26274
1112
31407
49209
48932
7009922
Đồng chí Mai Trác (bí danh là Xước, Thược Em, Trần Cu), sinh năm 1908 trong một gia đình nông dân ở thôn Quần Ngọc, tổng Nga Khê, xã Khánh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 5 năm 1930, cán bộ Huyện uỷ Can Lộc đã về Khánh Lộc vận động quần chúng và kết nạp thêm đảng viên mới. Đồng chí Mai Trác, Trần Nghĩa (thôn Lương Hội), Nguyễn Cầu (thôn Đa Cốc)... đã được các đồng chí trong Huyện uỷ Can Lộc giao cho một số công việc như: rải truyền đơn tại các ngã đường, treo cờ đỏ búa liềm tại đình, đền, chùa, chợ Nhe, chợ Đình,...
Cuối tháng 9/1930, lễ kết nạp đảng cho các đồng chí Mai Trác, Trần Sỹ Loan, Nguyễn Xuân Liêm, Nguyễn Cầu, Trần Nghĩa, Phan Sinh được tiến hành. Sau lễ kết nạp, các đảng viên được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, tiếp tục tìm cốt cán để kết nạp thêm đảng viên mới.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, ngày 8/9/1930, Huyện uỷ Can Lộc tổ chức cuộc biểu tình lớn hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ. Đồng chí Mai Trác tích cực đi vận động quần chúng tham gia biểu tình, tập trung về huyện lỵ, rồi cùng với nhân dân vùng Hạ Can kéo vào thị xã Hà Tĩnh. Đây là cuộc mít tinh lớn với quy mô toàn tỉnh, đã gây được tiếng vang trong nhân dân, đồng thời cũng đã làm cho địch hết sức hoang mang lo sợ.
Tháng 10/1930, trên cơ sở tình hình chung, Huyện uỷ Can Lộc đã quyết định chấn chỉnh tổ chức bằng cách cho hợp nhất đảng viên 4 thôn Khánh Tường, Quần Ngọc, Lương Hội, Đa Cốc hợp nhất thành một Chi bộ Đông Lâm. Hội nghị Chi bộ Đông Lâm lần thứ nhất được tổ chức tại nhà ông Thường Tạo (xóm Kiều, thôn Khánh Tường) dưới sự chủ trì của các cán bộ Tỉnh uỷ và Huyện uỷ. Hội nghị cũng đã bầu Ban chấp hành Chi bộ xã Đông Lâm gồm 3 đồng chí: Mai Trác, Trần Sỹ Loan, Nguyễn Cầu, trong đó đồng chí Mai Trác làm Bí thư. Sau khi thành lập, đồng chí Mai Trác cùng với chi bộ đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân trong xã tham gia các phong trào đấu tranh.
Ngày 6/11/1930, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân Đông Lâm đã cùng nhân dân trong tổng Nga Khê tập trung tại Khiêm Ích làm lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, sau đó, cùng nhân dân tổng Lai Thạch kéo đến vây nhà chánh tổng Nguyễn Đống và trừng trị bọn hào lý đang họp tại đó.
Ngày 22/12/1930, tiếp chỉ thị của Huyện uỷ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mai Trác, Chi bộ Đông Lâm đã vận động đông đảo quần chúng cùng nhân dân các tổng Nga Khê, Lai Thạch, tổng Đoài và tổng Đậu tập hợp tại chợ Nhe, giương cao băng cờ, khẩu hiệu đi theo đường cầu Nậy về ngã ba chợ Đình rồi theo đường lớn tiến thẳng xuống huyện lỵ biểu tình. Cuộc biểu tình đã tập hợp được khoảng hơn 2.000 người. Đây là một trong những cuộc biểu tình thu hút số người tham gia đông nhất tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Đoàn vừa đi vừa hô to khẩu hiệu "Đả đảo thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai", "Ruộng đất cho dân cày, nhà máy cho thợ thuyền", "Thành lập chính phủ công - nông - binh",… Khi tiến gần huyện lỵ, bất ngờ bọn lính Tây đồn Nghèn xả súng bắn vào đoàn người đi trước làm chết tại chỗ 42 người, chưa kể số thương vong.
Cuối năm 1930, các tổ chức quần chúng ở xã cũng được thành lập như: Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ cứu quốc...Đội tự vệ đỏ xã do Nguyễn Hoà làm Đội trưởng, Phan Phong, Mai Trác, Nguyễn Kiêm trong Ban chỉ huy. Trong suốt thời gian này, đồng chí Mai Trác vẫn miệt mài với công tác củng cố tổ chức đảng, kếp nạp đảng viên mới, đồng chí luôn coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của chi bộ.
