Đồng chí Lê Viết Lượng - Chủ tịch đầu tiên của Chính quyền Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An

Tác giả: Nguyễn Vân Anh
Ngày 2025-01-06 08:20:16

Đồng chí Lê Viết Lượng (bí danh Minh, Giáo Minh) sinh năm 1900, tại làng Cải Lương, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (nay là thôn Bắc Kinh, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí là một nhà cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. 

Lê Viết Lượng sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ buôn bán nhỏ, tần tảo nuôi các con ăn học. Năm 1919, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh học trò nghèo Lê Viết Lượng sau khi lấy bằng Sơ học Yếu lược - Primaire Élémentaire đã không thể tiếp tục theo hết các bậc học ở ngôi trường danh tiếng Quốc học Huế, phải bỏ nửa chừng về quê theo gia đình lên huyện miền núi Hương Sơn sinh sống. Ở đây, đồng chí Lê Viết Lượng cùng với đồng chí Trần Hậu – giáo viên trường Tiểu học Gia Phổ, đồng chí Nguyễn Duy Phương ở Hương Khê thường xuyên gặp gỡ nhau, trao đổi tìm con đường cứu nước. Hè năm 1920, ba người quyết định tổ chức ra hội Bài Pháp, chủ trương đánh Pháp lập ra một nước dân chủ, thu hút tầng lớp trí thức tiến bộ ở Hương Khê.

Nhờ những hoạt động tích cực của đồng chí Lê Viết Lượng và hội Bài Pháp, Nhân dân Hương Khê đã đứng dậy chống lại hào lý, đòi bồi thường hoa lợi, đấu tranh không nạp tiền phạt vụ chống bản án của Toà án Vinh kết tội nhân dân Hà Linh đốt rừng. Ngoài ra, hội Bài Pháp còn vận động nhân dân các xã ven đường sắt đấu tranh đòi bồi thường hoa lợi, trả tiền ruộng đất khi ngành đường sắt lấy làm đường, vận động công nhân công trường đá La Khê đòi chủ thầu, cai kíp phải đảm bảo quyền lợi hàng ngày cho anh em.

Giữa năm 1925, sau khi Hội Phục Việt tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, hội Bài Pháp do đồng chí Nguyễn Duy Phương đứng đầu vẫn tiếp tục hoạt động với trung tâm là vùng Hà Linh được chuyển thành chi hội Phục Việt Hương Khê. Năm 1926, chi hội Phục Việt Hương Khê được Tỉnh hội Phục Việt Hà Tĩnh công nhận là một chi hội chính thức.

Năm 1927, đồng chí Lê Viết Lượng được chính quyền thực dân phân bổ về làm giáo viên huyện Hương Khê. Cảm mến người thầy giáo trẻ tuổi mà có nghị lực, viên Tri huyện Hương Khê là Phạm Văn Dương đã gả con gái của mình là Phạm Thị Trang cho đồng chí.

Lê Viết Lượng đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Tháng 4/1927, tại chùa Trung Định (Hương Thủy), thầy giáo Lê Viết Lượng, Đỗ Đức Chức đã thành lập một tiểu tổ Tân Việt trường Tiểu học Hương Khê. Đồng chí Lê Viết Lượng và tiểu tổ đã ra sức tuyên truyền tư tưởng yêu nước, cách mạng trong học sinh, giáo chức và tổ chức nhiều nhóm đọc sách báo, truyền tin về thời cuộc trong nước và thế giới ở các làng xã lân cận. Thông qua các môn học lịch sử, địa dư, lúc công khai, lúc bí mật, các đồng chí đã truyền đạt đến học sinh những vấn đề về chính trị, tư tưởng cách mạng, hướng họ đi vào đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến. Tiểu tổ Tân Việt trường Tiểu học Hương Khê còn tổ chức một cuộc bãi khoá tẩy chay viên mật thám Bát Tạo, do địch cài vào làm giáo viên trong trường. Cuộc tẩy chay đã thu được kết quả, buộc Ty Giáo dục Hà Tĩnh phải điều Bát Tạo đi nơi khác. Tuy nhiên kẻ địch đã điều tra, lùng sục, bắt bớ một số người tham gia đấu tranh.

Đến đầu năm 1929, tiểu tổ Tân Việt trường Tiểu học Hương Khê đã có 8 đảng viên, chia làm 3 tổ để sinh hoạt. Phụ trách chung lúc đầu là đồng chí Lê Viết Lượng. Sau vụ bãi khoá, các đồng chí Lê Viết Lượng, Đỗ Đức Chức tạm ngừng hoạt động để che mắt địch, đồng chí Phạm Quang Thu được cử phụ trách chung. Đồng chí Lê Viết Lượng đã đưa đồng chí Phạm Quang Thu về tỉnh gặp các đồng chí Lê Bá Cảnh, Nguyễn Văn Lung để liên hệ công tác.

Tháng 4/1929, chính quyền thực dân chuyển Lê Viết Lượng về Huế, làm giáo viên trường Quốc học Huế. Đến địa bàn làm việc mới, đồng chí tìm cách liên lạc đồng chí Trần Hữu Duẫn, Bí thư Tân Việt tỉnh Thừa Thiên để tập trung chấn chỉnh tổ chức, lựa chọn những đảng viên Tân Việt có xu hướng cộng sản để chuẩn bị thành lập Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Đầu tháng 1/1930, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Lê Viết Lượng lúc này là phái viên của Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được cử làm Bí thư. Tỉnh ủy chủ trương nhanh chóng tổ chức lại các cơ sở ở Trường Kỹ nghệ Thực hành, Nhà máy Đèn, Nhà in và báo Tiếng Dân, các huyện vùng nông thôn. Một số cơ sở của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được củng cố lại ở Truồi, Bao Vinh, Phong Điền, Phú Lộc và nhất là ở thành phố Huế.

Cũng trong tháng 1/1930, đồng chí Lê Viết Lượng đã đến tỉnh Quảng Bình bắt liên lạc với Nguyễn Trọng Di và Dương Đình Dư là hội viên Tân Việt ở Bố Trạch bàn việc chuyển nhóm Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Lê Viết Lượng ra sức tuyên truyền giác ngộ quần chúng, phát triển đảng viên. Tổ chức của Đảng cũng được khẩn trương xây dựng từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 24/2/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc - ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đến Huế để vận động thống nhất các tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế. Chủ trương này được Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn nhất trí tán thành.

Ngày 3/4/1930, tại nhà của một cơ sở liên lạc ở Bến Ngự, hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên) thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Hội nghị đã thảo luận Cương lĩnh chính trị và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua phương hướng hoạt động và hệ thống tổ chức của Đảng bộ tỉnh. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Đảng bộ gồm: Lê Viết Lượng, Lê Bá Dị, Nguyễn Chí Huyến, Trần Hữu Duẫn và nữ đồng chí Nguyễn Thị Lụt. Đồng chí Lê Viết Lượng được bầu làm Bí thư.

Tiếp đó, từ ngày 7/4 đến ngày 10/4/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức hội nghị lần thứ I, phân công và thảo luận, thống nhất một số công tác chủ yếu trước mắt: Đồng chí Lê Viết Lượng: Bí thư kiêm tuyên truyền và tổ chức; đồng chí Nguyễn Chí Huyến: Thường vụ trực kiêm giao thông; đồng chí Lê Bá Dị: Dân vận, chủ yếu là nông vận; đồng chí Trần Hữu Duẫn: Mặt trận và học sinh; đồng chí Nguyễn Thị Lụt: Dân vận, chủ yếu là phụ vận.

Ngay sau Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên lần thứ I kết thúc, để phong trào Thừa Thiên – Huế khỏi bị đơn độc, Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định giúp đỡ tỉnh bạn kịp đẩy phong trào phát triển lên. Đồng chí Lê Viết Lượng lại ra Quảng Trị và Quảng Bình hoạt động và tổ chức nối liên lạc giữa Thừa Thiên và Quảng Trị.

Ở Quảng Trị, đồng chí Lê Viết Lượng gặp đồng chí Lê Thế Tiết bàn việc thành lập Ban vận động Đảng bộ lâm thời. Ngày 20/4/1930, tại nhà Tằm, Lê Thế Tiết đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Chi bộ Tân Tường. Chi bộ gồm 6 đồng chí: Lê Thế Tiết - Bí thư, Nguyễn Hữu Mão, Phan Thị Hồng, Lê Thị Quế, Hoàng Thị Ái, Trương Sĩ Đản. Ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ra đời, từ đó các chi bộ cộng sản có trước được thừa nhận là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và tích cực vận động phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Quảng Trị.

Ở Quảng Bình, ngày 22/4/1930, đồng chí Lê Viết Lượng đến ga Bố Trạch chuyển Ban vận động Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành tổ chức Đảng Cộng sản. Chi bộ gồm 3 đồng chí: Điện - Bí thư, Ga (tức Nguyễn Trọng Di, làm xếp ga tại Ga Kẻ Rấy) và Duyệt (tức Dương Đình Dư, thầy giáo dạy học).

Cuối năm 1930, cơ sở cách mạng của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế bị vỡ. Thực dân Pháp tiến hành một đợt khủng bố lớn, bắt gần hết các đồng chí trong Tỉnh ủy và cán bộ đảng viên các chi bộ. Trong thời gian hoạt động dưới vỏ bọc của “Thầy trợ Lượng”, đồng chí tích cực đi hoạt động cách mạng, phân phát tài liệu cho các liên lạc viên.

Ngày 10/10/1930, đồng chí Lê Viết Lượng bị bọn mật thám bắt và giải về phòng tra xét hỏi của chánh mật thám Trung Kỳ. Mặc cho những lời đe dọa, tra tấn, đòn roi tới tấp đánh vào người, thân thể rỉ máu, đồng chí vẫn khẳng định là mình bị bắt sai và không khai. Trong nhà tù, đồng chí Lê Viết Lượng vẫn nêu cao khí tiết của người cách mạng. Để tập trung lực lượng đấu tranh chống lại chế độ lao tù đế quốc, chi bộ Đảng trong nhà lao Thừa Phủ  ra đời do đồng chí Lê Viết Lượng làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và đồng chí Lê Viết Lượng, anh em tù chính trị đã đấu tranh: gửi các yêu sách, tuyệt thực, la hét, vượt ngục…đòi cải thiện chế độ lao tù; tuyên truyền công tác binh vận; xây dựng và phát triển tổ chức Đảng trong nhà lao.

Đến tháng 6/1931, đồng chí bị đày lên Kon Tum cùng chuyến với các đồng chí Bùi San, Đặng Thái Thuyến…Cùng với ban lãnh đạo Nhà lao, Lê Viết Lượng, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Bùi San… đã tổ chức lễ truy điệu cho hơn 200 anh em tù chính trị đã bỏ mình trên công trường làm đường 14 trong mùa khô lần thứ nhất (tháng 12/1930 đến tháng 5/1931) trước khi nổ ra cuộc đấu tranh lưu huyết (12/12/1931), chúng đã chuyển Lê Viết Lượng đi Nhà tù Lao Bảo. Đầu năm 1935, đồng chí Lê Viết Lượng được địch giảm án xuống còn 13 năm tù khổ sai.

Năm 1945, Nhật - Pháp đánh nhau, đồng chí Lê Viết Lượng được ra tù trở về Vinh tiếp tục hoạt động cách mạng, bắt liên lạc với các cơ sở hoạt động của Đảng.

Rạng sáng ngày 21/8/1945, hàng vạn nhân dân Vinh - Bến Thủy và ngoại thành, bao gồm các tầng lớp công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, trí thức, học sinh, từ già tới trẻ với gậy gộc, giáo mác… đã giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rộ biểu tình, tuần hành thị uy dọc các đường phố. Đúng 12 giờ trưa ngày 21/8/1945, đồng chí Lê Viết Lượng thay mặt Ủy ban Cách mạng lâm thời Nghệ An tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, thiết lập chính quyền cách mạng và kêu gọi toàn thể nhân dân giúp đỡ chính quyền mới giữ gìn trật tự, an ninh trong thành phố, bảo vệ chính quyền cách mạng. Sau đó, Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An gồm: Lê Viết Lượng (Chủ tịch), Nguyễn Tài (Phó Chủ tịch) và các uỷ viên: Nguyễn Ngọc Tuyết, Nguyễn Tạo, Chu Văn Biên, Trần Văn Quang, Nguyễn Đức Tịnh đã ra mắt quần chúng.

Ngày 3/11/1945, tại làng Yên Dũng Thượng (nay thuộc phường Hưng Dũng), thành phố Vinh, Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ Nghệ An đã khai mạc với 23 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Xuân Linh - Bí thư, Lê Viết Lượng - phụ trách chính quyền, Trần Mạnh Quỳ, Nguyễn Xuân Thành, Hồ Viết Thắng. Song song với công tác xây dựng Đảng, việc xây dựng mặt trận và các tổ chức quần chúng cũng được xúc tiến khẩn trương. Đồng chí Lê Viết Lượng và cán bộ đã về khắp các vùng trong tỉnh để tổ chức vận động quần chúng. Nhờ vậy, các hội cứu quốc được phát triển ở khắp nơi như: Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Hội văn hoá cứu quốc,...

