Đồng chí Võ Trọng Bành - người chiến sỹ cộng sản kiên trung của quê hương Hưng Nguyên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-08 01:19:39

Đồng chí Võ Trọng Bành (tức Võ Quang Hán, Võ Trọng Đào, Hồng, Trâm) sinh năm 1907, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Phù Xá, nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Võ Trọng Nguyệt, mẹ là bà Nguyễn Thị Huệ. Được nuôi dưỡng trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, trong một dòng họ có võ công, văn nghiệp nên đồng chí sớm được tiếp thu tư tưởng tiến bộ, tinh thần ham học và yêu nước của các bậc cha chú, anh em như: ông Võ Trọng Việng (chí sỹ yêu nước trong nghĩa quân Phan Đình Phùng), Võ Trọng Đài (phong trào xuất dương, hoạt động tiêu biểu ở Thái Lan), Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Ân… Võ Trọng Bành đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để tiếp bước vào con đường học hành, tích cực tham gia các phong trào yêu nước.

Đồng chí Võ Trọng Bành

Năm 1925- 1926, Võ Trọng Bành đã cùng với một số bạn bè học tại trường Cao Xuân Dục (Vinh) như Phan Thị Hảo, Nguyễn Văn Uyển… tham gia tích cực trong phong trào biểu tình bãi khóa đòi cho thầy giáo Hà Huy Tập được ở lại trường, vì bọn mật thám tình nghi Hà Huy Tập hoạt động cách mạng nên bị đổi đi Phủ Bọn - Quỳ Hợp - Nghệ An. Võ Trọng Bành đã bị bắt và đuổi học, cấm 5 năm không được thi vào các trường công lập. Sau đó, Võ Trọng Bành đổi tên thành Võ Quang Hán sang học ở trường Dỹ Long (Hương Sơn), rồi lại chuyển sang học ở Đức Thọ - Hà Tĩnh.

Năm 1929, Võ Trọng Bành thi đậu bằng Sơ học Pháp-Việt nhưng bọn mật thám biết ông đổi tên nên chúng tịch thu bằng. Từ đây, Võ Trọng Bành lui về dạy học cho mấy em nhỏ tại làng Thuận Hòa (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Trong thời gian này, Võ Trọng Bành đã làm quen và kết thân với 2 anh em Thái Văn Cư và Thái Văn Giai, họ thường xuyên cùng nhau mua và tìm đọc các sách báo tiến bộ như sách “Hồi trống tự do”, “Chiêu hồn nước”.

Tháng 7/1930, Võ Trọng Bành được đồng chí Thái Văn Giai (phụ trách Hương Sơn - Hà Tĩnh) dìu dắt tuyên truyền, giác ngộ giới thiệu vào tổ chức Nông hội đỏ và giao nhiệm vụ về gây dựng phong trào, phát triển tổ chức tại quê hương đồng chí ở xã Phù Xá, huyện Hưng Nguyên. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí đã hăng hái tham gia tích cực, đặc biệt trong các cuộc đấu tranh của nhân dân tại quê nhà.

Ngày 12/9/1930, khoảng 3 giờ sáng, đồng chí Võ Trọng Bành đã cùng với đoàn quân làng Phù Xá hòa vào đoàn người của tổng Phù Long, Thông Lạng, Nam Kim. Đoàn biểu tình xếp hàng dài mang theo gậy gộc, giáo mác, dây thừng, cờ đỏ búa liềm, băng rôn khẩu hiệu rầm rập theo các ngả đường tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên như kế hoạch đã định, đưa yêu sách cho tri phủ, nêu cao các khẩu hiệu:

Đánh đổ đế quốc Pháp.

Đánh đổ Nam Triều phong kiến

Bỏ sưu thuế, chia ruộng đất cho dân cày…”

Trước khí thế xung thiên của cuộc biểu tình, thực dân Pháp vội vã cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm chết 217 người, 125 người bị thương, hàng chục người khác bị bắt giam. Sôi sục lòng căm thù, một làn sóng đấu tranh, biểu tình phản đối nổi lên dồn dập, những cuộc lạc quyên cứu giúp những gia đình bị nạn được tổ chức. Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức lễ truy điệu các chiến sỹ hy sinh ở Hưng Nguyên và kêu gọi phong trào đấu tranh hưởng ứng tinh thần cuộc biểu tình 12/9/1930.

