Đồng chí Trần Thị Tuyết – nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Tác giả: Nguyễn Thị Hương Sen
Ngày 2024-12-11 07:30:17

Đồng chí Trần Thị Tuyết sinh năm 1900 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng tại làng Thổ Sơn, xã Cát Ngạn, tổng Cát Ngạn (nay là xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Trần Hữu Hoằng (hay còn gọi là cố Mân).Thân mẫu là bà Giản Thị Chuẩn, con gái của cụ Giản Tư Sắt, một nhà nho yêu nước. Gia đình đồng chí Trần Thị Tuyết là cơ sở hoạt động của nhiều nhà yêu nước và cách mạng như: Phan Bội Châu, Đặng Thúc Hứa, Trần Hữu Dực, Nguyễn Phong Sắc, Hồ Tùng Mậu, Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào,... do đó bị thực dân Pháp liệt vào đối tượng nguy hiểm.

Trần Thị Tuyết sinh ra trong gia đình truyền thống hiếu học gồm 5 anh chị em, 3 trai, 2 gái (chị cả Trần Thị Đích, Trần Hữu Oánh, Trần Thị Tuyết, Trần Hữu Doánh Trần Hữu Quán), vì vậy không chỉ con trai mà con gái cũng được cha mẹ tạo điều kiện học hành tử tế - đó là điều rất hiếm ở vùng nông thôn lúc bấy giờ. Đặc biệt,được sự dìu dắt của người anh trai Trần Hữu Oánh và người em trai Trần Hữu Doánh nên đồng chí Trần Thị Tuyết được giác ngộ tư tưởng yêu nước từ rất sớm.

Ngày 14/7/925, tại Vinh – Bến Thủy, các đồng chí như: Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Trần Phú, Lê Huân,… đã lập Hội Phục Việt để truyền bá tư tưởng yêu nước, chống thực dân, phong kiến. Hội phát triển nhanh chóng trong hàng ngũ giáo chức và học sinh. Chịu ảnh hưởng của trào lưu này, Tiểu tổ Phục Việt Cát Ngạn ra đời, do đồng chí Trần Hữu Doánh phụ trách và rất tích cực hoạt động.

Lúc này, hiệu Yên Xuân và tổ chức Hưng nghiệp Hội xã của tổ chức Thanh niên ở Anh Sơn với các hoạt động yêu nước cũng được thành lập và phát triển nhanh chóng sang Cát Ngạn. Nhà đồng chí Trần Thị Tuyết lại là nơi liên lạc với Hưng nghiệp Hội xã của tổ chức Thanh niên. Hội tổ chức các phường tương tế ái hữu, nhóm đọc sách báo tiến bộ, dạy chữ Quốc Ngữ cho con em, đồng thời quyên góp tiền, gạo cho những thanh niên xuất dương sang Trại Cày của cụ Đặng Thúc Hứa, do đó đồng chí đã được tiếp xúc với các Hội viên của các tổ chức yêu nước như Thanh niên và Tân Việt nên sớm được dìu dắt hoạt động cách mạng.

Mùa hè năm 1926, Trần Hữu Doánh là học sinh trường Quốc học Vinh, đã mời thầy giáo Hà Huy Tập dạy trường Quốc học Vinh về quê nhà, mở lớp dạy quốc ngữ cho thanh niên trong vùng. Hà Huy Tập là thầy giáo chính, Trần Hữu Doánh làm trợ giáo, giúp việc tổ chức lớp, đi mua tài liệu, sách báo cho lớp học… Nhờ vậy mà con em trong tổng Cát Ngạn hầu hết được biết chữ, được mở mang kiến thức.

Được sự dìu dắt của thầy giáo Hà Huy Tập, lại có năng khiếu trong công tác tuyên truyền vận động nên hai chị em đồng chí Trần Thị Tuyết và Trần Hữu Doánh không chỉ hoạt động ở quê nhà mà còn đi nhiều xã trong huyện để tuyên truyền vận động thanh niên, hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động yêu nước chống lại bọn đế quốc và phong kiến.

  Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng cử đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc vào Nghệ An, gặp đồng chí Võ Mai lập ra Kỳ bộ trung kỳ Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Trung Kỳ, có trụ sở ở Vinh. Kỳ bộ cử các đồng chí Phan Thái Ất, Trần Hữu Thiều về bắt liên lạc với cơ sở Hội Thanh niên ở Hạnh Lâm, La Mạc của tổng Cát Ngạn, thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Thanh Chương. Đồng chí Trần Thị Tuyết vinh dự là 1 trong 7 Đảng viên đầu tiên của chi bộ Cát Ngạn, do đồng chí Nguyễn Đình Sòng làm Bí Thư.

Sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, ngày 20/3/1930 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ hội nghị Đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại xã Thanh Long, hội nghị đã bầu Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương. Tại Cát Ngạn, đồng chí Trần Hữu Doánh được bầu làm Bí thư Chi bộ tổng Cát Ngạn .

Khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra, ngay từ những cuộc đấu tranh đầu tiên, đồng chí Trần Thị Tuyết đã cùng Nhân dân Cát Ngạn hăng hái tham gia, góp phần làm nên thắng lợi trong các cuộc đấu tranh. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Trần Thị Tuyết đã cùng với chi bộ Đảng Cát Ngạn tổ chức lãnh đạo lãnh đạo hơn 3.000 nông dân kéo đến biểu tình, đốt phá đồn điền Ký Viễn.

Từ sáng sớm ngày 1/5/1930, khắp các xóm làng vang lên tiếng trống ngũ liên, cả vùng quê hạ nguồn sông Giăng rầm rập tiếng bước chấn cùng một khí thế đấu tranh chưa từng có. Trần Thị Tuyết cùng hàng ngàn, cán bộ và nông dân đã tham gia cuộc mít tinh, nghe vạch tội tên địa chủ Nguyễn Trường Viện và kéo đến đốt phá đồn điền khiến hắn hoảng sợ phải bỏ trốn. Đây là những sự kiện quan trọng để lại dấu ấn rất đậm nét trong lịch sử đảng bộ địa phương, mở đầu cho cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Những ngày tiếp theo, nông dân Hạnh Lâm cùng đồng chí Trần Thị Tuyết lại tiếp tục nổi dậy đấu tranh khiến bọn điền chủ, hào lý phải khiếp sợ. Đồng chí Trần Thị Tuyết đã tích cực ngày đêm vận động quần chúng, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập. Khí thế đấu tranh của Nhân dân khiến thực dân Pháp buộc phải điều động lính khố xanh về đóng chốt ở các đình làng để răn đe và thị uy Nhân dân trong vùng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, những quần chúng nhiệt huyết như đồng chí Trần Thị Tuyết lại tổ chức bao vây, khép chặt vòng vây khiến bọn lính ngày một hoang mang, khiếp sợ. Không có cách nào khác, để tháo chạy, sáng ngày 4/5/1930, chúng đã dùng súng bắn vào đoàn biểu tình làm 18 người chết và 17 người bị thương.

Tháng 9/1930, Chi bộ Cát Ngạn đã phát triển thêm 18 đảng viên,với những hoạt động tích cực của mình, đồng chí Trần Thị Tuyết là một trong những người phụ nữ đầu tiên của huyện Thanh Chương được kết nạp vào Đảng.

Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết đã không quản ngày đêm, bất chấp hiểm nguy, tích cực hoạt động. Hằng ngày, đi chợ rất sớm, ngụy trang trong gánh hàng nhà quê dưới những buồng cau, liên trầu, mớ khoai, bó đậu hoặc trong người là những gói truyền đơn được cất dấu rất khéo léo, cẩn thận để chuyển đến cơ sở đã hẹn tại chợ Cồn, chợ Chùa, chợ Giăng để phân phát tuyên truyền.

 Trong khi tinh thần đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh và trong huyện lên cao, huyện ủy Thanh Chương quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.

Sáng ngày 1/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy mà tiêu biểu là các đồng chí Trần Hữu Doánh ở Cát Ngạn, Nguyễn Như Kỷ ở Thanh Văn, hơn 2 vạn nông dân trong 5 tổng đã vượt sông Lam sang vây phá huyện đường.

