19
279
737
3204
0
6854393
“Tự vệ đỏ” - ba tiếng thiêng liêng ấy đã trở thành một trong những biều tượng về tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng (1930-1931). Hình ảnh đội tự vệ với vũ khí thô sơ nhưng tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, dám đương đầu với súng máy hiện đại của kẻ thù đã đi vào những trang sử của quê hương Xô Viết, tiếp thêm sức mạnh cho biết bao người con ưu tú tiếp tục đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong số hàng trăm, hàng nghìn chiến sỹ Tự vệ đỏ anh dũng, bất khuất đó có đồng chí Nguyễn Lâm Yên – Đội trưởng đội Tự vệ đỏ tổng Bích Hào, huyện Thanh Chương. Trong hồi ký của mình đồng chí vẫn luôn xúc động, tự hào mỗi khi nhớ lại những ngày tháng oanh liệt được chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng: “Mấy chục năm trời trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái ngày tôi cầm mác chỉ huy anh em xích vệ luyện tập trong rú Môn, rú Am. Mỗi khi nhớ lại cuộc đời hoạt động của mình, tôi vẫn thầm tự hào là đã có công thành lập và chỉ huy đội tự vệ đỏ của tổng Bích Hào ngày ấy…”
Đồng chí Nguyễn Lâm Yên sinh năm 1906 trong một gia đình nghèo ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Không có ruộng vườn, cha mẹ anh phải cày thuê cuốc mướn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để nuôi con. Tuổi thơ sống trong đói nghèo, lên mười lăm tuổi vì bệnh nặng nên cha anh qua đời, để lại gánh nặng lên vai người mẹ tần tảo sớm khuya.
Quê hương Nguyễn Lâm Yên là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từng là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Con người nơi đây cần cù, chịu thương chịu khó và có lòng yêu nước thiết tha. Nhiều người đã tham gia vào đội quân của tướng Cao Thắng để Cần Vương cứu nước. Vào những năm (1926-1927), phong trào đấu tranh chống lại ách cai trị của thực dân, phong kiến của nhân dân nơi đây phát triển mạnh mẽ. Năm 1929, đồng chí Nguyễn Lâm Yên được các đồng chí Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế giác ngộ, dẫn dắt vào con đường đấu tranh cách mạng.
Tháng 9/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng đồng chí Phan Thái Ất đã lên Thanh Chương lập ra Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên của Huyện. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/3/1930 Huyện Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương được thành lập, mở ra một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới của nhân dân toàn huyện. Từ một chi bộ Đảng chung, Thanh Chương đã phát triển thêm 7 chi bộ khác với số lượng 55 đảng viên. Các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ giải phóng đều phát triển nhanh chóng.
Từ một thanh niên nhanh nhẹn, tháo vát, được giác ngộ lý tưởng của Đảng, đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, với sức trẻ, trí thông minh và bầu nhiệt huyết của một người đảng viên, đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giao thông liên lạc giữa các chi bộ trong huyện. Để che mắt địch, đồng chí đã cải trang làm người đi chặt củi, lúc thì làm người đi buôn, có khi gánh cả một gánh than nặng đi bán…
Trong không khí rạo rực tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh, Huyện ủy Thanh Chương đã tổ chức Hội nghị họp bàn thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An. Sau khi phân tích âm mưu của địch, những thủ đoạn nham hiểm của tri huyện Phan Sỹ Bàng, nêu rõ nhiệm vụ trước mắt là phải tổ chức quần chúng đấu tranh với mức độ và quy mô rộng hơn, Hội nghị đã quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930.
Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình ngày này, đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã cùng Chi bộ tổng Bích Hào họp bàn triển khai kế hoạch. Nhằm hỗ trợ quần chúng nhân dân trong các cuộc đấu tranh, Chi bộ và đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã quyết định thành lập đội Tự vệ đỏ. Mới thành lập nhưng đội tự vệ đỏ Tổng Bích Hào đã có hơn 100 người hăng hái tham gia.
