452
526
2464
19979
20962
6849386
Lớp những người đi trước và một số đồng chí đã từng hoạt động cách mạng vẫn còn nhớ người thanh niên trí thức tuấn tú, dong dỏng cao, mặt trái xoan, da trắng, đầu đội khăn xếp, tính tình trầm tĩnh ít nói, làm việc nhiều... đó là đồng chí Nguyễn Phong Sắc tức Thịnh, một trong những chiến sỹ cộng sản đầu tiên của Đảng. Sinh năm 1902 tại làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Cha anh là ông Nguyễn Đình Phúc (tức Trưởng Nhàn) hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị giặc bắt đầy đi Côn Đảo.
Lúc nhỏ, Nguyễn Phong Sắc học ở trường tư thục Công Ích do một người yêu nước mở tại làng Bạch Mai. Vốn thông minh và chăm chỉ, học hết bậc tiểu học anh thi vào trường Bưởi (nay là trường phổ thông trung học Chu Văn An). Sau khi tốt nghiệp kỳ thi Thành Chung năm học 1924-1925, Nguyễn Phong Sắc xin vào làm tại Sở Tài chính Đông Dương, được phân công làm ở phòng kế toán ngân sách Đông Dương.
Vốn là người tính toán nhanh, chính xác, lại thông thạo tiếng Pháp, chẳng bao lâu anh được đề bạt làm tham biện, tên phó giám đốc Sở Pê-rôn-sơ phải ký quyết định trả lương cho anh mỗi tháng 100 đồng. Với số tiền này anh có thể nuôi sống cả gia đình có nhiều miệng ăn khá dư dật. Ngoài thời gian công tác, Nguyễn Phong Sắc còn dạy các em, các con hàng xóm láng giềng học.
Công việc ở Sở Tài chính ngày càng bề bộn, qua những con số mà anh đã phân tích, tổng hợp ngày càng thấy rõ những tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Bằng chuyên môn của mình, anh đã biết được từ năm 1898, chính phủ Pháp đã lập ra ngân sách Đông Dương nhằm thống nhất thu, chi của cả Đông Dương vào tay người Pháp. Ngân sách Đông Dương tăng lên vùn vụt bởi sự bóc lột, vơ vét của thực dân Pháp đối với Đông Dương.
Nhận rõ bộ mặt nham hiểm của thực dân Pháp, sẵn có tinh thần dân tộc lại được ảnh hưởng truyền thống yêu nước của gia đình và quê hương. Nguyễn Phong Sắc không muốn kéo dài nghề làm thuê cho người Pháp. Nhân một hôm tên sếp người Pháp không vừa ý trước cử chỉ của một nữ nhân viên phục vụ người Việt, y mắng chị ta là “đồ con lợn”. Nguyễn Phong Sắc nghe biết chuyện này, liền đến gặp tên sếp phản đối lời nói thô bỉ của y. Hắn cậy thế mắng lại và còn đe dọa sẽ đánh nếu anh cãi lại nó. Không chịu cảnh lăng mạ, Nguyễn Phong Sắc quyết định từ bỏ chức vụ, lương bổng hậu của đế quốc.
Rời Sở Tài chính, anh đi nhiều nơi để tìm những người bạn tâm huyết... Sau một thời gian lại về Hà Nội, được tiếp xúc với các bạn trí thức yêu nước và bí mật đọc các sách báo cách mạng như: Bản án chế độ thực dân Pháp, báo Le Paria... của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết bằng chữ Pháp, trong đó Người đã chỉ ra phương hướng và đường lối giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp theo lập trường và qua điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin. Hướng theo ngôi sao Nguyễn Ái Quốc dẫn đường, Nguyễn Phong Sắc cùng các bạn đồng tâm bắt đầu nhìn thấy ánh bình minh của dân tộc đang toả sáng trên bầu trời Việt Nam.
