20
279
738
3205
0
6854394
Đồng chí Ngô Sĩ Luật (tức là Ngô Luật, Luật Bơ, Ba Tuyên, Lương… ) sinh năm 1892 tại làng Đông Trai (nay là xã Diễn Kỷ), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là một vùng đất được bồi đắp từ vết tích của biển xa xưa, nhân dân sống chủ yếu vào nghề nông nghiệp, làm muối và đúc lưỡi cày… nhưng cũng là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Cha đồng chí Ngô Sỹ Luật là ông Ngô Sỹ Học làm nghề dạy chữ Hán và là thầy thuốc đông y đã từng hoạt động trong nhóm Đốc Nhoạn, bị truy nã trốn ra Bắc Kỳ ba năm, sau đó trở về giữ chùa cho làng. Mẹ là bà Phạm Thị Chí, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con.
Ngô Sỹ Luật từ nhỏ đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình. Năm lên 10 tuổi, được cha mẹ cho đi học chữ Hán, đến năm 12 tuổi mẹ mất nên đồng chí phải bỏ học và đến nhà dì (em mẹ) ở được ba năm, thì bắt đầu thoát ly, sống cuộc đời lang bạt làm thuê, buôn bán nay đây mai đó…
Năm 1926, đồng chí Dương Đình Thúy, quê Quỳnh Lưu vào Diễn Châu, tuyên truyền, gây dựng cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh. Đồng chí Ngô Sĩ Luật được giác ngộ và trở thành một trong những thành viên hoạt động cách mạng tích cực của Đảng Tân Việt cùng với các đồng chí: Vũ Văn Ngơi, Bạt Ngoạn, Phạm Thờn… Ngô Sĩ Luật được tham gia vào cơ sở kinh tài của Đảng đóng tại Ga Si vừa kéo sợi dệt vải vừa bán thuốc bắc… chọn nơi đây làm nơi liên lạc.
Vào ngày rằm tháng Tám âm lịch (năm 1926) nhân dịp Tết Trung thu, cơ sở Đảng Tân Việt có tổ chức một buổi họp mặt, quyên góp, ủng hộ cho một số thanh niên đi xuất dương ra nước ngoài cứu nước như: Võ Siêu, Võ Kiều, Võ Cư, Võ Đạm, Phạm Thờn... Với vỏ bọc bề ngoài là giúp cho hiệu thuốc Hưng Nghiệp hội xã; thành phần đến dự có cả chánh phó tổng và hương lý như Đỗ Thùy, Chánh Hảo, Tuần Ngải, Sen Thàng, Chánh Bản (Vạn Phần), Chánh Hoát (Lý Trai)… Kết quả quyên góp được hơn 400 đồng, số tiền này cũng tạm đủ để cho họ trang trải dọc đường.
Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng tại địa phương phát triển mạnh mẽ. Liên chi Lý Trai được thành lập do đồng chí Nguyễn Thế Hạnh làm Bí thư. Tổ chức Đảng đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, phát triển hội viên nông hội đỏ ở các làng, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, đòi quyền dân sinh, dân chủ... Lúc bấy giờ có đồng chí Nguyễn Hữu Bình – Xứ ủy Trung Kỳ, người Tri Lễ (Anh Sơn), là bạn buôn bán cũ xuống thăm và trao đổi về ý nghĩa mục đích cách mạng có tặng Ngô Sĩ Luật cuốn sách Nhật ký chìm tàu để nghiên cứu.
Tháng 7- 1930, đồng chí Bình quay trở lại với cùng với đồng chí Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn) bí danh là Râu và đồng chí Châu (Bút Trân) giác ngộ, kết nạp đồng chí Ngô Sĩ Luật vào Đảng và là thành viên của Ủy ban hành động - Cộng sản. Đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức một nhóm Tự vệ đỏ tham gia bảo vệ các cuộc biểu tình, rải truyền đơn, mít tinh các xã quanh vùng: như Kẻ Trài, Đông Tháp, Quỳnh Đôi, Đức Thịnh, Kim Lũy, Vạn Phần… nhằm hưởng ứng cuộc bãi công của công nhân Vinh – Bến Thủy, phong trào nông dân các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn… Các cuộc đấu tranh này đều đạt kết quả tốt đã góp phần cổ vũ, thúc đẩy nhân dân các tổng ở Diễn Châu bước vào các trận chiến đấu mới.