Ngày 1/9/1930, hòa chung không khí đấu tranh của nhân dân toàn huyện, đồng chí Nguyễn Lâm Yên cùng hơn 1.400 nông dân của tổng Bích Hào dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và sự yểm trợ của đội tự vệ đỏ, rầm rộ kéo lên huyện đường Thanh Chương đấu tranh đòi giảm sưu thuế, đòi thả tù chính trị…
Đoàn người từ tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai xuống nhập với đoàng tổng Võ Liệt, đoàn tổng Xuân Lâm và Đại Đồng gặp nhau tập trung chật kín cả bến đò Nguyệt Bổng. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng nhân dân, binh lính bắn vào đoàn biểu tình làm đồng chí Nguyễn Công Thường hy sinh và hai người khác bị thương. Vừa lúc đó đoàn của tổng Bích Hào kéo đến khiến Phan Sỹ Bàng và binh lính thêm hoảng sợ bỏ chạy tháo thân. Đồng chí Nguyễn Lâm Yên cùng quần chúng nhân dân với khí thế sôi nổi đã xông vào huyện đường phá nhà lao giải phóng tù nhân, đập phá huyện đường, đốt nhà tri huyện Phan Sỹ Bàng rồi tiếp tục kéo lên đồn Thanh Quả đấu tranh. Để bảo vệ tri huyện đang trốn trong đồn, binh lính đã trút đạn như mưa buộc đoàn biểu tình phải giải tán tránh tổn thất về tính mạng của quần chúng nhân dân.
Cuộc biểu tình toàn huyện Thanh Chương ngày 1/9/1930 đã kết thúc thắng lợi, chính quyền Xô viết được thành lập trong 65 làng xã. Nhiều nơi dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng, xã bộ nông thay mặt chính quyền mới làm việc công khai ngay giữa đình làng. Quần chúng ban ngày lo sản xuất, ban đêm hăng hái tham gia hội họp, học chữ quốc ngữ...
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, đồng chí Nguyễn Lêm Yên cùng các đồng chí trong chi bộ đảng Bích Hào đã tích cực ngày đêm tuyên truyền vạch rõ âm mưu khủng bố của chính quyền thực dân, phong kiến, kêu gọi nhân dân tiếp tục đoàn kết đấu tranh. Với những hoạt động tích cực đó, tháng 3/1931, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ tổng Bích Hào kiêm đội trưởng đội Tự vệ đỏ. Sau thắng lợi của các cuộc đấu tranh, bà con được đội Tự vệ hỗ trợ càng thêm tự tin, phấn chấn, nam nữ thanh niên tự nguyện tham gia vào tổ chức này ngày càng đông. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lâm Yên, đội cảm tử đã được thành lập với sự tham gia của khoảng 200 đội viên Tự vệ Đỏ hăng hái nhất. Tuy vũ khí còn thô sơ như mác rèn, mác mái (loại dùng để đi săn), chiến thuật, kỹ thuật tập luyện còn đơn giản nhưng tinh thần luyện tập của anh em đội Tự vệ đỏ luôn hăng hái, không quản vất vả, khó khăn. Những tháng ngày miệt mài luyện tập dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lâm Yên, Tự vệ Đỏ Tổng Bích Hào đã
Thực hiện Chỉ thị cứu đói cho dân của Đảng, Chi bộ Tổng Bích Hào và đội Tự vệ đỏ dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã bảo vệ nhân dân trong cuộc đấu tranh lấy lúa của 3 tên địa chủ khét tiếng là Nguyễn Lâm Tín, Hồ Thịnh và Hồ Việng. Hàng trăm người hối hả mang quang gánh, thúng mủng kéo về kho thóc của địa chủ, khoảng 120 chiến sỹ tự vệ đỏ cầm giáo mác hiên ngang đứng canh gác cho dân nghèo lấy lúa. Trong không khí rạo rực, phấn khởi như một ngày hội, lòng dân càng vững tin vào Đảng, vào cách mạng. Sau thắng lợi này, đội tự vệ đỏ Bích Hào càng có sức ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân, là nguồn cổ vũ, động viên quần chúng tiếp tục đấu tranh để giành lại tự do, cơm áo…
Từ tháng 7/1931, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến ra sức đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Không chỉ dùng thủ đoạn “dùng quan nhà trị dân nhà”, chúng còn tập trung quân từ các tỉnh về đàn áp phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh. Một mặt dùng chính sách mua chuộc, dũ dỗ nhân dân, mặt khác chúng tăng cường lập đồn binh ở khắp nơi để kìm kẹp khủng bố nhân dân. Ngoài 2 đồn lính có từ trước, chúng xây dựng thêm ở Bích Hào 5 đồn lính và lập các điếm canh ở các xóm, ngày đêm đưa lính đi lùng sục, bắt cán bộ, đảng viên…
Trước sự càn quét gắt gao của địch, đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã lãnh đạo Chi bộ Tổng Bích Hào rút lui vào núi hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng. Ban đêm các đồng chí vẫn bất chấp nguy hiểm, dũng cảm về làng tích cực vận động quần chúng nhân dân và trừng trị những tên tay sai gian ác. Chi bộ cũng quyết định phá đồn Cồn Đèn để gây chấn động và củng cố tinh thần cho nhân dân. Đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã thay mặt chi bộ lên Huyện ủy báo cáo kế hoạch và xin chỉ thị. Khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, đồng chí Nguyễn Lâm Yên – Bí thư chi bộ, đội trưởng đội Tự vệ đã cùng các đồng chí trong chi bộ đã tự chế tạo ra loại một loại mìn đặc biệt để phá đồn. Mìn được chế tạo bằng cách lấy mảnh thủy tinh đập nhỏ bỏ vào chai bảy cùng với thuốc súng, bỏ chai thuốc vào ống tre rồi lấy mảnh thủy tinh nhét chặt xung quanh chai, sau đó lấy dây cháy chậm luồn vào miệng chai rồi chẻ lạt tre mỏng quấn ở ngoài ống tre. Sau khi chế tạo thành công được 12 quả mìn chai, Chi bộ đã họp bàn và quyết định cử đồng chí Nguyễn Lâm Yên và đồng chí Nguyễn Lâm Chương (thuộc Chi bộ Kim Sơn) mang mìn vào phá đồn.
