Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ - tấm gương cộng sản kiên trung của quê hương Ngọc Sơn

Tác giả: admin
Ngày 2022-10-26 07:25:07

Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ sinh năm 1906, trong một gia đình nghèo, giàu lòng yêu nước tại làng Ngọc Sơn, tổng Xuân Lâm (nay là xã Ngọc Sơn), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Nguyễn Văn Ới (hay còn gọi là cụ Đồ Kìa) làm nghề dạy học, mẹ là bà Nguyễn Thị Hoe một người phụ nữ trung hậu, đảm đang, quanh năm chăm chỉ với ruộng đồng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ

Ngọc Sơn là một xã thuộc tả ngạn sông Lam, huyện Thanh Chương. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây là vùng đất có truyền thống yêu nước và khoa bảng với nhiều danh tướng, nhà khoa bảng tiêu biểu như: hai cha con Tổng Tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân, Thái bảo Thụy Quốc công Nguyễn Cảnh Dị; Phúc Khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy; hai cha con Tiến sỹ Nguyễn Phùng Thời, Nguyễn Bá Quýnh…

Khi phong trào Cần Vương cứu nước cuối thế kỷ XIX nổ ra, cùng với các nghĩa sĩ yêu nước chiêu binh khởi nghĩa ở Thanh Chương, vùng đất Ngọc Sơn đã có nhiều người con ưu tú tham gia rất tích cực. Đầu thế kỷ XX, phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng thu hút đông đảo thanh niên yêu nước Nghệ Tĩnh xuất dương. Trong 15 người Thanh Chương sang Xiêm (Thái Lan) năm 1913 có một số thanh niên yêu nước của xã Ngọc Sơn tham gia. Từ năm 1925, Hội Phục Việt và Hội Thanh niên ra đời và nhanh chóng phát triển ở nhiều địa phương. Tại Thanh Chương, hai tổ chức này đã thu hút được nhiều hội viên tham gia từ hàng ngũ giáo viên, học sinh trường tiểu học Pháp – Việt đến thanh niên yêu nước các làng Võ Liệt, Quảng Xá, Ngọc Sơn, Xuân Dương, Xuân Tường, Tú Viên, Cát Ngạn...

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống yêu nước với tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, hằng ngày phải chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong kiến, khát vọng đấu tranh để mang lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân lại càng nung nấu thêm trong tâm hồn người thanh niên yêu nước Nguyễn Trọng Cừ.

Đầu năm 1928, hai anh em (con chú, con bác) Nguyễn Trọng Cừ và Nguyễn Trọng Kìa cùng một số người khác đã được ông Trần Quốc Phằng (đảng viên Đảng Tân Việt hoạt động ở làng Ngọc Sơn) vận động, giác ngộ tham gia các hoạt động yêu nước…

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, các chi bộ đảng và tổ chức quần chúng ở Thanh Chương cũng lần lượt ra đời lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Tháng 3/1930, đồng chí Nguyễn Đăng Phức sinh hoạt tại Chi bộ Xuân Tường đã về làng Ngọc Sơn tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho các quần chúng ưu tú như Phạm Bá Bật, Lê Đình Xưng và sớm kết nạp các đồng chí vào chi bộ.

Chiều ngày 4/4/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Đình Xưng, hai anh em Nguyễn Trọng Cừ, Nguyễn Trọng Kìa đã nhận nhiệm vụ rải truyền đơn ở 2 làng (Văn Lâm và Ngọc Sơn). Đêm hôm đó, hai đồng chí tiếp tục bí mật cắm cờ trên nóc đình làng Ngọc Sơn. Sáng hôm sau, truyền đơn được rải trắng khắp các con đường của hai làng, cờ búa liềm tung bay phấp phới đã làm cho bà con hân hoan còn bọn thực dân, phong kiến lại vô cùng hoang mang, lo lắng.