Ngày 26/10/1930, đồng chí Ngô Sĩ Luật cùng chi bộ và Nông hội đỏ hai tổng Vạn Phần, Hoàng Trường huy động hơn 500 nông dân giương cao cờ đỏ búa liềm kéo về Yên Lý đấu tranh đòi giảm sưu, hoãn thuế, bỏ lệ tuần canh và mọi khoản tế lễ, đòi chia ruộng đất công cho dân cày… Tri phủ Võ Vọng đem lính ra đàn áp, làm chết anh Hồ Sĩ Thiềng – cán bộ Nông hội đỏ (Đông Tháp).
Ngày 27/10/1930, phẫn nộ trước tội ác của địch, đồng chí Ngô Sĩ Luật, Chu Trang, Đặng Chánh Kỷ… được giao phụ trách, lãnh đạo, tổ chức hàng ngàn quần chúng nhân dân tổng Lý Trai mang theo băng cờ, khẩu hiệu, gậy gộc tập trung tại Giếng Bót (Diễn Xuân) biểu tình phản đối chính sách khủng bố của giặc, đòi bồi thường cho gia đình ông Hồ Sĩ Thiểng. Cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, chúng cho lính Âu Phi (lê dương) đặt súng trên thành bắn xối xả vào đoàn biểu tình, làm chết và bị thương nhiều người. Trong số đó có anh Nguyễn Tường – hội viên Nông hội đỏ ở làng (Kỷ Luật) đã ngã xuống trước mũi súng quân thù. Đồng chí Ngô Sĩ Luật cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ tìm kiếm xác những người đã bị chết đem về chôn cất và cứu giúp những gia đình có người bị nạn…
Tiếp đến, Phủ Diễn Châu chủ trương tổ chức cuộc biểu tình nhân kỷ niệm 13 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-11/7/1930) ở các tổng. Từ chiều 6/11/1930, không khí ở Diễn Châu giống như ngày hội. Tài liệu, truyền đơn, băng cờ, khẩu hiệu, vũ khí… được bí mật chuyển về các cơ sở.
Sáng ngày 11/7/1930, tiếng trống từ đình Long Ân vang lên, thúc dục liên hồi. Nhân dân tổng Hoàng Trường (do đồng chí Chu Trang chỉ huy) tập trung tại cánh đồng Nu ở làng Mỹ Quan. Tổng Lý Trai (do Ngô Sĩ Luật chỉ huy) tập trung tại ga chợ Si, tổng Vạn Phần (do đồng Cao Khuê chỉ huy) tập trung tại ga Yên Lý. Các đồng chí đã lãnh đạo quần chúng nhân dân mang theo gậy tày, cơm nắm… vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, khí thế cách mạng sục sôi. Sau khi các địa điểm làm lễ kỷ niệm xong, nhân dân kéo thẳng về phủ lỵ đưa yêu sách đòi giảm sưu, giảm thuế, tịch thu lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo, ủng hộ Liên bang Xô Viết… Hoảng sợ trước phong trào đấu tranh, thực dân Pháp lệnh cho lính khố xanh và lính lê dương nổ súng uy hiếp quần chúng, đồng thời yêu cầu các đồn binh ở Vinh và Yên Thành, Quỳnh Lưu chi viện. Cuộc biểu tình bị đàn áp khốc liệt buộc phải giải tán, hơn 30 người đã anh dũng hy sinh.
Trước diễn biến tình hình phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương ngày càng phức tạp, ban lãnh đạo tổ chức họp mở rộng có đại diện của các tổng tại thôn Phúc Thái để bổ cứu tình hình. Kiểm điểm công tác phát triển, xây dựng các cơ sở Đảng, bàn biện pháp lãnh đạo đấu tranh trong thời gian tới của huyện nhà. Cuộc họp bị bại lộ, kẻ thù đem lính xuống vây ráp, bắt bớ làm chết và bị thương nhiều người. Trước tình thế đó cuộc họp bắt buộc phải giải tán, đại biểu tản vào các nhà dân, tiếng la hét ồn ào, tiếng súng nổ chát chúa, tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn vô cùng tang thương. Thừa cơ đồng chí Ngô Sĩ Luật đã chạy thoát ra ngoài vòng vây của kẻ địch.