Cuối năm 1926, đồng chí Lý Thụy (một trong những bí danh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc hoạt động ở Quảng Châu – Trung Quốc) cử một số cán bộ vừa được đào tạo về nước để tổ chức cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH). Nguyễn Phong Sắc đã bắt liên lạc với tổ chức này. Sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lê nin, Nguyễn Phong Sắc là một trong 11 người đầu tiên được kết nạp vào VNTNCMĐCH, tổ chức tiền thân của Đảng, đồng chí cũng là một trong những người đầu tiên tích cực tham gia gieo hạt giống cách mạng và xây dựng các tổ chức Thanh niên ở Hà Nội.
Trên cơ sở tổ chức Thanh niên phát triển mạnh và phong trào cách mạng “vô sản hoá”, phong trào yêu nước đang diễn ra rất sôi nổi, để có sự chỉ đạo tập trung thống nhất đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền phát triển tổ chức ở địa phương, tháng 3/1927, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ được thành lập và đặt cơ quan lãnh đạo ngay tại Hà Nội.
Tháng 6/1927, tỉnh bộ VNTNCMĐCH của Hà Nội cũng được thành lập gồm 3 người trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Địa bàn hoạt động của Tỉnh bộ Hà Nội lúc ấy gồm các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Hưng Yên và huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội). Cùng các đồng chí trong tỉnh bộ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hăng hái tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, nông dân, học sinh... vận động họ gia nhập tổ chức thanh niên, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc góp phần quan trọng vào việc xậy dựng và phát triển tổ chức VNTNCMĐCH ở một số tỉnh Bắc Kỳ.
Phong trào cách mạng ngày càng lên cao, nhiệm vụ của những người Mác xít trong VNTNCMĐCH lúc này là đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và tay sai của chúng và những ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong phong trào cách mạng, gắn chặt với việc xây dựng các tổ chức của VNTNCMĐCH trong phong trào “vô sản hoá”, phong trào công nhân và nông dân, đặt nền tảng cho các tổ chức cộng sản sau này.
Ngày 28-9-1928, Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ nhất họp nhận định: Cơ sở tổ chức Thanh niên ở các vùng kinh tế quan trọng còn yếu, số lượng hội viên thanh niên có phất triển nhưng đa số thuộc thành phần tiểu tư sản, học sinh, trí thức. Căn cứ vào điều lệ của VNTNCMĐCH, Đại hội chủ trương đưa hội viên thuộc thành phần nói trên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, lao động và cùng ăn, cùng ở với công nhân, từ đó mà tuyên truyền giác ngộ công nhân và quần chúng lao khổ về chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời để tự rèn luyện mình. Chủ trương đó gọi là “vô sản hoá”.
Tại đại hội này đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ. Sau đó Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội cũng được bầu lại gồm 3 người do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.
Thực hiện chủ trương của đại hội Kỳ bộ, tỉnh bộ Hà Nội đã tích cực đưa nhiều hội viên đi “vô sản hoá”. Trước đã có các đồng chí Lều Thọ Nam và một vài đồng chí khác được giác ngộ xin làm công nhân ở xí nghiệp sửa chữa ô tô Trường Xuân, nay lại thêm các đồng chí: Ngô Đình Mẫn vào làm công nhân ở Avia, Nguyễn Thị Nghĩa làm công nhân ở nhà máy gạch Năm Diệm, Nguyễn Thị Lưu làm công nhân ở nhà máy bia Hô Men (công ty bai Hà Nội, đường Hoàng Hoa Thám), đồng chí Nguyễn Phong Sắc kéo xe tay để vào giai cấp cần lao. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã đi sâu đi sát với công nhân, nhân dân lao động hiểu rõ tâm tư nguyện vọng để giác ngộ lòng yêu nước và ý thức giai cấp cho họ.
Qua phong trào “vô sản hoá” nhiều hội viên thanh niên trí thức Hà Nội trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tự rèn luyện mình và giúp các đồng chí khác sớm nhận thấy vai trò lịch sử của giai cấp công nhân.
