Đồng chí Nguyễn Duy Hinh – tấm gương cộng sản kiên cường

Tác giả: admin
Ngày 2018-10-30 01:58:01

Đồng chí Nguyễn Duy Hinh sinh năm 1882 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Xuân Khánh, tổng Canh Hoạch, phủ Thạch Hà, Hà Tĩnh (nay là thôn Khánh Yên, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Thạch Bằng – quê hương đồng chí Nguyễn Duy Hinh là một vùng đất nghèo, thường xuyên bị hạn hán, lũ lụt hoành hành nhưng người dân nơi đây rất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên đất Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước, nhân dân Thạch Bằng đã tích cực tham gia các phong trào như Văn thân - Cần vương, phong trào chống thuế…      

Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của quê hương, được tận mắt chứng kiến nhiều bất công  trong xã hội, Nguyễn Duy Hinh đã sớm mang trong mình mối căm thù sâu sắc đối với đế quốc và phong kiến tay sai, nung nấu quyết tâm làm cách mạng để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột.

Tháng 7/1925, Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh, sau đó đã về Thạch Hà gây dựng cơ sở. Những năm 1926- 1927, Hội Phục Việt đã gây dựng được nhiều cơ sở hoạt động  trong toàn huyện.  Đồng chí Nguyễn Duy Hinh đã nhanh chóng gia nhập Hội và trở thành hội viên tích cực. Thực hiện chủ trương của Hội, Nguyễn Duy Hinh và các hội viên Phục Việt khác đã chia nhau về các xã thôn để tuyên truyền, xây dựng cơ sở. Nhờ đó, những tư tưởng tiến bộ đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Cuối tháng 3/1930, Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh ra đời đã kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng của toàn huyện, công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng bằng cách rải truyền đơn và treo cờ đỏ vào những ngày kỷ niệm được tiến hành một cách thường xuyên. Đến tháng 7/1930, Chi bộ làng Xuân Khánh cũng được thành lập gồm 7 đồng chí: Phan Đình Khản (Bí thư), Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Duy Ca, Nguyễn Bảy, Hoàng Tuy, Phan Truy, Nguyễn Viết Chưởng. Cùng với việc thành lập Chi bộ Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Hinh cùng các đồng chí của mình đã tích cực vận động nhân dân trong làng thành lập các tổ chức quần chúng như Nông hội, Tự vệ, Hội Phụ nữ… Nhận thấy nhà đồng chí Nguyễn Duy Hinh có vườn cây um tùm bao bọc kín đáo, thuận lợi để che mắt kẻ địch nên các chi bộ đã chọn làm địa điểm để hội họp bàn bạc kế hoạch đấu tranh.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy chuẩn bị cho cuộc  đấu tranh kỷ niệm ngày quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8), chi bộ Xuân Khánh đã tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Duy Hinh để bàn kế hoạch cụ thể.

Sáng ngày 1/8/1930, đồng  chí Nguyễn Văn Hinh cùng các đồng chí trong Chi bộ đã vận động hàng trăm nông dân Xuân Khánh phối hợp với nhân dân các tổng Canh Hoạch, Vĩnh Luật (Thạch Hà), tổng Phù Lưu, Lai Thạch (Can Lộc) kéo về huyện lỵ Can Lộc biểu tình đưa yêu sách. Đồng chí Nguyễn Duy Hinh không chỉ là người vận động, tham gia tích cực và là người đứng đầu lãnh đạo phong trào.

Tháng 12/1930, tại xóm Nhà Ao (Tiền Lương), Huyện ủy Thạch Hà tổ chức cuộc họp gồm đại biểu các chi bộ để bàn kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã vào ngày 11/12/1930. Nhận được chỉ thị của Huyện ủy, Chi bộ Xuân Khánh tiếp tục họp tại nhà đồng chí Nguyễn Duy Hinh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí.

Sáng sớm ngày 11/12/1930, nhân dân làng Xuân Khánh cùng nhân dân các tổng Canh, Vĩnh tập kết tại Ngọc Lụy ( Thạch Thượng) có khoảng 500 người, dự định kéo vào thị xã Hà Tĩnh đưa yêu sách. Đồng chí Nguyễn Duy Hinh đã mang theo liềm và cào để bảo vệ đoàn  biểu tình. Khi  đoàn vừa đến Đò Điệm thì bị địch đàn áp rất ác liệt làm 3 người chết, 7 người bị thương. Để tránh tổn thất nặng nề, đoàn biểu tình kéo về chùa Thân (Thụ Lộc) tổ chức mít tinh rồi giải tán.

Những thắng lợi liên tiếp của quần chúng cách mạng làm rung chuyển bộ máy cai trị của địch. Để cứu vãn tình thế, những tên cầm đầu thực dân đã giở mọi thủ đoạn từ đàn áp đến mua chuộc, đưa bọn tay sai đắc lực  nhất về Nghệ Tĩnh, lập sở mật thám ở thị xã Hà Tĩnh và bố trí mạng lưới mật thám dày đặc khắp nơi. Làng Xuân Khánh là nơi có Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Thạch Bằng, nơi có phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ  nên lính Tây ở đồn Vĩnh Hòa (Bình Lộc, Can Lộc), đồn Kim Đôi (Thạch Kim) đã tiến hành nhiều cuộc càn quét, lùng sục, bắt bớ ráo riết.

Biết đồng chí Nguyễn Duy Hinh là cán bộ huyện ủy cốt cán, địch đã nhiều lần lùng sục và bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Ngoài ra, chúng còn bắt phát quang triệt phá toàn bộ cây cối trong vườn của đồng chí nhằm phá tan cơ sở hội họp, nuôi giấu cán bộ Đảng. Tại nhà lao Hà Tĩnh, dù bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng đồng chí luôn nêu cao khí tiết, giữ vững tinh thần đấu tranh, liên tiếp diễn thuyết vạch trần bộ mặt kẻ thù. Sau một thời gian không thể khai thác, khuất phục được ý chí, chính quyền thực dân phong kiến đã kết án đồng chí Nguyễn Duy Hinh mức án tử hình và đưa về bắn tại Rú Bờng ở quê nhà hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của làng Xuân Khánh và vùng lân cận. Khi bị địch giải về rú Bờng để hành hình, đồng chí Nguyễn Duy Hinh vẫn hiên ngang, không ngừng hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Để tưởng nhớ tấm gương hi sinh anh dũng vì sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Hinh, Đảng ủy và nhân dân xã Thạch Bằng đã dựng tấm bia ghi công tại Rú Bờng với nội dung “Tại đây, ngày 29 tháng 10 năm 1931, thực dân Pháp và tay sai đã hành hình đồng chí Nguyễn Duy Hinh, người con của thôn Khánh Yên, xã Thạch Bằng, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, một cán bộ của Huyện ủy Thạch Hà để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân ta”.

Với những đóng góp cho phong trào cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Hinh, người chiến sỹ cộng sản ưu tú của quê hương Thạch Bằng đã được Thủ Tướng Phạm Văn Đồng truy tặng bằng Tổ quốc ghi công.

Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Lịch sử Đảng bộ xã Thạch Bằng tập 1 (1930-1945), xuất bản tháng 7/2001

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tập 1, NXB Chính trị quốc gia  năm 1993

- Lịch sử Đảng bộ huyện Thạch Hà tập I (1930-1954), NXB Chính trị Quốc gia năm 1997

- Hồ sơ hiện vật lưu tại Kho KKBQ

Video