459
526
2471
19986
20962
6849393
Nghiên cứu về quá trình hình thành và hoạt động của Xứ uỷ Trung Kỳ thời kỳ 1930-1931, chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong các cuộc vận động thành lập Đảng trong tổ chức và xây dựng các cấp Đảng bộ, lãnh đạo chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Kỳ.
Trong bài này chúng tôi chỉ nêu đôi nét về hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ (1930-1931).
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ, phong trào đấu tranh yêu nước theo nhiều khuynh hướng khác nhau ngày càng phát triển và lan rộng khắp cả nước. Suốt dải đất miền Trung, các phong trào đấu tranh diễn ra liên tiếp, trong đó phong trào đấu tranh theo khuynh hướng cách mạng vô sản được hình thành và phát triển, từng bước tự khẳng định vị trí của mình. Sự ra đời của các tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Đảng Tân Việt... đã mang lại một sắc thái mới cho cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Trung Kỳ. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải có một chính Đảng của giai cấp vô sản dẫn dắt, soi đường. Chính trong bối cảnh đó các tổ chức cộng sản ra đời, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Đảng bộ Trung Kỳ.
Tháng 6-1929, sau khi thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Trung Kỳ để xây dựng cơ sở Đảng. Các đồng chí lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng 24-2-1930 tại Sài Gòn, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu, những người đã dự Hội nghị thành lập Đảng, cùng với đồng chí Ngô Gia Tự - Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ tổ chức cuộc họp, công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 3/1930 tại thành phố Vinh - Nghệ An đồng chí Nguyễn Phong Sắc với tư cách là uỷ viên Ban chấp hành lâm thời của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, triệu tập Hội nghị liên tịch giữa Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng và các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn để thống nhất việc chỉ đạo thành lập Đảng trong cả Xứ, thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ. Hội nghị bầu ra Ban chấp hành lâm thời, gồm các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tức Thịnh), Lê Mao (tức Cát), Lê Viết Thuật (tức Luyện), đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.
Phân cục Trung ương Trung Kỳ có nhiệm vụ chỉ đạo việc hợp nhất các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ từ tỉnh cho tới tận cơ sở, giải tán các ban chỉ đạo cũ của các tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn), lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng.
Phân cục Trung ương Trung Kỳ đặt trụ sở chính tại Vinh - Nghệ An và một trụ sở tại Đà Nẵng để có điều kiện lãnh đạo các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Định.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Phân cục Trung ương Trung Kỳ xuất bản báo “Người lao khổ”, truyền đơn đi các nơi tuyên truyền, vận động quần chúng đi theo con đường của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng quần chúng vào cuộc đấu tranh cách mạng.
Ngay sau khi phân cục Trung ương Trung Kỳ thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tập trung chỉ đạo việc thống nhất tổ chức Đảng ở các tỉnh đồng thời nhanh chóng xây dựng hệ thống tổ chức Đảng các cấp ở Trung Kỳ. Đồng chí phân công công tác cán bộ trong phân cục Trung ương Trung Kỳ về địa phương gây dựng cơ sở Đảng, lãnh đạo phong trào, chỉ định các đồng chí trong Ban chấp uỷ Trung Kỳ phụ trách từng khu vực:
- Tại Nghệ Tĩnh:
+ Tỉnh bộ Vinh: Do đồng chí Lê Mao - uỷ viên thường trực Phân cục Trung ương Trung Kỳ phụ trách.
+ Tỉnh bộ Nghệ An: đồng chí Nguyễn Liễn phụ trách.
+ Tỉnh bộ Hà Tĩnh: đồng chí Trần Hữu Thiều phụ trách.
- Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên: đồng chí Lê Viết Lượng phụ trách.
- Tỉnh Bình Định: đồng chí Phan Thái Ất phụ trách.
Tổ chức Đảng từ cấp tỉnh đến cấp xã từng bước được xây dựng và phát triển. Tính đến tháng 5-1930, hệ thống tổ chức Đảng đã được thành lập ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Cùng với việc xây dựng tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc còn tích cực chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ của Đảng, đoàn kết đấu tranh, hoà nhịp chung với phong trào cách mạng của cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức như Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Hội Thanh niên, Phụ Nữ, Cứu tế, Tương tế ... được thành lập và phát triển khắp nơi. Những hội viên có giác ngộ cộng sản trong hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt đều lần lượt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Các Hội quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt trước đây đều được chuyển thành Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ, Hội phụ nữ giải phóng...
Tháng 10-1930 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ nhất họp quyết đinh kiện toàn hệ thống tổ chức Đảng các cấp, thêm cấp xứ uỷ vào bộ máy tổ chức của Đảng, hệ thống tổ chức Đảng gồm Chi bộ (có Ban cán sự Chi bộ chỉ huy), Tổng bộ (có ban tổng uỷ chỉ huy), Huyện bộ (có huyện uỷ hay khu uỷ chỉ huy), Tỉnh bộ, Thành bộ hoặc Đặc biệt bộ (do Tỉnh uỷ, Thành uỷ hoặc Đặc uỷ chỉ huy), Xứ bộ (do ban Xứ uỷ chỉ huy)...