Kết quả lớn nhất của phong trào “vô sản hoá” đạt được là tổ chức Thanh niên ngày càng được mở rộng, số hội viên ngày càng tăng sự giác ngộ giai cấp ngày càng sâu sắc, ý thức cộng sản chuyển biến rõ rệt, nguyện vọng thành lập Đảng thật tha thiết. Vì thế tổ chức TNCMĐCH không con khả năng lãnh đạo, cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, cương lĩnh rõ ràng hơn, phương pháp hoạt động đúng đắn hơn mới có thể lãnh đạo phong trào đi lên theo con đường cách mạng vô sản.
Nhận thức đựơc những đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng nước ta. Dưới ánh sáng bản đề cương về phong trào cách mạng ở nước thuộc địa và nửa thuộc địa tại Đại hội lần thứ sáu (1928) của Quốc tế Cộng sản, nắm vững đường lối giả phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, được học tập và rèn luyện trong tổ chức Thanh niên và phong trào vô sản hoá. Tháng 3/1929, những người tích cực và tiêu biểu nhất trong kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã họp tại số nhà 5D phố Hàm long Hà Nội để thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 8 người: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính.
Đây là bước chuẩn bị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 28/3/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đi dự đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp tại đồn điền Kim Đái, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (Hà Tây). Đại hội thảo luận và tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, bầu 4 đồng chí trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên làm đại biểu đi Đại hội đại biểu thanh niên cả nước do Tổng bộ triệu tập họp ở nước ngoài. Trong khi đó ở trong nước đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu được phân công dự thảo Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lo đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tuyên truyền thành lập Đảng.
Đề nghị thành lập Đảng Cộng sản không được đa số tán thành tại Đại hội họp ở Hương Cảng, Trung Quốc, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ tuyên bố rút khỏi Đại hội, trở về nước đã cùng với một số đồng chí xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày 17-6-1929 hơn 20 đại biểu các tổ chức cộng sản mới được xây dựng ở các tỉnh thuộc Bắc kỳ và nhiều đồng chí trong chi bộ Cộng sản đầu tiên đã họp tại số nhà 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội quyết định thành lập Đông Dương Cộng Sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn nêu rõ đường lối của Đảng là làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa thực hành công nông liên hiệp. Cử ra Ban chấp hành Trung ương lâm thời trong đó đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một uỷ viên. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước tiến mạnh. Cùng với Trần Văn Cung (Quốc Anh), đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Trung Kỳ xây dựng tổ chức Đảng.
Hơn 5 năm hoạt động cách mạng (1926-1931) dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, kể cả lúc là Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 10-1930), đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn là cán bộ lãnh đạo có uy tín đã cùng Trung ương Đảng và Xứ uỷ Trung Kỳ phát động cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, được Quốc tế Cộng sản và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đáng giá cao là linh hồn của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng, hy sinh quyên mình cho sự nghiệp cách mạng và lý tưởng cộng sản.
Ngày nay đến thăm ngôi nhà 152 phố Bạch Mai Hà Nội, chúng ta tìm đọc thấy trong cuốn sổ vàng lưu niệm của gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc dòng chữ “thiết tha nhớ đồng chí Nguyễn Phong Sắc” của Tổng Bí thư Lê Duẩn ghi ngày 17-5-1981. Nhiều lãnh tụ của Đảng và bạn bè cùng hoạt động với đồng chí cũng thườnh xuyên tói thăm hỏi để tưởng nhớ đồng chí thân yêu của mình đã vĩnh biệt Đảng bộ và nhân dân Hà Nội - Nghệ An nhưng lòng trung thành với Đảng, ý thức trách nhiệm trong mọi công tác, tinh thần chịu đựng gian khổ, dám hi sinh vì cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng ta học tập.
Trần Trung Sơn
Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội