Đồng chí Nguyễn Sỹ Đồng - Người cộng sản kiên trung trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trên quê hương Thanh Chương

Tác giả: Lê Ngọc Thịnh
Ngày 2025-04-02 10:50:33

 

Nguyễn Sỹ Đồng (còn có tên là Nguyễn Văn Đồng) sinh năm 1899, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Xuân Dương, tổng Xuân Lâm (nay là xã Xuân Dương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra và lớn lên trên một vùng đất có truyền thống yêu nước và cách mạng, lại được chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh của Nhân dân tại quê hương, Nguyễn Sỹ Đồng đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Đầu năm 1927, dưới sự giới thiệu của đồng chí Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Đồng (lúc này đã đổi thành Nguyễn Văn Đồng) đã được kết nạp vào Hội Tân Việt Cách mạng Đảng cùng với những người anh, em trong dòng họ là Nguyễn Sỹ Côn, Nguyễn Sỹ Hươu, Nguyễn Sỹ Mực, Nguyễn Sỹ Thỉ, Nguyễn Sỹ Triêm. Tổ Tân Việt ở làng Xuân Dương là một trong 10 tổ của toàn huyện Thanh Chương lúc đó, hoạt động rất sôi nổi với các hình thức như tuyên truyền giác ngộ tinh thần dân tộc qua thơ văn Phan Bội Châu, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ, nhen nhóm tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong Nhân dân.

Tháng 6 năm 1927, Nguyễn Văn Đồng nhận chỉ thị từ cấp trên, đi vận động quyên góp để mở một hiệu buôn ở Chợ Cồn, buôn bán các mặt hàng như thuốc Bắc, vải vóc, đồng thời mở hiệu may mặc, gọi là phố Xuân Đồng, mục đích là vừa gây quỹ cho hoạt động của Hội, đồng thời làm địa điểm liên lạc của Hội Tân Việt. Nguyễn Văn Đồng vừa làm người quản lý hiệu buôn, vừa liên lạc với cấp trên để nắm các chỉ thị về thực hiện ở cơ sở, vừa tìm kiếm các quần chúng trung kiên để tuyên truyền, giác ngộ và đào tạo nguồn nhân lực. Trong giai đoạn này, nhiều người đã được Nguyễn Văn Đồng phát hiện và dẫn dắt vào con đường hoạt động cách mạng, trong đó có Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Công Huy, Nguyễn Sỹ Trang,...

Trong quá trình hoạt động, đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã sớm tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng vô sản mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Từ đó, Nguyễn Văn Đồng đã tin theo và tích cực tuyên truyền cho các đồng chí khác trong tổ chức và Nhân dân cùng hướng theo con đường cách mạng vô sản.

Giữa năm 1929, đầu năm 1930, các tổ Tân Việt được đổi thành Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Chi bộ Xuân Tường được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm Bí thư[1].

Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phân cục Trung ương Đảng Trung kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ Cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại Đền Tiến Sơn (thuộc xã Thanh Long ngày nay) vào ngày 20/3/1930. Với vai trò cốt cán, uy tín của mình trong phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Đồng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương (cùng với các đồng chí Ủy viên: Tôn Gia Tinh (Bí thư), Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế, Trần Trạch, Nguyễn Đình Thốc, Nguyễn Như Kỷ, Nguyễn Thế Lâm..)[2].

Hội nghị đã quyết định chuyển các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng trong toàn huyện thành các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, Huyện bộ xúc tiến mạnh mẽ việc phát triển tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng như: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Tự vệ…để chuẩn bị cho một giai đoạn cách mạng mới.

Đêm 20/3/1930, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Đảng bộ huyện, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam làng Xuân Dương được thành lập, đặt tên là Chi bộ Đại Thành do đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương làm Bí thư, Chi bộ lúc bấy giờ có 6 đồng chí[3].