Tháng 10/1930, với sự hăng hái tham gia các hoạt động và những thành tích nổi bật của mình, đồng chí Võ Trọng Bành đã được đồng chí Lê Xuân Đào - Bí thư Phủ ủy lâm thời huyện Hưng Nguyên trực tiếp kết nạp vào chi bộ Phù Xá và giao phụ trách công tác tuyên truyền, ấn loát, in ấn truyền đơn, tài liệu cùng với các đồng chí Lê Tấn, Lê Thúc Cương, Nguyễn Cũng Thước...

Để đối phó với phong trào cách mạng đang lên cao ở Hưng Nguyên, nhằm ngăn chặn sự phát triển của làn sóng cách mạng trong cả tỉnh, ngày 6/10/1930 kẻ địch đã đưa 300 lính và 10 tên tay sai về đàn áp phong trào cách mạng ở làng Phù Long. Chúng xây dựng hệ thống đồn bốt tại các làng, phủ để đàn áp phong trào, riêng phủ Phù Long có đến 4 đồn, trong đó có 2 đồn do sỹ quan Pháp chỉ huy. Chúng đốt phá nhà cửa của đồng chí Võ Trọng Bành và toàn bộ 400 nóc nhà của nhân dân 2 làng Yên Phú và Yên Thọ. Các đồng chí Võ Trọng Bành, Tôn Thị Quế, Nguyễn Xuân Mai, Dương Vũ Bản... bị bọn chúng lùng sục ráo riết. Trước tình hình đó, đầu năm 1931 đồng chí Võ Trọng Bành được Tỉnh ủy Nghệ An điều động, tăng cường về phụ trách, chỉ đạo phong trào cách mạng huyện Quỳnh Lưu.

Ngày 29 -1 – 1931, tại nhà thờ họ Hồ Nam Sơn (Quỳnh Yên) đồng chí Võ Trọng Bành đã tổ chức một cuộc Hội nghị cán bộ mở rộng để truyền đạt những chủ trương của Tỉnh ủy, nghe báo cáo về Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng và Chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ. Hội nghị đã quán triệt, phát động đấu tranh phân tán lực lượng địch đang tập trung đàn áp khốc liệt đối với phong trào cách mạng ở Vinh - Bến Thủy, Hưng Nguyên,Thanh Chương, Nam Đàn... Hội nghị đã quyết định lấy ngày 4- 2 - 1931 phát động  toàn huyện đấu tranh biểu tình với các khẩu hiệu:

- Chống sưu cao, thuế nặng

- Phản đối chính sách đàn áp, khủng bố của đế quốc và tay sai đối với 2 làng Song Lộc và Tân Lộc (huyện Nghi Lộc).

- Chống khủng bố, đốt nhà những người tham gia biểu tình.

- Chống bắt rượu và muối.

Cuộc đấu tranh có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ gồm nhân dân 4 tổng trong huyện đã tập trung gồm 4 đoàn với 6000 người tham dự. Cuộc biểu tình ngày 4-2-1931 đã làm tan rã chính quyền tay sai ở các tổng Quỳnh Lâm, Phú Hậu, Thanh Viên, bọn chánh tổng và tay sai đã phải bỏ chạy, một số ít ra đầu hàng nhân dân.

Tháng 5 năm 1931, địch tăng cường lực lượng, thực hiện chính sách khủng bố trắng, bao vây lùng sục càn quét khắp nơi, các cán bộ chủ chốt của huyện lần lượt bị bắt và sát hại, hàng loạt cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng bị phá. Đồng chí Võ Trọng Bành bị địch bắt giam tại Nam Đàn và bị tòa án chính quyền Pháp tỉnh Nghệ An kết án 9 năm tù giam, 4 năm quản thúc. Trong nhà lao dù bị đánh đập, tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn gan dạ, kiên cường trơ như đá, vững như đồng bất chấp mọi thủ đoạn của kẻ thù.

