340
769
3044
9774
20962
6839181
Đồng chí Nguyễn Văn Đồng[1] (bí danh là Quy) sinh năm 1909, tại làng Thanh La, tổng Võ Liệt (nay là xã Thanh Lĩnh), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), hậu duệ đời thứ 8 họ Nguyễn Văn ở xã Thanh Lĩnh.
Nguyễn Văn Đồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Đồng (Tổng Đồng). Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Đồng, một người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó và hết lòng chăm lo chồng, con. Ông bà có 6 người con (02 trai và 04 gái). Khi còn nhỏ, Nguyễn Văn Đồng là một học sinh thông minh, học giỏi và sớm có tinh thần yêu nước.
Sau khi thực dân Pháp đặt chân lên mảnh đất Nghệ Tĩnh, dưới ách thống trị của thực dân và phong kiến, đời sống Nhân dân vô cùng khổ cực. Ruộng tốt đều tập trung vào tay địa chủ phong kiến, quan lại, còn ruộng đất xấu về tay nông dân, đã thế họ còn phải chịu nhiều sưu cao, thuế nặng... Ai có ý định phản kháng thì bị bắt bớ, tra tấn dã man. Dù sống trong cảnh bị áp bức bóc lột nặng nề nhưng tinh thần yêu nước vẫn luôn nung nấu trong mỗi người dân Thanh La.
Trong những năm 1925 đến 1929, các tiểu tổ Tân Việt và Thanh niên ở Thanh Chương đã tổ chức hàng chục cuộc đấu tranh của nông dân ở các làng xã. Từ đây, Nguyễn Văn Đồng sớm giác ngộ cách mạng và tham gia các cuộc đấu tranh, biểu tình trong làng, xã, huyện.
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung Kỳ, Hội nghị Đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại đền Tiến Sơn vào ngày 20/3/1930. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương gồm các Ủy viên: Tôn Gia Tinh (Bí thư), Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Đình Thốc, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Văn Đồng…
Ở Thanh La, ngay từ đầu năm 1930, các đồng chí Nguyễn Văn Ba, Tôn Thất Chung đã về địa phương tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Đồng được Huyện ủy Thanh Chương để ý, bồi dưỡng trở thành hạt giống đỏ và được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tháng 8/1930, Chi bộ Thanh La (còn gọi là Chi bộ Xuân Trường) được thành lập. Chi bộ có các đảng viên: Nguyễn Văn Đồng (Bí thư), Đinh Xuân Giai, Nguyễn Tiến Oánh, Nguyễn Tiến Văn,...[2]
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Thanh La là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đấu tranh của Nhân dân Thanh La. Từ đây, phong trào đấu tranh của Nhân dân Thanh La đã có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng. Đây là nhân tố quyết định sự thắng lợi của các phong trào đấu tranh của Nhân dân Thanh La trước đây và xã Thanh Lĩnh sau này.
Sau khi chi bộ Đảng được thành lập, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Chi bộ, công tác huấn luyện, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên và quần chúng yêu nước được quan tâm, góp phần đưa phong trào cách mạng trên địa bàn làng Thanh La ngày càng phát triển mạnh.
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ Đảng Xuân Trường, đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân chống lại sự áp bức bóc lột của tay sai thực dân, phong kiến ở Thanh La, tiêu biểu là cuộc biểu tình của nhân dân toàn huyện cướp huyện đường vào ngày 01/9/1930.
Đêm 31/8/1930, các đội Tự vệ Đỏ của Thanh La canh gác các ngả đường, bến đò chuẩn bị việc tiếp tế cho ngày mai. Các tổ chức như Nông hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đã vận động Nhân dân ngày mai đi biểu tình. Đồng thời, Tự vệ tổng Võ Liệt (trong đó có Thanh La) bắt giữ 11 tên Tổng lý và những tên tình nghi làm mật thám. Truyền đơn được rải khắp các ngả đường. Cờ đỏ được cắm trên các nóc đình, cây cao và các đỉnh núi.
