- Tôi vào Đảng để đánh đổ chế độ hiện thời, giành lại độc lập cho Đông Dương, xây dựng chế độ Xô Viết! – Hồ Hảo trả lời rành rọt, dứt khoát.
Biết không thể nào lay chuyển được ý chí sắt đá của Hồ Hảo, tòa án Nam triều Hà Tĩnh kết án đồng chí tù chung thân và đày đi Lao Bảo.
Đến Lao Bảo, Hồ Hảo tham gia chi bộ nhà tù, bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới. Đồng chí là một trong những người tổ chức, lãnh đạo và tham gia tích cực các cuộc đấu tranh của anh em tù nhân.
Các cuộc đấu tranh đó đều bị kẻ thù điên cuồng đàn áp. Những ai bị tình nghi là người lãnh đạo, chúng giam riêng và đánh đập hết sức tàn nhẫn. Hồ Hảo bị chúng giam xuống ngục tối tra tấn suốt nhiều ngày đêm. Những cuộc đấu tranh quyết liệt trong tù không phải lúc nào cũng thắng lợi nhưng đã rèn đúc thêm ý chí cách mạng cho những người tù cộng sản và buộc địch phải thực hiện một số yêu sách của tù nhân.
Cuối năm 1935, Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại của chính phủ Nam triều, kẻ đã vấy máu cán bộ, đảng viên và quần chúng Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931, bày trò lên thăm nhà tù Lao Bảo. Hôm hắn tập hợp tù nhân để “hiếu dụ”, Hồ Hảo không nén nổi căm giận, đã đứng phắt dậy nói một cách châm biếm:
- Bẩm “cụ lớn” bên Nam triều! Anh em tù chính trị Lao Bảo đã chịu ơn “cụ lớn” nhiều rồi. Mai đây xin kéo nhau về Huế để tạ ơn “cụ” ạ !
Nghe câu nói của Hồ Hảo, anh em tù thì hả lòng, hả dạ, còn Nguyễn Hữu Bài đành phải nuốt hận làm ngơ.
Ngày 14/7/1936, trước áp lực của phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Pháp, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp buộc phải trả lại tự do cho một số tù chính trị ở Đông Dương. Hồ Hảo được trả về địa phương trong dịp này.
Hồ Hảo về quê giữa lúc phong trào Mặt trận Dân chủ đang phát triển khá sôi động. Để có điều kiện chắp mối liên lạc với Đảng, đồng chí cải dạng làm nghề buôn bè, buôn trâu. Với nghề này, đồng chí có thể liên lạc với các đồng chí cũ. Vào một buổi tối tháng 10/1937, Hồ Hảo được gặp một người bạn ở gần bến đò chợ Tràng trên đường từ Hương Sơn ra Vinh. Qua người bạn này, đồng chí biết được các hoạt động cách mạng ở thành phố Vinh - Bến Thủy và các phủ huyện xung quanh, biết được cuộc đấu tranh của công nhân Trường Thi đang gây tiếng vang khắp trong toàn quốc. Thông cảm với khó khăn về đời sống của công nhân trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh, Hồ Hảo nhờ người bạn này chuyển toàn bộ số tiền mang theo để ủng hộ công nhân đình công.
Tháng 6/1938, Hồ Hảo được gặp một đồng chí trong Tỉnh ủy Nghệ An. Qua buổi nói chuyện trên chiếc bè gỗ của anh đậu dưới cầu Cửa Tiền (Vinh), đồng chí này cho Hồ Hảo biết một số chủ trương mới của Đảng. Gặp được Đảng, Hồ Hảo rất sung sướng. Sau buổi nói chuyện, đồng chí giao bè gỗ lại cho người đi theo rồi lên xe lửa về Hương Sơn ngay trong đêm hôm đó.
Hồ Hảo lại đi vào các làng xã, các đồn điền, vận động nông dân, công nhân lập lại các phường hội. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí, một số nơi đã tổ chức kiện bọn hương lý về tội bao chiếm ruộng đất công và tham ô công quỹ của làng xã.
Thông qua các hoạt động này, Hồ Hảo lựa chọn những người tích cực, thành lập các chi bộ. Trên cơ sở đó, đầu năm 1940, Huyện bộ lâm thời Hương Sơn được khôi phục do đồng chí làm bí thư.
