48396
1112
53529
71331
48932
7032044
Đồng chí Ngô Đức Diễn sinh năm 1898 tại làng Kỳ Lạc, xã Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Can Lộc từ xưa đến nay luôn được biết đến như một dấu son đỏ thắm trong lịch sử văn hiến của vùng địa linh nhân kiệt tỉnh Hà Tĩnh. Theo gia phả để lại, dòng họ Ngô Trảo Nha ở Can Lộc có nguồn gốc từ Ái Châu - Thanh Hóa nhưng vốn phát tích từ Cửa Sót - Hà Tĩnh. Khoảng thế kỷ XV, tổ tiên của dòng họ Ngô đến Can Lộc sinh cơ lập nghiệp và nhanh chóng trở thành một cự tộc võ thần, có nhiều đời làm quận công, giữ các chức vụ trọng yếu của các triều đại. Ngô Đức Diễn là hậu duệ của danh tướng Ngô Văn Sở, Ngô Cảnh Hựu, Ngô Phúc Vạn, Tiến sĩ Ngô Phúc Lâm...
Ngô Đức Diễn xuất thân trong một gia đình quan lại nhiều đời. Ông nội là Ngô Phùng, từng giữ chức Toản tu Sử quán, hàm Quang Lộc tự Thiếu Khanh. Cha là Tả tham tri Bộ Lễ Ngô Huệ Liên, về sau cũng giữ chức Toản tu Quốc sử quán, có người anh cả là chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế (Nghè Kế).
Lúc nhỏ, Ngô Đức Diễn được cha mình dạy học tiếng Hán tại nhà, sau đó đi học tại trường Quốc học Huế. Trong thời gian học ở Huế, đồng chí đã kết thân với nhiều bạn bè đồng hương, cùng chí hướng cách mạng, như: Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch), Trần Phú...và bàn với nhau lập ra “Thanh niên tu tiến hội” do Trần Đình Thanh đứng đầu. Ngoài việc giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống hàng ngày, Hội Thanh niên tu tiến còn là nơi để trao đổi về phong trào yêu nước, tình hình hiện tại của đất nước...
Sau khi đỗ kỳ thi Thành Chung (còn gọi là bằng Tú tài cơ sở Đông Dương, như bằng Trung học cơ sở hiện này), Ngô Đức Diễn rời trường Quốc học Huế, trở về Nghệ An, dạy học tại trường Quốc học Vinh. Trong giờ học, thầy giáo Ngô Đức Diễn lồng ghép vào các bài giảng về lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống anh dũng, kiên cường không chịu khuất phục kẻ thù của cha ông để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, từ đó nhen nhóm ở học sinh tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc.
Ngày 14/7/1925, vào đúng ngày thực dân Pháp mở hội “Chính trung” (tức là ngày quốc khánh nước Pháp), Ngô Đức Diễn cùng với Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Trần Đình Thanh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên…đã họp tại núi Con Mèo ở Bến Thuỷ - Vinh để thành lập Hội Phục Việt. Chủ trương của Hội Phục Việt: nghiên cứu tình hình chính trị trong nước và ngoài nước để quyết định đường lối hòa bình hay bạo động; tìm hiểu và liên hệ với các tổ chức chính trị người Việt Nam ở Xiêm và Trung Quốc; kết nạp thêm hội viên. Thành phần xã hội của hội Phục Việt chủ yếu trí thức, học sinh, công chức, tiểu thương và công nông, đặc biệt là những người có học.
Sau khi thành lập, Hội Phục Việt tìm cách mở rộng hoạt động, kết nạp hội viên ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Các đồng chí trong Hội Phục Việt đã chia nhau về các khu phố, xóm thợ, các vùng thôn quê...để tuyên truyền, cổ động quần chúng. Thực hiện nhiệm vụ đó, Hội đã phân công: Tôn Quang Phiệt phụ trách việc gây cơ sở hội ở Bắc Kỳ; Trần Đình Thanh và Trần Phú phụ trách việc tuyên truyền và nghiên cứu tình hình Đông Dương; Lê Văn Huân phụ trách việc liên lạc với các phần tử và tổ chức ở nước ngoài; Ngô Đức Diễn phụ trách việc gây dựng cơ sở hội ở tỉnh Khánh Hòa. Nhiều nhà nho có chí khí, nhiều giáo viên trẻ và một số người trong tầng lớp tiểu tư sản chủ yếu ở ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh đã gia nhập Hội.