Thực hiện kế hoạch kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của cấp trên, Huyện uỷ Thanh Chương đã chỉ đạo toàn dân tổ chức treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, nơi có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách. Từ sáng sớm ngày 1/5/1930, khắp các tổng trong huyện, Nhân dân đã tập trung về đình làng để nghe diễn thuyết, trong đó có 100 học sinh Trường Tiểu học Pháp - Việt đã tập trung tại quán Ngũ Phúc (Võ Liệt) làm lễ mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động,… Nguyễn Trọng Cừ cũng tích cực hoà mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân. Trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, ngày 3/5/1930, chính quyền thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào. Chúng cho lính xộc vào trường bắt đi 5 học sinh, trong đó có đồng chí Đinh Xuân Giai, Nguyễn Đình Tùng, giải về giam và tra khảo ở Nhà lao Vinh. Mặc dầu vậy, tinh thần đấu tranh của đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và quần chúng nhân dân cũng không vì thế mà giảm sút.

Thời gian này, tại nhà bà Tổng Uỷ, tổ Đảng đầu tiên ở Nguyệt Bổng được thành lập, với tên gọi là Tổ đảng Tường Lam, gồm 9 đồng chí. Tổ Đảng sinh hoạt ghép cùng Tổ đảng làng Xuân Tường. Tại nhà ông Đình Hoè, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Ngọc Sơn được thành lập, gồm 9 đồng chí, bao gồm: Nguyễn Đăng Phức, Lê Đình Xưng, Nguyễn Trọng Cừ, Nguyễn Đăng Huỳnh, Phạm Bá Bật, Võ Luyến, Nguyễn Kìa, Nguyễn Quang Lược, Võ Tiêu Định, do đồng chí Lê Đình Xưng làm Bí thư. Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ đã hăng hái hoạt động không kể ngày đêm và hoàn thành nhiều nhiệm vụ được Chi bộ giao phó.

Đêm ngày 11 rạng ngày 12/5/1930, lúc gà còn chưa cất tiếng, trăng vẫn còn ở đỉnh đầu sáng rực khắp đó đây, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ, Lê Chuyên, Cao Khôi cùng dắt trâu bò, vác cày ra bãi cùng bà con. Từng tốp người hồ hởi vượt sông Lam toả khắp Bãi Ối để cày bừa. Không khí nhộn nhịp, hân hoan diễn ra chưa từng có. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Cừ, Lê Chuyên và Cao Khôi, quần chúng tiến hành cày được hơn 5 mẫu ruộng bãi (bao đời bị bọn cường hào chiếm đoạt nay trở về tay dân cày). Nhờ vậy, bà con nhân dân như được tiếp thêm sức mạnh trong đấu tranh và lao động sản xuất. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ đã tiếp tục hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi bọn hương lý phá tục lệ “kính biếu”.

Mở đầu cho phong trào đấu tranh của nông dân toàn tỉnh trong tháng 6/1930 là cuộc biểu tình ngày 1/6/1930, tại Thanh Chương, với khoảng 3.000 người, bao gồm hơn 100 phụ nữ và hơn 100 học sinh tham gia. Hoà mình vào cuộc đấu tranh, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ cùng hơn 100 người ở hai làng (Phong Nậm và Nguyệt Bổng), làng Ngọc Sơn kéo về Huyện đường rồi tập trung tại chợ Rộ. Tri huyện Phan Thanh Kỷ phải đích thân đi bộ ra gặp đại diện quần chúng để nhận bản yêu sách của dân và hứa sẽ đệ trình lên thượng cấp thực hiện một số yêu sách như:

- Hoãn sưu thuế đến tháng 10;

- Bỏ thuế hoa lợi, bỏ thuế Tuần sương;

- Bồi thường cho những người bị bắn chết ở Hạnh Lâm, Bến Thuỷ và Thái Bình;

- Thả hết tù chính trị và những người bị bắt, không được đưa lính An Nam đi ngoại quốc và lính ngoại quốc đến An Nam; thả 5 học sinh bị bắt ở Trường Pháp - Việt Thanh Chương; đổi Đốc học Phan Trọng Đình đi nơi khác…

Lần đầu tiên, nhân dân các tổng trong huyện trực diện đấu tranh với Tri huyện và giành thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ cùng đoàn biểu tình kéo về trong niềm vui chiến thắng. Sau cuộc đấu tranh này, Chi bộ Ngọc Sơn họp bàn kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí phụ trách các tổ chức như Nông hội đỏ, Hội Phụ nữ, Tự vệ và Thanh niên. Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ được phân công đi vào thôn Văn Lâm, Phúc Xá, Yên Lạc Thượng, Yên Lạc Hạ để gây dựng cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng.