Sau hội nghị tháng 10-1930, Trung ương ra thông cáo gửi các Ban chấp uỷ lâm thời phải nhanh chóng xây dựng tổ chức Đảng cấp xứ, bầu xứ uỷ, thiết lập các Ban chuyên môn (ban tuyên truyền, công nhân vận động, nông dân vận động...) ra báo của Xứ bộ.
Trong những tháng cuối năm 1930, song song với việc chỉ đạo phong trào đấu tranh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí trong Phân cục Trung ương Trung Kỳ bắt tay củng cố tổ chức Đảng các cấp. Cùng thời gian này, Trung ương cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vào hoạt động tận Trung Kỳ, tham gia phân cục Trung ương Trung Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền.
Cuối năm 1930, Phân cục Trung ương Trung Kỳ họp Hội nghị thành lập Xứ bộ Trung Kỳ, đứng đầu Xứ bộ là Xứ uỷ. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban thường vụ Xứ uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư. Đấu năm 1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo xuất bản báo “Công Nông Binh” – cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Trung Kỳ thay cho tờ báo “Người lao khổ”.
Tính đến tháng 12-1930, toàn bộ Xứ bộ Trung Kỳ có 1425 đồng chí, trong đó Đảng bộ Vinh, Nghệ An có 907 đồng chí, Hà Tĩnh: 376, Quảng Trị: 42, Quảng Ngãi: 60, Bình Định: 40. Các tổ chức quần chúng phát triển mạnh, Công hội: 953 hội viên (Nam Đàn: 641, Vinh: 312), Nông hội: 41018 hội viên (trong đó Nghệ An: 31718, Hà Tĩnh: 8000, Quảng Ngãi: 1200, Bình Định: 100), Đoàn thanh niên cộng sản: 876 đoàn viên, tập trung ở hai tỉnh Nghệ An: 754 và Hà Tĩnh: 122, Hội phụ nữ (Nghệ An: 816, Hà Tĩnh: 48).
Từ giữa năm 1931, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ ngày càng lâm vào tình thế khó khăn, đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều ra sức khủng bố phong trào cách mạng. Chúng điều thêm lính khố xanh từ các tỉnh về và dựng lên ở Nghệ Tĩnh 120 đồn binh và đồn bang tá, đặt thêm 5 sở đại lý ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Ở những nơi có phong trào cách mạng như Thanh Chương, Anh Sơn, chúng thiết lập tới 25 đồn. Để hỗ trợ cho các đồn lính khố xanh, chúng còn chốt 6 đồn lính lê dương ở 6 vùng xung yếu như Vinh - Bến Thuỷ, Nam Đàn, Thanh Chương, Đức Thọ, thị xã Hà Tĩnh. Dựa vào các đồn binh và đồn bang tá, bọn quan lại hào lý phản động ngóc đầu dậy chống phá cách mạng. Chính quyền Pháp ở Đông Dương quyết định “Tạm giao 3 tỉnh Bắc Trung Kỳ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) về Sở mật thám Bắc Kỳ và phái M.Pugiôn (Trưởng phòng chính trị Sở mật thám Đông Dương) vào xem xét tình hình”.
Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ, công sứ Nghệ An và Hà Tĩnh ra lệnh cho lính các đồn thẳng tay bắn giết quần chúng cách mạng, truy lùng cán bộ, đảng viên. Theo công báo của Pháp, số ra ngày 14-1-1933, từ đầu năm 1930 đến 1933, toà án Nam triều đã xử 5803 án trong đó có 352 án tử hình, 188 án đã thi hành.
Lần lượt các đồng chí trong Xứ uỷ Trung Kỳ bị sa vào tay kẻ thù. Tháng 4-1931 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ bị bắt tại làng Yên Dũng Hạ (sát thành phố Vinh), đồng chí Lê Mao, Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ bị địch bắn chết ngày 2-5-1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, bị địch bắt tại Hà Nội ngày 3-5 và bị xử bắn ngày 25-5-1931 tại Cửa Hội (Nghệ An). Tháng 12-1931 đồng chí Lê Viết Thuật bị địch bắt. Cho đến cuối năm 1931 toàn bộ Xứ uỷ Trung Kỳ đều bị bắt. 7 năm sau (4-1938) Trung Kỳ mới lập lại được Xứ uỷ.
Nhìn lại quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng thời kỳ 1930-1931, chúng ta nhận thấy:
- Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với tư cách là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ, đồng chí có công lao to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xứ, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng từ cấp xứ tới cấp chi bộ cơ sở, chú trọng xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức.
- Đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng với đội ngũ đảng viên ớ các cấp Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Trung Kỳ đấu tranh cách mạng, làm nên kỳ tích anh hùng - Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Đảng và nhân dân miền Trung nói riêng, cả nước nói chung luôn khắc sâu hình ảnh người chiến sỹ kiên cường - Nguyễn Phong Sắc.
TH.S Trần Bích Hải
Viện lịch sử Đảng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh