338
769
3042
9772
20962
6839179
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước với những chiến công hào hùng của dân tộc Việt Nam luôn có sự đóng góp công sức không nhỏ của các bà, các mẹ, các chị. Hình ảnh những người phụ nữ cần cù, đảm đang trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong chiến đấu và thủy chung son sắt trong đời sống tình cảm đã trở thành biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.
Cùng chung những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, từ năm 1930 đến nay, phụ nữ Nghệ An đã khẳng định được vai trò, vị thế trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang.
Trong Cương lĩnh của Đảng tháng 10/1930 có ghi rõ “phụ nữ là một lực lượng quan trọng của cách mạng, không có phụ nữ thì cách mạng không thể thành công…”. Thấm nhuần Cương lĩnh đó, ngay trong những ngày đầu đấu tranh sục sôi của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Hội phụ nữ giải phóng Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhanh chóng được thành lập, thu hút được đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Tính đến tháng 4/1931, số hội viên tham gia Hội phụ nữ giải phóng đã lên đến 6.000 người, đóng cơ sở trên 200 làng xã trong toàn tỉnh.
Hoạt động của Hội phụ nữ giải phóng ở Nghệ An diễn ra sôi nổi, trên nhiều mặt: vừa tuyên truyền, kêu gọi các tầng lớp phụ nữ tham gia hội họp, mít tinh, biểu tình đấu tranh chống đế quốc – phong kiến, vừa tích cực vận động chị em tham gia cứu đói cho dân bằng cách vay thóc của nhà giàu phân phát cho người nghèo, góp phần tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cách mạng.
Trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, với tinh thần dũng cảm, tư thế hiên ngang, phụ nữ Nghệ An đã làm cho kẻ địch nhiều phen khiếp sợ, tiêu biểu như chị: Nguyễn Thị Phia, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhuyễn…Không chỉ anh dũng, kiên cường trước mũi súng quân thù, chị em còn có khả năng mưu trí, sáng tạo, khôn khéo trong công tác giao thông liên lạc. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh trong phong trào Xô Viết. Tên tuổi của nhiều mẹ, nhiều chị đã đi vào sử sách như: Nguyễn Thị Nình, Lê Thị Yêm…
Sau khi chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh ra đời, Hội Phụ nữ giải phóng đã tích cực vận động chị em và cử hội viên là những chị em có điều kiện tham gia các đội Tự vệ đỏ, làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ bình yên cho các xóm làng; trừng trị bọn tay sai phản động, bảo vệ các cuộc hội họp của Đảng, bảo vệ chính quyền Xô viết; vận động thực hiện đời sống mới, lập tổ hộ sản để giúp đỡ nhau lúc sinh đẻ hoặc ốm đau, lúc khó khăn hoạn nạn; tham gia các lớp học chữ quốc ngữ nhằm nâng cao trình độ dân trí…
Khi thực dân Pháp và phong kiến Nam triều tiến hành chiến dịch khủng bố trắng, hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên đều lần lượt rút lui vào hoạt động bí mật để duy trì và bảo toàn lực lượng. Thời điểm này, một lần nữa vai trò của phụ nữ Nghệ An lại càng được phát huy cao độ. Các bà, các mẹ, các chị đã tích cực ngày đêm ra sức bảo vệ, nuôi dấu, che chở cán bộ đảng, bảo đảm cho các tổ chức Đảng an tâm hoạt động, bất chấp sự lùng sục, càn quét của kẻ thù.
Phong trào đấu tranh từ nông thôn đến thành phố, từ miền xuôi lên miền ngược, từ các xóm làng đến các nhà máy lớn, từ lúc cao trào đến thời kỳ rút lui vào hoạt động bị mật đều có sự tham gia tích cực của phụ nữ Nghệ An. Qua đấu tranh cách mạng, các chị dần được tôi rèn về phẩm chất, trưởng thành về năng lực và vững vàng về bản lĩnh, có uy tín trong công tác, được Đảng giao đảm đương nhiều vị trí phụ trách, lãnh đạo phong trào đấu tranh như: Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Kỳ, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Phúc… Đây là những đảng viên đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng nói chung và phong trào phụ nữ Nghệ An nói riêng.