Đồng chí đã làm căn nhà của mình làm trụ sở của cơ quan huyện ủy. Đồng chí không những đảm nhiệm toàn bộ việc ăn ở của cán bộ mà còn xuất tiền mua sắm máy chữ và các dụng cụ để in lại các chỉ thị., tài liệu của Đảng, phổ biến xuống các chi bộ.
Mặt khác, thực hiện chủ trương của Xứ ủy, đi đôi với việc tổ chức vận động quần chúng lao động, Hồ Hảo cử cán bộ đến các đồn ở Phố Châu, Chợ Bộng, Napê (Lào) để tuyên truyền vận động binh lính.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp và tay sai tập trung đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Phần lớn các Đảng viên hoạt động trong phong trào dân chủ đều bị bắt. Nhờ có kinh nghiệm hoạt động trước đây, Hồ Hảo tránh được các đợt truy lùng của kẻ thù.
Sau đợt khủng bố này, tháng 5/1940 Hồ Hảo lại bí mật ra Vinh để bắt liên lạc với Đảng bộ Nghệ An. Tại đây, đồng chí đã gặp một cán bộ của Xứ ủy Trung Kỳ. Theo sự hướng dẫn của Xứ ủy, tháng 7/1940, Hồ Hảo về Hương Sơn tập hợp các cán bộ huyện ủy còn lại họp bàn kế hoạch thực hiện các chủ trương mới của Đảng. Hội nghị chủ trương mở một chiến dịch tuyên truyền về tình hình nhiệm vụ mới, phát động quần chúng vạch trần những thủ đoạn của Pháp, Nhật. Để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho công cuộc vũ trang bạo động khi có điều kiện, hội nghị nhấn mạnh “phải đặc biệt chú ý các tổ chức “tuần đinh” để có thể chuyển thành các đội tự vệ của Đảng, lựa chọn những phần tử tích cực nhất, dám hi sinh nhất trong họ vào các đội du kích” (Kế hoạch lâm thời của Huyện ủy Hương Sơn, Ban nghiên cứu LSĐ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh). Sau hội nghị, Hồ Hảo triển khai mọi công tác với nhịp độ rất khẩn trương. Đồng chí dồn sức chỉ đạo các chi bộ thực hiện các chủ trương do hội nghị đề ra. Thế nhưng do sự phản bội của một phần tử thoái hóa biến chất trong cơ quan huyện bộ, ngày 9/12/1940 Hồ Hảo bị địch đón bắt trên đường đi công tác.
Là một cán bộ chủ chốt, gắn bó cả cuộc đời mình với phong trào của huyện nhà, bị bắt giữa tình hình cách mạng sục sôi, Hồ Hảo vô cùng nóng lòng, sốt ruột. Trong thời gian bị giam giữ tại đồn Phố Châu, đồng chí tìm mọi cách liên lạc với các đồng chí bên ngoài, thuyết phục anh em binh lính để tạo cơ hội nhanh chóng thoát ngục trở về với đồng bào, đồng chí. Đêm 11 rạng ngày 12/3/1941, được sự giúp đỡ của người lính đã được giác ngộ cách mạng, Hồ Hảo thoát khỏi trại giam Phố Châu, tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng ở Hương Sơn.
Một tháng sau khi Hồ Hảo vượt ngục, phủ ủy Sông Con được khôi phục và tiến hành lãnh đạo công nhân đấu tranh đòi bọn chủ đồn điền xóa bỏ tô phụ, tô rừng, tăng thêm tiền công. Tiếp đó Huyện ủy lâm thời được khôi phục và liên lạc được với Tỉnh ủy Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ.
Thấm nhuần chủ trương đón thời cơ khởi nghĩa của Xứ ủy, được các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, đặc biệt là vụ binh biến Rạng (Đô Lương) động viên thội thúc, ngày 22/4/1941, Huyện ủy Hương Sơn họp bàn kế hoạch hành động. Hội nghị chủ trương sẽ phối hợp với huyện ủy Thanh Chương, đánh chiếm đồn Phố Châu, giải thoát một số cán bộ lãnh đạo của Huyện ủy đang bị giam giữ, thu vũ khí rồi rút về vùng thượng huyện, dựa vào các đồn điền Sông Con, Voi Bổ xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng để khi có điều kiện sẽ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong hai huyện Hương Sơn và Thanh Chương. Hội nghị quyết định lấy số súng đạn của tên chủ đồn điền Sông Con Giốc-giơ Phe-rây để thực hiện chủ trương quan trọng trên.
Ngày 5/5/1941, Hồ Hảo cử một cán bộ đi gặp Xứ ủy xin ý kiến về vấn đề này nhưng không được Xứ ủy chấp nhận.
Ngày 13/5, Huyện ủy lại họp, khẳng định quyết tâm thực hiện chủ trương trên. Ngay đêm đó, đồng chí Hồ Hảo thân hành đi gặp Xứ ủy để thuyết phục Xứ ủy cho phép thực hiện nguyện vọng tha thiết của các đồng chí trong huyện ủy lâm thời Hương Sơn. Trong lúc đó, do không kìm giữ được nhiệt tình cách mạng, thấy cơ hội thuận lợi các đồng chí ở nhà quyết định hành động. Ngày 14/5/1941, Phe-rây bị giết chết. Toàn bộ vũ khí gồm 14 khẩu súng và 700 viên đạn các loại bị quân cách mạng tịch thu. Hôm sau các đồng chí lại tiếp tục trừng trị tên bang tá Hồ Dũng Tài, khi y được lệnh của tri huyện Hương Sơn, lùng sục xung quanh vùng đồn điền Sông Con.
Những tin sét đánh trên đây làm rung chuyển bộ máy thực dân, phong kiến ở Hương Sơn và ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tháng 8/1941, Khâm sứ Trung kỳ, Bộ trưởng Bộ Hình chính phủ Bảo Đại ra Vinh họp với công sứ, tổng đốc, chánh mật thám hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bàn kế hoạch đối phó. Chúng nhận định “phong trào Hồ Hảo là một khâu trong sợi dây chuyền của phong trào rộng lớn do Đảng cộng sản phát động để đánh đổ chế độ hiện thời của Pháp ở Đông Dương” (Báo cáo của Sở mật thám Trung Kỳ ngày 22/12/1941 gửi Phủ toàn quyền). Ngay sau đó, lệnh truy nã kèm theo ảnh Hồ Hảo được dán khắp nơi ở Nghệ Tĩnh: “Ai trình báo, bắt được Hồ Hảo thì được thưởng 1000 đồng, bắt được đồng bọn, thưởng 100 đồng”. Bị truy lùng ráo riết, nhận thấy chưa thể hoạt động được, Hồ Hảo quyết định cùng một số đồng chí khác, mang toàn bộ số vũ khí thu được, tạm lánh sang Lào, chờ dịp trở về hoạt động.
Ngày 14/12/1941, với ý định tìm bắt liên lạc với Tỉnh ủy Nghệ An và Xứ ủy Trung Kỳ, Hồ Hảo từ bản Sốp Tông sát biên giới Việt – Lào, trở về Thanh Chương. Đồng chí vào trại Nguyễn Dương Ba, một bạn tù cũ quê ở tổng Võ Liệt. Phát hiện được việc đó, Om-be chánh mật thám Trung Kỳ cùng với đồn trưởng đồn chợ Rạng, đem lính đến đe doạ, dụ dỗ buộc Nguyễn Dương Ba thực hiện kế hoạch nham hiểm của chúng. Bị khuất phục trước sự đe dọa của kẻ thù, tên Ba đã phản bội. Hồi 18 giờ 10 phút ngày 16/12/1941, Hồ Hảo sa vào ổ phục kích và bị bắn chết.
Kẻ thù hèn hạ đem xác Hồ Hảo về Hương Sơn rồi kéo đi khắp các con đường lớn trong huyện. Sau đó, chúng dựng thi thể đã rách nát của đồng chí lên trước cửa đồn điền Sông Con, lấy hai thanh gươm kề ngang cổ. Chúng bắt gia đình Hồ Hảo làm “chay”, cúng lễ cho Phe-rây suốt ba ngày đêm…Bọn địch tưởng có thể uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Song, bộ mặt man rợ của chúng càng bị bóc trần. Tiếng gọi trả thù cho đồng chí Hồ Hảo càng thúc dục mỗi một đảng viên và quần chúng Hương Sơn.
Năm tháng đã trôi qua nhưng hình ảnh Hồ Hảo, một chiến sỹ cộng sản kiên quyết dứt khoát trong lãnh đạo, sôi nổi táo bạo trong hành động, dũng cảm xông xáo trong mọi phong trào của Đảng luôn sống mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn, Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Xuân Đình. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh 1982