Đồng chí Ngô Đức Diễn hoạt động ở tỉnh Khánh Hòa trong vai trò là thầy giáo dạy học tại Trường Pháp - Việt Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Thời gian đó, còn có đồng chí Hà Huy Tập cũng đang dạy học ở Trường Pháp - Việt Nha Trang (nay là Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi). Đồng thời với việc dạy chữ, đồng chí Ngô Đức Diễn đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến giáo chức, công chức, học sinh,… giúp họ hiểu về công cuộc chống Pháp, giành độc lập và nhiều người trong số họ trở thành những hạt nhân cộng sản đầu tiên ở Khánh Hòa.
Sau khi thành lập, Hội Phục Việt tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh đòi ân xá Phan Bội Châu bằng việc rải truyền đơn tại Hà Nội. Đầu năm 1926, Hội Phục Việt đổi tên thành Hội Hưng Nam.
Ở Khánh Hoà, dưới sự hướng dẫn của thầy Ngô Đức Diễn và Hà Huy Tập, hơn 100 học sinh Trường Pháp - Việt Nha Trang và Ninh Hòa đã ký tên vào kiến nghị đòi thả cụ Phan Bội Châu khi biết được tin cụ Phan Bội Châu bị bắt. Tháng 3/1926, cụ Phan Chu Trinh - một nhà yêu nước nổi tiếng qua đời, khắp cả nước tổ chức lễ truy điệu cụ. Thanh niên, học sinh, cùng các thầy cô giáo, công chức, nhân sĩ, trí thức ở Nha Trang đã làm lễ truy điệu, đeo băng đen để tang cụ...
Trước những hoạt động sôi nổi của thanh niên, giáo viên, học sinh, chính quyền thực dân Pháp ở Khánh Hòa tìm cách đối phó. Chúng điều động thầy Hà Huy Tập và thầy Ngô Đức Diễn ra khỏi tỉnh. Nhưng từ những hoạt động tích cực của hai thầy, những cơ sở của Đảng Tân Việt đã được thành lập ở Nha Trang và Ninh Hòa. Ở Nha Trang, cơ sở đầu tiên của Đảng Tân Việt có Bùi Giao (nhân viên Sở Lục lộ), Nguyễn Khắc Tài (nhân viên Sở Hỏa xa kiều lộ); ở huyện Tân Định có Dương Chước (quê Quảng Nam, làm trợ giáo, cùng dạy một trường với Ngô Đức Diễn), Lê Dung (quê Tân Định, là người Khánh Hòa đầu tiên vào Đảng Tân Việt). Đây là những hạt giống cộng sản đầu tiên được gieo mầm trên đất Khánh Hòa.
Tháng 6/1926, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Lê Duy Điếm, Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Hội Hưng Nam do Trần Mộng Bạch triệu tập được diễn ra. Những người dự Hội nghị gồm: Lê Huân, Ngô Đức Diễn, Trần Phú và Hoàng Đức Thi. Hội nghị quyết định cử đoàn đại biểu gồm 3 người: Trần Phú - Trưởng đoàn; Tôn Quang Phiệt - Phó trưởng đoàn và Hoàng Văn Tùng, mang thư của Trần Mộng Bạch và bản cương lĩnh do Ngô Đức Diễn soạn bằng mật mã sang Quảng Châu bàn việc liên minh với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Đầu năm 1927, để chuẩn bị cho việc sáp nhập với Hội Thanh Niên, Hội Hưng Nam lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Ngày 15/3/1927, kỷ niệm một năm ngày mất của cụ Phan Chu Trinh, dưới sự chỉ đạo của Đảng Tân Việt, đồng chí Ngô Đức Diễn cùng hàng ngàn quần chúng ở Vinh và vùng phụ cận đã kéo đến chùa Diệc dự lễ kỷ niệm. Sau lễ kỷ niệm, đại biểu Tân Việt đã đứng lên diễn thuyết kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia vào các phong trào yêu nước...