Một buổi tối tháng 8/1931, đồng chí Nguyễn Lâm Yên, Nguyễn Lâm Chương theo kế hoạch mang 4 quả mìn chai lần theo bờ ruộng tiến về đồn Cồn Đèn. Trước hàng rào kiên cố của địch, các đồng chí đã đốt một quả mìn ném vào đồn khiến một số tên địch bị thương, chúng hoảng sợ bắn xối xả ra ngoài. Tên Quản Dởn ở đồn Thánh My Sơn kéo lính khố xanh đến tiếp ứng. Giữa vòng vây của địch, biết không thể rút về căn cứ, hai đồng chí đã chạy vào nhà dân ẩn nấp. Ngày hôm sau, tên bang tá Thăng lùa bọn lính vào bao vây cả bốn làng hòng bắt sống hai đồng chí. Được nhân dân che chở, đồng chí Nguyễn Lâm Yên và Nguyễn Lâm Chương đã lọt qua lưới địch, rút vào rừng an toàn. Trước sự bám đuổi của địch đến tận bìa rừng, sẵn có mìn trong tay, hai đồng chí chờ chúng đến gần ném 2 quả vào đám lính làm 4 tên bị thương, buộc chúng phải bỏ cuộc.
Sự kiện ném mìn phá đồn Cồn Đèn đã gây tiếng vang lớn, và khiến kẻ thù hoảng sợ, chúng càng điên cuồng khủng bố. Trước tình thế khó khăn của cách mạng khi hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên đều bị bắt và hy sinh, đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã bí mật rút vào rừng núi Võ Liệt để hoạt động và dự định xuất dương sang Xiêm. Nhưng trước sự càn quét của thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Lâm Yên cũng sa lưới địch, bị bắt và đưa về giam ở đồn Quảng Xá (Võ Liệt). Sau hơn hai tháng, chúng đưa đồng chí về giam tại Nhà lao Vinh. Những đòn roi tra tấn dã của kẻ thù khiến đồng chí chỉ ngồi tựa lưng chứ không nằm được trong bốn tháng trời. Không khuất phục được ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, sau khi bị Tòa án Nam Triều kết án, chúng đã đưa đồng chí Nguyễn Lâm Yên và nhiều đồng chí khác vào giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau một năm bị giam cầm, tra tấn tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Lâm Yên tiếp tục bị đưa vào Nhà lao Đà Lạt, rồi ra đảo Phú Quốc. Đến tháng 4/1933, đồng chí bị chuyển về Nhà lao Con Gà ở Đà Nẵng, nhà lao Huế và về Nhà lao Vinh.
Về Nhà lao Vinh một thời gian, đồng chí bị chuyển xuống lao dịch tại Cửa Lò, rồi chuyển lên Cửa Rào. Năm 1939, được thả tự do trở về quê hương đồng chí Nguyễn Lâm Yên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân.
Gần 10 năm sống trong lao tù đế quốc, nếm trải bao cực hình tra tấn dã man nhưng đồng chí Nguyễn Lâm Yên đã chiến đấu anh dũng, kiên cường vì danh dự của một người đảng viên, một chiến sỹ Tự vệ Đỏ không bao giờ chịu cúi đầu trước kẻ thù xâm lược. Ba tiếng “Tự vệ đỏ” đã trở thành động lực, thôi thúc đồng chí vượt qua những giây phút sinh tử vì quê hương. Chính vì thế, hình ảnh những chiến sỹ Tự vệ đỏ nói chung, đồng chí Nguyễn Lâm Yên nói riêng với chân trần, áo vải, những ngọn mác trong tay và những quả mìn chai tự tạo dũng cảm đương đầu với kẻ thù đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, bất tử trên quê hương Xô viết anh hùng.
Trần Thị Thủy – Bảo tàng XVNT