Từ 01 giờ sáng ngày 01/9/1930, sau tiếng trống phát lệnh ở các đỉnh núi của tổng Xuân Lâm, núi Tiến (tổng Võ Liệt), rú Nguộc (Ngọc Sơn), núi Sừng Bò (Hoà Quân)... thì tại Thanh La náo động tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng mõ và tiếng hò reo thôi thúc quần chúng Nhân dân tham gia biểu tình. Đoàn biểu tình hừng hực tiến về phía huyện đường với cờ đỏ búa liềm, giáo mác, gậy gộc… Khí thế ngút trời khiến binh lính và tay sai ở huyện đường hoảng sợ, nhanh chóng tháo chạy. Quần chúng đốt huyện đường, thiêu hủy hồ sơ tài liệu, đập phá nhà giam và giải thoát tù nhân. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã, thay vào đó là sự hình thành của chính quyền Xô viết. Cuộc biểu tình ngày 01/ 9/1930 được coi là mốc mở đầu, đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trên toàn quốc.
Sau ngày 1/9, Chi bộ Thanh La, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Đồng, tiếp tục tổ chức quần chúng tuần hành thị uy, trấn áp bọn hào lý ở địa phương, làm cho chúng sợ hãi và tê liệt. Để quản lý làng xã, chi bộ Đảng đã thành lập Xã bộ nông (nòng cốt là Chi bộ Đảng và Ban Chấp hành Nông hội đỏ), Tự vệ đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, tiến hành tịch thu ruộng đất công, tiền lúa công của các làng xã mà bọn địa chủ, hào lý đã chiếm dụng rồi chia cho dân nghèo, xóa bỏ sưu thuế, giảm tô chính, bỏ tô phụ, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, nghiêm cấm tệ nạn rượu chè, cờ bạc, trộm cắp,….
Thời gian này, tình hình trật tự trị an được ổn định, mọi việc trong làng, xã đều do Nông hội đứng ra giải quyết.
Cùng với việc xây dựng các tổ chức đoàn thể, Nông hội đỏ Thanh La còn tổ chức chia lại các công điền, công thổ cho người không có ruộng cày. Vì thế, Chi bộ Thanh La nói riêng và phong trào cách mạng ở đây nói chung được Huyện ủy Thanh Chương lúc bấy giờ đánh giá là đơn vị mạnh của huyện.
Lo sợ trước phong trào đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp đã tìm mọi cách để đàn áp. Chúng thực hiện cuộc khủng bố trắng cực kỳ dã man, đánh phá trực tiếp vào các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng, gây cho ta nhiều tổn thất nặng nề.
Chúng thành lập các đồn binh, bang tá huyện, bang tá tổng, có đội lính khố lục hỗ trợ, nơi ít nhất cũng có 15 tên. Ở xã Thanh La lúc này chúng cho tên Bừu làm Bang tá xã và đóng đồn ở đây và ở đình Nậu Đông. Tháng 10/1930, chúng đâm chết một phụ nữ mang thai. Từ đó, phong trào cách mạng ở Thanh La bị khủng bố ác liệt, hầu hết các xóm, ngõ đều có dấu giày của bọn lính đàn áp cách mạng, gồm lính lê dương, lính khố xanh, lính thị vệ do bọn Pháp chỉ huy. Tuy vậy, các thủ đoạn của địch vẫn chưa giúp chúng thiết lập lại trật tự ở Thanh Chương như mong muốn.
Những hành động tàn bạo của kẻ địch đã gây cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Chương nhiều tổn thất nặng nề. Chúng thẳng tay bắt bớ, chém giết những ai bị nghi ngờ là cộng sản. Cán bộ hoạt động hết sức khó khăn. Việc liên lạc giữa Huyện ủy với liên chi ủy và các chi bộ bị gián đoạn. Một số chi bộ nơi địch đóng đồn như La Mạc, Đại Định, Xuân Bảng, Bích Thị và Thanh La bị địch phá vỡ. Để bảo vệ tính mạng và của cải của Nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Đồng và một số đảng viên trong chi bộ bí mật liên lạc với cấp trên. Ngày 14/4/1931, Huyện uỷ Thanh Chương huy động tự vệ và Nhân dân 3 tổng Võ Liệt, Cát Ngạn, Đại Đồng giải vây cho Chi bộ Thanh La... Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Đồng tham gia Ban Chấp hành Tổng bộ Võ Liệt, rồi Ban Chấp hành Huyện ủy Thanh Chương.
Từ giữa năm 1931, phong trào cách mạng ở Nghệ An lâm vào tình thế cô lập. Phong trào cách mạng Thanh Chương ngày càng gặp nhiều khó khăn. Bọn đế quốc và tay sai tương đối rảnh để tập trung lực lượng đánh phá quyết liệt hơn các vùng Xô viết ở Thanh Chương. Chúng đốt phá nhà cửa, chặt trụi cây cối, hãm hiếp phụ nữ, cướp đoạt thóc gạo, trâu bò, gà lợn của Nhân dân, tra tấn đảng viên cộng sản hoặc những ai bị tình nghi là cộng sản, giải những chiến sĩ cộng sản về ngay quê hương của họ để xử bắn nhằm uy hiếp tinh thần Nhân dân.
