298
475
298
2765
0
6853954
Đồng chí Nguyễn Văn Vân (bí danh Nguyễn Hùng, Bảy An), sinh ngày 20/5/1920, tại xóm Đình, làng Dương Liễu, nay thuộc xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, thân phụ là Nguyễn Văn Biên làm nghề dạy học trong làng, thân mẫu là Đặng Thị Tư làm nghề dệt lụa, dệt vải kiếm sống qua ngày.
Lớn lên giữa vùng quê nghèo, từ thủa thiếu thời Nguyễn Văn Vân đã tận mắt thấy cảnh sưu cao thuế nặng của người nông dân và sự đối xử tàn tệ của chính quyền phong kiến thối nát. Được chứng kiến không khí hăng hái của nhân dân trong làng tham gia biểu tình ngày 30/8/1930 tại thị trấn Nam Đàn và cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930 tại Hưng Nguyên, càng bồi đắp thêm lòng yêu nước trong anh.
Nguyễn Văn Vân theo học trường Tiểu học Nam Kim (3 lớp) tại làng. Sau khi thi yếu lược xong, không có tiền ra Vinh học tiếp anh được chú ruột là Nguyễn Văn Phùng (làm việc tại Sở Địa chánh Quảng Nam) đưa vào Hội An học hết Tiểu học, tốt nghiệp Primaire. Anh nhờ chú xin cho đi làm ở Sở Địa chánh Quảng Nam. Tại đây anh vừa tiếp xúc với các chủ ruộng đất hách dịch, tàn ác; vừa gặp những người nông dân “chân lấm tay bùn” với cuộc sống cơ cực.
Bấy giờ, phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đã hoạt động sôi nổi ở Quảng Nam, nhất là ở Hội An và Đà Nẵng. Trong Nguyễn Văn Vân đã bắt đầu xuất hiện những tư tưởng mới và tích cực hoạt động trong phong trào yêu nước. Anh được Đảng bắt mối, tuyên truyền và giác ngộ và được giao những việc làm cụ thể tại Hội An trong các năm 1936-1937. Anh hăng hái, nhiệt với công việc được giao và vận động anh em cùng tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 2/1938, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hòng dập tắt phong trào cách mạng tại Hội An, thực dân Pháp ráo riết truy lùng các chiến sỹ cách mạng. Hoạt động của Nguyễn Văn Vân bị theo dõi, anh được điều chuyển vào hoạt động ở Sài Gòn. Từ tháng 9/1938 đến năm 1939, anh làm việc tại các tờ báo “Lao động mới” và “Dân tiến”, tham gia đấu tranh công khai. Tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều đảng viên, các nhà báo tiến bộ, làm quen với công tác báo chí, tuyên truyền của Đảng.
Năm 1939-1940, theo chỉ thị của Đảng, Nguyễn Văn Vân rút vào hoạt động bí mật, vận động tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ.
Cả Sài Gòn và Nam Bộ, từ thành thị đến nông thôn náo nức chuẩn bị khởi nghĩa, bất chấp sự truy lùng, khủng bố của kẻ thù.
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ cách mạng bị bắt, bị tù hoặc xử tử. Cuối năm 1940, Nguyễn Văn Vân sa vào tay giặc, bị giam ở Khám lớn Sài Gòn sau đó đày ra Côn Đảo.
Cách mạng Tháng Tám thành công, các chiến sỹ bị giam cầm được thả tự do, phấn khởi nhận nhiệm vụ mới trong đó có Nguyễn Văn Vân. Từ năm 1945-1947, anh được phân công làm Phó Bí thư Quân ủy Cần Giuộc, chính trị viên đại đội địa phương quân của Quận.
Trong một trận chống càn, anh bị thương, sau khi điều trị anh được điều chuyển công tác tới Mặt trận Việt Minh tỉnh Chợ Lớn trong hai năm 1948-1949. Từ cuối năm 1949 đến năm 1954, anh lại được giao trách nhiệm Phó ban Tuyên huấn tỉnh Chợ Lớn, sau đó là tỉnh Gia Định Ninh (miền Đông Nam Bộ).
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, lực lượng quân sự và một số cán bộ của ta tập kết ra Bắc để hai năm sau tiến hành Tổng tuyển cử theo quy định. Mẹ và gia đình đồng chí Nguyễn Văn Vân hy vọng có cơ hội gặp anh nhưng Đảng đã phân công anh ở lại Nam Bộ, hoạt động bí mật giữa sào huyệt đầu não của kẻ thù. Anh vui vẻ nhận nhiệm vụ không một chút phân vân.
Tháng 7/1954 đến 1956, khi Mỹ thay chân Pháp trực tiếp can thiệp, trấn áp cách mạng nước ta, thiết lập chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Vân được giao các nhiệm vụ: Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn.
Tháng 4/1957, anh được điều động nhận nhiệm vụ tại Khu ủy miền Đông Nam Bộ cho đến tháng 6/1959.
Chính quyền Ngô Đình Diệm theo lệnh Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng ra đạo luật 10/1959 lê máy chém khắp miền Nam, gây bao đau thương và khó khăn cho cách mạng miền Nam. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, là một chiến sỹ trung kiên, có kinh nghiệm hoạt động bí mật, Nguyễn Văn Vân được giao nhiệm vụ làm Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn – Gia Định từ tháng 7/1959 đến tháng 7/1964.
Từ 1964-1969, anh là Khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định, Thường vụ Khu ủy Phân khu I – Khu ủy viên Sài Gòn – Gia Định mở rộng.
Sống nhiều năm trong vùng địch kiểm soát, hoạt đông gian khổ, sức khỏe giảm sút nên tháng 6/1969 anh được chuyển ra Hà Nội chữa bệnh. Trong thời gian đó, anh có dịp ghé về thăm quê sau 35 năm xa cách. Cha mẹ anh đã qua đời, anh chỉ gặp lại người em gái duy nhất và bà con làng xóm.
Khi sức khỏe đã ổn định, ngày 13/7/1972, anh lại vượt Trường Sơn trở lại miền Nam tiếp tục nhiệm vụ của mình. Ở tuổi 53, sau hai tháng trời đi bộ, Nguyễn Văn Vân đã tới Ban Tổ chức Trung ương cục Miền Nam ngày 17/5/1972.
Sau một cuộc hành quân gian khổ, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới thì máy bay B52 của Mỹ đã oanh tạc bệnh viện R trong rừng Chí Phèn và Nguyễn Văn Vân đã hy sinh ngày 6/7/1972.
Anh mất đi, để lại người vợ góa, người đồng chí thân yêu là chị Võ Thị Cương, quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 3/2/1949 và hoạt động liên tục đến năm 1990 thì được nghỉ hưu. Chị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam và nhiều cương vị khác đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Đồng chí Nguyễn Văn Vân hy sinh đã hơn 42 năm, hài cốt của anh vẫn chưa tìm thấy, ngôi mộ số 50 ở nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh là ngôi mộ tượng trưng. Anh đã được ghi tên vào bảng vàng liệt sỹ Đền Bến Dược (Củ Chi) và được Nhà nước tặng nhiều huân chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Vân – người con ưu tú của gia tộc và xứ Nghệ, người cộng sản kiên trung đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp của Đảng, cho độc lập thống nhất của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.