Đồng chí Nguyễn Lê Trạch – vị cán bộ Lão thành cách mạng tiêu biểu của quê hương Vũ Quang

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2025-04-03 16:13:54

Hương Minh là xã nằm ở phía Đông huyện Vũ Quang, nơi có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, cách mạng. Mặc dù trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Vân Cù, Hương Thụ, Vân Thượng,… nhưng vùng đất này luôn để lại những dấu ấn đặc biệt trong dòng chảy lịch sử nước ta. Tinh thần yêu nước, kiên trung của nhân dân Hương Minh càng được phát huy mạnh mẽ từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Đồng chí Nguyễn Lê Trạch tên thật là Lê Trạch, sinh năm 1904, quê xóm Hợp Duận, xã Hương Thụ, tổng Hương Khê, huyện Hương Khê (nay là thôn Hợp Duận, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tham gia hoạt động cách mạng, để giữ bí mật, đồng chí đã đổi họ của mình từ Lê Trạch trở thành Nguyễn Lê Trạch. Đồng chí là con của cụ Lê Thúc Thạch, một nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng trong những năm hưởng ứng chiếu Cần Vương khởi nghĩa chống Pháp.

Sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, đồng chí Nguyễn Lê Trạch đã sớm ấp ủ lòng yêu nước thương dân và tinh thần căm thù giặc.

Năm 1928-1929, khi tổ chức Tân Việt cắt cử đảng viên về các làng xã ở Hương Khê tuyên truyền, bắt mối gây dựng cơ sở, đồng chí Nguyễn Lê Trạch đã được giác ngộ và hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống áp bức, cường hào, đấu tranh đòi trả lại ruộng đất công,… tại địa phương.

Tháng 4/1930, Huyện ủy Hương Khê được thành lập đã phân công các đồng chí huyện ủy viên về địa phương xây dựng cơ sở đảng. Xã Hương Thụ lúc bấy giờ tuy chưa thành lập được chi bộ Đảng, song đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các thanh niên yêu nước trong làng đã nhiều lần tiến hành hội họp trao đổi thông tin, bàn bạc kế hoạch bắt mối liên lạc với các đồng chí đảng viên của tổng Trại La để tiến hành hoạt động tuyên truyền, đấu tranh trong tình hình mới. Nhà của đồng chí Nguyễn Lê Trạch là một trong những địa điểm hội họp của những thanh niên yêu nước tại Hương Thụ lúc bấy giờ.

Hòa chung vào không khí đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, phối hợp với các đảng viên của tổng Trại La, đồng chí Phạm Nghiện, Nguyễn Lê Trạch, Lê Văn Tịnh… đã phân công nhau tuyên truyền, vận động nhân dân và đã tổ chức được nhiều cuộc treo cờ Đảng, rải truyền đơn, mít tinh nghe diễn thuyết nhân kỷ niệm các ngày lễ, như: kỷ niệm ngày sinh của V.Lênin (22/4/1920), ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), cuộc mít tinh biểu tình và treo cờ đỏ trên Núi Nầm (1/8/1930); … Sau những sự kiện này, phong trào cách mạng địa phương đã có bước phát triển mới.

Ghi nhận sự năng nổ và các hoạt động đóng góp của đồng chí Nguyễn Lê Trạch trong phong trào cách mạng ở Hương Thụ lúc bấy giờ, ngày 20/9/1930, đồng chí Nguyễn Lê Trạch đã được kết nạp, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những đảng viên đầu tiên của quê hương Hương Minh[1].

Tháng 11/1930, Đại hội Đảng bộ huyện Hương Khê lần thứ nhất được triệu tập. Căn cứ vào tình hình cụ thể của huyện, đồng thời để thuận tiện trong lãnh đạo, Đảng bộ Hương Khê chủ trương thành lập Tổng ủy lãnh đạo các tổng. Theo đó, Tổng ủy Trại La nhận nhiệm vụ lãnh đạo các xã thuộc tổng Hương Khê, trong đó có xã Hương Thụ.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/1930), Đảng bộ Hương Khê quyết định tổ chức cuộc biểu tình trên quy mô toàn huyện. Tại vùng hạ huyện, Huyện ủy quyết định chọn ga Hòa Duyệt làm địa điểm đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo của Tổng ủy Trại La, các đảng viên, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và đông đảo nhân dân Hương Thụ, Vân Cù đã tích cực tham gia cuộc biểu tình này. Đoàn biểu tình tập trung bao vây ga Hòa Duyệt, yêu cầu nhà ga phải dừng chuyến tàu hỏa Bắc - Nam để đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đồng chí đảng viên lên tàu tuyên truyền về Cách mạng Tháng Mười Nga cho hành khách. Cuộc đấu tranh ngày 7/11/1930 đã thể hiện ý thức chính trị và tinh thần cách mạng cao của đồng chí Nguyễn Lê Trạch nói riêng và nhân dân toàn tổng nói chung.

Tháng 12/1930, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh tại vùng Hương Thụ, Vân Cù, Chi bộ Hương Thụ được thành lập gồm 5 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Lê Trạch chính thức trở thành một trong 5 ủy viên của chi bộ.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Hương Thụ đã chứng minh khả năng lãnh đạo của mình thông qua cuộc tuần hành thị uy với quy mô gần 300 nhân dân tham gia. Ngày 25/12/1930, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đảng viên đã vận động, lãnh đạo nhân dân Hương Thụ và Vân Cù tiến hành cuộc biểu tình lớn. Đoàn người vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu, thu hút được đông đảo nhân dân tiếp tục gia nhập đoàn, đồng thời khiến hào lý tay sai địa phương run sợ.