Trong lúc Huyện ủy gặp nhiều khó khăn trong liên lạc với Tỉnh ủy, nhiều cơ sở Đảng ở các làng, xã tiếp tục bị phá vỡ, đồng chí Nguyễn Văn Đồng vẫn cố gắng duy trì hoạt động, chờ thời cơ.
Từ tháng 8/1931, tình hình cách mạng ở Thanh Chương rất căng thẳng. Do sự chỉ điểm của hai tên phản bội ở Chi bộ Hà Giang (Quảng Xá), cơ quan Huyện ủy bị bao vây, một số cán bộ Huyện ủy bị sa lưới địch. Những người cộng sản ở Thanh Chương phải chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Huyện ủy không về liên lạc được với dân, cơ quan Huyện ủy phải chuyển sang Rọ Con (núi Ngọc Lâm). Bọn lính đồn và Bang tá thọc sâu vào rừng núi để truy nã các cơ quan Tổng ủy và chặn đường tiếp tế cho cán bộ. Gạo, muối đều cạn; nguyên liệu in ấn cũng vơi dần. Sống cảnh màn trời chiếu đất, phải thường xuyên di chuyển, cán bộ, đảng viên phải chịu đói rét, ốm đau. Dù vậy, ai cũng cố gắng phấn đấu, không để gián đoạn mối liên hệ với dân, với Đảng[3]. Đồng chí Nguyễn Văn Đồng cùng những đảng viên, cán bộ, quần chúng kiên trung tiếp tục bám trụ trong rừng, mặc cho đói khát, gian khổ, tìm cách khôi phục cơ sở, chắp nối liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt.
Cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã cử một số cán bộ, đảng viên lên làng Vều (Anh Sơn) chắp nối liên lạc xây dựng cơ sở Đảng.
Đầu tháng Giêng năm 1932, đồng chí Nguyễn Quang Khởi, Bí thư Huyện ủy được tỉnh điều động nhận nhiệm vụ mới. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương được củng cố lại do đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm Bí thư Huyện ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Đồng với vai trò là Bí thư Huyện ủy đã tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, cổ vũ, động viên các đồng chí trong Ban Chấp hành giữ vững ngọn lửa đấu tranh, tìm cách khôi phục cơ sở Đảng, gây dựng lại các phong trào. Trong thời điểm đầy khó khăn, thách thức, Huyện ủy lại chuyển sang khe Sú (Ngọc Lâm). Cả Ban Chấp hành chỉ còn lại 8 người. Ở xa dân, lương thực cạn kiệt, nguồn tiếp tế bị cắt đứt, Huyện ủy phân công cán bộ lần đường về làng móc nối liên lạc, đồng thời nhận phần lương thực của Nhân dân nuôi sống anh em, tiếp tục hoạt động.
Trước sự vây quét gắt gao của kẻ địch, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt, bị giết. Các tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ và cơ sở quần chúng trong toàn huyện hoàn toàn bị phá vỡ.
Ngày 20/02/1932, Huyện ủy Thanh Chương lúc này đóng ở Pheo, rào Lang (nay là xã Thanh Hương) quyết định tìm đường lên Anh Sơn để chắp nối liên lạc với cấp trên. Nhưng trên đường đi, đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Bí thư Huyện ủy bị sa vào ổ phục kích của địch. Sau đó, các Huyện ủy viên đều bị sa lưới. Bọn địch áp giải Nguyễn Văn Đồng đưa về đồn Thanh Quả dùng nhiều cực hình tra tấn dã man đồng chí. Nhưng mọi mưu đồ thâm độc của kẻ thù chẳng thể giết nổi tinh thần, ý chí và quyết tâm đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của người cộng sản. Biết được đồng chí Nguyễn Văn Đồng là Bí thư Huyện ủy, chúng đưa đồng chí ra chợ Quán chặt đầu, treo trước cổng huyện đường để uy hiếp tinh thần cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Hy sinh ở tuổi 23, cho đến giờ phút cuối cùng, đồng chí vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, ý chí kiên cường, bất khuất của người cộng sản. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời, sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Ghi nhận công lao và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Đồng là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của quê hương cách mạng Thanh Chương. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo./.
Lê Ngọc Thịnh