Đầu tháng 1/1931, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại chợ Tổng (vùng Trường Lộc ngày nay) để ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân tổng Lai Thạch bị lính đồn chợ Tổng khủng bố. Đồng chí Mai Trác chỉ huy đoàn của tổng Đông Lâm tham gia cuộc biểu tình. Hàng ngàn người dân của các xã: Đông Lâm, Bạt Trạc, Ốc Nhiêu, Thường Nga tập trung tại chợ Nhe với băng, cờ, khẩu hiệu, trống, chiêng kéo đến Lai Thạch, chợ Tổng, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu “Đã đảo thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai”, “Đã đảo Nam triều phong kiến”… Khi đoàn đến gần chợ Tổng thì bọn lính trong đồn đã xả súng bắn liên tiếp. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí trong Đội tự vệ đỏ và Xích vệ đỏ, đoàn người vừa hô khẩu hiệu vừa rút lui an toàn. Sau cuộc biểu tình, địch tăng cường tuần tra bao vây các thôn xóm, vào nhà cán bộ tra hỏi, lục xét giấy tờ, lần lượt một số cán bộ bị bắt. Đồng chí Nguyễn Hòa phụ trách chi bộ thay đồng chí Mai Trác đi thoát ly.
Cuối tháng 12/1931, địch huy động binh lính các đồn Khiêm Ích, Rú Mồ, Tràng Đình cùng bang tá các tổng, xã, thôn, có phu đoàn đi theo bao vây làng Quần Ngọc, bắt đồng chí Mai Trác đem về đồn tra khảo. Ngày 18/3/1932, đồng chí Mai Trác bị kết án 3 năm tù giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Đến tháng 10/1932, đồng chí lại bị Toà án Hà Tĩnh kết án tù chung thân vì tội giết tên Trần Hoài ở Đông Lâm.
Năm 1936, đồng chí Mai Trác cùng các tù chính trị như Nguyễn Hoà, Nguyễn Xuân Liêm, Nguyễn Xuân Khang, Bùi Cơ, Trần Sỹ Tố, Nguyễn Chu, Nguyễn Kiêm, Trần Sỹ Chung,… được ra tù đã trở về quê tiếp tục hoạt động.
Tháng 8/1936, nhờ hoạt động tích cực của đồng chí Mai Trác, Nguyễn Hoà, Nguyễn Xuân Liêm, Trần Nghĩa, Nguyễn Cầu,... Chi bộ Đông Lâm đã được khôi phục lại do đồng chí Nguyễn Hoà làm Bí thư.
Tháng 6/1937, Hội nghị chi bộ Đảng Đông Lâm lần thứ hai được tổ chức tại nhà đồng chí Mai Trác, bầu Ban Chấp hành mới gồm các đồng chí: Nguyễn Hoà, Mai Trác, Trần Nghĩa, đồng chí Nguyễn Hoà làm Bí thư.
Những năm 1938 - 1939, phong trào ở Đông Lâm cũng có bước tiến lớn. Các tổ chức quần chúng được xây đựng theo hình thức mới, gọi là các "Hội Ái hữu tập phúc". Cán bộ chủ chốt gồm các đồng chí: Nguyễn Hoà, Mai Trác, Trần Nghĩa, Nguyễn Xuân Khang, Nguyễn Kiêm, Nguyễn Chu, Thái Húc, Trần Sỹ Tố, Trần Sỹ Lương. Các đồng chí trực tiếp phụ trách các tổ chức bằng hình thức hợp pháp hoá như giúp nhau tiền của hoặc đi lại thăm hỏi nhau khi gặp rủi ro ốm đau, thiếu đói. Khi có công việc vui buồn, cùng nhau giải quyết, nhất là giúp nhau khi có tang ma, cưới hỏi, làm nhà,...
Tháng 5/1945, các đồng chí Trần Sỹ Loan, Nguyễn Xuân Liêm, Mai Trác, Nguyễn Hoà, Nguyễn Xuân Khang, Phan Sinh, Nguyễn Cầu, Trần Nghĩa, Bùi Hoàn tổ chức họp tại nhà đồng chí Mai Trác bàn một số công việc trước mắt và thành lập Mặt trận Việt Minh, bầu Ban Chấp hành cũng như Uỷ ban lâm thời. Ban Chấp hành Việt Minh lâm thời xã Đông Lâm do các đồng chí Trần Sỹ Loan, Nguyễn Hoà, Nguyễn Cầu, Mai Trác làm Chủ nhiệm.
