Đồng chí Trần Chí Tín – hạt giống đỏ của phong trào cách mạng ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Tác giả: admin
Ngày 2023-08-15 00:48:52

Trong số những Hồi ký của các cụ lão thành cách mạng đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, có một cuốn Hồi ký đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi đó là những dòng ký ức về những năm tháng đấu tranh rực lửa của đồng chí Trần Chí Tín – hạt giống đỏ của phong trào cách mạng ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Đồng chí Trần Chí Tín sinh năm 1898 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Tứ Mỹ (nay là thôn Đình, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Đồng chí là hậu duệ đời thứ 8 của dòng họ Trần tại Sơn Châu.

Ảnh: Đồng chí Trần Chí Tín

Lớn lên trong hoàn cảnh nhân dân bị áp bức một cổ đôi tròng của chính quyền thực dân – phong kiến, hàng ngày chứng kiến cảnh gia đình và bà con nhân dân trong làng, trong xã phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cơm vẫn không đủ ăn, áo vẫn không đủ mặc, đã thôi thúc Trần Chí Tín sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước.

Năm 1921, sau khi tốt nghiệp Tiểu học, do không có tiền để học tiếp, anh phải nghỉ và xin làm thầy giáo dạy học ở trường tiểu học Thịnh Xá. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, anh lại cùng các giáo viên trong trường trao đổi với nhau về tình hình thời sự, anh cũng được đọc tập án của cụ Phan Bội Châu và 10 điều của cụ Phan Châu Trinh gửi vua Khải Định. Anh cũng được ủy nhiệm đi quyên tiền trong lớp giáo viên để giúp cụ Phan Bội Châu, đồng thời đóng cổ phần để xây dựng lại báo “Tiếng dân” do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ bút... Những hoạt động đó đã góp phần giác ngộ về tinh thần yêu nước, cách mạng trong người thầy giáo trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết – Trần Chí Tín.

Tháng 6/1927, anh được các bạn giáo viên là Trần Cao Trực và Nguyễn Mỹ Tài giới thiệu vào Đảng Tân Việt, phụ trách trường Thịnh Xá và miền hạ Hương Sơn. Đến tháng 10/1927, Trần Chí Tín được chỉ định làm Bí thư Tân Việt của huyện Hương Sơn. Với trọng trách được giao, đồng chí đã tích cực vận động kết nạp thêm nhiều đồng chí khác vào tổ chức Tân Việt và xây dựng được nhiều hội biến tướng để dễ bề hoạt động…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, giữa năm 1930, Chi bộ Đảng trường Thịnh Xá cũng được thành lập do đồng chí Trần Chí Tín làm Bí thư. Đây cũng là chi bộ đầu tiên của huyện Hương Sơn.

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930  ở Hương Sơn, đồng chí Trần Chí Tín được giao nhiệm vụ rải truyền đơn từ làng Ninh Xá đến làng Xuân Trì. Với tinh thần trách nhiệm của một người Đảng viên, Bí thư chi bộ, đồng chí đã hăng hái nhận nhiệm vụ không chút do dự, bí mật đến từng làng để tuyên truyền vận động nhân dân đi theo Đảng, theo cách mạng. Sáng sớm ngày 1/5 trên đỉnh rú Nầm cờ đỏ búa liềm bay cao phấp phới, truyền đơn được rải trắng khắp các làng trong niềm hân hoan của quần chúng Nhân dân.

Với những hoạt động tích cực đó, đồng chí Trần Chí Tín đã được bầu vào Ủy viên Ban vận động của Huyện, tham gia tuyên truyền cho quần chúng Nhân dân đứng lên đấu tranh…

Đúng một giờ sáng ngày mồng 1/8, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Chí Tín và các cán bộ Đảng, đoàn biểu tình dương cao cờ đỏ búa liềm, hàng ngũ chỉnh tề  theo con đường số 8 tiến thẳng lên Phố Châu tới trụ sở của huyện. Đoàn người rầm rập tiến bước vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

- Đả đảo đế quốc Pháp!

- Đả đảo Nam Triều quan lại!

- Giảm thuế thân, thuế ruộng!

- Bãi bỏ thuế chợ, thuế đò!

