Đồng chí Nguyễn Hữu Viện – Người cán bộ lão thành cách mạng trung kiên

Tác giả: admin
Ngày 2022-07-18 00:45:26

Đồng chí Nguyễn Hữu Viện (bí danh là Liên Hồ), sinh ngày 21 tháng 8 năm 1896, tại làng Võ Liệt, tổng Võ Liệt (nay là xã Võ Liệt), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Ảnh: Đồng chí Đồng chí Nguyễn Hữu Viện (1896-1985)

Võ Liệt là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, từ đời vua Thành Thái cho đến tháng Tám năm 1945 đã được chọn làm huyện lỵ. Nơi đây có Đền Bạch Mã nổi tiếng, là một trong bốn ngôi đền linh thiêng của xứ Nghệ (Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng), thờ vị tướng có công đánh đuổi giặc Minh là Phan Đà; có Đình Võ Liệt, một trong những trụ sở đầu tiên của chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930.

Thân phụ của đồng chí Nguyễn Hữu Viện là ông Nguyễn Hữu Chước, đã từng đi lính cho nhà Nguyễn (đời vua Tự Đức), tham gia chống Pháp cùng với cụ Phan Đình Phùng. Thân mẫu là bà Trần Thị Hoạch, làm nghề dệt vải, một người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó và hết lòng chăm lo chồng, con.

Ông bà sinh được bảy người con, 05 con trai và 02 con gái. Là con trai út trong gia đình, ngay từ ngày còn nhỏ, Nguyễn Hữu Viện đã thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn và được cha mẹ cho đi học chữ Hán, chữ Quốc Ngữ. Nguyễn Hữu Viện thường được nghe các thầy và cha kể chuyện cụ Giải San xuất dương, cụ Phan Đình Phùng đánh Pháp… Khi học đến lớp Nhì Trường Tiểu học Pháp - Việt thì cha mất, nhà nghèo không có tiền phải nghỉ học.

Với những kiến thức được học trong nhà trường, năm 1923, Nguyễn Hữu Viện lên xã Hòa Quân[1] để dạy học kiếm sống. Hằng ngày, đồng chí thấy rõ sự cơ cực, vất vả của người làm thuê, chứng kiến cảnh bọn quan lại, hào lý chiếm hết ruộng đất lại bắt dân canh điếm, quét dọn đình làng, đàn áp, bóc lột, đánh đập tàn ác. Anh em, bạn học như Hoàng Tăng Bính[2], Hoàng Thuật[3], Hoàng Thuyết cùng với một số học trò thường đọc văn thơ, đàm luận thế sự như về sự cực khổ của người công nhân, kể chuyện cuộc cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Cộng sản… và thường tổ chức đọc sách, đọc báo cho học sinh nghe tại Đình Hòa Quân. Từ đó, đồng chí đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc.

Bên cạnh việc dạy học,thầy giáo Nguyễn Hữu Viện đã tích cực cùng với một số anh em người địa phương như Đậu Đình Lĩnh, Nguyễn Tư Vạn, Lê Bá Tuấn, Nguyễn Tư Kiên... vận động Nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, rải truyền đơn, rước đuốc, rước đèn,…

Sau một thời gian hoạt động sôi nổi, chiều 06/5/1930, đồng chí Hoàng Thuyết và Hoàng Tăng Bính đã gặp giới thiệu và kết nạp đồng chí Nguyễn Hữu Viện vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí được Huyện bộ Thanh Chương giao nhiệm vụ trở về rải truyền đơn, tuyên truyền xây dựng cơ sở vùng Hòa Quân. Trở về địa phương, đồng chí đã kết nối lại với những quần chúng ưu tú của Hoà Quân, tích cực tuyên truyền, vận động, tìm chọn những người hăng hái tích cực để giáo dục lòng yêu nước giúp họ trở thành những đảng viên cộng sản kiên trung.

Thực hiện chủ trương của Huyện bộ, với vai trò là cán bộ tuyên truyền của Huyện bộ Thanh Chương, ngày 15 tháng 7 năm 1930, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng đồng chí Nguyễn Tư Vạn đã dẫn đầu chỉ đạo nhân dân xã Hòa Quân kéo về huyện đường để tham gia cuộc biểu tình.

Đầu tháng 8 năm 1930, tại nhà thờ họ Nguyễn Tư (nay thuộc xóm 1, xã Thanh Hương), dưới sự chủ trì của Huyện ủy Thanh Chương, Chi bộ Đảng Hòa Quân được thành lập, mang bí danh HQ. Chi bộ có 8 đảng viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Tư Vạn, Đậu Đình Lĩnh, Nguyễn Tư Kiên, Đinh Văn Tiệm, Lê Như Mỹ, Nguyễn Xuân Phớn, Nguyễn Hữu Viện và bà Nguyễn Thị Sen. Ông Nguyễn Tư Vạn được bầu làm Bí thư, ông Nguyễn Tư Kiên được bầu Phó Bí thư[4]. Đồng chí Nguyễn Hữu Viện được giao phụ trách công tác Tuyên truyền. Thông qua nghề dạy học của mình, đồng chí đã tích cực vận động cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân.