Sự ra đời của Chi bộ Đại Thành là bước ngoặt đối với phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân làng Xuân Dương. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đại Thành, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Bí thư, các tổ chức như: Nông hội Đỏ, Phụ nữ giải phóng, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Hội Cứu tế đỏ,… ở Thanh Dương phát triển mạnh mẽ, nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết được tổ chức để động viên, kêu gọi các đoàn thể đoàn kết, chuẩn bị bước vào cuộc đấu tranh mới.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Đại Thành, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Bí thư Chi bộ quyết định phát động nông dân đấu tranh với bọn hào lý nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất công, một vấn đề gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân bấy lâu nay. Sáng 03/4/1930, nhân ngày tế Điền ở Đền Cả, Chi bộ vận động khoảng 200 quần chúng kéo đến, đồng chí Nguyễn Sỹ Hươu được cử làm chỉ huy, thay mặt quần chúng đưa yêu sách đòi bọn hào lý trả lại cho dân 72 mẫu ruộng đất và 450 quan tiền. Kết quả của cuộc đấu tranh giành thắng lợi lớn, quần chúng Nhân dân rất vui vẻ, tin tưởng cán bộ và sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng.

Về sau, tên Lý trưởng bị Nhân dân bắt trói ở Đền Cả ngày càng gian ác, có nhiều nợ máu với Nhân dân. Trước tình hình đó, Chi bộ ra Nghị quyết cử hai đồng chí đảng viên theo dõi, tự vệ đỏ bố trí lực lượng và tiêu diệt được tên Lý trưởng.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đại Thành được giao nhiệm vụ in ấn, phân phối và rải truyền đơn trong địa phận tổng Xuân Lâm để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, đấu tranh toàn huyện nhân ngày Quốc tế Lao động 01/5.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đồng - Bí thư Chi bộ đã triệu tập cuộc họp chi bộ, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí, hàng chục gia đình, trong đó có gia đình của đồng chí Nguyễn Văn Đồng và các đồng chí trong Chi bộ Đại Thành đều trở thành cơ sở in ấn truyền đơn. Tinh thần cách mạng của đảng viên cũng như quần chúng Nhân dân đến thời điểm này đã dâng cao, cả làng Xuân Dương đều hăng hái tham gia, người thì canh gác, người rải truyền đơn, người tham gia in ấn, người cất giấu tài liệu, vận chuyển tài liệu …Nhờ sự chỉ đạo nhịp nhàng của chi bộ, sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận, Chi bộ Đại Thành đã hoàn thành kịp thời nhiệm vụ mà Huyện ủy giao.

Đêm 30/4/1930, rạng sáng ngày 01/5/1930, chi bộ cử đồng chí Nguyễn Sỹ Hươu và Nguyễn Sỹ Mực làm chỉ huy cắm cờ đỏ búa liềm tại đỉnh Động Kiêng và phát ba hồi trống lệnh. Chi bộ lãnh đạo quần chúng Nhân dân làng Xuân Dương phối hợp cùng nông dân các làng, xã của huyện Thanh Chương với số lượng hùng hậu tham gia cuộc biểu tình chống áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai. Lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào cách mạng ở làng Xuân Dương dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đại Thành, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã phối hợp với nông dân toàn huyện Thanh Chương, sát cánh với công nhân, nông dân lao động Vinh - Bến Thủy cùng đấu tranh, tạo nên một tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng trên cả nước[4]. 

    Dù bị thực dân Pháp, phong kiến tay sai đàn áp khốn khổ, nhưng với tinh thần đấu tranh, dám chấp nhận hy sinh, khát vọng giành độc lập của của quần chúng Nhân dân rất cao, Chi bộ Đại Thành tiếp tục ra sức tuyên truyền, vận động quần chúng các thôn, xóm tiếp tục chuẩn bị để tham gia các cuộc đấu tranh quy mô lớn do Huyện uỷ phát động. Các cuộc đấu tranh vào ngày 01/6/1930 và 10/7/1930, đều có sự tham gia tích cực của các đảng viên Chi bộ Đại Thành và Nhân dân làng Xuân Dương.

