Đồng chí Nguyễn Thị Thoại - cán bộ giao thông liên lạc của Huyện ủy Quỳnh Lưu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931

Tác giả: admin
Ngày 2018-06-22 03:00:15

Đồng chí Nguyễn Thị Thoại sinh năm 1908 tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, là một cán bộ giao thông liên lạc xuất sắc của Huyện ủy Quỳnh Lưu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

Đồng chí Thoại có một tuổi thơ đầy vất vả, khi lên ba tuổi bố mẹ đều mất nên phải sống với chú mự, mười hai tuổi đã phải đi làm thuê để kiếm cơm ăn, áo mặc, ngày  đi chăn trâu cắt cỏ, tối lại về kéo sợi dệt vải nên không có điều kiện để đi học như bạn bè cùng lứa. 

Từ năm 1925-1929, ở Quỳnh Lưu có hai tổ chức cách mạng hoạt động rất sôi nổi, đó là Tân Việt và Thanh Niên. Hai tổ chức này đã lập ra các tổ chức quần chúng như: Thanh niên, Phụ nữ, nhóm khuyến học… để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, vận động quần chúng đứng lên tranh đấu hàng ngày.

Năm 1929, đồng chí Thoại tròn hai mươi mốt tuổi, chú mự tính gả chồng, nhưng đồng chí không chịu nghe theo. Chị tâm sự ước mơ muốn thoát khỏi cuộc sống khổ cực hiện tại với người chú họ là đồng chí Nguyễn Hữu Giảng {1} và được chú dạy học, tuyên truyền, giác ngộ đi theo cách mạng. Qua sự phân tích, chỉ bảo của đồng chí Nguyễn Hữu Giảng,  Thoại hiểu rằng chỉ có đi theo cách mạng mới thoát khỏi cảnh xiềng xích nô lệ và áp bức.

Đồng chí Thoại được Nguyễn Hữu Giảng giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn, với lời căn dặn: “ Cứ đầu hôm rải, làm sao mà sáng mai quần chúng nhân dân đi chợ nhặt đọc, xôn xao ủng hộ phong trào là chú mới cho là cháu hoàn thành nhiệm vụ…” {2}.  Bằng nhiệt huyết của tuổi thanh niên khi mới bước vào con đường hoạt động cách mạng, mỗi tuần Thoại trực tiếp ra nhà đồng chí Hồ Tùng Mậu ở  xã Quỳnh Đôi một lần để nhận tài liệu.  Những lần đi như vậy, đồng chí Thoại cải trang thành người đi buôn bán, vác trên vai đôi quang gánh như người đi chợ bình thường. Nhờ vậy mà mọi công việc được giao đồng chí Thoại đều hoàn thành.

Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/4/1930, tại Thanh Sơn (Sơn Hải), Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu cũng được thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ gồm có các đồng chí: Nguyễn Đức Mậu ( Bí thư), Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Nguyễn Xuân Đào, Hoàng Văn Hợp. Thời gian này, đồng chí Thoại được phân công đi rải truyền đơn, tài liệu ở vùng Quỳnh Hồng, sau đó được giao đi treo cờ ở các ngọn cây gần đường tàu và trong làng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Khi đi đồng chí giấu cờ trong người, vác đòn gánh với một cuộn dây giả làm người đi củi. Khi đến nơi, lúc không có người thì đồng chí buộc nhanh một đầu sợi dây vào lá cờ, một đầu sợi dây còn lại buộc vào hòn đá rồi ném qua thân cây, thế là lá cờ đã được treo lên dễ dàng.

Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, tháng 7/1930, đồng chí Thoại được đứng vào vào hàng ngũ của Đảng. Đồng chí được tổ chức phân công nhiệm vụ đi lấy cờ quy thuận rồi làm giao thông liên lạc từ Quỳnh Lâm xuống Quỳnh Sơn, sang Quỳnh Nghĩa, rồi ra chợ Nồi ở Quỳnh Đôi. Riêng ở Quỳnh Sơn cơ quan của Đảng hoạt động dưới hình thức một cửa hàng bán rượu, là nơi trực tiếp giao tài liệu, giấy để in. Những lúc đi làm nhiệm vụ, đồng chí cải trang làm người đi buôn, trên gánh hàng bỏ vài mớ rau khoai để tránh sự theo dõi của địch. Đi nhiều lần cũng sợ bị lộ nên đồng chí cố tình ăn mặc rách nát, áo vá những tấm thật to để bỏ tài liệu cất vào trong. Khăn tóc thì luộm thuộm, mặt mày bôi nhọ nồi để tránh địch nhìn quen mặt. Qua nhiều lần thử thách công tác, được tổ chức tin tưởng, đồng chí được phân công vào Hội phụ nữ giải phóng ở Diễn Châu.

Năm 1931, trong thời gian tham gia hoạt ở Hội Phụ nữ giải phóng đồng chí bị địch theo dõi và tình nghi nên chúng bắt đưa sang Quỳnh Sơn để tra khảo. Bị địch tra tấn đủ mọi cực hình, chết đi sống lại nhiều lần nhưng đồng chí vẫn giữ vững được lập trường, không một phút giây nào xa rời lý tưởng của Đảng. Sau một tuần tra tấn, trong một trận đánh đập, bọn lính tưởng đồng chí đã chết nên ném xác đồng chí ra ngoài bãi biển, đến nửa đêm đồng chí tỉnh lại, trốn thoát rồi nhanh chóng tìm cách bắt mối liên lạc với tổ chức và được phân công về tiếp tục hoạt động ở Diễn Châu.

Giữa năm 1931, trước sự truy lùng, vây bắt ráo riết của thực dân Pháp nên tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng ở Diễn Châu phải di chuyển sâu vào rừng để hoạt động. Trong điều kiện cơm gạo tiếp tế khó khăn, nhiều khi phải kiếm lá rừng để làm rau, chặt cây làm lều nhưng công tác ấn loát in truyền đơn sách báo của Đảng vẫn diễn ra. Những lúc nghỉ ngơi, đồng chí Thoại cùng các đồng chí trong đoàn như đồng chí Chu Trang, Hồ Nhiếp… vừa làm việc vừa hát những câu trong  Nhật ký chìm tàu  để khích lệ, động viên tinh thần mọi người:       

         “… Nước Nga có chuyện lạ đời

Biến người nô lệ thành người tự do

… Sung sướng thay cho thợ thuyền Nga.

              Ngày làm, ngày nghỉ đều là có lương…”{3}.  

Ngày 29/6/1931, trời vừa rạng đông, do chủ quan không bố trí người canh gác, cơ quan Huyện ủy Diễn Châu bị đồn bang tá, lính đoàn phu huyện Yên Thành bao vây, thu được nhiều tài liệu và bàn in thạch, nửa bì gạo, mười ngọn giáo, một số dao găm. Đồng chí Thoại và các đồng chí Trương Nghiệm, Vũ Đô, Hồ Nhiếp... bị bắt và đưa về đồn Yên Thành để tra khảo. Bọn chúng ra sức đánh đập, tra khảo hết sức tàn nhẫn nhưng các đồng chí vẫn kiên trung một dạ với Đảng với cách mạng. Cuối cùng không khai thác được gì, chúng viết một bản án và bắt các đồng chí ký rồi đưa về giam ở đồn Diễn Châu. Cứ một ngày bọn lính tra tấn hai lần, vì chịu đựng nhiều trận đòn quá nên đồng chí Thoại ngất đi không biết gì nữa. Chúng biết dùng bạo lực không ăn thua nên một hôm tên tri phủ gọi đồng chí lên nói lời dụ dỗ:  

“ …Mày không cha không mẹ, tuổi cũng đã nhiều rồi, đi làm thuê mần chi cho cực. Bây giờ Hồ Nhiếp nhận mày làm vợ thì mày nhận nó làm chồng đi rồi chúng tao cho về, còn Hồ Nhiếp sẽ được giảm án rồi cũng cho về…”{4}.  