 Đúng 4 giờ rưỡi sáng, đoàn biểu tình đã đến ngoài cổng huyện đường. Cổng đóng chặt, tên tri huyện Đặng Văn Oánh đã bỏ trốn, nó ủy nhiệm cho tên đồn trưởng và một số lính khố xanh bảo vệ huyện đường. Đồng chí Trần Chí Tín cùng quần chúng ào vào phá cổng, một người cầm cờ, một đồng chí đánh trống thúc quân vừa hô vang khẩu hiệu, tiếng bà con vang dậy cả huyện đường. Hoảng sợ bọn lính trong đồn ban đầu bắn súng chỉ thiên để dọa dẫm, nhưng sau đó chúng đã bắn vào đoàn biểu tình.

Người trước ngã xuống, người sau tiến lên, trống thúc, quân vẫn giục, cờ đỏ búa liềm càng phất cao vẫy gọi muôn người. Không khí đấu tranh sôi nổi, cả huyện đường chìm trong khói lửa... Bất chấp súng đạn của kẻ thù, đồng chí Trần Chí Tín cùng quần chúng vẫn dũng cảm tiến lên…

Sau cuộc đấu tranh, gần 30 người bị bắt và hy sinh, mặc dù chi bộ có tổn thất về lực lượng nhưng cũng đã khiến bộ máy chính quyền địch từ huyện đến xã hầu như tan rã, quần chúng nhân dân đi lại, hội họp rất hồ hởi, tự do, nhưng những ngày vui tươi ấy cũng rất ngắn ngủi. Địch chuyển sang khủng bố rất dã man, chúng đưa lính lê dương về đóng đồn ở đầu làng Tứ Mỹ. Chúng cho rằng làng Tứ Mỹ là sào huyệt của Đảng Cộng sản ở Hương Sơn nên bắt nhân dân Tứ Mỹ và các làng lân cận đóng góp tranh tre và những đồ vật liệu cần thiết để làm đồn. Tuy nhiên, Trần Chí Tín cùng các đồng chí trong chi bộ đã ra sức vận động nhân dân chống lại kế hoạch làm đồn của địch.

Ngày 21/8/1930, đồng chí Trần Chí Tín tiếp tục lãnh đạo nhân tổ chức mít tinh, truy điệu 2 công nhân Trường Thi, Bến Thủy bị kết án tử hình. Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình rộng lớn ở Thịnh Xá, Gôi Mỹ (nay thuộc xã An Hòa Thịnh). Để tập hợp quần chúng nhân dân, Ban vận động đã về đình Tứ Mỹ đánh mõ làm hiệu lệnh. Tiếng mõ kêu vang suốt đêm, tiếng trống vang động cả mấy xã. Đồng chí còn vận động giáo viên, học sinh nhà trường tham gia. Đoàn biểu tình đã bao vây, đốt cháy dinh thự của tên tay sai ở Gôi Mỹ khiến hắn phải bỏ trốn.

Khi phong trào đã được phát triển rộng rãi, chi bộ đảng tiếp tục lãnh đạo quần chúng biểu tình lên huyện đòi yêu sách. Ngày 22/9/1930, từ 1h sáng, tiếng mõ làng Tứ Mỹ lại vang rền suốt đêm, thúc giục Nhân dân các làng xã bên cạnh tập hợp thành từng hàng tiến về Phố Châu. Cờ đỏ bay phấp phới, tiếng hô khẩu hiệu vang cả một góc trời: “Đả đảo đế quốc Pháp, Nam triều quan lại, giảm thuế thân, thuế ruộng, bỏ thuế chợ, thuế đò, ủng hộ nước Nga xô viết”. Đoàn biểu tình bao vây, phá cổng xông vào huyện đường. Trong sự kiện này, lính Pháp đã bắn chết 6 người và làm bị thương nhiều người.

Sau những ngày rực lửa đấu tranh đó, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Hương Sơn bị kẻ thù khủng bố dã man. Xác định Tứ Mỹ là nơi phong trào cách mạng đang sục sôi, địch về đóng đồn ở đây. Nhiều đảng viên nòng cốt bị địch bắt, quần chúng có phần hoang mang, phong trào tạm lắng xuống. Tháng 10/1930, đồng chí Trần Chí Tín triệu tập các đảng viên họp tại làng Bình Hòa - Sơn Hòa (nay thuộc xã An Hòa Thịnh) bàn kế hoạch khôi phục phong trào, đề xuất thành lập Huyện ủy lâm thời để lãnh đạo toàn dân chống đế quốc, phong kiến. Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí làm Bí thư. Sau đó, đồng chí cũng được giao phụ trách tờ báo “Dân cày” (ra được 5 số thì đình bản).