Trong cao trào dân chủ 1936-1939 và thời kỳ đấu tranh cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ( 1939-1945), phụ nữ Nghệ An đã tham gia nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ Việt Minh, hăng hái tham gia các đội tự vệ vũ trang giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công thực sự đã thay đổi vị trí của người phụ nữ, từ thân phận nô lệ chị em đã trở thành những người làm chủ xã hội, phát huy tài năng và tham gia các hoạt động xã hội.
Năm 1946, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Nghệ An vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương vững chắc cho các chiến trường. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ đó, nhiều chị em trong tỉnh đã cùng nam giới chuyển hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị lên các huyện vùng núi Thanh Chương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn... để phục vụ kháng chiến. Trên khắp mọi nẻo đường, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái xứ Nghệ hăng hái thồ hàng hóa, thuốc men, đạn dược phục vụ chiến trường. Chị em nông dân cũng thay nam giới đảm đương công việc cày bừa, tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến. Phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng công tác chăm sóc thương binh, đỡ đầu bộ đội, mua công phiếu kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi.
Phụ nữ Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Từ trong lao động sản xuất và chiến đấu, phụ nữ Nghệ An đã có sự lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, qua đó khẳng định được vai trò, vị trí xứng đáng của mình trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Một số chị em còn được bầu là chiến sĩ thi đua, được tặng Huân chương lao động như chị Phan Thị Hồng Liên ở Hưng Nguyên, chị Bùi Thị Xem ở Thanh Chương...
Những đóng góp to lớn của phụ nữ Nghệ An đã góp phần làm cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi vẻ vang với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954“ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước bị chia cắt làm 2 miền: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng CNXH còn miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ và tay sai. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó, dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ Nghệ An, chị em phụ nữ đã cùng quân và dân toàn tỉnh vừa tiến hành công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương vững chắc, đảm bảo mạch máu giao thông vừa tích cực cung cấp sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Đặc biệt, trong những năm giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc và tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội, tiếng hát phong trào “Ba đảm đang” đã vang khắp ruộng đồng, nông trường xí nghiệp nhà máy, trường học và các nẻo đường ra tiền tuyến, hàng vạn phụ nữ Nghệ An thuộc mọi lứa tuổi, thành phần, ở miền xuôi cũng như miền ngược đã đứng lên đảm nhận nhiệm vụ hậu phương để chồng, con, cha, anh đi chiến đấu, công tác, đồng thời sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngay trên quê hương.
Từ năm (1964 – 1972) có trên 40.000 nữ thanh niên đã hăng hái tham gia dân quân tự vệ. Ngoài ra cả tỉnh có gần 18.000 chị em thanh niên xung phong phục vụ các chiến trường A, B, C... tên tuổi và chiến công của các nữ thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ trên các trọng điểm giao thông như 12 cô gái của “Tiểu đội thép” Truông Bồn, 15 cô gái Tổ bảo dưỡng giao thông cung Khe Tỳ, 100 cô gái của Đại đội 333 phụ trách tuyến đường Bến Thủy, Cầu Cấm đã trở thành huyền thoại… Trong những năm tháng oanh liệt này, chị em được thử thách rèn luyện và trưởng thành nhiều mặt.