Chi bộ Đại Thành luôn quan tâm chú trọng công tác phát triển đảng viên. Nhờ vậy, đến tháng 7/1930, chi bộ đã bồi dưỡng kết nạp thêm được 7 đảng viên nâng tổng số đảng viên trong toàn chi bộ là 13 đồng chí và uy tín của cán bộ, đảng viên Chi bộ Đại Thành ngày càng tăng lên, quần chúng Nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ Đảng.

  Sự năng nổ, nhiệt huyết của đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã góp phần giúp phong trào cách mạng ở Xuân Dương ngày càng phát triển nhưng cũng đồng thời gây sự chú ý đối với bọn mật thám Pháp, làm cho chúng hết sức lo sợ, tìm đủ mọi cách để đàn áp phong trào, bắt bớ các đảng viên.

Lúc bấy giờ, ở làng Phúc Yên có một tên mật thám nguy hiểm. Tổng ủy Xuân Lâm quyết tâm xử tử hắn. Chi bộ Đại Thành được giao nhiệm vụ phối hợp rải truyền đơn kể tội ác của tên mật thám để trấn áp tinh thần bọn hào lý nhưng bị bại lộ. Bọn chúng báo lính đồn Đa Cương về đốt nhà đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Chi bộ và bao vây phá huỷ cơ sở buôn bán ở phố Xuân Đồng (chợ Cồn ngày nay). Rất may là hôm đó đồng chí Nguyễn Văn Đồng đang đi công tác vắng. Một số đồng chí trong chi bộ bị địch bắt như Nguyễn Sỹ Đức, Nguyễn Sỹ Thỉ… vào khoảng giữa tháng 7/1930. Ngày hôm sau, bọn địch lùng sục bắt được đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Nguyễn Sỹ Hươu và Nguyễn Sỹ Mực và giải xuống giam tại Nhà lao Vinh.

Cuối tháng 7/1930, đồng chí Nguyễn Công Huy được cử làm Bí thư Chi bộ Đại Thành thay đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Chi bộ bị địch bắt.

Tại Nhà lao Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Đồng đã bị kẻ địch dùng mọi thủ đoạn triệt hạ tinh thần đấu tranh, như: giam cầm, cùm kẹp, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói, vệ sinh tại chỗ,… Chúng hành hạ cả về vật chất lẫn tinh thần, làm cho tù nhân kiệt lực mà rời rã ý chí đấu tranh, từ bỏ lý tưởng cách mạng nhưng tất cả đều thất bại. Chúng đánh đập dã man rất nhiều lần nhưng không thể nào khuất phục được ý chí kiên cường của đồng chí, không khai thác được thêm thông tin gì từ người chiến sĩ kiên trung. Đồng chí đã hy sinh anh dũng vào ngày 14 tháng 8 năm 1930.

  Nhận được tin Bí thư Chi bộ Đại Thành hy sinh, Xô viết Xuân Dương đã tổ chức lễ truy điệu long trọng có hương án, vòng hoa, băng cờ, khẩu hiệu ghi dòng chữ “Tinh thần liệt sĩ Nguyễn Văn Đồng bất tử”. Nhân dân các làng Xuân Dương, Tú Viên, Xuân Bảng đến dự rất đông, mọi người vô cùng xúc động và khâm phục tấm gương hy sinh oanh liệt của vị Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đại Thành, hàng trăm người lặng thinh nghe đồng chí Đặng Chánh Kỷ - cán bộ Tỉnh uỷ đọc bài điếu văn đầy xúc động.[5]

Kìa chùm hoa tươi roi rói.

Nọ ngọn sáp đỏ hồng hồng.

Rượu lạt hương thơm

Bày trước một tấm băng đỏ, chói lọi giữa trời Nam

Ai trông thấy mà chẳng hiểu rằng.

