96
260
3435
20950
20962
6850357
Cổ Đạm là một làng quê nằm ven biển huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây được xem là cái nôi sản sinh ra nghệ thuật ca trù đặc sắc “Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh - đưa với đón trọn tình chung với thủy” và nghề làm gốm cổ truyền. Nhân dân Cổ Đạm có bề dày truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Mỗi khi đất nước gặp họa xâm lăng, các thế hệ người dân Cổ Đạm lại đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Đồng chí Phan Viết Chiểu (bí danh là Linh Đài, Bá, Thoát Nhu, Phong…) sinh ngày 2/1/1905 ở làng Hoa Vân Hải, tổng Cổ Đạm, nay là xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Song thân là ông Phan Công Chính và bà Tô Thị Quán. Ông bà cũng đã được Nhà nước tặng thưởng Bằng có công với nước. Em trai đồng chí Phan Viết Chiểu là Phan Viết Biểu, liệt sỹ năm 1930 – 1931 được nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.
Ảnh: Đồng chí Phan Viết Chiểu (1905-1996)
Thủa nhỏ, đồng chí Phan Viết Chiểu thường được cha kể cho nghe chuyện ông tham gia chống Pháp trong phong trào của cụ Phan Đình Phùng, chuyện dân làng Cổ Đạm hăng hái, sôi nổi đứng lên tham gia đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, lại thấy cảnh nhân dân và người thân trong gia đình chịu nhiều khổ cực vì thực dân Pháp nên đồng chí Phan Viết Chiểu luôn nung nấu ý chí căm thù giặc. Lớn lên đồng chí Phan Viết Chiểu đi dạy học cho trẻ em trong làng và thường giao lưu với các thầy đồ nho và các giáo viên ở Cổ Đạm nên sớm tiếp thu những sách báo tiến bộ, thơ ca cách mạng.
Tháng 10 năm 1925, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Tập, các đồng chí Ngô Hữu Yên (người Huế, làm giáo viên trường tổng Cổ Đạm), Phạm Huy Quán (Hương Sơn), Hồ Văn Ninh (người Đức Thọ, giáo viên trường Cương Gián), Phan Viết Chiểu đã tổ chức cuộc diễn thuyết tại trường Phú Lạp (tổng Cổ Đạm), nhằm nói lên sự khổ nhục mất nước, kêu gọi tinh thần tự lập, tự cường, đứng dậy chống sưu cao thuế nặng… vận động giáo viên, phụ huynh học sinh và một số hào lý, thân sĩ có cảm tình ở các xã lân cận.
Tháng 7 năm 1927, nhân có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên thuộc trường tổng ở Hà Tĩnh, các đồng chí Hồ Văn Ninh, Hồ Hữu Yên được mời dự họp và được kết nạp vào Đảng Tân Việt ở Hà Tĩnh, đồng thời được tổ chức phân công về Nghi Xuân vừa tiếp tục dạy học vừa tìm cách gây dựng phong trào. Về Nghi Xuân chỉ trong một thời gian ngắn, các đồng chí đã tập trung được một số giáo viên có tư tưởng tiến bộ như đồng chí Phan Viết Chiểu, Trần Sỹ Cơ, Trần Văn Hoành, Lê Phụng Hịch, Trần Thủ Bút và một số hào lý có cảm tình ở các xã vùng Cương Gián, Cam Lâm, Phú Lập tham gia vào hội những người yêu nước của huyện Nghi Xuân.
Cuối năm 1927, đồng chí Nguyễn Trí Tư là giáo viên trường Pháp - Việt, thuộc Tổng bộ Tân Việt – Hà Tĩnh được cử ra Nghi Xuân, bắt mối liên lạc với đồng chí Ngô Hữu Yên, Hồ Văn Ninh, Trần Mạnh Táo, Phan Viết Chiểu, tổ chức hội nghị ở đình Hoa Vân Hải để thảo luận chương trình hoạt động, củng cố tổ chức cách mạng và quyết định thành lập tổ Tân Việt đầu tiên ở Nghi Xuân do đồng chí Ngô Hữu Yên làm tổ trưởng. Sau đó, tại Miếu Nầm (Phú Lạp), đồng chí Phan Viết Chiểu được đồng chí Ngô Hữu Yên kết nạp vào Đảng Tân Việt ở huyện Nghi Xuân.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tháng 1/1928, số lượng đảng viên Tân Việt ở Nghi Xuân đã tăng lên đến 15 người, trong đó có 5 đảng viên là người Cổ Đạm gồm: Phan Viết Chiểu, Trần Sỹ Cơ, Trần Văn Hoành, Nguyễn Khôi, Phan Thúc Tạo. Hoạt động của Tân Việt ở Nghi Xuân lúc này chủ yếu là xây dựng cơ sở, kết nạp đảng viên, vận động bài trừ mê tín dị đoan, giác ngộ tinh thần yêu nước cho nhân dân. Ảnh hưởng của tổ Tân Việt Nghi Xuân ngày càng lớn. Để mở rộng quy mô và xây dựng tài chính cho Đảng, tổ Tân Việt Nghi Xuân đã tổ chức cho các đồng chí Phan Viết Chiểu, Trần Thủ Bút, Lê Phụng Hịch lần lượt đi học dệt chiếu, dệt vải ở tỉnh để về truyền lại cho các hội viên.