Ngày 14/8/1945, Ban Chấp hành Việt Minh xã triệu tập cuộc họp tại nhà đồng chí Mai Trác, bầu Ban khởi nghĩa xã Đông Lâm do đồng chí Mai Trác làm Trưởng ban.
Tại Đông Lâm, rạng sáng ngày 16/8/1945, Ban vận động Việt Minh đã tập trung đầy đủ tại đình Quần Ngọc bàn nhiệm vụ tổng khởi nghĩa. Sáng ngày 17/8/1945, Việt Minh xã phát lệnh khởi nghĩa, lật đổ bộ máy thống trị. Sau khi phát lệnh, cuộc biểu tình của quần chúng có các đội tự vệ vũ trang bảo vệ diễn ra mạnh mẽ. Chỉ hơn một giờ sau, bốn Lý trưởng và hương hào đã mang đầy đủ ấn tín, sổ sách đến đình Quần Ngọc nạp cho Ban khởi nghĩa (riêng Lý trưởng thôn Khánh Tường chưa chịu nộp). Hội đồng bàn bạc quyết định viết lệnh cho đội tự vệ xã đại diện là Trần Sỹ Khoan và Nguyễn Bính bắt lý trưởng Cửu Điển (thôn Khánh Tường) xuống đình Quần Ngọc để xét hỏi vì sao không nạp ấn tín cho cách mạng. Hoảng sợ trước khí thế của quần chúng, Lý trưởng thôn Khánh Tường lập tức thực hiện đầy đủ những yêu cầu của Việt Minh. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thu được thắng lợi ngay sáng 17/8/1945.
Ngày 20/8/1945, Chi bộ Đông Lâm đã khẩn trương họp mặt cán bộ đảng viên và các thành viên mặt trận Việt Minh xã để sơ kết thắng lợi của phong trào. Đồng thời, bàn một số việc trước mắt và bầu Uỷ ban kháng chiến lâm thời xã Đông Lâm gồm 5 người do đồng chí Nguyễn Cầu làm Chủ tịch, Mai Trác làm phó Chủ tịch.
Cuối tháng 8/1945, đồng chí Mai Trác thay mặt Việt Minh xã đi họp Mặt trận Việt Minh tổng Nga Khê để thành lập Uỷ ban lâm thời tổng. Tại cuộc họp, Việt Minh tổng cũng như các đồng chí đảng viên cũ thời kỳ 1930 - 1931 có mặt như: Hoàng Nhân, Đặng Kham, Nguyễn Niên và Mai Trác đều nhất trí thành lập chi bộ Đảng ở các xã thuộc cả hai tổng Lai Thạch và Nga Khê. Trong khi chờ đợi chỉ thị chính thức của cấp trên, đồng chí Mai Trác đã chủ trì thành lập Chi bộ Đảng xã Đông Lâm, gồm các đồng chí Mai Trác, Nguyễn Hoà, Trần Nghĩa, Nguyễn Cầu, Trần Sỹ Loan.
Ngày 2/9/1945, các đồng chí trong Chi bộ Đông Lâm họp tại đền Quần Ngọc bầu đồng chí Mai Trác làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Cầu làm phó Bí thư và 3 uỷ viên chấp hành gồm: Trần Nghĩa, Trần Sỹ Loan, Nguyễn Hoà.
Thời gian sau này, đồng chí Mai Trác tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Cán bộ kiểm tra của Huyện uỷ Can Lộc (1950); Uỷ viên Huyện uỷ Can Lộc, Bí thư xã Hồng Phong (1951); Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Trưởng ban thuế nông nghiệp xã Khánh Lộc (1953); Bí thư Nông Hội tỉnh Hà Tĩnh, Hiệu phó trường tỉnh kiêm Bí thư nhà trường tại Cầu Phủ (1956-1964); Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và công tác phụ lão xã Khánh Lộc (1975).
Với những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đồng chí Mai Trác đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huy chương vì giai cấp Nông dân Việt Nam. Năm 2010, do tuổi già sức yếu, đồng chí Mai Trác qua đời. Hình ảnh và tên tuổi đồng chí Mai Trác sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình và của quê hương Khánh Vĩnh Lộc.
Nguyễn Vân Anh
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử đảng bộ huyện Can Lộc, NXB CTQG, 2005.
- Lịch sử Đảng bộ xã Khánh Lộc (1930-1945).
- Lý lịch Đảng của đồng chí Mai Trác.
- Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Mai Trác lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an.