12
423
3091
20606
20962
6850013
Đồng chí Lưu Đào (bí danh là Minh), sinh năm 1914 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Hoành Sơn, tổng Nam Kim (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha là ông Lưu Văn Đản, một người giàu lòng yêu nước, có tư tưởng chống Pháp, đã từng tham gia phong trào Cần Vương, mẹ bà Đặng Thị Thiu, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng, vì con.
Ảnh: Đồng chí Lưu Đào
Thuở nhỏ, Lưu Đào là một cậu bé thông minh, ham học hỏi. Năm lên 10 tuổi, Lưu Đào được cha cho đi học 2 năm chữ Hán, thêm 3 năm chữ Quốc ngữ tại trường tổng Nam Kim. Sau khi đậu tốt nghiệp yếu lược, anh tiếp tục lên trường huyện thi vào lớp nhì đệ nhất niên, vừa học vừa làm trợ giáo cho mấy em nhỏ để kiếm sống. Trong quá trình học tập tại trường, Lưu Đào được đồng chí Nguyễn Văn Tình (sau này là Ban chấp hành Tổng ủy, Bí thư chi bộ Hoành Sơn) gần gũi và giác ngộ…
Ngay sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại làng Kim Liên, đồng chí Nguyễn Xuân Thanh (Chắt Bảy) - công nhân nhà máy Trường Thi, phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ được cử về chủ trì thành lập Đảng bộ Nam Đàn vào ngày 25/4/1930 và cử ra một Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời tại nhà ông Vương Thúc Đàm. Sau một thời gian ngắn, do có đường lối đúng đắn của Đảng và sự nhiệt tình cách mạng của quần chúng, nhiều chi bộ Đảng ở các thôn đã được thành lập.
Ngày 27 tháng 6 năm 1930, Huyện ủy Nam Đàn đã cử các đồng chí Lê Công Cảnh, Nguyễn Sinh Diên, Phan Đình Đồng, Vương Xuân về liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Tình thành lập chi bộ Hoành Sơn - đặt ký hiệu “H”, gồm các đồng chí: Lưu Đào, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Đức Thúy, Nguyễn Đức Yết, Nguyễn Văn Châu, Nguyễn Xuân Đồng, Nguyễn Kiêm do đồng chí Nguyễn Văn Tình làm Bí thư. Ngay sau khi được thành lập, Chi bộ Hoành Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng bằng những hình thức như: vận động quần chúng đấu tranh đòi hào lý trả lại ruộng công, giảm sưu cao thuế nặng, truyền bá chữ quốc ngữ, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ở những nơi công cộng, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết… Vì vậy, phong trào cách mạng ở Hoành Sơn ngày càng lan rộng và lên cao. Các tổ chức Nông hội, Tự vệ đỏ, Hội cứu tế đỏ, Hội phụ nữ giải phóng… sớm được ra đời.
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Lưu Đào luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm được giao, không quản khó khăn vất vả. Đồng chí lăn lộn với phong trào, hòa mình vào quần chúng để tuyên truyền kêu gọi nhân dân tham gia các cuộc biểu tình, đấu tranh đòi quyền lợi… Trong cuộc biểu tình ngày 12 tháng 9 năm 1930, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Khánh Sơn, đồng chí Lưu Đào cầm cờ đi đầu đoàn biểu tình gồm khoảng trên 100 người, trong tay mang gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ búa liềm, băng cờ khẩu hiệu rầm rập vượt đò chợ Liệu, đò Vạn Rú, tập kết về ga Yên Xuân để tham gia cuộc biểu tình với hàng nghìn quần chúng nhân dân khác của Hưng Nguyên và Nam Đàn. Trước khí thế xung thiên của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp đã vội vã đối phó, cho cho máy bay và lính từ Vinh lên đàn áp, ném bom làm hàng trăm người chết và bị thương.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân toàn xã đã tổ chức mít tinh, dự lễ truy điệu những người hy sinh trong ngày 12/9/1930 và phát động lòng căm thù, kêu gọi nhân dân kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù với khẩu hiệu: “ Không được tàn phá làng mạc, phải bỏ hết thảy sưu thuế, không được bắn giết dân biểu tình, phải chia ruộng đất địa chủ cho dân cày, phải bồi thường cho gia quyến người bị hại”
Để đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đang cuồn cuộn dâng lên khắp nơi, ngày 03 tháng 10 năm 1930, bọn Tây điều 120 lính khố xanh, lính lê dương kéo về làng lùng sục đốt nhà đồng Nguyễn Đức Thúy - người bị chúng tình nghi cộng sản; lấy hết đồ đạc, lùng bắt đồng chí Nguyễn Văn Tình - với tội danh cầm đầu phong trào ở làng. Chúng phá nhà đồng chí Lưu Đào nơi đồng chí dạy học đem về làm đồn, rào điếm… Trước tình thế nguy hiểm, đồng chí Lưu Đào đang đi tuyên truyền ở xóm Thượng thì được lệnh phải lánh vào rừng sâu, chờ cho bọn Tây rút lui thì tiếp tục về các làng để vạch trần tội ác của giặc.
Để cổ vũ khí thế cho phong trào đấu tranh tại địa phương, nhân dân trong làng có đám ma cố Hiến - một vị cao niên, chi bộ mong muốn nhân cơ hội này trở thành một một cuộc biểu tình lớn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Tình (Bí thư chi bộ Khánh Sơn), với chủ trương vận động nhân dân mỗi người làm một cây đèn giấy để đưa tang, đồng chí Lưu Đào được phân công nhiệm vụ đi Vinh mua sáp về phân phối cho mọi người. Tối đó, với hàng ngàn người đưa tang đều có đèn sáp làm sáng cả một vùng trời. Đúng như dự định, đám tang được cử hành trọng thể nghiêm trang và sau đó biến thành một buổi diễn thuyết - đồng chí Nguyễn Văn Tình đứng lên đọc điếu văn và động viên gia đình cũng như vận động nhân dân vùng dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột của bộ máy chính quyền thực dân phong kiến…
Các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân đã làm cho chính quyền thực dân phong kiến bị lung lay, tan rã. Hào lý bỏ việc nằm im, một số theo cách mạng. Các chi bộ Đảng và Nông hội Đỏ ở các làng xã đã giành được quyền làm chủ địa phương mình. Bọn hào lý ở Khánh Sơn không dám biểu lộ hành vi chống đối. Nông hội Đỏ đã thực sự làm nòng cốt, Đội Tự vệ là cánh tay đắc lực của chính quyền mới, là chỗ dựa tin cậy của nhân dân. Về đời sống vật chất, văn hóa - xã hội được nâng lên một bước. Tổ chức các phường tương tế, cứu tế giúp đỡ những gia đình khi gặp khó khăn…
Qua phong trào đấu tranh, nhiều cán bộ đảng viên ở Hoành Sơn trưởng thành, như đồng chí Nguyễn Văn Tình được bầu là Ban Chấp hành Tổng ủy, còn đồng chí Lưu Đào lúc này là Bí thư Nông hội Đỏ…
Đầu năm 1931, hoảng sợ trước phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân phong kiến ra sức khủng bố, tăng cường lính khố xanh, mật thám, những tên quan lại khét tiếng gian ác về đàn áp hòng dìm phong trào Xô Viết trong biển máu. Ở làng, bọn chúng cho lính đóng đồn ngay trong xã và lập ra một bộ phận bang tá, phó đoàn, phu đoàn, ngày đêm canh gác.
Để trừng trị bọn việt gian phản động làm tay sai cho địch, vào đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 4 năm 1931, chi bộ gồm các đồng chí Nguyễn Văn Tình, Lưu Đào, Nguyễn Đức Yết đã tổ chức lãnh đạo nhân dân các xã hạ tổng kéo về bao vây đốt nhà và trấn áp tên Bang tổng và tên Bộ xứ. Kết quả là tên Bang Đệ chạy thoát còn Bộ xứ bị nhân dân bắn chết cả 2 vợ chồng. Sau đó đoàn biểu tình kéo sang nhà mụ Hinh (Tên địa chủ khét tiếng gian ác của đất Hoành Sơn) lấy lúa ra tập trung tại vườn chùa Ngang để chia cho dân nghèo.
Sau vụ việc trên, lính đồn Dương Liễu kéo về làng bao vây, lùng bắt cộng sản. Chúng đốt nhà, chặt cây… và bắt cha của Lưu Đào đến đồn Hoành Sơn treo kẹp, đánh đập, tra khảo nhưng ông nhất quyết trả lời “không biết”. Không khai thác được gì nhưng chúng vẫn giải ông về Nam Đàn giam giữ (kết án 11 tháng tù giam) và trao thưởng gạo, bạc cho ai bắt được các đồng chí Lưu Đào, Tình, Yết, Thúy, Kiêm...
Mặc cho địch khủng bố, lùng sục vây bắt, mọi công tác Đảng giao các đồng chí Lưu Đào, Nguyễn Tình, Nguyễn Đức Yết… bắt buộc phải hoàn thành thành. Hàng ngày, các đồng chí phải đi sâu vào các xóm để tìm hiểu, vận động và gây dựng cơ sở, rải truyền đơn… đêm về ngủ ở nhà một giao thông liên lạc ở xóm Kênh...
Như thường lệ, vào đêm 12 tháng 8 năm 1931, khi các đồng chí đang trên đường từ làng Yên Phúc đi ra thì gặp một tốp lính đi tuần bất ngờ ập đến bao vây, giải về trao cho tòa mật thám Vinh tra khảo.
Ngày 29/1/1932, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử, kết án đồng chí Lưu Đào 3 năm tù khổ sai và 2 năm quản thúc (theo bản án 41) và đày đi Lao Bảo vì tội hoạt động cộng sản.
Trong lao tù đế quốc, dù phải đối mặt với nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, đồng chí Lưu Đào và các chiến sỹ cộng sản vẫn luôn nêu cao khí phách của một người chiến sỹ cộng sản, giữ vững một niềm tin bất diệt vào cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Năm 1935, đồng chí Lưu Đào, Phạm Nghiêm, Nguyễn Đức Thúy, Nguyễn Xuân Đồng hết hạn tù trở về tìm bắt mối liên lạc với các đồng chí ở Dương Liễu, Trung Cần, Phố Tứ… để nhen nhóm lại ngọn lửa đấu tranh cách mạng tại Khánh Sơn.
Trong Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí Lưu Đào tiếp tục sát cánh cùng anh em đồng chí của mình tham gia vào các hoạt động của Mặt trận Việt Minh bí mật ở Đông Sơn, Hoành Sơn, gây dựng cơ sở Đảng… góp phần làm nên những thắng lợi của phong trào cách mạng quê hương.
Trải qua những năm tháng đấu tranh anh dũng, gian khổ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, khi đối mặt với kẻ thù cũng như trong lao tù đế quốc, đồng chí Lưu Đào – người Đảng viên năm 1930 vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, xứng đáng là tấm gương sáng để các thế hệ học tập, noi theo ./.
Phan Thị Thảo
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Theo hồi ký đồng chí Lưu Đào lưu tại BTXVNT.
- Hồ sơ tù lưu tại Kho bảo quản BTXVNT.
- Sách LSĐB xã Khánh Sơn 1930 -2010 - NXBLĐ - Hà Nội 2010.