Ngày 21/01/1932,  đồng chí Võ Trọng Bành bị kẻ địch đày đi Đà Nẵng tù 10 năm khổ sai và 5 năm quản thúc, sau đó lại chuyển đến ngục Kom Tum. Tại đây, đồng chí đã học tập tinh thần chiến đấu kiên cường của các lớp đàn anh đi trước, bền gan dũng chí đấu tranh chống lại mọi chế độ hà khắc và tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong tù do anh em tù tổ chức.

Đồng chí Võ Trọng Bành còn là thành viên của “Ngọ Báo”“Ngục Thất Tao Đàn” trong ngục Kon Tum. Thời đó ở đây có một hình thức đấu tranh rất đặc biệt là dùng thơ văn để tuyên truyền, động viên nhau giữ vững khí chí niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng. Hội “Ngục Thất Tao Đàn” được thành lập, những tác phẩm văn học ra đời trong máu lửa ấy khắc họa cho chúng ta một bức tranh về cuộc sống gian khổ, tinh thần kiên cường, lạc quan yêu đời của người chiến sỹ cộng sản trong lao tù đế quốc. Cũng từ đây, đã xuất hiện những tác giả với nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Đặng Thái Thuyến, Hồ Văn Ninh, Trần Lê Hương, Trịnh Quang Xuân, Hồ Tùng Mậu, Tôn Gia Chung, Hồ Đức Em, Lê Văn Mỹ… Trong đó, bài thơ “Viếng mồ chiến sỹ” của đồng  chí Võ Trọng Bành là một tác phẩm tiêu biểu được anh em tù chính trị các thế hệ lưu truyền, phổ biến để động viên, khích lệ ý chí chiến đấu.

VIẾNG MỒ CHIẾN SỸ

“Bãi cỏ xanh xanh giữa bức tường

Ấy mồ lệt sỹ dãi phong sương

Chết vì đoàn thể hồn trung nghĩa

Liều với phong ba kiếp đoạn trường

Cây cỏ phất phơ cờ chiến sĩ

Nước non chan chứa lệ tang thương

Nghìn năm danh tiết ghi tân sử

Cách mệnh tiền đồ rạng nét gương”(1)

Đây là một trong ba bài thơ bát cú xuất sắc trong cuộc thi thơ với chủ đề: Viếng mồ chiến sỹ được tập thể Ngục Thất Tao Đàn chấm giải ba. Bài thơ in dấu ấn sâu đậm, câu chữ sinh động, ca ngợi gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ, niềm đau thương của đồng đội và sự thôi thúc tinh thần đấu tranh giành thắng lợi.        

Lo sợ trước tinh thần đấu tranh của tù chính trị, nhà cầm quyền Pháp buộc phải thả 50 người tù, thay đổi chế độ lao dịch, bỏ chế độ đánh đập, tù nhân ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Tháng 12-1932, địch bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14, tháng 4-1934 xóa bỏ nhà đày Kon Tum và đưa tất cả số tù chính trị còn lại trong đó có đồng chí Võ Trọng Bành vào nhà đày Buôn Ma Thuột.  

Ngày 23-7- 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, chính phủ Pháp thi hành một số chủ trương tiến bộ như việc thả tù chính trị ở các thuộc địa của Pháp. Đồng chí Võ Trọng Bành và nhiều đồng chí khác được ra tù, tiếp tục tham gia phong trào công khai như: vận động quần chúng đi đón tiếp phái đoàn Gô Đa - đại diện chính phủ Pháp sang Đông Dương, vận động lạc quyên ủng hộ cuộc đấu tranh nhân dân Trường Thi, tham gia phong trào ái hữu... để tuyên truyền sự đoàn kết và tinh thần yêu nước.

