18
279
736
3203
0
6854392
Đồng chí Nguyễn Đình Cứ sinh năm 1902 , trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đỉnh Lữ, (nay thuộc xã Tân Lộc,) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Làng Đỉnh Lữ là vùng chuyên canh nông nghiệp nhưng ruộng đất bạc màu, hàng năm thường bị mất mùa do lũ lụt, hạn hán. Tuy nghèo khổ nhưng nhân dân ở đây luôn mang trong mình truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, lòng tự tôn dân tộc và tinh thần hiếu học. Từ khi có các tổ chức yêu nước ra đời, những truyền thống tốt đẹp ấy được nảy nở ở Tân Lộc.
Đầu năm 1928, tiểu tổ Tân Việt ra đời ở thôn Đỉnh Lữ, những thanh niên trí thức yêu nước trong làng đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu có: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Kỳ, Hoàng Liên, Phan Gần, Mai Cát, Mai Đỉnh, Nguyễn Cứ, Nguyễn Cường, Nguyễn Thân… Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, các hội biến tướng như: hội lợp nhà, hội đưa đám…cũng được lập ra để giúp nhau trong sinh hoạt và dựa vào đó tuyên truyền cách mạng.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Đến tháng 4 năm 1930 Đảng bộ huyện Can Lộc cũng chính thức được thành lập. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn, Nghệ An) - Bí thư Tỉnh bộ Lâm thời Hà Tĩnh, đến cuối tháng 4/1930 Chi bộ thôn Đỉnh Lữ chính thức được thành lập, gồm 5 đồng chí: Mai Cát, Nguyễn Cứ, Hoàng Khoái Lạc, Mai Đỉnh và Phan Gần. Đồng chí Hoàng Khoái Lạc được bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Đình Cứ được giao nhiệm vụ phụ trách hội dạy chữ quốc ngữ và cùng với đồng chí Hoàng Kỳ chuyển các hội biến tướng trước đây như hội lợp nhà, hội đưa đám…. thành các tổ chức Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản Đoàn, hội Phụ nữ, tự vệ đỏ….
Cuối tháng 6/1930, chi bộ Đỉnh Lữ họp bàn kế hoạch chia lại ruộng công điền, công thổ cho nhân dân. Đồng chí Nguyễn Đình Cứ được giao nhiệm vụ thảo ra bản yêu sách để buộc hào lý địa phương ký vào.
Nhân dịp lễ Kỳ phúc (15/6/1930 âm lịch), khoảng 9 giờ sáng trên 200 nhân dân do đồng chí Nguyễn Kỳ và Mai Trung dẫn đầu kéo về Đình Trung ở Tân Thượng nơi bọn hào lý đang tổ chức lễ Kỳ phúc đưa bản yêu sách: trả lại công điền công thổ cho nhân dân; bọn hào lý phải trả lại tiền phụ thu lạm bổ… Trước sự bao vây của quần chúng, Thất phẩm Mai Trí đã phải về nhà lấy sổ công điền công thổ trả lại cho nhân dân 36 mẫu. Đây là thắng lợi bước đầu của dân làng Đỉnh Lữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhằm hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nông Vinh - Bến Thủy, đồng chí Nguyễn Đình Cứ vận động đông đảo nhân dân trong làng tham gia đấu tranh hưởng ứng ngày quốc tế chống chiến tranh đế quốc. Từ mờ sáng ngày 1/8/1930, đông đảo quần chúng tập trung tại Truông Gió (Hồng Lộc) sau đó kéo lên huyện đường đưa yêu sách. Vừa đi đoàn biểu tình vừa hô vang khẩu hiệu: Đánh đuổi thực dân Pháp, giảm sưu thuế, bỏ thuế chợ, thuế đò… Được tin quần chúng đấu tranh, tri huyện Trần Mạnh Đàn vội vã điều lính ra đối phó.
Trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tri huyện không dám đàn áp và ký vào bản yêu sách 10 điểm mà quần chúng đưa ra và hứa 10 ngày sau sẽ trả lời.
Hai ngày sau cuộc biểu tình ngày 1/8, địch ra sức lùng sục và bắt bớ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Đình Cứ, cùng nhiều đảng viên trong làng đã bị bắt như đồng chí Mai Cát, Hoàng Liên, Mai Kính. Chúng giải đồng chí Nguyễn Đình Cứ vào giam tại nhà lao Can Lộc sau đó giải về giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Tại đây đồng chí bị tra tấn rất dã man như: bắt cởi hết quần áo và nhốt vào xà lim, 2 tay luôn bị xiềng và chân cũng phải cùm lại. Cứ 5 ngày bọn chúng lại lôi đồng chí lên lấy cung. Khi không lấy được lời khai từ đồng chí, bọn chúng dùng roi da bò quất túi bụi vào người hay dùng dùi cui, gốc tre già để đánh, có khi bọn chúng dí điện vào người để tra tấn …Bị giam tại nhà lao Hà Tĩnh 3 tháng không lấy được lời khai, đến tháng 11/1930 bọn chúng chuyển đồng chí về giam tại nhà lao Vinh.