Truyền đơn được rải khắp các ngả đường, cờ đỏ búa liềm được cắm trên các đình làng, cây cối… cả xã náo động tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng mõ. Đồng chí Trần Thị Tuyết - người đảng viên tràn đầy nhiệt huyết của Đảng lại hăng hái cùng đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn hừng hực khí thế vượt qua sông Giăng, sông Trai, nhập vào đoàn của tổng Võ Liệt kéo xuống huyện lỵ. Hơn hai vạn người, với khí thế căm thù sục sôi, bao vây huyện đường, quan huyện hoảng sợ, chạy trốn. Trước sự tấn công dồn dập của quần chúng cách mạng, bộ máy chính quyền thực dân Pháp và tay sai ở Thanh Chương hoàn toàn tê liệt và tan rã. Cuộc biểu tình ngày 1/9/1930 đã giành thắng lợi, lập nên chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, tháng 10/1930, thực dân Pháp và Nam triều phong kiến bổ sung thêm nhiều lính lê dương và lính khố xanh, lập thêm nhiều đồn bốt ở các vùng. Cát Ngạn được Pháp và tay sai nhận định là nơi nhiều cộng sản và dân “cứng đầu”. Để thể hiện sự “răn đe” ngay từ đầu, chúng thường xuyên lùng sục cán bộ và các cơ sở nghi ngờ che giấu cán bộ, chúng hành xử ngang ngược và chúng đã 3 lần đốt nhà đồng chí Trần Thị Tuyết, đó là một trong những nơi chúng nghi ngờ là nơi ẩn náu của nhiều cộng sản. Trước tình hình khủng bố khốc liệt tháng 12/1931 chi bộ Cát Ngạn quyết định phải tạm thời rút vào hậu cứ vùng Khe Xuôi, Động Vông, Xuân Tràng để bảo toàn lực lượng,bí mật chờ thời cơ để hoạt động.

 Ngày 19/4/1932, đồng chí Trần Thị Tuyết bị bang tá huyện Thanh Chương bắt giam vì là con của gia đình cách mạng nhưng qua quá trình tra hỏi dụ dỗ mua chuộc không moi được tin tức gì, sau 2 tháng giam cầm ngày 16/6/1932, đồng chí được trả tự do.

Đầu năm 1935, nhân dịp vua Bảo Đại hồi loan, đưa ra chủ trương ân xá tù chính trị một số đồng chí được ra tù tìm cách liên lạc và khôi phục cơ sở. Tháng 10/1935, trong quá trình vận chuyển tài liệu cho đồng chí Tôn Thị Quế (Yêm), đồng chí Trần Thị Tuyết đã bị sa vào tay giặc. Lần này, chúng dùng mọi hình thức tra tấn nhưng vẫn không thể khuất phục được ý chí cách mạng. Bất lực, không lấy được lời khai nào từ đồng chí Trần Thị Tuyết, chúng buộc phải kết án đồng chí 15 năm tù.

Ngay sau khi ra tù, đồng chí Trần Thị Tuyết bắt tay ngay vào công tác của Mặt trận Việt Minh xã Cát Văn phụ trách Hội Phụ Nữ, hướng dẫn việc tăng gia sản xuất. Nhờ những hoạt động kịp thời và hăng hái của mình, từ tháng 3/1945 đến năm 1948, đồng chí Trần Thị Tuyết được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ và đã có nhiều đóng góp trong phong trào cùng với Nhân dân hoàn thành nghĩa vụ cho tiền tuyến.

Năm 1975, do tuổi cao sức yếu đồng chí qua đời tại quê nhà. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Trần Thị Tuyết vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương độc lập hạng Ba; Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Tuyết -  nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh luôn là tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

                                                                               Nguyễn Thị Hương Sen

Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1945)

- Lịch sử Đảng bộ xã Cát Ngạn (1930-2015)

- Hồ sơ tù của cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh phòng 3 (số 5877/c2)

- Tài liệu do gia đình đồng chí Trần Thị Tuyết cung cấp

Video