Ngày 2/6/1930, Chi bộ làng Ngọc Sơn đã tổ chức mít tinh tại đình Phúc Xá với đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ nhận nhiệm vụ lên diễn thuyết, tuyên truyền tinh thần yêu nước và tố cáo tội ác của bọn thực dân, phong kiến, kêu gọi, vận động nhân dân đi theo cách mạng, tham gia các tổ chức quần chúng vừa đấu tranh với kẻ thù, vừa giúp đỡ nhau trong cuộc sống,… Mọi người tập trung nghe diễn thuyết rồi ra về trong tâm trạng phấn khởi với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Cũng từ đây, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ càng được nhân dân yêu mến, tin tưởng. Những lúc ốm đau, đồng chí được bà con thay nhau chăm sóc tận tình.

Như được tiếp thêm sức mạnh từ thắng lợi của các cuộc đấu tranh và tình cảm của quần chúng nhân dân, Nguyễn Trọng Cừ đã không quản ngày đêm đi vào các thôn làng như Phúc Xá, Yên Lạc, Mỹ Ngọc, Ngọc Mông để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, giới thiệu nhiều đồng chí ưu tú kết nạp vào các chi bộ đảng. Cuối năm 1930, Huyện uỷ Thanh Chương chủ trương cắt từ Chi bộ Ngọc Sơn trở lên sáp nhập về Tổng uỷ Đại Đồng, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ được điều động bổ sung vào Ban Chấp hành. Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ được bầu giữ chức Bí thư Tổng uỷ  Đại Đồng.

Lúc bấy giờ, phong trào đấu tranh trong huyện nói chung, Tổng uỷ Đại Đồng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. thực dân Pháp cho lính về làng đóng đồn khắp nơi và lập ra bang tá, đoàn phu. Mặt khác, chúng còn lập ra “Hội đồng hương chính”, “Hội đồng tộc biểu” để ngăn cấm và dụ dỗ con cháu trong họ, trên cơ sở đó tổ chức nhiều trò mị dân như rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận. Hệ thống tay sai được thiết lập ngày đêm lùng sục, bắt bớ những người chúng nghi là cộng sản. Mặc dù vậy, Nguyễn Trọng Cừ cùng các đồng chí trong Tổng uỷ vẫn ngày đêm vận động quần chúng tập trung đi biểu tình, tiêu diệt những tên phản động, tay sai gian ác như: Tập trung toàn tổng trừng trị tên Phó tổng Giạng (ngày 3/3/1931), làm lễ truy điệu 20 anh em đoàn phu bị giết tại Cầu Gang (ngày 24/3/1931), đi phá đồn Phúc Xá (ngày 14/4/1931); đi giải vây các làng Di Luân, Hiến Lạng (ngày 19/4/1930); tập trung đi xé cờ vàng và thẻ quy thuận (ngày 25/5/1931)...

Việc liên lạc giữa các chi bộ với tổng, giữa tổng với huyện vẫn được kết nối cho đến tháng 8/1931. Đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và các đồng chí trong Tổng uỷ còn chia nhau về các làng như Ngọc Sơn, Dinh Chu, Du Phúc, Di Luân, Phương Trì để bắt liên lạc với cơ sở đảng. Nhận nhiệm vụ trở về làng Ngọc Sơn để hoạt động, trước sự truy lùng gắt gao của bọn mật thám tay sai, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ đã được bà con nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi giấu.

Tình hình ngày càng khó khăn, trước sự truy quét, lùng sục của kẻ thù, các tổ chức quần chúng ở các làng dần bị phá vỡ. Ban Chấp hành Tổng uỷ Đại Đồng cũng dần sa vào tay giặc, chỉ còn lại đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và 2 đồng chí khác. Đường dây liên lạc giữa Tổng uỷ và Huyện uỷ cũng dần bị cắt đứt.