Ngoài vị Cửu Khuê này còn có những tên khác như Đoan Nhiên, Đồ Toàn… cũng nhảy ra làm tay sai cho giặc và lùng bắt cán bộ. Sau vụ việc trên, thượng cấp chỉ thị xuống cho đồng chí Ngô Sĩ Luật là phải khai trừ, trừ khử bọn con nhà cường hào, trí, phú ra khỏi tổ chức Đảng. Khủng bố trấn áp và thủ tiêu những phần tử tối lợi hại, những tên nằm trong sổ đen của cách mạng: như Tú Chuối (Vạn Phần) bị nhân dân kéo đến châm lửa đốt nhà, rồi sau đó kéo về phá nhà Bang Thùy. Các tên Lý Mới, Chánh Hoành, Suy Lực, Lon Thiếp…đều bị đánh một trận, bắt làm cam đoan thú tội… Nhờ vậy mà việc đi lại của cán bộ Đảng tại địa phương tương đối dễ dàng hơn trước.
Tuy vậy, sau hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu thì phong trào lắng xuống... Trước tình thế cấp bách, cấp trên chủ trương tập hợp lại số đồng chí có tư tưởng còn vững vàng lên Ngoa Tràng thuộc xã Quỳnh Hữu làm căn cứ tiếp xúc, bàn bạc. Đồng chí Tôn Gia Chung được cử về phụ trách giải quyết tư tưởng, củng cố, gây dựng lại phong trào… Sau một thời gian làm việc, Ngô Sĩ Luật được phân công đưa đồng chí Tôn Gia Chung về cơ quan cấp trên trong đêm mưa rét…
Vào ngày 1-1-1931, Xứ ủy cử ba đồng chí về Vân Di tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình tại huyện Yên Thành, bị bọn phản động bắt giam tại nhà thờ Quang Cư. Lãnh đạo cơ sở huy động nhân dân vào giải thoát nhưng không thành công vì bọn dân vệ canh giữ nghiêm ngặt. Họ liền đến yêu cầu giúp sức, hôm đó chỉ có đồng chí Ngô Sĩ Luật và nữ cán bộ Nga, còn tất cả bận đi công tác. Được tin Tây đồn sắp kéo đến, hai đồng chí đã bàn với nhau về kế hoạch giải cứu cán bộ Xứ ủy, đồng chí Luật nghĩ ra được một kế đó là cởi hết quần áo ngoài lẻn vào sát nhà thờ, cạnh bọn dân vệ, bắn 3 phát súng, bọn chúng hoảng hốt xô nhau bỏ chạy toán loạn. Chớp thời cơ đồng chí bèn lao vào lấy báng súng đập phá cửa nhà thờ giải cứu được ba đồng chí. Đồng chí Ngô Sĩ Luật vừa chạy vừa bắn chỉ thiên, còn ba đồng chí Xứ ủy lẫn vào đám đông chạy trốn ra đồng. Ngô Sĩ Luật phải nhảy xuống nằm im ngâm mình dưới ao sâu trong xóm chờ đến tối mới vào làng tìm một bộ quần áo mặc vào đi về cơ quan…Về đến nơi thì cơ quan đã chuyển đi nơi khác, đồng chí đành phải quay về Xứ ủy. Sau khi nghỉ ngơi mấy hôm thì lệnh trên giao cho đồng chí Luật, Bình, Nhưỡng, Vạn… về Thanh Bang, Yên Phúc làm nhiệm vụ tiêu diệt những tên phản động như tên Perie, và một số cường hào gian ác…
Ổn định tình hình xong, đồng chí Luật, Bình, Bảy trở về Xứ uỷ, thì lúc này cơ quan Xứ ủy đã bị lộ, một số cơ sở khác cũng bị vỡ, phong trào bị lắng xuống, mất liên lạc, cho nên các đồng chí đã bàn nhau qua Lào nương nấu và chờ cơ hội trở về xây dựng lại phong trào.
Trên đường sang Lào, các đồng chí gặp vô vàn khó khăn, gian khổ, phải lần đi từng bước vừa tuyên truyền hoạt động cách mạng vừa kiếm kế sinh nhai. Khi đoàn đến đất Con Cuông thì tiền cũng vừa hết, may nhờ đồng chí Bình có quen biết nhiều người vùng này, như anh Hùng ở Đò Hiên, anh Đồ ở Trại Răng Bừa là những người có cảm tình với Đảng, nhờ họ giúp đỡ nuôi ăn ở hàng tháng trời. Từ đó các đồng chí lại tiếp tục tìm đường qua Cam Muộn, Cam Cớt…
Đóng giả là con buôn, các đồng chí vào ở trong nhà Chánh Ban, Pho Ý để tuyên truyền chủ trương đánh Pháp và xem đây như là một cơ sở liên lạc để về xưởng tiếp tục tuyên truyền… (giác ngộ được cả thầy mo và thấy cúng). Một lần các đồng chí trở về đò Hiên để gặp anh Hùng bàn kế hoạch tìm cách sang Lào. Được anh Hùng giới thiệu cho một người em thường đi buôn bán thuốc phiện chỉ đường qua biên giới… Trên đường đi bị Tây và lính phục kích đuổi bắt, các đồng chí phân tán mỗi người chạy một ngã. Đồng chí Ngô Sĩ Luật bị lạc trong rừng ngót một tháng trời, phải mò cua bắt ốc, hái lá rừng để ăn và tìm đường về cơ sở. Nhưng về được đến nơi thì cơ sở đã bị tan vỡ, được biết bọn địch đang phát lệnh truy nã và treo giải cho ai bắt được Luật Bơ đem nộp sẽ được trọng thưởng. Tòa án Nghệ An lúc bấy giờ đã kết án tù khổ sai chung thân vắng mặt đồng chí Ngô Sĩ Luật( theo Bản án số: 36 và 168 ngày 2/2/1931 và ngày 13/11/1931 – Nghệ An).
Sau đó Ngô Sĩ Luật được ông Bắc giới thiệu tìm gặp ông Bát Ngọa quê Đức Nhuận, Tỉnh Gia (Thanh Hóa) giúp đỡ, tại đây đồng chí vừa chăn bò vừa dạy chữ cho trẻ em… Được một thời gian, vào ngày 21/9/1932, Ngô Sĩ Luật bị địch bắt giải về giam tại xà lim số 1 của nhà lao Vinh, nơi giành cho các tù nhân nặng án…Trong thời gian bị giam cầm, chúng dùng đủ mọi cực hình để tra tấn: như đánh đập, kìm kẹp, roi điện. Chúng vừa dụ giỗ, vừa dọa nạt, tra tấn trong suốt ba tháng trời nhưng không lấy được lời khai… Mãi không khuất phục được đồng chí chúng bèn mở phiên tòa kết án tử hình. Chưa kịp tử hình thì gặp dịp Vua Bảo Đại hồi loan (ở Pháp về) Ngô Sĩ Luật được hạ xuống án chung thân và đày đi Lao Bảo vào ngày 12/01/1933.
Năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, Gô-Đa được cử sang Đông Dương. Chính phủ Pháp thi hành một số chủ trương tiến bộ, như việc giảm án, thả tù chính trị ở các thuộc địa của Pháp. Trong dịp này đồng chí Ngô Sĩ Luật cũng được giảm án từ chung thân xuống còn 13 năm khổ sai và chuyển qua nhà lao Buôn Ma Thuột cùng với các đồng chí như Trương Văn Lĩnh, Nguyễn Tạo, Nguyễn Lợi… vào đầu năm 1940.
Đời sống của tù nhân nơi đây hết sức khắc nghiệt. Chủ ngục lúc đó là tên Mô Xin, gian ác, nó đã đối xử hết sức tàn bạo, quy định chế độ sinh hoạt vô cùng hà khắc. Vì vậy, anh em tù chính trị đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tuyệt thực, đòi quyền lợi như: được tổ chức học tập, hội họp, tập luyện thể dục thể thao, diễn kịch, diễn thuyết, tăng gia sản xuất… Đặc biệt là cuộc đấu tranh đòi được đổi cai ngục Mô Xin đi nơi khác, buộc chúng phải nhượng bộ và nới rộng một số quyền lợi cho tù nhân.
