Đồng chí Võ Duy Trọng – tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Ngọc Bích, Diễn Châu

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2025-05-07 15:45:05

Đồng chí Võ Duy Trọng sinh năm1896, quê ở làng Thanh Bích, xã Khoán Đông, tổng Lý Trai, phủ Diễn Châu (nay là xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An.

Ngọc Bích, quê hương của đồng chí Võ Duy Trọng là một xã ven biển của huyện Diễn Châu. Luôn phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt và sự áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến tay sai, người dân Thanh Bích đã sớm hun đúc nên đức tính cần cù, chịu khó, tình làng nghĩa xóm sắt son, ý chí kiên cường, tinh thần căm thù giặc, khát khao được giải phóng quê hương, trong đó có đồng chí Võ Duy Trọng.

Từ cuối năm 1927 đến năm 1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã bắt liên lạc và gây dựng được nhiều cơ sở hội trên địa bàn phủ Diễn Châu. Từ năm 1929, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tổng Vạn Phần đã cử đồng chí Lê Sỹ Thận về xã Khoán Đông tuyên truyền cách mạng. Nhận thấy đồng chí Võ Duy Trọng cùng một số thanh niên làng Thanh Bích, Lý Nhân là những người có tinh thần yêu nước và chí khí cách mạng, đồng chí Lê Sỹ Thận đã tiếp cận, tuyên truyền, kết nạp các đồng chí vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Khoán Đông. Đồng chí Võ Duy Trọng và các hội viên sau đó đã tiến hành nhiều hoạt động như: đọc sách báo, thơ ca yêu nước,… Những hoạt động đó đã góp phần tuyên truyền tư tưởng yêu nước tiến bộ đến các tầng lớp Nhân dân trong xã.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 15/3/1930, tại nhà đồng chí Võ Duy Trọng, chi bộ cộng sản đầu tiên của xã Khoán Đông được bí mật thành lập. Chi bộ gồm có đồng chí Võ Duy Trọng và 7 đồng chí khác. Tiếp đó, đồng chí Võ Duy Trọng cùng các đảng viên trong chi bộ đã phân công nhau về các làng để tổ chức hoạt động dưới các hình thức: rải truyền đơn, mít tinh, diễn thuyết… nhằm tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh cho quần chúng Nhân dân. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự nỗ lực hoạt động, không ngừng vượt khó của các đồng chí, cơ sở cách mạng ở các làng Thanh Bích, Trang Thung, Lý Nhân, Hữu Bằng ngày càng được mở rộng và củng cố.

Để bảo đảm bí mật, địa điểm hội họp của chi bộ thường xuyên được thay đổi. Nhà đồng chí Võ Duy Trọng có vị trí kín đáo nên được chi bộ lựa chọn là một trong những địa điểm hội họp bí mật. Mỗi khi các đồng chí tiến hành họp bàn kế sách hoạt động, bà Nguyễn Thị Lợi - vợ của đồng chí Võ Duy Trọng là người được tín nhiệm giao phó nhiệm vụ che giấu và phục vụ các đồng chí cán bộ Đảng.

Nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930), Phủ ủy Diễn Châu ra chủ trương tổ chức tổng biểu tình kéo về phủ lị đưa yêu sách đòi giảm sưu, giảm thuế, ủng hộ Liên bang Xô viết... Thực hiện chủ trương của Phủ ủy, chi bộ xã Khoán Đông và đồng chí Võ Duy Trọng đã tiếp tục có cuộc họp bàn kế sách hoạt động tại nhà đồng chí. Sau khi bàn bạc kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi bộ đã chia các tài liệu, truyền đơn của cấp trên cho đồng chí Võ Duy Trọng và vài đồng chí khác để cất giữ, chuẩn bị phục vụ cho cuộc biểu tình.

Ngày 7/11/1930, như kế hoạch đã định, đoàn biểu tình của Khoán Đông do đồng chí Lê Trúc, Võ Duy Trọng, Nguyễn Nhân, Nguyễn Giai, Ngô Tiến, Trần Tiến, Đậu Trí Thặng và Mai Ẩn dẫn đầu đã lãnh đạo hàng trăm nông dân, ngư dân tiến lên chợ Đồn, nhập vào đoàn biểu tình từ các làng ngoài Cầu Bùng kéo về. Đoàn biểu tình toàn phủ tạo thành một khối đoàn kết vững chắc, vừa đi vừa giương cao cờ búa liềm, rải truyền đơn và hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Để uy hiếp tinh thần đoàn biểu tình, chỉ huy đồn Diễn Châu đã huy động thêm lính khố xanh, lính lê dương ở các đồn cầu Giát, Yên Thành, Vinh đến hỗ trợ. Kẻ địch đã bắn vào đoàn biểu tình, khiến 30 người hi sinh. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Duy Trọng và các đồng chí đảng viên khác đã hướng dẫn Nhân dân tạm thời giải tán.

Sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930, bị lý Toàn (làng Thanh Bích), lý Hảo (làng Hữu Bằng) chỉ điểm, các đồng chí: Võ Duy Trọng, Lê Thơ, Nguyễn Nhân, Tô Kiều, Ngô Tiến và Nguyễn Thân lần lượt bị lính và thừa lại khám nhà, bắt giam. Đồng chí Võ Duy Trọng bị địch giải vào giam tại Nhà lao Vinh. Dù bị kẻ địch sử dụng cực hình tra tấn nhưng đồng chí Võ Duy Trọng đều nhất mực không khai báo nên kẻ địch đã không lập được hồ sơ. Nhiều lần, đồng chí Võ Duy Trọng bị mật thám Robert đích thân tra khảo, dụ dỗ nhưng vẫn không thể khuất phục được ý chí của người cộng sản. Tháng 2/1931, đồng chí Võ Duy Trọng bị Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án 01 năm tù gian, 01 năm quản thúc theo Bản án số 36 ngày 2/2/1931.

Ngày 20/7/1931, đồng chí Võ Duy Trọng, Nguyễn Nhân, Phạm Giai, Ngô Tiến được ra tù, về quản thúc tại địa phương. Mặc dù bị quản chế gắt gao dưới sự theo dõi của lý trưởng Vũ Ân và phải lên Phủ trình diện hàng tuần, nhưng các đồng chí vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để bắt liên lạc với nhau, cùng hoạt động. Nhà đồng chí Võ Duy Trọng vẫn là địa điểm được các đồng chí lựa chọn để tổ chức những cuộc hội họp của các đồng chí đảng viên. Tại cuộc họp bí mật tổ chức ở nhà của đồng chí Võ Duy Trọng, các đồng chí đã thống nhất khôi phục chi bộ Khoán Đông và bầu đồng chí Ngô Tiềm làm Bí thư để tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhiều tổ chức nông hội đã được khôi phục, trở lại hoạt động, trong đó có tổ chức Nông hội đỏ. Nông hội Đỏ Khoán Đông với các thành phần chủ chốt như đồng chí: Lê Sỹ Huyên, Võ Duy Trọng, Nguyễn Thanh Triêm,… Các đồng chí vừa tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng, vừa giáo dục, thuyết phục, răn đe đối với các hào lý. Nhờ đó, phong trào đấu tranh của Nhân dân Khoán Đông ngày một được củng cố, các hào lý tay sai cũng không dám cậy quyền như trước.

Tuy nhiên, thực dân Pháp và chính quyền tay sai liên tục tổ chức thêm nhiều cuộc càn quét với âm mưu dập tắt phong trào đấu tranh ở Nghệ Tĩnh nói chung và Diễn Châu nói riêng. Trước chính sách khủng bố của địch, để bảo toàn lực lượng, đến cuối tháng 10/1931, đồng chí Võ Duy Trọng và hầu hết các đảng viên Diễn Châu đều lần lượt rút lui vào hoạt động bí mật, chờ thời cơ cách mạng.

Trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo, đồng chí Võ Duy Trọng tiếp tục khắc phục mọi khó khăn để tiếp tục hoạt động.

Trong phong trào cách mạng dân chủ 1936-1939, đồng chí Võ Duy Trọng là một trong những thành viên tiên phong và tiêu biểu tham gia các hoạt động của phong trào Đông Dương Đại hội tại Khoán Đông. Đồng chí đã về các thôn xóm thu thập nguyện vọng và lập thành bản Dân nguyện, tập hợp cho các đồng chí lãnh đạo trao cho phái viên Chính phủ Bình dân Pháp sang điều tra tình hình ở Đông Dương. Không chỉ là người vận động, đồng chí Võ Duy Trọng còn là chịu trách nhiệm bảo vệ các cuộc mít tinh lớn, tiêu biểu như cuộc biểu tình nhân kỷ niệm 60 năm cách mạng Tư sản Pháp (1879-1939).

Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Duy Trọng được tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm Việt Minh - Trưởng ban Khởi nghĩa làng Thanh Bích. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Duy Trọng, Nhân dân Thanh Bích đã anh dũng đứng lên, cùng với Nhân dân toàn phủ làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám tại Diễn Châu vào ngày 21/8/1945. Đồng chí Võ Duy Trọng được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Thanh Bích.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đồng chí Võ Duy Trọng là thành viên tham gia hoạt động tích cực của Nông, Diêm hội xã Diễn Bích, cho đến lúc nghỉ hưu.

Là một trong những đảng viên đầu tiên của quê hương Ngọc Bích, đồng chí Võ Duy Trọng đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng quê hương, được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng và được tặng thưởng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Đồng chí Võ Duy Trọng xứng đáng là tấm gương cộng sản tiêu biểu để các lớp thế hệ học tập, noi theo.

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Diễn Châu 1930-2005, NXB Lao động – Xã hôi, 2005;

- Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Diễn Bích (1930-2005), NXB Văn hóa – Thông tin, 2009;

- Tài liệu mật thám Pháp về đồng chí Võ Duy Trọng.

 

Video