523
526
2535
20050
20962
6849457
“…Thoát một người là có lợi cho cách mạng,… tôi ở lại bắn bọn chúng để các đồng chí chạy…”[1] . Ngày 22/8/1941[2], đồng chí Phùng Chí Kiên - một trong những học trò xuất sắc, người cộng sự gần gũi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước mũi súng quân thù tại Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Ảnh: Đồng chí Phùng Chí Kiên (1901-1941)
1. Phùng Chí Kiên - người chiến sỹ cộng sản tiền bối.
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vỹ sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và yêu nước, Nguyễn Vỹ đã sớm ý thức được cảnh đời cơ cực một cổ đôi tròng áp bức của nhân dân Mỹ Quan Thượng nói chung và của chính cha mẹ đồng chí nói riêng. Lòng căm thù giặc và khát khao chặt xiềng cứu nước, cứu nhà ngày một lớn đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Vỹ đến với phong trào yêu nước tiến bộ đương thời.
Ảnh: Đ/c Lê Hữu Lập (1897-1934), người có công giác ngộ đ/c Phùng Chí Kiên vào tổ chức VNCMTN
Cuối năm 1925, Nguyễn Vỹ được đồng chí Nguyễn Năng Tựu (quê ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và Lê Hữu Lập (bí danh Hoàng lùn, quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa)[3] cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên giác ngộ. Tháng 10/1926, Nguyễn Vỹ được tạo điều kiện xuất dương dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Bằng tấm thẻ căn cước số A93634 mang tên Nguyễn Hào, Nguyễn Vỹ mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ đã vượt Trường Sơn qua Lào, tiếp tục vượt sông Mê Kông sang Xiêm, qua Hương Cảng rồi mới đến được Quảng Châu, Trung Quốc. Con đường xuất dương đầy thử thách, chông gai đó đã đưa người thanh niên Nguyễn Vỹ đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và vinh dự được Người đặt bí danh hoạt động mới: Phùng Chí Kiên với ý nghĩa “cuộc gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung”.
Được sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên đã chính thức gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau 3 tháng huấn luyện chính trị, với tầm nhìn sáng suốt của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy lòng nhiệt huyết cách mạng, tư chất thông minh, tư duy về quân sự của Phùng Chí Kiên nên tiếp tục gửi đồng chí vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố với cái tên Mạnh Văn Liễu.
Cuối năm 1930, Phùng Chí Kiên đến Hương Cảng gặp Nguyễn Ái Quốc và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1/1931, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Moscow bồi dưỡng ở Trường Đại học Phương Đông. Tuy nhiên, trên đường đi thì đồng chí bị địch bắt giam.
Tháng 4/1932, sau khi ra tù, Phùng Chí Kiên khắc phục khó khăn tìm đường tiếp tục đến Moscow, theo học Trường Đại học Phương Đông với bí danh Kan (Can). Tốt nghiệp, được sự tín nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Phùng Chí Kiên về Hương Cảng, Trung Quốc tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Lê Hồng Phong phụ trách. Với kiến thức, trình độ cao về quân sự và kỹ thuật vô tuyến điện, đồng chí được phân công phụ trách Tiểu ban Quân sự và Kỹ thuật. Tháng 3/1935, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao, Trung Quốc, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Thường vụ. Hoạt động cách mạng sôi nổi không ngừng nghỉ của Phùng Chí Kiên đã được thể hiện rõ qua các tài liệu của hệ thống mật thám Pháp như: Công văn số 235/CA1 ngày 07/3/1934 của Bộ thuộc địa Chính trị vụ, gửi quan Toàn quyền Đông Dương, Tổng nha mật thám Hà Nội; Thông tri số 1226/SG ngày 20/4/1934 của Tổng nha mật thám gửi Chánh liêm phóng và mật thám Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Lào… đều có nhắc đến hoạt động của đồng chí: “… Mạnh Văn Liễu và Trần Văn Điềm chắc đã vượt biên giới Nga – Mãn Châu vào tháng 4/1932”[4].
Ảnh: Một số tư liệu của Mật thám Pháp về đồng chí Phùng Chí Kiên
Giữa năm1937, Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26/7/1936. Tuy nhiên, một năm sau đó, do yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên quay lại Hương Cảng, Trung Quốc chỉ đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động.
Đầu năm 1940, Chi bộ Ban chỉ huy ở nước ngoài được thành lập, Phùng Chí Kiên là một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ này. Từ đây, đồng chí có thời gian làm việc, gần gũi với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều lần vinh dự được tháp tùng Người đến các địa phương ở Vân Nam để khảo sát tình hình. Tháng 6/1940, chính Phùng Chí Kiên là người đã bố trí cuộc gặp lịch sử giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc: “… đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp hẹn gặp nhau … lên tàu đi Lào Cai, qua Hà Khẩu lên Côn Minh; các đồng chí Vũ Anh, Phùng Chí Kiên được liên lạc báo trước đang chờ đón sẵn. Hai đồng chí đóng giả là những Hoa kiều sống ở nước ngoài mới trở về và ở cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Cao Hồng Lĩnh... Cuối tháng 5-1940, Ban lãnh đạo Hải ngoại đã bố trí để các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp bí mật gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Thúy Hồ (Côn Minh)…”[5]. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, cuối tháng 1/1941, Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác tháp tùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108, đặt chân về nước - sự kiện mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Các tài liệu lưu trữ của mật thám Pháp như: Thông tri mật số 1530C ngày 19/3/1941 của Chánh liêm phóng Trung kỳ L.Sogny gửi các đồng chí Chánh mật thám Trung kỳ thông báo với đồng chí Công sứ Pháp tại Vinh đã thông báo về hoạt động của Mạnh Văn Liễu – Phùng Chí Kiên: “… Mạnh Văn Liễu và Lê Quốc Vọng chắc mới về Đông Dương gần đây…”.
