518
526
2530
20045
20962
6849452
Đồng chí Võ Văn Tần sinh ngày 21/8/1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước tại làng Đức Hòa (nằm ven sông Vàm Cỏ Đông), huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An) , vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và thế hệ trẻ Việt Nam một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời vì dân, vì nước.
Ảnh: Đồng chí Võ Văn Tần
1. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần
Từ nhỏ, đồng chí Võ Văn Tần vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc. Đến năm 23 tuổi, đồng chí mở lớp dạy học, kiêm nghề bốc thuốc trị bệnh cho cho người dân nghèo trong làng. Năm 1917, đồng chí lên Sài Gòn vừa kiếm sống, vừa tìm hiểu thời cuộc. Năm 1922, đồng chí trở về quê và ra làm Biện làng. Chính trong điều kiện lao động được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, cùng với truyền thống của gia đình đã khơi dậy trong đồng chí tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh muốn tìm ra con đường cho nhân dân lao động thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than.
Năm 1923, do tham gia cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam và khép vào tội “cầm đầu các cuộc chống đối” nhưng không có chứng cứ, thực dân buộc phải trả tự do. Sau khi được trả tự do, đồng chí đã tích cực tham gia vào nhiều cuộc bàn luận về lịch sử, chính trị thời cuộc, phong trào Cần Vương, thuyết Tam dân của Tôn Dật Tiên và hoạt động của các đảng phái, tôn giáo đương thời.
Năm 1926, đồng chí gia nhập “Hội kín Nguyễn An Ninh” ở Sài Gòn – Gia Định nhưng mục đích và tôn chỉ của hội không thỏa mãn nguyện vọng cách mạng của đồng chí. Hoạt động không bao lâu, cũng trong năm 1926 đồng chí chuyển sang tham gia hoạt động trong tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng chí Hội” cùng với người em ruột là đồng chí Võ Văn Ngân. Đồng chí đã đi vận động tuyên truyền cách mạng cho các tầng lớp nhân dân lao động vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Hai anh em đã gây dựng được nhiều cơ sở của những người yêu nước, được nhân dân yêu mến thường gọi là “ anh Hai Vườn trầu” hoặc “Ông già trầu” vì cốt cách đơn giản, bình dân. Với tấm lòng nhiệt tình, niềm tin của tuổi trẻ, đồng chí đã hòa mình vào phong trào yêu nước, đấu tranh giành tự do của dân tộc.
Năm 1929, khi tổ chức An Nam Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí trở thành một trong những đảng viên tiền bối của Đảng. Sau hội nghị hợp nhất Đảng Cộng Sản Đông Dương (03/02/1930), ngày 06/03/1930, đồng chí thành lập chi bộ Đức Hòa gồm 7 đồng chí là: Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Sậy, Nguyễn Văn Thỏ và Nguyễn Văn Ngọc do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Sau đó các Chi bộ khác ở Đức Hoà cũng được thành lập và đồng chí được tín nhiệm cử làm Bí thư Huyện uỷ đầu tiên ở Đức Hoà.
Ngày 4/6/1930, theo chủ trương chung của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Châu Văn Liêm, Huyện ủy Đức Hoà đã chỉ đạo và tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ ở quận Đức Hoà với sự tham gia của hơn 10 ngàn quần chúng. Trong cuộc biểu tình này, một số đông đồng bào tham gia biểu tình và đồng chí Châu Văn Liêm bị bắn chết. Đồng chí Võ Văn Tần với vai trò Bí thư chi bộ đã lãnh đạo đoàn biểu tình đi từ Bàu Trai xuống Đức Hoà. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân… Thực dân Pháp đã không bắt được đồng chí nhưng chúng đã mở phiên toà xử tử hình vắng mặt đồng chí ở Chợ Lớn.
Cuối năm 1930, đầu năm 1931, cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp đã làm tổn thất nghiêm trọng đến lớp đảng viên đầu tiên trong cả nước cũng như của Đảng bộ Chợ Lớn. Tháng 3 năm 1931, đồng chí tham gia cùng với Xứ ủy lãnh đạo cuộc bãi công của hơn 400 công nhân nhà máy dầu Xô Cô Ny (Nhà Bè). Tháng 6/1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay cho đồng chí Lê Quang Sung vừa bị bắt. Trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp quyết liệt các cơ sở Đảng, đồng chí Võ Văn Tần phải nhiều lần “thay hình đổi dạng” để hoạt động. Bằng ý chí, bản lĩnh kiên cường, trung thành với lý tưởng, bất chấp mọi hy sinh gian khổ, đồng chí Võ Văn Tần đã kiên trì hoạt động, từng bước dựng lại tổ chức cơ sở của Đảng, duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng ở Gia Định – Chợ Lớn.
Tháng 6/1932, đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên Huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà và tổ chức viết báo “Cờ Lãnh Đạo” (Trụ sở đặt tại ấp Nhơn Hoà xã Đức Thượng ngày nay) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ. Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí Võ Văn Tần đã khéo léo che mắt địch một mặt tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi các cơ sở của Đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù. Đến cuối năm 1932, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.
Tháng 5/1933, đồng chí được cử về hoạt động ở miền Tây Nam Bộ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương nhất là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Tháng 5/1935, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào Ban Thường Vụ Xứ ủy. Tháng 7/1935, đồng chí chỉ đạo Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao Động” số đầu tiên. Cuối năm 1935, sau Hội nghị Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đồng chí được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy và được bầu bổ sung vào Ban Chấp Hành Trung ương.