Tính đến đầu năm 1945, đồng chí Ngô Sĩ Luật đã ở nhà lao Buôn Ma Thuột được 6 năm. Tháng ba năm ấy Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị đều được tha. Đồng chí trở về quê hương, nghỉ dưỡng sức một thời gian rồi đi tìm bắt mối liên lạc với các đồng chí hoạt động thời kỳ 1930 - 1931 để xây dựng cơ sở Việt Minh bí mật. Biến các tổ chức thân Nhật như tổ chức Thanh niên Phan Anh sang tổ chức quần chúng trong mặt trận Việt Minh…
Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn huyện, đồng chí Ngô Sĩ Luật được bầu vào Ban chỉ huy tổng Lý Trai, đồng chí Cao Khuê chỉ huy tổng Cao Xá, Võ Nguyên Hiến chỉ huy tổng Thái Xá… Các đồng chí đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn tổ chức nhân dân tham gia “ Tuần lễ vàng” và thu hồi đổng triện của lý trưởng 5 tổng trong huyện.
Ngày 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh mở hội nghị khẩn cấp bàn kế hoạch cướp chính quyền ở Phủ Diễn Châu. Đồng chí Lê Nhu người Diễn Yên được bầu làm chủ tịch, đồng chí Võ Nguyên Hiến làm trưởng ban phòng thủ, đồng chí Ngô Sĩ Luật làm phó ban – phụ trách huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn…Các đồng chí được giới thiệu về xưởng Lê Viết Thuật để nhận vũ khí, trang bị cho các đội du kích, tự vệ, dân quân…
Đầu năm 1946, có chủ trương giải thể Ban phòng thủ để tổ chức các đơn vị quân đội địa phương, có trang bị đầy đủ hơn. Ủy ban nhân dân Cách mạng đổi tên thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính. Ngô Sĩ Luật được đồng chí Ngô Xuân Hàm – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ triệu tập làm công tác dân vận một thời gian, sau đó chuyển sang bộ phận kiểm tra giao thông trên con đường chiến lược từ Thanh Hóa đến Bình Trị Thiên cùng với các đồng chí Hoàng Anh, Hoàng Văn Diễm, Võ Thuần Nho, Nguyễn Xuân Linh, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Nhơn… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, Ngô Sĩ Luật lại được đồng chí Võ Thúc Đồng giao nhiệm vụ vận chuyển văn kiện, tài liệu quan trọng của Đảng lên Quản Giắt (Nông Cống).
Mấy năm liên tục công tác ở vùng rừng núi, sức khỏe bị suy giảm, nên Ngô Sĩ Luật xin phép về lại quê nhà Diễn Châu để dưỡng bệnh. Sau khi sức khỏe bình phục Ngô Sĩ Luật được đồng chí Phạm Thiềm – Chủ tịch huyện triệu tập lên giao nhiệm vụ là vận động nhân dân đắp đê Vực Tân cùng các đồng chí Phạm Xương, Phan Cơ, Nguyễn Thái, Chu Niên, Đoàn Vị, Lê Văn quý, Trần Vợi…
Việc đắp đê Vực Tân đang dang dở thì đồng chí Tôn Gia Chung điều động Ngô Sĩ Luật về làm thủ quỹ cho Nông hội tỉnh, sau đó chuyển tiếp qua bộ phận công tác vận động giảm tô và thu thuế nông nghiệp. Sau khi xã Quảng Châu tách ra, Ngô Sĩ Luật lại trở về làm hội viên Hội đồng nhân dân xã Diễn Kỷ…
Năm 1963 tỉnh có chủ trương khai hoang di dân lên vùng Nghĩa Tiến lập thành nông trại Tân Hòa. Gia đình đồng chí Ngô Sĩ Luật và một số bà con quê hương Diễn Kỷ cùng lên đây chung sức xây dựng miền quê mới.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Sĩ Luật ngay từ những ngày đầu đi theo Đảng, cho đến ngày cách mạng thành công xứng đáng là tấm gương sáng ngời cho Đảng bộ và nhân dân Diễn Châu học tập và noi theo./.
Phan Thảo – Bảo tàng XVNT