2. Phùng Chí Kiên – tỏa sáng nghị lực trong lao tù.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên là tấm gương về nghị lực đấu tranh, kiên định lập trường giải phóng đất nước, tinh thần thép của đồng chí luôn tỏa sáng dù là trong gian khó hay lao tù tăm tối. Trong quá trình hoạt động của mình, đồng chí Phùng Chí Kiên đã nhiều lần tôi luyện “chất thép” trong lao tù.
Tháng 1/1931, Phùng Chí Kiên sau khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu đã lên đường đi Moscow học tại Trường Đại học Phương Đông. Tuy nhiên, khi Phùng Chí Kiên (lúc này có bí danh là Như Bách) cùng Trần Văn Điềm (sinh năm 1902, bí danh Đinh Thanh), Trương Phước Đạt đi đến giáp biên giới Xô – Mãn thì bị mật thám tay sai của Nhật bắt giữ. Với vốn từ tiếng Hoa thông thạo, tại nhà tù Mãn Châu Lý, dù kẻ địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn nhất mực khai rằng bản thân chỉ là “thanh niên học sinh thất nghiệp, rủ nhau tìm đường lên Mãn Châu dò xem có cơ hội xuất dương sang đại cường quốc Nhật Bản học lấy cái nghề về mưu sinh ở cố quốc” [6]. Những ngày tiếp theo, các đồng chí cùng tinh thần cảnh giác cao và sự khéo léo trong ứng xử, cẩn trọng trong từng lời nói, hành động nên dù kẻ địch ngầm sai “bọn zích trong tù (người do chúng cài vào) theo dõi”[7] nhưng không thể phát hiện ra chứng cứ gì. Trong lao tù, đồng chí Phùng Chí Kiên đã kết bằng hữu với một số đảng viên người Trung Quốc, cùng nhau học tập và tranh thủ rèn luyện thêm các thế võ công, “biến nhà tù của địch thành trường học của mình”. Cuối năm 1931, sau 9 tháng không tìm ra được chứng cứ buộc tội, địch buộc phải trả tự do cho Phùng Chí Kiên.
Tiếp đó, rạng sáng ngày 25/10/1938, đồng chí đồng chí Phùng Chí Kiên với bí danh mới là Phùng Nguôn Bình đã bị cảnh sát Hoàng gia Hồng Kông vây bắt tại số nhà 71 phố Đại Nam. Vẫn một lòng kiên trung trước những buổi hỏi cung, lục vấn tra hỏi của mật thám Anh, sau 42 ngày lục soát không tìm ra chứng cứ, thống đốc Hồng Kông buộc phải trả tự do cho đồng chí. Để hạn chế mầm mống cách mạng, chúng đã ra lệnh trục xuất đồng chí khỏi Hồng Kông và được thực thi cùng với lệnh trả tự do.
Trải qua nhiều lần bị địch bắt tù đày, tra tấn bằng mọi hình thức, luôn phải đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng đồng chí Phùng Chí Kiên đã nêu cao khí tiết, luôn “dĩ công vi thượng”, đặt lợi ích của tổ quốc, của cách mạng lên trên hết.
3. Phùng Chí Kiên - Người chỉ huy quân sự đầu tiên của Đảng.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra nhãn quan và tư duy quân sự của Phùng Chí Kiên ngay từ khi Người giảng dạy khóa huấn luyện chính trị và quyết định gửi đồng chí vào đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Tài năng, bản lĩnh, kinh nghiệm quân sự của Phùng Chí Kiên được tiếp tục được rèn dũa thêm trong thực tiễn khi đồng chí tham gia cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và cả khi ở trên cương vị Liên trưởng (tương đương đại đội trưởng) bảo vệ khu Xô-viết ở Hải Phong, Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Tháng 6/1940, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về làng Nậm Quang, Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, một làng nằm sát biên giới Việt - Trung. Với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng hoạt động, Phùng Chí Kiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tín nhiệm giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn và trực tiếp giảng dạy cho 40[8] cán bộ để đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng. Những bài giảng này, về sau được tập hợp lại in lito thành tài liệu mang tên: “Con đường giải phóng” - một tài liệu quan trọng phục vụ chương trình đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng ta nói chung, của Quân đội Việt Nam nói riêng. Sau này, các đồng chí đã trở thành lực lượng nòng cốt, “trở về làm hạt nhân tuyên truyền phổ biến sâu rộng điệu lệ Việt Minh và tổ chức đông đảo quần chúng tốt vào hội”[9].