Tháng 7 năm 1927, Việt Nam Cách mạng Đảng lại đổi tên thành Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội.
Tháng 6/1928, Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội lại triệu tập một cuộc họp ở Nam Đàn (Nghệ An) để bàn việc hợp nhất. Dự họp, về phía Thanh niên có Vương Thúc Oánh, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Dương Hạc Đính; về phía Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội có Phan Kiếm Huy, Đào Xuân Mai, Ngô Đức Diễn, Nguyễn Sĩ Sách,... Bên Thanh niên vẫn duy trì ý kiến đồng ý hợp nhất, nhưng giải tán Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, rồi sẽ kết nạp từng người một vào Thanh niên. Bên Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội phản đối. Hai bên không thống nhất về phương pháp hợp nhất nên đã tuyên bố cắt đứt mọi sự liên hệ từ trước đến nay giữa Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội và Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ngày 14/7/1928, Việt Nam cách mạng đồng chí Hội đã tiến hành Đại hội ở Huế, thông qua tôn chỉ, mục đích của Hội, dời cơ quan Tổng bộ từ Vinh vào Huế và đổi tên Đảng là Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Tân Việt) do Đào Duy Anh làm Bí thư, Ngô Đức Diễn là Ủy viên tổ chức và tài chính, Phan Đăng Lưu là Ủy viên tuyên huấn và giao thông.
Trong suốt quá trình tồn tại, hệ thống tổ chức của Đảng Tân Việt gồm 6 cấp: Tổng bộ, Kỳ bộ, Liên tỉnh bộ, Tỉnh bộ, Đại tổ và Tiểu tổ. Tiểu tổ, đơn vị cơ sở của Tân Việt được tổ chức theo nguyên tắc “Tam Tam chế”, tức là một tiểu tổ có 3 đảng viên, 3 tiểu tổ hợp thành một đại tổ. Tân Việt có 10 liên tỉnh bộ và 3 kỳ bộ. Các kỳ bộ được gọi theo quy ước riêng: Bắc Kỳ gọi là Nhân Kỳ, Trung Kỳ là Trí Kỳ, Nam Kỳ là Dũng Kỳ. Địa bàn hoạt động chủ yếu của Tân Việt là các tỉnh miền Trung, mạnh nhất là ở Nghệ - Tĩnh. Đến cuối năm 1928, ở đây, số lượng đảng viên đã lên tới 612 người, gây dựng được cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp, đường phố và các vùng nông thôn.
Ngày 4/3/1929, đồng chí Ngô Đức Diễn bị giặc Pháp bắt, kết án 9 năm tù khổ sai theo bản án số 19 tháng 6 năm 1929 của Toà án tỉnh Nghệ An. Ngày 16/10/1929, đồng chí bị đày đi Lao Bảo. Đầu năm 1930, chúng lại giải đồng chí về Nhà lao Vinh xét hỏi, bị kết án lần thứ hai với 7 năm tù giam khổ sai và 7 năm quản thúc về tội tham gia Đảng Tân Việt – bản án số 11 ngày 21/1/1930. Năm 1932, đồng chí Ngô Đức Diễn trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao Huế. (1) Trong suốt thời gian giam cầm ở các nhà lao, mặc dù bị giặc tra tấn, dùng mọi nhục hình nhưng đồng chí vẫn luôn giữ vững chí khí kiên trung với Đảng, với Nhân dân.
Ngày 28/12/2011, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có quyết định công nhận đồng chí Ngô Đức Diễn là cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945. Ngày 6/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với công lao đóng góp của đồng chí Ngô Đức Diễn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cuộc đời chiến đấu sôi nổi của đồng chí Ngô Đức Diễn là một trong những tấm gương tiêu biểu của các chiến sỹ cộng sản trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Vân Anh
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản
Chú thích:
(1) Theo Hồ sơ của mật thám Pháp về đồng chí Ngô Đức Diễn khai thác tại Bộ Công an.
Tài liệu tham khảo:
- Hà Huy Tập, tiểu sử, NXB Chính trị Quốc Gia, 2006.
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tập 1, (1930-1945), NXB Nghệ An, 2019.
- Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, NXBCTQG, 1994.