Ngày 10 tháng 8 năm 1930, Chi bộ Đảng Hòa Quân đã lãnh đạo Nhân dân nổi trống báo hiệu, sẵn sàng đối phó nếu lính Tây về làng, đồng thời vận động Nhân dân Hòa Quân, Thanh Khiết, Đồng Hòa huy động được trên 60 quần chúng tham gia vào cuộc biểu tình cùng Nhân dân các làng xã quanh đồn Thanh Quả, phản đối lính Tây về làng cướp phá.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hòa Quân, sự tham gia tích cực của đồng chí Nguyễn Hữu Viện, phong trào đấu tranh của Nhân dân Hòa Quân tiếp tục lên cao. Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng nhân dân tham gia biểu tình cướp huyện đường. Đêm 31 tháng 8 năm 1930, trống của xã Hòa Quân đã được đưa lên trên đỉnh núi Sừng Bò để chờ lệnh. Tự vệ các làng chốt chặn mọi ngả đường, cắt đứt đường chi viện của địch về Thanh Chương, bảo vệ và dẫn đường cuộc biểu tình đi qua.

Một giờ sáng ngày 01 tháng 9 năm 1930, đúng theo kế hoạch từ trước, khi tiếng trống lệnh tiếp nối nhau vang lên trên các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, trên núi Tiến xã Võ Liệt và rú Nguộc xã Ngọc Sơn thì tại xã Hoà Quân, tiếng trống gióng lên cùng tiếng chiêng, mõ tre và tiếng hò reo của Nhân dân vang lên trên đỉnh Sừng Bò tiến về Huyện đường thôi thúc Nhân dân tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã. Chính quyền Xô viết được hình thành hầu khắp các làng xã ở Thanh Chương. Cuộc biểu tình được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc.

Hoạt động của đồng chí Nguyễn Hữu Viện và những người Cộng sản ở Hòa Quân làm bọn thực dân và phản động trong vùng lo sợ. Đầu năm 1931, bất lực trước sức mạnh của quần chúng Nhân dân, Lý trưởng Phan Bá Uyên, Chánh đoàn Lê Bá Dũng, Phó Lý Nguyễn Tư Đôn… đã yêu cầu binh lính Tây đồn Đại Định về đàn áp, đồng thời tăng cường thêm lực lượng đoàn phu. Mục tiêu của chúng là lùng bắt những người lãnh đạo, đàn áp gia đình những đảng viên cộng sản và quần chúng cách mạng.

Biết được đồng chí Nguyễn Hữu Viện là đối tượng cực kỳ nguy hiểm, bọn mật thám lùng sục khắp nơi. Chúng đốt, phá nhà đồng chí Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên,...

Những hành động tàn bạo của địch đã gây cho Chi bộ Hòa Quân nhiều tổn thất, hoạt động khó khăn.Các đồng chí trong Chi bộ vẫn vững vàng, bình tĩnh, tìm cách đấu tranh chống khủng bố.Trong một chiến dịch đàn áp truy lùng, các cán bộ đảng viên, quần chúng cách mạng lần lượt bị địch bắt như ông Đậu Đình Lĩnh, Lê Bá Tuấn… Những đảng viên quần chúng kiên trung như đồng chí Nguyễn Hữu Viện, Nguyễn Tư Vạn, Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ cùng một số đồng chí khác tạm lánh vào rừng núi hoạt động bí mật. Phong trào cách mạng Hòa Quân tạm thời lắng xuống. Kẻ địch một mặt thực hiện thiết quân luật, làm thêm nhiều chòi canh, chặn bắt những cán bộ đêm về làng rải truyền đơn, tiếp nhận lương thực...

Đầu năm 1931, đồng chí Nguyễn Hữu Viện tham gia Ban Chấp hành Huyện bộ Thanh Chương, làm Ban Tuyên truyền kiêm Trưởng ban Tán trợ đi giúp đỡ các Chi bộ Đồng Luân, Ngọc Sơn và Yên Lạc.

Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã khéo léo che mắt địch một mặt tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi tổ chức cơ sở đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù. Với những hoạt động tích cực đó, Huyện bộ Thanh Chương đã điều đồng chíNguyễn Hữu Viện về tham gia kế hoạch khôi phục lại địa bàn Ngọc Lâm[5][6], Hòa Quân và Thanh La[7], trấn áp bọn cường hào, ác bá, củng cố lại Chi bộ Đảng.