Để tránh sự truy lùng của bọn mật thám, ban đêm, Nguyễn Trọng Cừ cùng anh em rút lui vào rú ẩn mình, sáng lại về làng hoạt động. Các đồng chí họp bàn sẽ nguỵ trang làm nghề thợ mộc để kết nối lại đường dây với Huyện uỷ. Những dụng cụ như cưa, rìu, đục đã được các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng và định ngày sẽ xuất phát. Nhưng trước sự vây ráp của kẻ thù, Nguyễn Trọng Cừ và các đồng chí của mình bị giặc bắt, vào một buổi sáng tháng 10/1931. Chúng đưa đồng chí về giam ở đồn Phúc Xá. Tại đây, Nguyễn Trọng Cừ cùng nhiều đồng chí khác bị tra tấn dã man hòng lấy lời khai nhưng những đòn roi của kẻ thù vẫn không làm cho các đồng chí nao núng. Không lay chuyển được tinh thần của người cộng sản, chúng lại đưa Nguyễn Trọng Cừ về giam tại lao huyện. Cuối cùng, sau một tháng xét hỏi nhưng không đạt được mục đích, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ bị tuyên án về tội “làm Tổng uỷ” chịu 3 năm khổ sai và giải về giam tại Nhà lao Vinh.

Vừa tới Nhà lao Vinh, Nguyễn Trọng Cừ và anh em tù nhân từ Thanh Chương xuống đã bị tên đội ba xếp lao đánh thị uy. Đánh xong, chúng đưa anh cùng một số đồng chí khác vào giam tại buồng lục và theo dõi mọi hành động suốt ngày đêm. Tại Nhà lao Vinh, các đồng chí đã phải chịu đựng chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt. Mỗi tù nhân mỗi ngày được phát 0,5kg gạo chia làm 3 bữa: sáng ăn cháo, trưa và tối ăn cơm. Tuy nhiên, chế độ ăn của phạm nhân vốn đã rất ít ỏi nay lại thêm cai thầu, giám thị ăn bớt nên chúng đã sử dụng loại gạo mốc, mục nát, đầy sạn trấu, loại gạo thải dùng chăn nuôi gia súc, gia cầm để nấu cho người tù. Khẩu phần ăn bất di bất dịch là: cơm và mắm thối, không canh rau, không thịt. Nước uống không đủ dùng, nước sinh hoạt tắm giặt càng bị hạn chế hơn. Ốm đau không có thuốc men chữa trị. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho phần lớn tù nhân bị bệnh kiết lỵ, chết nhiều và nhanh tại Nhà lao Vinh như vậy,Những âm mưu, thủ đoạn đó đều nhằm tiêu diệt các chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh cả về thể xác lẫn tinh thần.

Mặc dầu vậy, bọn thực dân vẫn không thể làm khuất phục nổi ý chí của tù chính trị Nhà lao Vinh. Ngược lại, nó càng trở thành động lực để Nguyễn Trọng Cừ và các thế hệ tù chính trị tại Nhà lao Vinh đứng lên đấu tranh, biến lao tù trở thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện ý chí, bản lĩnh của người cộng sản.

Cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ tiếp tục bị đưa vào Nhà lao Đà Nẵng. Từ đây, hành trình tôi luyện trong chốn lao tù của Nguyễn Trọng Cừ bước sang một trang mới.

Nhà lao Đà Nẵng được xây dựng sát cửa biển, với 2 dãy nhà chia ra 4 phòng, mỗi phòng có 2 dãy cùm sắt hai bên, chứa khoảng 50 - 60 người, khu xà lim gồm 3 phòng chính giữa, 4 phía thành xây cao 5m, ở ngoài đi vào phải qua 4 lần cửa sắt. Chế độ lao tù ở đây cũng không khác gì Nhà lao Vinh: cơm không đủ ăn, toàn gạo hẩm, nhan nhản sạn đá, thức ăn bốn mùa là rau muống chấm muối, nước uống toàn lá bàng, mỗi tuần tắm giặt một lần, dù cho tù nhân đi làm về tay chân lấm bẩn cũng phải chịu. Anh em tù nhân hằng ngày bị đánh đập tàn nhẫn, cuộc sống vô cùng khắc nghiệt.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ cùng anh em tù chính trị đã họp bàn và nêu khẩu hiệu: “Đoàn kết để đấu tranh, đấu tranh để sống còn”. Các đồng chí đã lên kế hoạch và phương pháp chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lớn, đồng thời vạch ra 7 yêu sách:

  • Huỷ bỏ cùm, những ngày đi làm về cũng như ngày nghỉ không được cùm như trước;
  • Cơm ăn phải cho nóng, phải cân đúng tiêu chuẩn trước mặt anh em và phải hợp vệ sinh;
  • Mỗi tuần 2 ngày, chủ nhật và thứ 5 phải được ăn thịt cá hai bữa;
  • Nước uống hằng ngày phải sạch sẽ;
  • Hằng ngày, phải được tự do tắm giặt và có xà phòng;
  • Lúc ốm đau phải được kịp thời cứu chữa và phải được nghỉ ngơi;
  • Thư từ phải được gửi về nhà, các loại bưu phẩm ở nhà gửi vào không được giữ lại.

Sau khi gây được cảm tình với quần chúng trong lao và ngoài thành phố, đồng thời nắm được một số cốt cán trong anh em tù kinh tế, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và anh em tù chính trị quyết định đấu tranh vào ngày 1/5/1932.

Nửa đêm hôm đó, anh em tù kinh tế được bố trí dậy đập bóng đèn điện, sau khi điện tắt, Nguyễn Trọng Cừ và 50 anh em tù chính trị vùng dậy vỗ tay reo hò ầm ĩ khiến cả thành phố rúng động. Bọn địch vô cùng hoang mang và hoảng hốt, chúng buộc phải báo động điều lính khố đỏ, khố xanh kéo vào vây chặt xung quanh buồng giam tù chính trị từ nửa đêm cho đến sáng.

Sau cuộc đấu tranh, thực dân Pháp bắt một số đồng chí vào giam tại xà lim, tại đây, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và anh em tù chính trị lại tiếp tục đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực. Sau 8 ngày kiên cường tuyệt thực, cuộc đấu tranh giành thắng lợi, tên Khâm sứ buộc phải chấp nhận 7 yêu sách do các đồng chí yêu cầu trước đó, chế độ lao tù được cải thiện,…

Đến năm 1934, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ rời Nhà lao Đà Nẵng về Nhà lao Vinh và bị Toà án Nam triều kết án thêm 13 năm tù khổ sai, tịch thu toàn bộ tài sản tại quê nhà vì tội cầm đầu giết Phó tổng Giạng.

Từ cuối tháng 6/1934 đến giữa năm 1935, chúng đưa đồng chí Nguyễn Trọng Cừ ra Nhà lao Đồn Đức Thịnh, thuộc huyện Yên Thành rồi Nhà lao Kim Nham, thuộc huyện Anh Sơn để sản xuất vôi, gạch, cung cấp cho việc xây đắp các đồn, bốt trong tỉnh. Trong chốn lao tù, đồng chí tiếp tục đoàn kết cùng anh em đấu tranh cải thiện chế độ ăn uống, kỷ niệm các ngày lễ, giác ngộ lính gác,… Với những hoạt động đó, Nguyễn Trọng Cừ bị đưa vào giam tại xà lim và tăng án lên 3 năm.

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ lại bị đưa trở về Nhà lao Vinh, rồi tiếp tục đưa ra đồn Cầu Giát để đập đá, làm đường,… Tại đây, đồng chí vừa lao động khổ sai, vừa tích cực tuyên truyền, giác ngộ thêm anh em binh lính,…

Sau 13 năm tù đày, đến năm 1944, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ được ra tù nhưng chịu 3 năm quản thúc.

Trở về quê hương, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ tiếp tục bắt mối hoạt động cách mạng. Đến tháng 10/1944, Chấp uỷ Việt Minh Ngọc Sơn được thành lập, gồm các đồng chí: Nguyễn Huỳnh, Phạm Đào, Nguyễn Trọng Cừ, Nguyễn Tình, Lê Quỳnh, Nguyễn Huyến, Lê Thư. Từ đây, phong trào đấu tranh của quần chúng Ngọc Sơn có bước phát triển mới dưới sự lãnh đạo của Chấp uỷ Việt Minh,…

Tháng 5/1945, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh được thành lập. Đầu tháng 6/1945, Chấp uỷ Việt Minh Thanh Chương được hình thành, do đồng chí Nguyễn Như Cầu làm Chủ nhiệm. Tổ chức Việt Minh ở các cơ sở lần lượt ra đời để chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 13/8/1945, Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh. Ngày 16/8/1945, Việt Minh triệu tập Đại hội và quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa các cấp, bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Việt Minh huyện quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện ngày 18/8/1945 để biểu dương lực lượng, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Công tác chuẩn bị biểu tình diễn ra khẩn trương.