Tiếp đó, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Hương Khê, Tổng ủy Trại La, Chi bộ Hương Thụ và đồng chí Nguyễn Lê Trạch đã tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và quần chúng… Nhờ hoạt động tuyên truyền tích cực của các đồng chí, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong làng đã tích cực gia nhập vào các tổ chức quần chúng, như: Nông hội, Tự vệ, Hội Phụ nữ…, đoàn kết đứng lên đấu tranh chống lại chính sách khủng bố của địch.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Hương Khê, Tổng ủy Trại La, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hương Thụ, trong đó có đồng chí Nguyễn Lê Trạch, nhân dân Hương Thụ đã có nhiều cuộc đấu tranh, tiểu biểu như: cuộc mít tinh lớn có treo cờ tại khu vực Bãi Dâu của nhân dân Hương Thụ, Vân Cù vào tháng 2/1931 và ngày 18/3/2931; cuộc đấu tranh buộc hào lý địa phương phải mở kho thóc cứu đói vào ngày 20/3/1931...

Từ tháng 3/1931, Huyện ủy Hương Khê chủ trương mở rộng phạm vi, quy mô các cuộc đấu tranh. Thực hiện chủ trương này, Tổng ủy Trại La đã tổ chức cuộc đấu tranh lớn trên quy mô toàn tổng. Đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đồng chí chi ủy viên đã vận động, lãnh đạo nhân dân Vân Cù, Hương Thụ tham gia vào đoàn biểu tình của toàn tổng đi bao vây đồn Paoli. Trước sức mạnh của gần 800 quần chúng Trại La, tên đồn trưởng buộc phải bỏ chạy về Linh Cảm ẩn náu.

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đồng chí chi ủy viên đã lãnh đạo nhân dân Hương Thụ, Vân Cù phối hợp với nhân dân các xã trong tổng Trại La tham gia chống lại việc thực dân Pháp xây đồn Rạng Quang. Việc chống đối không đóng góp vật liệu xây dựng đồn trại và tổ chức các cuộc biểu tình chống phá, đã khiến cho việc xây dựng đồn của địch gặp nhiều khó khăn.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh của nhân dân Hương Khê nói chung và nhân dân Hương Thụ nói riêng, tháng 7/1931, thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn Hương Thụ với 30 lính khố xanh, đồng thời tăng cường thêm 1 số điếm canh tại đây. Do sự chỉ điểm của mật thám địa phương, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và nhiều đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước khác đã bị địch vây bắt (không rõ bản án, không có hồ sơ tù lưu tại Kho). Sau khi bị giam tại nhà lao Hương Thụ, biết đồng chí Nguyễn Lê Trạch là đảng viên cốt cán tại địa phương, thực dân Pháp đã kết án đồng chí 5 năm 6 tháng tù, đày đi Buôn Ma Thuột.

Sau khi ra tù, đồng chí Nguyễn Lê Trạch tiếp tục bắt mối liên lạc, hoạt động hăng hái trong các phong trào cách mạng tại địa phương. Trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ 1936-1939, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và nhiều đảng viên Chi bộ Hương Thụ được trả tự do (vào năm 1936) đã bí mật liên lạc và thành lập một số phường hội như: hội Lợp nhà, hội Cấy, phường Săn... để hoạt động đấu tranh theo hình thức phe hộ, phe hào, góp phần từng bước phục hồi tổ chức đảng.

Tháng 7/1945, thực hiện lời kêu gọi của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, Tổng ủy Trại La, đồng chí Thái Minh, Nguyễn Tạo đã bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Lê Trạch, các đảng viên ở Hương Thụ. Theo đó, đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đảng viên trong vùng đã tiến hành họp phổ biến chương trình hành động của Việt Minh và kế hoạch khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa ở Vũ Quang và tập hợp thanh niên để huấn luyện quân sự. Ngày 20/8/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Lê Trạch và các đồng chí đảng viên, nhân dân Hương Thụ, Vân Cù… đã tiến hành mít tinh, hô khẩu hiện, diễn thuyết, tuần hành thị uy khiến cho hệ thống chính quyền tay sai địa phương hoang mang, rệu rã và ngoan ngoãn giao nộp sổ sách, giấy tờ cho nhân dân.

Trong những thời gian tiếp theo, đồng chí Nguyễn Lê Trạch tham gia công tác dân công hỏa tuyến,  tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng chống Pháp và chống Mỹ tại địa phương.

Tham gia cách mạng từ năm 26 tuổi, dù ở vị trí nào, đồng chí Nguyễn Lê Trạch luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng giao phó. Với những đóng góp của mình trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba do Chủ tịch Trần Đức Lương ký tặng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; Giấy chứng nhận Tham gia Dân công hỏa tuyến của Bộ Tư lệnh Quân khu 4…

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản


[1] Thông tin theo Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng của đồng chí Nguyễn Lê Trạch do BCH Trung ương Đảng tặng.

Video