Ảnh: Trang đầu tiên của cuốn Con đường giải phóng
Ngoài ra, Phùng Chí Kiên còn là một trong những yếu nhân được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách soạn thảo Kế hoạch đánh Nhật, chống Pháp: “… Đảng giao cho một số đồng chí thảo kế hoạch đánh Nhật, chống Pháp. Các đồng chí ấy khai hội trên một bãi cỏ ở Quảng Tây. Trong 6, 7 người, tôi chỉ nhớ tên các đồng chí Phùng Tự Do (đã hy sinh ở Na Rì, Bắc Cạn), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…”[10].
Ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên tháp tùng Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) về Tổ quốc sau đúng 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước.
Những ngày ở Pác Bó, cùng với việc lo bảo đảm bí mật, an toàn cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề vũ trang cho du kích để tự vệ. Với nhãn quan quân sự nhạy bén, Phùng Chí Kiên cho rằng cần phải nhanh chóng xây dựng cho bằng được lực lượng vũ trang, trước hết là đội tự vệ chiến đấu. Nhờ có sáng kiến “bán trâu, bò, ruộng nương lấy tiền mua vũ khí” của đồng chí Phùng Chí Kiên mà các đội tự vệ chiến đấu ở vùng Lục Khu đã được trang bị một số vũ khí hiện đại.
Từ ngày 10 đến 19/5/1941, tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, hoàn chỉnh chỉ đạo chuyển hướng chiến lược và sách lược cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Tại hội nghị này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương đã giao cho Phùng Chí Kiên trọng trách lớn: Trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân 1.
Tại căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, Phùng Chí Kiên đã tích cực chỉ đạo xây dựng, củng cố các cơ sở cách mạng, phát triển các tổ chức cứu quốc, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự... Đồng chí Phùng Chí Kiên cũng là người trực tiếp truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là về chiến thuật du kích cho Đội Cứu quốc quân 1 và các cán bộ nòng cốt ở địa phương. Dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân 1 đã nhanh chóng phát triển cả về tổ chức lực lượng, trang bị và trình độ chiến đấu, là chỗ dựa tin cậy cho phong trào cách mạng ở Bắc Sơn - Võ Nhai.
Giữa năm 1941, trước sự phát triển mạnh của phong trào cách mạng Việt Nam, thực dân Pháp đã tập trung quân mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, để bảo toàn lực lượng, ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định chia làm hai cánh rút khỏi căn cứ Bắc Sơn lên Cao Bằng. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã lãnh đạo trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí uỷ viên Trung ương rút lui. Hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri chỉ huy một cánh rút lên Na Rì (Bắc Kạn), sau đó mới tìm đường lên Cao Bằng. Ngày 19/8/1941, khi cánh quân của đồng chí đến Pò Kép thì bị địch phục kích. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã quả cảm, kiên cường đánh trả, mở “đường máu” tìm mọi cách để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Đồng chí đã anh dũng hy sinh tại Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Nhận được tin Phùng Chí Kiên hy sinh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng vô cùng tiếc thương và đau xót. Trên Báo Cờ Giải phóng số 2 ra ngày 26/8/1943, Tổng Bí thư Trường Chinh với bút danh Sóng Biển đã đăng bài điếu “Gương hy sinh, tiếc nhớ anh Phùng”: “Thôi! Thế là một đời chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ... Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí. Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông, cây cỏ...”[11].
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phùng Chí Kiên thực sự là tấm gương suốt đời phấn đấu, cống hiến, hy sinh vì lợi ích của Đảng và Quốc gia, dân tộc. Để ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên với cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có nhiều hoạt động tri ân đối với đồng chí: truy phong hàm cấp Tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên theo Sắc lệnh số 89-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/9/1947, truy thưởng Huân chương Chiến công Hạng III theo Quyết định số 283KT/CT do Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ngày 6/6/1994, truy tặng Bằng Tổ Quốc Ghi công theo Quyết định 1228/QĐ-TTg do Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 10/11/2003 và là một trong 19 lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng theo kết luận số 88-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/2/2014./.
Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Mạch nguồn, NXB. Văn hóa dân tộc, 2014, tr.452
[2] Có tài liệu ghi 21/8/1941
[3] Mạch nguồn, NXB. Văn hóa dân tộc, 2014, tr.45
[4] Thông tri mật số 1226/SG của Tổng nha mật thám gửi Chánh liêm phóng và mật thám Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Miên và Lào ngày 20/4/1934
[5] Phạm Văn Đồng Tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, 2007, tr.53-54
[6] Mạch nguồn, NXB. Văn hóa dân tộc, 2014, tr.141
[7] Sđd, tr.142
[8] Có tài liệu ghi 43 cán bộ
[9] Hồ Chí Minh, từ Pác Bó đến Ba Đình, NXB Chính trị Quốc gia, 2009, tr.23
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 1024
[11] Mạch nguồn, NXB. Văn hóa dân tộc, 2014, tr.457