Đúng kế hoạch, sáng ngày 18/8/1945, nhân dân toàn huyện Thanh Chương từ các tổng như thác đổ kéo về tập trung tại chợ Rộ. Hoà vào không khí đấu tranh sôi nổi ấy, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ cùng đội Tự vệ toàn huyện xông vào Huyện đường chiếm giữ các nơi trọng yếu như kế hoạch. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bộ máy cai trị từ huyện đến xã bị tê liệt. Tri huyện Nguyễn Chương cúi đầu nhận các điều kiện của Việt Minh. Các đồn lính bảo an của Nhật bị tự vệ bao vây hạ vũ khí đầu hàng. Những tên quan lại, tổng lý gian ác bị bắt giam. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Uỷ ban khởi nghĩa quyết định ngày 23/8 sẽ khởi nghĩa giành chính quyền.

Trước sức mạnh của quần chúng, Tri huyện Nguyễn Chương đành phải nộp con dấu, sổ sách cho Việt Minh và xin đầu hàng cách mạng. Đồng chí Nguyễn Côn, thay mặt Việt Minh tuyên bố thủ tiêu bộ máy chính quyền tay sai của Nhật, thành lập Uỷ ban Cách mạng lâm thời huyện, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh giành chính quyền ở huyện Thanh Chương.

Sau thắng lợi ở Huyện đường, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh các cơ sở, nhân dân tiếp tục tiến hành mít tinh, biểu tình, yêu cầu lý trưởng về đình làng nộp con dấu, sổ sách cho chính quyền mới và công bố danh sách Uỷ ban Cách mạng lâm thời. Uỷ ban Cách mạng lâm thời xã Thanh Lam được thành lập do đồng chí Nguyễn Trọng Cừ làm Chủ tịch.

Cuối năm 1953, theo chủ trương của cấp trên, các vùng trên của xã Mai Lâm được chia tách thành 3 xã (Thanh Lam, Thanh Nam, Xuân Tường).

Đầu năm 1954, Chi bộ Thanh Lam tiến hành Đại hội, bầu Ban Chấp hành mới, gồm 9 đồng chí, trong đó đồng chí Nguyễn Trọng Cừ giữ chức vụ Thường trực Chi uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thanh Lam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Cừ và Ban Chấp hành Chi bộ đã vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương trong các giai đoạn tiếp theo.

Từ tháng 7/1954-1958, đồng chí tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh và cải cách ruộng đất tại Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Năm 1959-1960, đồng chí làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hợp tác xã  Thanh Lam.

Năm 1961-1962, đồng chí làm Bí thư chi bộ, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Lam Sơn, trưởng ban kiến thiết 4 trạm bơm điện huyện Thanh Chương.

Năm 1964, đồng chí là Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Lam Hòa.

Từ năm 1967-1970 ông làm Trưởng ban Mặt trận, đội trưởng đội trồng cây của Hợp tác xã Lam Sơn…

 Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ đã được Đảng và Nhà tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất (năm 1985), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1987) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Có thể nói, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Trọng Cừ luôn giữ vững ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí đã tích cực hoạt động, góp phần vào những thắng lợi trong các cuộc đấu tranh trên quê hương Thanh Chương trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Dù trải qua nhiều năm tháng bị giam cầm, tra tấn dã man trong lao tù từ huyện đến Tỉnh nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bình tĩnh, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng, tích cực vận động anh em tù chính trị tham gia vào phong trào đấu tranh trong lao tù đế quốc. Những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng đã được ghi vào trang sử của quê hương và trở thành tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.             

                                                                                                                ThS. Trần Thị Hồng Nhung

P. Giám đốc Bảo tàng XVNT

                                                          

Tài liệu tham khảo:

- BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2005

- BCH Đảng bộ xã Ngọc Sơn, Lịch sử Đảng bộ xã Ngọc Sơn (1969 - 2015), Nxb Lao động, 2020.

- Hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Trọng Cừ lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

- Lời kể của thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Trọng Cừ.

Video