Ngày 23/3/1946, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An (khoá I) họp phiên thứ nhất để bàn bạc những vấn đề đặt ra trước mắt, nhằm giải quyết nhiệm vụ cấp bách là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hội đồng đã bầu ra Uỷ ban nhân dân tỉnh do đồng chí Lê Viết Lượng làm Chủ tịch, đồng thời bầu Ban Thanh tra hành chính của tỉnh.

Đầu năm 1946, đồng chí Lê Viết Lượng được Nhân dân tín nhiệm bầu vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I.

Ngày 3/11/1946, Đại hội Đảng bộ Nghệ An đã khai mạc tại làng Yên Dũng với 45 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 uỷ viên, đồng chí Hồ Viết Thắng được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Các uỷ viên gồm: Lê Viết Lượng, Nguyễn Thị Du, Đinh Văn Đức, Ngô Xuân Hàm, Võ Nguyên Hiến, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Duy Lợi, Hồ Hữu Lợi, Trần Mai, Lê Nam Thắng, Cao Ngọc Thọ, Nguyễn Thanh Triêm, Nguyễn Song Tùng, Dương Ngọc Võ, Lê Đình Vỹ, Hồ Mỹ Xuyên.

Ngày 18/12/1946, đồng chí Lê Viết Lượng lúc này là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến lâm thời tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định thành lập Thị đội Vinh, do đồng chí Đinh Căn Lộc làm Thị đội trưởng, đồng chí Lê Trọng Tranh làm Chính trị viên.

Từ tháng 10/1947, đồng chí Lê Viết Lượng giữ chức Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An. Sau đó, đồng chí Lê Viết Lượng được cử làm Thường vụ liên khu ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu 4 gồm sáu tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.

Năm 1951, đồng chí Lê Viết Lượng tham dự Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Buổi chiều cận ngày bế mạc sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chủ Minh đã gặp đồng chí Lê Viết Lượng trực tiếp dặn dò ân cần giao nhiệm vụ cộng tác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuẩn bị thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Tháng 5/1951, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc, đồng chí Lê Viết Lượng làm Phó Giám đốc. Từ 1952, đồng chí Lê Viết Lượng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Chỉ một năm sau ngày thành lập ngành, đồng chí Lê Viết Lượng đã chỉ đạo thành lập tờ báo chuyên ngành - Tập san Ngân hàng (tiền thân của Tạp chí Ngân hàng thời nay).

Năm 1954, khi hòa bình vừa mới lập lại ở miền Bắc, Lê Viết Lượng đã nhanh chóng tổ chức chiêu sinh, tuyển chọn học sinh có học lực phổ thông từ các tỉnh khác lần lượt vào ngành Ngân hàng, kịp thời bổ sung về các Ngân hàng địa phương. Đồng chí cũng là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II (1960 - 1964) và khoá III (1964-1971).

Năm 1964, đồng chí Lê Viết Lượng được Trung ương điều động sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho đến lúc nghỉ hưu năm 1975. Dù phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Lê Viết Lượng luôn tận tâm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, mang hết sức mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng và quần chúng nhân dân.

Năm 1985, đồng chí qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Năm 2001, ghi nhận và tôn vinh những công lao to lớn của đồng chí Lê Viết Lượng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam có nhiều đóng góp thiết yếu vào buổi đầu ngành tiền tệ Việt Nam, ngành Ngân hàng đã long trọng tiến hành lễ dựng tượng Lê Viết Lượng trong khuôn viên của Học viện Ngân hàng (Hà Nội).

Hiện nay, ở thành phố Vinh, thành phố Huế, thành phố Kon Tum… cũng có đường phố mang tên Lê Viết Lượng. Đồng chí là một tấm gương cộng sản sáng ngời đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…

Nguyễn Vân Anh

Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Hà Tĩnh tập I,II – NXB CTQG, 1999

- Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Khê, tập 1, 1976

- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tập 1, (1930-1945), NXB Nghệ An, 2019

- Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hương Long (1930-2010), NXB Lao động Hà Nội, 2015.

- Lịch sử Đảng  bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930-1945), NXBCTQG, 1995.

 

 

 

Video