Mặc dù hoạt động bí mật nhưng Huyện ủy lâm thời đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hương Sơn trấn áp kẻ thù, rải truyền đơn, tổ chức chống đói cho đồng bào, chuẩn bị cho việc thành lập Huyện ủy chính thức.

Tháng 9/1931, đồng chí Trần Chí Tín sa vào tay giặc và bị giam ở đồn Phố Châu. Chúng dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt đến tra tấn cực hình, bỏ đói, đem cả cha già đến để hòng lung lạc ý chí nhưng đồng chí vẫn khôn khéo giữ vững khí tiết người cộng sản trước những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù. Sau những ngày trên ranh giới giữa sự sống và cái chết bởi sự tàn bạo của kẻ thù, đồng chí Trần Chí Tín được chúng cho vào ngủ trên hè bốt gác rồi sau đó chuyển vào nhà giam của huyện. Trải qua một năm dùng mọi thủ đoạn từ tra tấn đến dụ dỗ, mua chuộc vẫn không có bằng chứng để kết án Trần Chí Tín nhưng mãi đến tháng 9/1933, đồng chí mới được thả tự do và trở về dạy học ở Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên).

Trước những khó khăn trong tình hình mới, đồng chí vẫn âm thầm hoạt động để khôi phục phong trào, tập hợp quần chúng và cố gắng bắt được liên lạc với tổ chức. Người chắp nối cho Trần Chí Tín với cơ sở Đảng sau khi bị khủng bố đó là em trai Trần Bình. Tháng 7/1941, đồng chí trở về Hương Sơn dạy học, tiếp tục hoạt động cách mạng, cùng các đảng viên nòng cốt liên kết với Việt Minh liên tỉnh ở Nghệ An, lãnh đạo Nhân dân vùng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn vào ngày 19/8/1945.

Sau khi giành được chính quyền, tháng 9/1945, đồng chí được Đại hội đại biểu Huyện Đảng bộ bầu làm Bí thư Huyện ủy. Thời gian sau, ông được điều sang quân đội làm Chính ủy Trung đoàn cho đến lúc nghỉ hưu và mất vào năm 1987 tại Sơn Châu. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì.

Phát truyền thống thống yêu nước và cách mạng của gia đình, đồng chí Trần Chí Tín còn là tấm gương sáng để anh chị em, con cháu học tập noi theo. Em trai  là đồng chí Trần Bình cũng từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, nguyên là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (1945), Ủy viên BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chính trị Trần Phú (1945), Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Đại biểu Quốc hội khóa I. Ngoài ông Trần Bình, ông Trần Chí Tín còn có người chị ruột và một người em trai cũng là những cán bộ lão thành cách mạng.

Con trai ông Trần Chí Tín là Trần Thế Lộc cũng tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông Trần Thế Lộc sinh ngày 2/1/1925, tại xã Sơn Châu. Từ năm 1944, ông đã làm liên lạc cho một số đảng viên mới ra tù trong huyện; đầu năm 1945, ông được bầu làm lãnh đạo Việt Minh ở làng Tứ Mỹ. Ở tuổi 20, vào ngày 12/9/1945 - đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh, ông Trần Thế Lộc được kết nạp vào Đảng. Đến nay, ông vừa tròn 78 năm tuổi Đảng.

Cách mạng thành công, ông làm Bí thư Chi bộ Đảng, Bí thư Thanh niên cứu quốc xã. Tháng 9/1946, ông được điều về làm Thư ký Văn phòng Tỉnh ủy, thư ký đồng chí Nguyễn Hữu Thái - Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, ông được phân công lên xưởng cơ khí Phúc Đồng, Trường Kỹ nghệ Trung bộ ở Hương Khê rồi về hoạt động cho phong trào công nhân và Công đoàn Hà Tĩnh suốt cả trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (làm Ủy viên Thường trực, Chánh Thư ký Liên hiệp Công đoàn, Bí thư Đảng đoàn, Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh cho đến năm 1976 - sáp nhập tỉnh, thì ông nghỉ hưu). Đặc biệt, trong cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác của mình, ông Trần Thế Lộc đã vinh dự có 3 lần được gặp Bác Hồ…

Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, gia đình đồng chí Trần Chí Tín đã được Chính phủ tặng Bằng “có công với nước”. Tiếp nối truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, dòng họ, các thế hệ con cháu của ông đã  và đang không ngừng nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ ông cha, góp phần viết tiếp những trang vàng lịch sử quê hương.

ThS. Trần Thị Hồng Nhung

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

Video