Tại đây đồng chí đã cùng với các anh em bị giam cầm tiếp tục đấu tranh. Đặc biệt sau khi Chi bộ nhà lao Vinh được ra đời, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành của chi bộ. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà lao Vinh, phong trào đấu tranh của anh em tù chính trị diễn ra liên tục và mạnh mẽ như làm reo, hô khẩu hiệu, tuyệt thực… buộc thực dân Pháp phải chấp nhận một số yêu sách mà tù chính trị đưa ra như: được ra phơi nắng, không ăn gạo mốc đầy trấu và sạn, không được khủng bố anh em tù… Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của anh em tù chính trị, bọn địch ra sức khủng bố, chúng bắt một số đồng chí tiêu biểu đi đày vào nhà tù Côn Đảo và nhà tù Lao Bảo, một số đồng chí bị chúng tra tấn dã man đến chết tại nhà lao Vinh.
Năm 1933, đồng chí Nguyễn Đình Cứ được ra tù, đồng chí lại bắt mối liên lạc với đồng Nguyễn Cần, tiếp tục vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh. Năm 1935, đồng chí bắt liên lạc với đồng chí Phạm Quang lập ra hội buôn gỗ, tổ chức hội chế biến chè tàu để lấy kinh phí hoạt động và giúp đỡ những gia đình khó khăn. Tháng 7/1935, Nguyễn Đình Cứ cùng các đồng chí trong chi bộ tổ chức quần chúng đấu tranh đòi ruộng công và đưa đơn biểu tình chống phụ thu lạm bổ. Sau cuộc biểu tình này đồng chí lại bị bắt và giải về giam tại nhà lao Can Lộc. Sau 2 tuần giam giữ và tra tấn không có chứng cứ, bọn chúng buộc phải thả đồng chí.
Trước sự khủng bố dã man của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tạm thời lắng xuống. Hầu hết cán bộ lãnh đạo và đảng viên đều sa vào tay giặc, bị chúng đày đi giam ở các nhà tù khét tiếng. số ít còn lại cũng ẩn náu chờ thời cơ. Chi bộ Đỉnh lữ tạm thời tan rã. Năm 1936, đồng chí tiếp tục thành lập chi bộ mới gồm các đồng chí: Mai Cát, Nguyễn Cần, Hoàng Kỳ, Nguyễn Hiếu và đồng chí Nguyễn Đình Cứ được cử làm Bí thư. Chi bộ mới thành lập có nhiệm vụ củng cố lại các tổ chức như: nông hội, phụ nữ, thanh niên, tự vệ…
Năm 1938, đồng chí Nguyễn Đình Cứ được bầu làm huyện ủy viên phụ trách công tác tổ chức, sau đó đồng chí được cử về thành lập chi bộ ở Bình Lộc. Tháng 1/1940, đồng chí trở về Đỉnh Lữ thì bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Sau nhiều lần tra hỏi không lấy được lời cung, bọn chúng kết án đồng chí 5 năm tù và giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Trong thời gian bị giam, tranh thủ những lúc rảnh rỗi đồng chí thường làm quen với Cai Hanh và Đội Tiếu để giác ngộ họ tham gia giúp anh em tù và tìm hiểu tình hình bên ngoài. Đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhân cơ hội đó được sự giúp đỡ của anh em, đồng chí vượt ngục thành công. Trở về nhà đồng chí bắt liên lạc lại với tổ chức và tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh.
Tháng 8/1945 đồng chí Nguyễn Đình Cứ được cử tham gia vào Ban khởi nghĩa, có nhiệm vụ vận động quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh cướp chính quyền. Đến tháng 12/1945, Ban chấp hành lâm thời xã Tân Lộc được thành lập gồm có đồng chí: Phúc Tiếu, Trân Xi, Lê Hồng Cơ do đồng chí Lê Hồng Cơ làm Bí Thư, đồng chí Trần Đình Cứ được cử làm phó Bí thư kiêm ông an.
Là một đảng viên năm 1930, cuộc đời hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Đình Cứ đã trở thành tấm gương sáng ngời cho Đảng bộ và nhân dân Can Lộc học tập và noi theo.
Nguyễn Thị Hội – Bảo tàng XVNT