Từ năm 1936 đến năm 1940, đồng chí đã góp phần tích cực vào sự thành công của các Hội nghị Trung ương Đảng lần 4, 5 và 6… Trong quá trình hoạt động, đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí đảng viên trong Xứ ủy Nam Kỳ đã khẳng định, minh chứng, tạo niềm tin cho quần chúng bằng những việc làm thiết thực đưa cách mạng Nam Kỳ vượt qua thử thách khó khăn; khẳng định tinh thần, ý chí kiên cường, quả cảm, lòng trung thành vô hạn của những người cộng sản đối với quần chúng nhân dân.
2. Đồng chí Võ Văn Tần - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường.
Ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Tần và đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp xây dựng các đội tự vệ võ trang ở các cơ sở, các tổ chức Nông Hội, Công Hội và Thanh Niên Phản đế, để tiếp tục chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ vào tháng 9/1940.
Ngày 14/7/1940, đồng chí Võ Văn Tần cũng sa vào tay giặc trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn - Bà Điểm). 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man làm cho đồng chí chết đi sống lại nhưng gông sắt, xiềng xích, đòn roi của địch không thể lay chuyển được ý chí bất khuất kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần.
Bất lực trước việc dùng đòn tra tấn và cám dỗ, thực dân Pháp phải đưa đồng chí ra Toà án Binh ở Sài Gòn để xét xử. Trong hai phiên toà ngày 25/3/1941 và ngày 3/4/1941, thực dân Pháp đã buộc đồng chí Võ Văn Tần và các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai vào tội “Có trách nhiệm tinh thần về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ”, “Xúi giục dân chúng làm loạn Quốc gia” và kết án tử hình các đồng chí trên.
Ngày 28/08/1941 (nhằm ngày mùng 6 tháng 7 Âm lịch), các đồng chí Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai , Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp đem ra xử bắn công khai tại trường bắn giếng nước Hóc Môn (nay là bệnh viện Hóc Môn). Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim "Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…". Trước lúc hy sinh, tất cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu :
“Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm”
“Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”
3. Đồng chí Võ Văn Tần với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Tần không ngừng tự giác trong học tập và rèn luyện, trau dồi nâng cao kiến thức lý luận, thực tiễn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng mà Đảng và nhân dân giao phó. Cả cuộc đời đồng chí luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nước, vì dân, luôn kiên định niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, không ngừng trau dồi bản chất cách mạng của người cộng sản, phát huy hết trí tuệ sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, tận trung với nước, với Đảng, thủy chung với đồng bào. Đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, sống giản dị khiêm nhường và tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. Sự kiên định của đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Dù ở đâu, đến đâu hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần đều nhận được những tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ của đồng chí, đồng bào. Với tác phong gương mẫu, gần gũi, luôn nhạy bén, nắm bắt cốt lõi của vấn đề, có lối sống giản dị, tôn trọng mọi người, là tấm gương mẫu mực, đồng chí đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, anh em, bè bạn. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu; quan tâm giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên; luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, đồng chí cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người đoàn kết là tiêu chuẩn hàng đầu và đả phá tư tưởng địa phương chủ nghĩa, cá nhân địa vị, tham ô, hủ hóa. Trong cuộc sống cũng như trong công việc, đồng chí luôn giải thích cặn kẽ mặt đúng, mặt sai để rút kinh nghiệm, căn dặn cán bộ phải luôn cảnh giác, phải tự rèn luyện cho mình đạo đức cách mạng, vì dân, vì nước.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VI, Đảng đã quyết định những chiến lược quan trọng của cách mạng dân tộc là: thay đổi sách lược, hướng phong trào đấu tranh vào những yêu sách; tuyên truyền, tổ chức, xây dựng uy tín và ảnh hưởng của Đảng; vạch rõ tội ác của chủ nghĩa đế quốc; khẩn trương thành lập các hội bí mật; huấn luyện quần chúng; liên hiệp với các đảng phái khác; có thái độ kiên quyết với bọn phản động, chống, phá Đảng; đấu tranh và chuẩn bị đón thời cơ giải phóng dân tộc, với mục tiêu trước mắt là "giành được độc lập hoàn toàn cho Đông Dương và chấm dứt chiến tranh đế quốc". Đồng chí Võ Văn Tần đã chỉ đạo Xứ ủy Nam kỳ chuyển cán bộ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn; thành lập nhiều tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế, các đội tự vệ và du kích phát triển nhanh chóng trong toàn xứ.
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Nam bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Với phương pháp, nguyên tắc và kinh nghiệm hoạt động bí mật; linh hoạt, sáng tạo và sâu sát với quần chúng; sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí Võ Văn Tần đã gợi mở cho Đảng hình thành lên các hình thức tổ chức và hoạt động thích hợp trong quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng rộng lớn chuẩn bị tới cao trào cách mạng 1939 - 1945.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần là bài học về tấm gương của người chiến sỹ cộng sản. Đồng chí Võ Văn Tần là một Bí thư có tác phong gần gũi, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí; luôn quan tâm giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên; đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên hàng đầu; có lối sống giản dị, tôn trọng mọi người. Trong cuộc sống cũng như trong công việc luôn làm việc khoa học, nói đi đôi với làm; sâu sát, bám sát thực tiễn; nhiệt tình, năng nổ, hết lòng vì nhiệm vụ được giao, đồng chí đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (1891 – 2021) là dịp để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng và nhân dân hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.
Phạm Minh Thùy
Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1981-8/2021) của Ban Tuyên giáo Trung ương.