Đó là một bàn truy điệu, truy điệu ai

Truy điệu anh Nguyễn Văn Đồng

Nguyễn văn Đồng nhà khá giả đủ ăn, còn bà và mẹ

Anh ấy nhà khá đủ ăn, còn bà và mẹ

Vì Thung đường vắng mặt mà anh phải gặp cảnh ngộ éo le

Sắt cậy lửa rèn, vàng nhờ đá thử

Vì cái cảnh ngộ đó, anh mới tỏ ra một bậc tân thanh niên

Khi anh theo đòi đèn sách bút nghiên, đua đòi bạn bầu

Anh cố kết giao với những người hảo bằng hữu

Vì khó khăn cay đắng, anh phải xếp bút nghiên xoay quanh nghề thương mại

Cố giao lưu cho rộng lối để kiếm bạn đồng tâm

Gần đây phong trào thế giới nhân dân sôi nổi

Anh mới tỏ mặt ra để cổ động hô hào

Mới được mấy lâu thì anh bị bắt

Bắt giam được mấy lâu thì anh bị tra chết ở chốn lao tù

Ôi! Một tân thanh niên như anh

Rằng đáng khen, đáng khen thiệt, đáng hi vọng, đáng hi vọng thiệt

Nhưng tiếc thay tuổi anh đang còn trẻ tiền đồ đang còn dài

Nếu không bị đế quốc giết hại thì anh cũng là người vung mái chèo giữa sóng, chia đôi vai với gánh nặng đường xa

Chẳng phải anh là ai

Ôi thôi! Đám mây thương cầu

Con tạo trớ trêu, giấc mộng hoàng lương, cuộc đời thắm thoắt

Anh ghét mặt bọn đế quốc, bọn tham tài mà anh phải hóa đi cho ráo

Ai thương anh cũng nên mừng cho anh

Ai tiếc anh cũng căm thù cho anh

Tức tối thay cuộc to người ít, giống tạp lép nhiều

Vì anh chết mà hụt mất một phần gánh vác của chúng tôi

Chúng tôi buồn, chúng tôi khóc, chúng tôi than vãn thở dài cũng không thể nào được nữa

Vậy có mấy lời than và khóc rằng

Than ôi! Nước bạc bạc phèo, mây đen đen hoặc

Liều quăng bảy thước dưới hòang trần, chứng tỏ tấm gan cùng đế quốc

Ai làm nên thế văn minh chỉ vỏ với da

Hồn hỡi đi đâu

Non nước kìa Nam nọ Bắc

Ôi thôi gánh nặng trìu trìu

Đường xa vằng dặc

Vá giời lấp biển đến thế mới cam

Chỉ núi thề sông dù ai cũng tức

Giống Hồng lạc còn nhiều tinh tú

Bạn đầu xanh còn lắm kẻ đồng tâm

Hội Á, Âu còn lắm gió mây

Đống xương trắng dễ ghe phen sinh sắc

Hỡi ôi! anh Đồng.

Với 31 năm tuổi đời, trải qua bao gian nan, nguy hiểm, dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Đồng vẫn luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Với tinh thần nhiệt huyết cách mạng, kiên định, nghị lực phi thường, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Trân trọng và biết ơn những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Đồng, Đảng và Nhà nước công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Tên tuổi của đồng chí được khắc trong văn bia tại Nhà tưởng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, số thứ tự 948 và được khắc ở vị trí đầu tiên trên Bia liệt sĩ ở xã Thanh Dương. Gia đình của đồng chí được Nhà nước tặng Bằng khen có công với nước theo Quyết định số 40/CCVN ngày 28/01/1964.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Đồng là tấm gương kiên trung cho thế hệ mai sau học tập và noi theo./.

Lê Ngọc Thịnh

Phó Giám đốc Bảo tàng XVNT

 


[1] BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, 2005, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr53.

[2] Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương, sdd, tr54; Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương, sđd, tr 35.

[3] Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương, sđd, tr 36.

[4] Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương, sđd, tr 38,39,40.

[5] Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Dương, sđd, tr 40.

 

Video