Nhưng đồng chí Thoại vẫn kiên quyết không khai nên bị lính đánh đập ngất đi ngất lại nhiều lần và bị giam riêng ở trại lính lê. Sau một tháng ở tù, chúng đưa đồng chí sang nhà lao, gặp lại các đồng chí Chu Trang, Hồ Nhiếp, Trương Nghiệm, Vũ Đô …, mắt ai cũng ngời sáng, đầy quyết tâm với niềm tin rằng cách mạng sẽ thắng lợi, tự động viên, khích lệ lẫn nhau là dù trong cơn sóng gió, phải luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản. Mọi người lại có dịp họp bàn kế hoạch liên lạc với bên ngoài, gây dựng phong trào ở trong lao tù, bầu ra tổ trưởng tổ phó và thống nhất với nhau là đi nhận cơm nếu cơm chín, canh đảm bảo thì ăn, còn không bảo đảm anh em tù đều tuyệt thực.

Hàng ngày bọn lính bắt tù nhân đi vác gạo, vác củi… Các đồng chí trong lao góp nhặt được một số tiền để mua hương, cứ đến ngày lễ là thắp hương. Bọn cai ngục thấy vậy chúng bảo làm loạn và tra khảo anh em tù nhưng mọi người đều trả lời:

“ Ai cũng nhớ ngày lễ, nhớ đến những vị tiền bối đã có công với cách mạng thì chúng tôi thắp hương chứ không ai chủ trì” {5}

Thời gian sau này, đồng chí Thoại bị tra tấn nhiều nên sức kiệt đi và ốm nặng. Trong lao tù đế quốc, các đồng chí luôn chăm sóc, động viên, an ủi, nhường cơm, sẻ áo cho nhau. Tám tháng sau, đồng chí bị đưa về nhà giam ở Quỳnh Lưu, được gặp các đồng chí như Phan Hữu Khiêm, Hồ Thị Nhung, Dương Vũ Bản… Ngồi trong tù thêm hai năm thì đồng chí được trả tự do. Trải qua những năm tháng bị tra tấn, đánh đập trong lao tù đế quốc,  đồng chí vẫn không hề nao núng, cố gắng chịu đựng những đau đớn về thể xác, luôn tỉnh táo trước những âm mưu, thủ đoạn mua chuộc của kẻ thù, chờ ngày chiến thắng cuối cùng của cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Sau này, đồng chí Thoại về sinh sống tại xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu và đảm đương nhiều chức vụ khác nhau như: tổ trưởng nữ quân, hội trưởng hội phụ nữ xã và ủy viên Ban chấp hành Nông hội đỏ xã Quỳnh Hưng.

Năm 1993, vì tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Thị Thoại đã qua đời. Với những đóng góp của mình cho cách mạng, đồng chí đã được Nhà nước công nhận là cán bộ lão thành hoạt động cách mạng trước năm 1945. Đồng chí Thoại sẽ mãi là tấm gương sáng về tinh thần bất khuất, chí khí anh hùng, kiên định lý tưởng sống đã chọn, như những gì mà đồng chí đã chia sẻ :“ Mỗi khi nghĩ lại quá khứ của đời mình tôi như thấy cái gì đó thúc dục tôi, một lòng theo Đảng đến hơi thở cuối cùng” {6}.   

Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT    

Chú thích:

1: Nguyễn Hữu Giảng người làng Quỳnh Hồng, làm nghề giáo viên, lãnh đạo tổ chức Thanh niên ở huyện Quỳnh Lưu.

2,4,5,6: Hồi ký đồng chí Nguyễn Thị Thoại hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

3: Nhật ký chìm tàu của Nguyễn Ái Quốc. 

 

Video