Vào cuối năm 1928, đồng chí Lê Duy Điếm (xã Xuân Viên – Nghi Xuân) đã về làng Vân Hải để tuyên truyền và vận động một số thanh niên và cử đồng chí Hồ Văn Ninh, Phan Viết Chiểu xuất dương sang Trung Quốc học tập. Nhưng thời gian đó bị thực dân Pháp ngăn chặn nên hai đồng chí không đi được. Cũng trong thời gian này, tổng bộ Tân Việt ở Vinh cử đồng chí Nguyễn Thị Kim (Nghệ An) về Nghi Xuân phối hợp với đồng chí Ngô Hữu Yên để mở rộng và củng cố tổ chức Tân Việt ở đây.
Tháng 6 năm 1929, tại đình Hoa Vân Hải (Cổ Đạm), dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Hữu Yên, tổ chức Tân Việt Nghi Xuân đã tập hợp đầy đủ các thành viên và tuyên bố chuyển hóa hẳn sang Đông Dương Cộng sản Đảng, gồm các đồng chí: Hồ Văn Ninh, Ngô Hữu Yên, Phan Viết Chiểu, Trần Bá Đôn, Trần Thị Chiên, Trần Mạnh Táo, Nguyễn Thị Kim.
Sau khi Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh diễn ra thành công vào tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều - Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ra Nghi Xuân công tác, bắt mối liên lạc với các đảng viên tiên tiến trong Đại tổ Tân Việt. Tháng 4/1930, tại nhà thầy giáo Ngô Hữu Yên ở Phú Lạp (tổng Cổ Đạm), Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nghi Xuân đã diễn ra với sự chủ trì của Bí thư Tỉnh uỷ và kết nạp 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Nghi Xuân là Hồ Văn Ninh, Ngô Hữu Yên, Phan Viết Chiểu, Trần Mạnh Táo, Nguyễn Thị Kim. Đồng thời chỉ định đồng chí Ngô Hữu Yên làm Bí thư. Ngay sau đó, Huyện ủy lâm thời cũng được thành lập.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về tổ chức ngày lễ kỷ niệm Quốc tế Lao động (1/5), công tác tổ chức được Huyện đảng bộ chuẩn bị hết sức khẩn trương và phân công nhiệm vụ cụ thể từng người. Đồng chí Phan Viết Chiểu và các đồng chí Trần Mạnh Táo, Ngô Hữu Yên… tập trung in truyền đơn, may cờ Đảng suốt nhiều ngày không nghỉ. Đêm đến, đồng chí Phan Viết Chiểu đi cắm cờ trên các đình làng Tiên Điền, Phan Xá, Vân Hải, ngọn núi Cơm và rải truyền đơn ở các chợ, nhà bọn hào lý trong làng. Truyền đơn được in hai mặt, một mặt chữ Nôm, một mặt chữ Quốc ngữ với nội dung: Đả đảo đế quốc Pháp; Đánh đổ tư bản, địa chủ cường hào; Chống sưu cao thuế nặng, chống bóc lột; không được đánh đập công nhân, ngược đãi nông dân… Sáng ngày 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm hiên ngang tung bay trên ngọn núi Cơm (Xuân An), trên nóc nhà thờ trước cửa huyện, truyền đơn trắng xóa khắp ngả đường...
Sau vụ rải truyền đơn này, đồng chí Ngô Hữu Yên bị mật thám Pháp bắt tại trường Phú Lạp, đồng chí Hồ Văn Ninh bị chúng nghi ngờ nên đã điều chuyển đồng chí về dạy trường Lạc Thiện (Đức Thọ). Cơ quan ấn loát của tổ chức ở Cổ Đạm cũng bị lộ nên phải chuyển về nhà đồng chí Trần Mạnh Táo ở Đan Phổ và đặt trạm liên lạc ở Xuân An.
Sau cuộc biểu tình 1/5/1930, tuy bị địch kiểm soát gắt gao nhưng tổ chức Đảng ở Cổ Đạm vẫn có sự phát triển nhanh về số lượng, các buổi học chữ quốc ngữ, các cuộc mít tinh để phổ biến chủ trương, chính sách diễn ra thường xuyên. Đầu tháng 5/1930, chi bộ Đảng Vân Hải được thành lập, trở thành chi bộ Đảng cấp xã ra đời sớm nhất ở huyện Nghi Xuân, gồm 5 đồng chí: Phan Viết Chiểu, Trần Sĩ Cơ, Trần Văn Hoành, Nguyễn Khôi, Hoàng Uyển, do đồng chí Phan Viết Chiểu làm Bí thư. Đồng chí Phan Viết Chiểu tích cực đi vận động, phát triển tổ chức, phổ biến kế hoạch hoạt động ở khắp các xã trong huyện. Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ Đỏ, Phụ nữ, Thanh niên ở Cổ Đạm cũng được thành lập sau đó.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8) và hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân Bến Thuỷ (Nghệ An), tối ngày 1/8/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Viết Chiểu, nhân dân Cổ Đạm đã nổi trống mõ kéo đến Bãi Rộng (Cổ Đạm) phối hợp với các xã Phan Xá, Xuân Viên... dự mít tinh và hô vang khẩu hiệu: Đả đảo thực dân Pháp và Nam triều phong kiến, trả ruộng đất cho dân cày… Sau đó, quần chúng đã kéo về làng Cổ Đạm thị uy, biểu dương lực lượng. Đây là cuộc biểu tình mở màn cho cao trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Nghi Xuân nói chung và nhân dân Cổ Đạm nói riêng.
Tháng 10/1930, Đại hội Đảng bộ huyện Nghi Xuân được tổ chức chính thức. Đồng chí Phan Viết Chiểu được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và đồng chí Phan Viết Chiểu, các cuộc biểu tình thị uy của nhân dân Cổ Đạm và đông đảo quần chúng các vùng lân cận Nghi Xuân tiếp tục diễn ra, thẳng tay trừng trị một số hào lý làm tay sai cho địch khiến bọn chúng vô cùng lo sợ.
Cuối năm 1930, đồng chí Phan Viết Chiểu với một tinh thần hăng hái, vượt mọi khó khăn đi đến các làng, xã trong huyện để vận động, kêu gọi quần chúng đấu tranh, kết nạp thêm nhiều đảng viên mới để xây dựng cơ sở, làm nòng cốt cho phong trào.
Tháng 12 năm 1930, đồng chí Phan Viết Chiểu về các xã Đan Trường, Hội Thống… để xây dựng cơ sở thì bị mật thám vây bắt và giam tại nhà lao Hà Tĩnh, đi đày qua nhiều nhà tù ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk... Trước đòn roi tra tấn dã man của quân thù, đồng chí Phan Viết Chiểu vẫn không một chút run sợ, nao núng, luôn luôn bền gan, quyết chí, kiên định lập trường, đứng dậy đấu tranh chống chế độ tù hà khắc, tham gia cuộc đấu tranh trong tù dưới nhiều hình thức như đưa đơn đòi yêu sách, bãi công liên tục.
Năm 1937, đồng chí Phan Viết Chiểu được ra tù. Về quê hương, đồng chí tiếp tục dạy học và tích cực hoạt động cách mạng, vận động quần chúng tham gia đấu tranh giành chính quyền và hoạt động công tác xã hội tại quê nhà sau này.
Do tuổi cao sức yếu, đồng chí từ trần vào ngày 7/5/1996, hưởng thọ 91 tuổi. Tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng tích cực của đồng chí Phan Viết Chiểu đã được lịch sử và nhân dân nơi đây ghi nhận, góp phần làm nên những thành tích vẻ vang cho quê hương và Đảng bộ xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Vân Anh
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ huyện Nghi Xuân (1930 - 1945), xuất bản năm 2000
- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hội (1930-2005), xuất bản năm 2005
- Hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa đền Thánh Mẫu ( xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
- Hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa đình Hoa Vân Hải ( xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
- Hồi ký đồng chí Phan Viết Chiểu, Trần Mạnh Táo lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.