Đồng chí Nguyễn Xuân Tình – tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Nam Đàn

Tác giả: Nguyễn Vân Anh
Ngày 2025-04-18 14:26:41

Đồng chí Nguyễn Xuân Tình (tức Nguyễn Tình, bí danh là Phong) sinh năm 1904 tại làng Hoành Sơn, tổng Nam Kim (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Vùng đất Nam Đàn giàu truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng, có nhiều người đỗ đạt cao như: Trạng Nguyên Trương Xán, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, Hoàng giáp Chu Quang Trứ, phó bảng Nguyễn Đức Vận,… Kế thừa những truyền thống tốt đẹp đó, cùng với nỗ lực của bản thân, đồng chí Nguyễn Xuân Tình đã đóng góp nhiều thành tích, tô thắm thêm trang sử vàng của quê hương.

Từ thuở nhỏ, Nguyễn Xuân Tình là một cậu bé thông minh, hiếu học, được gia đình cho theo học chữ Hán và Quốc ngữ, tham gia các nhóm đọc sách báo, tiếp thu tư tưởng tiến bộ nên Nguyễn Xuân Tình đã sớm tham gia các phong trào đấu tranh tại địa phương.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 25/4/1930, tại làng Kim Liên, Ban Chấp hành Huyện uỷ lâm thời Nam Đàn được thành lập. Toàn Đảng bộ huyện có 4 liên chi bộ ương ứng với 4 tổng là: Lâm Thịnh, Xuân Liễu, Xuân Khoa và Nam Kim.

Tháng 6/1930, để đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, trực tiếp tới các chi bộ trong tổng Nam Kim, Ban Chấp hành liên chi Tổng uỷ Nam Kim được thành lập gồm các đồng chí như: Trần Đình San làm Bí thư, Bùi Hải Thiệu, Nguyễn Xuân Tình, Phạm Nghiêm,…

Ngày 27/6/1930, các đồng chí Lê Công Cánh, Nguyễn Sinh Diên, Vương Xuân, Phan Đình Đồng được Huyện uỷ Nam Đàn cử về liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Tình thành lập chi bộ Hoành Sơn. Cuộc họp để thành lập chi bộ được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Xuân Tình. Tham gia hội nghị thành lập Chi bộ Hoành Sơn gồm có các đồng chí sau: Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Đức Yết, Nguyễn Xuân Đồng, Nguyễn Đức Thuý, Nguyễn Kiêm, Lưu Đào, Nguyễn Văn Châu. Đồng chí Nguyễn Xuân Tình được cử làm Bí thư chi bộ.

Với trọng trách đó, Nguyễn Xuân Tình đã ngày đêm cùng với Chi bộ Hoành Sơn vận động quần chúng tham gia nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đòi hào lý trả lại ruộng công, đòi điền chủ giảm tô thuế, chống cho vay nặng lãi, trừng trị các phần tử chống đối cách mạng làm tay sai cho giặc. Tổ chức truyền bá chữ quốc ngữ trong quần chúng, tuyển lựa những người tích cực, trung kiên để kết nạp vào đảng. Chi bộ đã phân công các đảng viên đi sâu vào quần chúng để vận động thành lập Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ ở các làng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Nghệ An về phối hợp hành động và cổ vũ của phong trào cách mạng Vinh - Bến Thuỷ, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Huyện uỷ Nam Đàn đã lãnh đạo các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong toàn huyện tham gia vào cuộc biểu tình lớn ngày 30/8/1930. Trong cuộc biểu tình này, đồng chí Nguyễn Xuân Tình đi tuyên truyền, vận động quần chúng ở Hoành Sơn tham gia, kéo lên huyện lỵ biểu tình đấu tranh đòi giải quyết các yêu sách của dân chúng. Tri huyện Nam Đàn là Lê Khắc Tưởng đã phải ký vào bản yêu sách của quần chúng, trong đó có lời cam đoan viết sẵn dòng chữ: “Nam Đàn tri huyện huyện quan, tự tư dĩ hậu, bất đắc nhũng nhiễu Nhân dân”, có nghĩa là: “ Tri huyện huyện Nam Đàn không được nhũng nhiễu Nhân dân”.

Ngày 12/9/1930, hàng trăm quần chúng thuộc các làng trong tổng Nam Kim đã kéo về phủ Hưng Nguyên tham gia cuộc biểu tình lớn do Đảng bộ Hưng Nguyên tổ chức. Đoàn biểu tình của Khánh Sơn có trên 100 người dương cao cờ cờ đỏ búa liềm vượt đò chợ Liệu, đò Vạn Rú, tập kết về ga Yên Xuân để tham gia biểu tình. Thực dân Pháp đã cho máy bay và lính từ Vinh lên đàn áp, gây ra cuộc thảm sát man rợ, làm cho trên 200 người bị chết, hàng trăm người bị thương.

Thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Trung kỳ, nhân dân ở các làng trong xã đã tổ chức lễ truy điệu những người hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930. Qua đó, các chi bộ phát động lòng căm thù, kêu gọi nhân dân kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Nam Đàn đã tổ chức hội nghị cán bộ tại làng Thượng Nậm (Nam Hồng). Các đồng chí Phạm Nghiêm, Nguyễn Xuân Tình là Bí thư Chi bộ Đông Sơn và Hoành Sơn về dự. Hội nghị đã thống nhất một số chủ trương vận động nhân dân toàn huyện đồng loạt biểu tình, thị uy, cảnh cáo những tên lính tây ngang ngược, những tên tay sai làm mật thám.

Tối ngày 24/9/1930, đoàn biểu tình của các làng trong huyện đã kéo về rú Dồi (xã Nam Hùng) mít tinh, nghe cán bộ cấp trên diễn thuyết. Từ sau cuộc biểu tình này, các chi bộ Đảng và Nông hội đỏ ở các làng xã đã giành quyền làm chủ địa phương mình. Bọn hào lý ở Khánh Sơn không dám biểu lộ hành vi chống đối.

Từ đầu năm 1931, thực dân phong kiến thẳng tay đàn áp các phong trào đấu tranh của quần chúng. Mặc khác, khi Nguyễn Khoa Kỳ vừa nhận chức Tổng đốc Nghệ An, y đã bày trò mới treo cờ vàng và phát thẻ quy thuận nhằm chia rẽ và cô lập lực l­ượng cách mạng trong quần chúng nhân dân. Trước âm mưu của kẻ thù, Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Nghệ An, Huyện uỷ Nam Đàn đã kịp chỉ đạo Chi bộ Hoàng Sơn tổ chức mít tinh phản đối. Lính đồn cùng hào lý dồn dân làng Hoàng Sơn ra đình điểm danh bắt dân nhận thẻ. Mặc cho lính đánh trống liên hồi, mặc cho tay sai dẫn từng tốp lính vào các xóm dồn dân ra đình, nhân dân dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Tình và chi bộ vẫn đi ra đồng sản xuất. Buổi chào cờ nhận thẻ chỉ có vài người tới dự. Bọn chúng dùng hình thức ép buộc nếu không chịu nhận thẻ quy thuận coi như bị liệt vào danh sách chống đối chính phủ và bị coi là cộng sản.

Để cổ vũ khí thế cho phong trào đấu tranh tại địa phương, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Tình, chi bộ đã lên kế hoạch tổ chức một buổi diễn thuyết trong đám tang cố Hiến - một vị cao niên trong làng. Đám tang được cử hành trọng thể nghiêm trang và đồng chí Nguyễn Xuân Tình đứng lên đọc điếu văn, động viên gia đình, sau đó kêu gọi, vận động nhân dân vùng dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột của bộ máy chính quyền thực dân phong kiến.

Đầu tháng 3/1931, ở làng Hoàng Sơn hạn hán diễn ra gay gắt và liên tiếp khiến mùa màng thất bát, nhân dân đói khổ. Thực hiện chủ trương của cấp trên, đồng chí Nguyễn Xuân Tình đã cùng với các đồng chí đảng viên vận động nông dân đấu tranh, cướp thóc lúa của nhà mụ Hinh (tên địa chủ khét tiếng gian ác của đất Hoành Sơn) để chia cho dân nghèo.

Sau sự kiện này, lính đồn kéo về làng bao vây, lùng bắt cộng sản, đốt nhà đồng chí Nguyễn Xuân Tình. Lúc này, với vai trò là Bí thư chi bộ, đồng chí vẫn cố gắng ở lại làng, bám vào quần chúng để duy trì phong trào. Còn các đồng chí khác được lệnh của Tổng uỷ rời khỏi làng. Đêm 24, rạng sáng ngày 25/4/1931, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Tình, nhân dân trong xã phối hợp với các xã hạ tổng kéo về bao vây đốt nhà và trấn áp tên Bang Đệ và tên Bộ xứ. Kết quả là tên Bang Đệ chạy thoát còn Bộ xứ bị nhân dân bắn chết cả 2 vợ chồng.

Từ tháng 5/1931, hệ thống kìm kẹp của thực dân và phong kiến tay sai trên đất Nam Đàn, Khánh Sơn càng trở nên chặt chẽ và gắt gao hơn. Kẻ địch thẳng thay truy lùng bắt bớ những chiến sỹ cách mạng và quần chúng kiên trung. Ở tổng Nam Kim có thêm hai đồn giặc. Đó là đồn Hoàng Sơn tại Rú Ngang, đồn Quang Xá tại Xuân Phúc. Mỗi đồn địch bố trí 5 đến 7 tên lính lê dương và 10 tên lính khố xanh. Ngoài ra, chúng còn lập thêm các đồn Bang tá. Mặc cho địch khủng bố, đồng chí Nguyễn Xuân Tình vẫn bám sát cơ sở, duy trì mọi công việc của đảng, tổ chức bố trí người đi rải truyền đơn ở các đường làng, tuyên truyền gây dựng cơ sở.

Tháng 8/1931, đồng chí Nguyễn Xuân Tình bị bắt và giam tại nhà giam huyện Nam Đàn. Qua nhiều trận đòn, tra tấn dã man, đồng chí vẫn kiên quyết chịu đựng, một lòng một dạ kiên trung với đảng, quyết không khai báo. Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/8/1932.

Những hoạt động của Nguyễn Xuân Tình trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 tuy không dài nhưng đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ.

Với những đóng góp cho phong trào cách mạng, liệt sỹ Nguyễn Xuân Tình đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 287 QĐ/TTg ngày 24/10/1962. Tấm gương kiên trung, bất khuất, dũng cảm đấu tranh của đồng chí Nguyễn Xuân Tình sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của quê hương Nam Đàn.

 

Nguyễn Vân Anh

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản

Tài liệu tham khảo:

- Theo hồi ký đồng chí Lưu Đào lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Sách LSĐB xã Khánh Sơn 1930 -2010, NXBLĐ,Hà Nội, 2010.

 

 

 

Video