Giữ vững tinh thần yêu nước và cách mạng, trở về quê hương đồng chí Võ Trọng Bành đã cùng với một số người bạn như: Ngô Mậu, Hoàng Thân...  mở cửa hàng sách báo để làm nơi liên lạc, tuyên truyền. Ngày 14-7-1939, tại núi Thành- Hưng Lam (Hưng Nguyên-Nghệ An), đồng chí đã đứng lên diễn thuyết tuyên truyền về cách mạng Pháp năm 1789-1799 và bị bọn mật thám bắt giam tại nhà lao Nhà lao Vinh,  sau đó chuyển về nhà lao Hưng Nguyên khoảng 3 tháng nhưng không có chứng cứ nên được thả ra.

Ngày 11 - 6 – 1940, đồng chí lại bị bắt đưa đi “an trí” tại Đăk Glei, đưa về nhà giam Đăk To (Kon Tum) vì tội hoạt động cộng sản. Sau cuộc Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9-3-1945, lợi dụng tình hình chính trị rối ren, các đảng viên cộng sản đồng loạt đấu tranh đòi ân xá cho tù nhân. Ở Buôn Ma Thuật, bọn Pháp đã giảm án cho chính trị phạm,Võ Trọng Bành cùng nhiều đồng chí quê Hưng Nguyên cũng được tha trong dịp này. Nhưng khi về đến Quy Nhơn, đồng chí cùng với một số đồng chí khác bị bọn Nhật bắt giữ lại (2 tháng) vì có kẻ tố giác đồng chí ở trong nhà lao tổ chức tuyên truyền chống Nhật. Sau đó, nhờ sự đấu tranh của các đồng chí ở bên ngoài nên đồng chí và các bạn mới được trả tự do.

Tháng 6/1945, về lại quê nhà đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia vào phong trào Việt Minh bí mật, lãnh đạo tổ chức “thanh niên Phan Anh” (2) huyện Hưng Nguyên và được bầu vào Ủy ban khởi nghĩa huyện. Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí làm ủy viên tuyên truyền của Ủy ban lâm thời huyện Hưng Nguyên, đã tổ chức tuần lễ vàng quyên góp được 90 lượng vàng, mở được một lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ cho các xã.

- Tháng 4/1946 - 6/1946, đồng chí được điều động ra phụ trách tổ chức Việt Minh huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

- Năm 1949 – 1950, đồng chí được cử tham gia lớp huấn luyện đào tạo Tỉnh ủy viên do Khu ủy Liên khu IV mở, sau đó được điều chuyển sang làm Trưởng ban chính trị Công an Liên khu IV.

- Tháng 10/1951, đồng chí về an dưỡng tại quê nhà do sức khỏe sa sút. Sau khi hồi phục, đồng chí tiếp tục hoạt động trong các tổ chức của địa phương, phụ trách công tác thuế vụ. Đến tháng 10/1955, đồng chí được điều về công tác tại Sở thuế Nghệ An.

- Tháng 10/1958, đồng chí đi học tại trường Phổ thông Lao động Nghệ An.

- Tháng 12/1960 - 12/1963, đồng chí làm việc tại Ủy ban Thanh tra Hà Tĩnh cho đến khi nghỉ hưu.

Đồng chí Võ Trọng Bành mất ngày 5-1-1975. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều danh hiệu khác.

Hiện nay tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ một số hiện vật gồm: bát yêu, bộ ấm trà... của gia đình đồng chí Võ Trọng Bành được dùng để phục vụ cơm nước cho tổ ấn loát trong thời gian làm việc, in ấn tài liệu, truyền đơn của Đảng. Đây chính là những bằng chứng ghi nhận sự đóng góp của đồng chí Võ Trọng Bành và gia đình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo./.

Phan Thảo – Bảo tàng XVNT

Chú thích: 

(1) Bài thơ Viếng mồ chiến sỹ - Võ Trọng Bành, tr 53,54 trong cuốn  Trăm mùa xuân Kon Tum 2013 ( Tuyển tập thơ, nhạc kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Kon Tum ).

(2) Tức là “thanh niên tuyền tuyến” một tổ chức quần chúng dưới chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim do Nhật dựng lên. Luật sư Phan Anh là Bộ trưởng thanh niên trong chính phủ này. 

Video