Từ giữa năm 1931 trở đi, phong trào cách mạng Thanh Chương đã tạm lắng xuống (thoái trào). Bọn đế quốc và tay sai tập trung lực lượng đánh phá vùng Xô viết ở Thanh Chương. Huyện ủy gặp rất nhiều khó khăn trong liên lạc với Tỉnh ủy, nhiều cơ sở đảng ở các làng, xã liên tiếp bị phá vỡ. Cơ quan Huyện ủy rút vào Ngọc Lâm, sẵn sàng chấp nhận cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt với địch.

Từ tháng 8 năm 1931, tình hình cách mạng ở Thanh Chương rất căng thẳng. Do sự chỉ điểm của hai tên phản bội ở Chi bộ Hà Giang (Quảng Xá), cơ quan Huyện ủy bị bao vây, một số cán bộ Huyện ủy bị sa lưới địch. Những người cộng sản ở Thanh Chương phải chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Huyện ủy không về liên lạc được với dân, cơ quan Huyện ủy phải chuyển sang Rọ Con (núi Ngọc Lâm). Bọn lính đồn và Bang tá thọc sâu vào rừng núi để truy nã các cơ quan Tổng ủy và chặn đường tiếp tế cho cán bộ. Gạo muối đều cạn. Sống cảnh màn trời chiếu đất, phải thường xuyên di chuyển, cán bộ, đảng viên phải chịu đói rét, ốm đau. Dù vậy, ai cũng cố gắng phấn đấu, không để gián đoạn mối liên hệ với dân, với Đảng[8].Đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng những đảng viên, cán bộ, quần chúng kiên trung như Nguyễn Tư Vạn, Phan Doãn Dứa, Nguyễn Quốc Hạ... tiếp tục bám trụ trong rừng, mặc cho đói khát, gian khổ.

Trong tình thế hết sức căng thẳng, khó khăn, chính quyền thực dân truy lùng ráo riết, nhưng với sự che chở của quần chúng, đồng chí Nguyễn Hữu Viện và các đảng viên vẫn kiên trì hoạt động, tìm cách khôi phục cơ sở, chắp nối liên lạc, quyết không để phong trào bị tê liệt. Đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã được Huyện ủy giới thiệu lên làng Vều (Anh Sơn) chắp nối liên lạc xây dựng cơ sở Đảng, tham gia Ban Chấp hành Chi bộ Anh Thanh[9].

Cuối tháng 12 năm 1931, Bang tá Thanh Chương và Anh Sơn đã cho lính về lùng bắn chết một số đồng chí.Tình thế rất nguy hiểm, nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng một số đảng viên vẫn tiếp tục bám trụ. Ngày 21 tháng 2 năm 1932, đồng chí Nguyễn Hữu Viện bàn với đồng chí Nguyễn Quốc Hạ đi về hướng Phúc Sơn tìm kế hoạch thoát thân. Ngày 22 tháng 02 năm 1932, hai đồng chí bị địch bắt và giải về Anh Sơn, sau đó đưa về giam tại Nhà lao Thanh Chương. Sau ba tháng, chúng chuyển đồng chí Nguyễn Hữu Viện xuống giam tại Nhà lao Vinh, tống vào buồng nhị giam[10]. Bọn mật thám tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng.

Ảnh tù đồng chí Nguyễn Hữu Viện do Mật thám chụp

Ngày 09 tháng 7 năm 1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí Nguyễn Hữu Viện với mức án tù khổ sai chung thân, với tội danh tù cộng sản, tham gia vào vụ ám sát địch, bản án số 172. Trong thời gian bị giam cầm, bọn mật thám tiếp tục dùng mọi thủ đoạn đê hèn để khai thác thông tin nhưng chúng đã bất lực.Ngày 12 tháng 01 năm 1933, đồng chí Nguyễn Hữu Viện bị đày đi Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, với số tù 603. Năm 1936, đồng chí được giảm án xuống còn 20 năm tù khổ sai. Tại đây, đồng chí đã tích cực tham gia cùng những chiến sĩ cộng sản đấu tranh chống chế độ lao tù đế quốc.

Năm 1938, đồng chí tiếp tục bị đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, với số tù 2719. Tại đây, bọn thực dân Pháp đã đánh đập rất dã man. Dù gian nan, khổ ải, cùng cực đến mấy đồng chí Nguyễn Hữu Viện cũng không hề nản chí, luôn luôn lạc quan, động viên tinh thần anh em, đồng chí của mình giữ vững ý chí chiến đấu.

 Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 30 tháng 7 năm 1945, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng với khoảng 20 người Nghệ An là Bùi Tuân, Trần Hữu Quán, Nguyễn Sĩ Đức… được trả tự do. Ngay sau khi trở về quê hương, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cùng với đồng chí Nguyễn Hữu Ngoạn tiếp tục tham gia cướp chính quyền huyện ngày 23/8/1945 và xã Võ Liệt. Sau đó, đồng chí đến xã Hòa Quân gặp ông Nguyễn Văn Cung tham gia lãnh đạo và chỉ huy cướp chính quyền xã Hòa Quân thành công, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã, làm Trưởng ban Bình dân học vụ, phụ trách Văn hóa vàtham gia Thường vụ Nông hội xã Hòa Quân.

Tháng 10 năm 1946, xã Thanh La sáp nhập với xã Hoà Quân, làng Đồng Hòa, Đồng Du, Thanh Khiết thành xã Đồng Thanh. Đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Việt Minh xã Đồng Thanh. Năm 1947, đồng chí làm Trưởng Công an xã Đồng Thanh. Năm 1949, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đồng Thanh. Năm 1950, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ xã Đồng Thanh. Tháng 8 năm 1951, Hội đồng nhân dân xã bầu đồng chí Nguyễn Hữu Viện làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Đồng Thanh. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục tại địa phương. Ngày 20/4/1954, xã Đồng Thanh tách thành hai xã là Thanh Lĩnh và Thanh Hương. Sau 4 năm làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Thanh, tháng 5 năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được Huyện ủy điều về làm cán bộ Địch vận, sau đó làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công trường đê 42.

Tháng 11 năm 1956, đồng chí Nguyễn Hữu Viện được bầu vào Ban Chấp hành Huyện bộ Đảng Lao động Thanh Chương, giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện, phụ trách công tác Tôn giáo.

Ngày 08 tháng 3 năm 1958, Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An thành lập Chi bộ Trạm thí nghiệm Nghĩa vụ quân sự ở các huyện, chỉ định đồng chí Nguyễn Hữu Viện giữ chức Bí thư Chi bộ Trạm xá Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Ngày 12 tháng 8 năm 1963, đồng chí Nguyễn Hữu Viện có quyết định nghỉ hưu, tiếp tục tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương đến tháng 10 năm 1973.

Vì tuổi cao, sức yếu, đồng chí Nguyễn Hữu Viện đã qua đời vào ngày 05/01/1985, tức ngày 15 tháng Chạp năm Giáp Tý, hưởng thọ 89 tuổi.

Trọn vẹn phấn đấu, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Viện cũng là người cha mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, bao dung, đã nuôi dạy 5 người con trưởng thành. Nối tiếp truyền thống của cha, các con trai, gái, dâu, rể, các cháu nội, ngoại của đồng chí đã trưởng thành và nhiều người noi gương đồng chí trở thành những đảng viên ưu tú của Đảng, giữ các trọng trách quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Đồng chí có con gái nhập ngũ tham gia nhiệm vụ quốc tế tại Lào; con trai sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, gia nhập Quân đội trở thành Sĩ quan, sau thời gian chuyển ngành đã giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Hữu Viện là một đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, đã có nhiều công lao đóng góp cho Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Với gần chín mươi năm tuổi đời, vào Đảng từ năm đầu mới thành lập, hơn 75 năm hoạt động cách mạng, từng bị án khổ sai chung thân, bị bắt và giam cầm 13 năm tại 05 nhà tù đế quốc nhưngdù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng thể hiện là người người cộng sản mẫu mực, chân chính, hết lòng phục vụ Đảng, phụng sự đất nước; được đồng chí, bạn hữu và Nhân dân kính phục và yêu quý.

 Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Viện là một tấm gương sáng ngời cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ, con cháu học tập và noi theo./.

Lê Ngọc Thịnh

P.Giám đốc Bảo tàng XVNT

Chú thích:

[1]Nay là xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương.

[2]Hoàng Tăng Bính quê xã Thanh Long, dạy học tại xã Đại Định, thường gửi báo cho đồng chí Nguyễn Hữu Viện.

[3] Hoàng Thuật là Bí thư đầu tiên của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng xã Võ Liệt.

[4] Bản Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương,1967.

[5]Nay là xã Thanh An.

[6] Trích bản tự thuật của đồng chí Nguyễn Hữu Viện, nguyên Ủy viên BCH Huyện bộ, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương.

[7]Nay là xã Thanh Lĩnh.

[8] BCH Đảng bộ huyện Thanh Chương, Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 -1975), Nxb Chính trị quốc gia, 2005, tr 99.

[9]Trích bản tự thuật của đồng chí Nguyễn Hữu Viện.

[10]Bản tự thuật của đồng chí Nguyễn Hữu Viện, viết ngày 25/7/1971.

Video