Đánh giá sự trưởng thành của phụ nữ Nghệ An trong thời kỳ này, Báo cáo của Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An tại Đại hội khóa VI năm 1974 đã khẳng định: “...cùng với phụ nữ cả nước phụ nữ Nghệ An chúng ta đã lớn mạnh về ý thức tư tưởng... hơn 22 vạn chị em xuất sắc được tặng danh hiệu Ba đảm đang và chiến sĩ hai giỏi, hàng trăm chị em và đơn vị nữ được tặng Huân chương các loại, nhiều chị được công nhận là chiến sĩ thi đua và có 4 người được tặng danh hiệu anh hùng lao động và anh hùng lực lượng vũ trang. Đây là những chị tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, tài năng, trí tuệ và tình cảm cách mạng của phụ nữ Nghệ An”. Tại Đại hội này Tỉnh ủy Nghệ An đã tặng bức trướng ghi dòng chữ “Phụ nữ Nghệ An trung dũng, đảm đang, chống mỹ cứu nước và xây dựng xã hội”.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn thu về một mối, đến tháng 9/1975, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh, do đó đến tháng 3/1976 Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng sáp nhập thành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ Tĩnh. Nhiệm vụ lúc này của phụ nữ Nghệ Tĩnh là cùng với phụ nữ cả nước bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, giàu lòng nhân ái, Hội phụ nữ Nghệ Tĩnh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em, đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế. Các lực lượng phụ nữ tỉnh Nghệ Tĩnh đã đoàn kết một lòng, vững bước trên con đường đổi mới của Đảng, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Từ thực hiện phương hướng, nhiệm vụ năm 1976 đến thực hiện các phong trào “Ba kiện tướng”, “Ba điểm cao”, phong trào tiết kiệm, hướng về chiến sĩ tiền phương, các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của lực lượng phụ nữ tỉnh nhà, có tinh thần cách mạng tiến công, có ý thức phấn đấu vươn lên, góp phần thực hiện nam nữ bình đẳng.
Với những thành tích đạt được trong giai đoạn này, phụ nữ Nghệ Tĩnh đã vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND Tỉnh tặng cờ và bằng khen.
Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước và quê hương đã giành được nhiều thành tựu to lớn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Thành quả đó có một phần đóng góp không nhỏ của các chị em phụ nữ.
Với gần 508.000 hội viên, chiếm 52% lực lượng lao động trong tỉnh, phụ nữ trực tiếp tham gia các quá trình lao động sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nhiều chương trình dự án được đẩy mạnh, trọng tâm là hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Với sự nỗ lực không ngừng và bằng nhiều giải pháp, Hội đã giúp 32.321 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.
Thực hiện việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh đã quyên góp được trên 11 tỷ đồng, xây mới 556 nhà “Mái ấm tình thương”, sửa chữa 817 nhà với tổng số tiền hơn 14,3 tỷ đồng; tham gia tích cực phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, hậu phương quân đội... triển khai đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường”, “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số”; “Phụ nữ chung tay xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt đã vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Hiện nay có 100% cán bộ nữ, 80% hội viên Hội Liên hiệp phụ nữtỉnh đạt 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và xã hội: Hiện nay tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng ở cấp tỉnh chiếm 11,30%; cấp huyện 16,66%; cấp xã 20,6%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khoá XIV đạt 30,8%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 27,5%, cấp huyện là 29,2%, cấp xã 28,1%; tỷ lệ các sở, ban, ngành và UBND các cấp có cán
Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, phụ nữ lực lượng vũ trang đã nêu cao vai trò trách nhiệm trên cương vị công tác của mình, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, có nhiều đóng góp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Sự nỗ lực của phụ nữ tỉnh Nghệ An đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương được cấp ủy và chính quyền đánh giá cao. Với những thành tích đã đạt được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phân thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Bằng khen và Cờ thi đua của thủ tướng chính phủ… Nhiều cá nhân được phong tặng các danh hiệu: Anh hùng lao động, Nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân…
Trải qua 88 năm chiến đấu và trưởng thành dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, phụ nữ Nghệ An đã thắp sáng ngọn lửa thiêng Xô viết Nghệ Tĩnh, đóng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Tên tuổi của các mẹ, các chị đã đi vào lịch sử làm nên những tượng đài bất tử trong lòng mỗi người dân trên quê hương xứ Nghệ anh hùng.