1
578
1297
3764
0
6854953
Đồng chí Lê Tử Trâm sinh năm 1903 trong gia đình nông dân nghèo tại làng Vĩnh Hòa, tổng Canh Hoạch (nay là xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng năm 12,13 tuổi, anh vẫn được cho đi học chữ Hán. Năm 17 tuổi, anh được học thêm chữ quốc ngữ ở trường làng do thầy Nguyễn Xuân Phương dạy. Trong khoảng thời gian theo học, Lê Tử Trâm đã được thầy kể chuyện về đời sống khổ cực của nhân dân ta dưới sự xâm lược của thực dân Pháp. Chính nhờ sự dạy dỗ của thầy và chứng kiến cảnh người dân lao động bị cường hào địa chủ bóc lột đã giúp Lê Tử Trâm hiểu hơn về thời cuộc, căm thù bọn đế quốc, phong kiến.
Lê Tử Trâm có người anh ruột là Lê Tử Anh, tham gia hoạt động cách mạng, là đảng viên Đảng Cộng sản nên thường được anh giáo dục thêm về tinh thần yêu nước, thương dân.
Đầu năm 1930, cơ quan Huyện ủy đóng ở trong nhà của Lê Tử Trâm nên anh thường được nghe các đồng chí: Lê Viên, Tử Quân, Nguyễn Ca…nói về đời sống khổ cực của nhân dân ta. Thời kỳ này, Lê Tử Trâm thường được các anh cho tham gia in ấn tài liệu, truyền đơn với rất nhiều nội dung như: kêu gọi nhân dân chống lại sự bóc lột, đè nén của thực dân pháp và phong kiến; chống sưu cao, thuế nặng; truyền đơn kêu gọi binh lính người Việt Nam không bắn giết nhân dân, cùng nhân dân đứng lên chống Pháp…
Ngày 2/3/1930, Lê Tử Trâm được tổ chức làm lễ kết nạp Đảng tại nhà anh Bùi Miên trong chi bộ ghép của 3 làng: Vĩnh Hòa – Bình Nguyên - Lộc Nguyên do đồng chí Bùi Miên làm Bí thư, đồng chí Phan Đình Duyệt làm phó Bí thư và các đồng chí: Trần Giảng, Nguyễn Như Lương, Lê Tử Anh, Lê Hòa.. Đồng chí Lê Tử Trâm được giao nhiệm vụ Bí thư Nông hội đỏ, phụ trách ấn loát cho Huyện ủy.
Cuối tháng 3/1930, để thực hiện nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh phong trào đấu tranh, vận động quần chúng vào tổ chức nông hội đỏ để đoàn kết sức mạnh của toàn dân, Chi bộ Vĩnh Hòa đã họp và giao cho đồng chí Lê Tử Trâm về vận động thành lập Nông hội và vận động nhân dân trong làng tham gia cuộc biểu tình ngày Quốc tế Lao động (1/5) và cuộc đấu tranh 1/8 tại Can Lộc.
Nhân kỷ niệm ngày quốc tế chống chiến tranh đế quốc, thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, từ sáng sớm ngày 1/8/1930, đồng chí Lê Tử Trâm cùng đông đảo nhân dân làng Vĩnh Hòa tập trung tại Truông Gió, sau đó kéo về huyện đường Can Lộc đấu tranh. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ Xô – Nga; miễn sưu, giảm thuế… Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, tri huyện Trần Mạn Đàn cùng binh lính đã phải ra tận cầu Nghèn nhận bản yêu sách của nhân dân và hứa 1 tháng sau sẽ giải quyết.
Trong các ngày 7,8/9/1930, dưới sự chỉ đạo của các chi bộ Đảng, nhân dân 13 xã thôn trong toàn huyện đã cùng nhân dân các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên liên tục kéo vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh. Sau các cuộc đấu tranh thắng lợi này, quần chúng rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần cách mạng của quần chúng ngày càng sôi nổi, quyết liệt.
Trước sự thắng lợi của chính quyền cách mạng, một số hào lý địa phương trong làng đã đem sổ sách, con dấu đem nộp cho chính quyền Xô viết. Ban Chấp hành nông hội đỏ ở thôn xã (xã bộ nông) dưới sự chỉ đạo của các chi bộ đã đứng lên quản lý mọi việc trong làng, thiết lập nên các làng Xô Viết. Tất cả mọi công việc đều thực hiện theo nếp sống mới, gạt bỏ tất cả mọi tục lệ phong kiến xưa cũ. Trong làng thực hiện trật tự công cộng, đắp đường, khơi mương, giúp nhau làm nhà cửa… Đồng chí Lê Tử Trâm với vai trò là Bí thư Nông hội đỏ đã vận động bà con nhân dân tham gia học chữ quốc ngữ, thực hiện vệ sinh làng xóm, ma chay cưới hỏi thực hiện theo nếp sống mới, thanh niên tích cực tham gia luyện tập trong các đội tự vệ để bảo vệ xóm làng.
Từ khoảng tháng 11/1930, địch đã bắt đầu tăng cường đàn áp, bọn chúng lập thêm một số bang tá ở các nơi như: bang tá Huyền ở Đại Yên, bang tá Chữ ở Kim Đôi, bang tá Anh ở Thạch Hương và lập thêm một số đồn ở chợ huyện có lính Pháp canh giữ. Chúng cho lính đóng ở mỗi đồn từ 5-10 người, lập thêm đồn ở xóm Hạ, đồng thời huy động lính, bang tá, đoàn dõng về càn quyét, vây bắt liên tục nhằm phá hoại cơ sở Đảng và phong trào của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man càng làm cho phong trào khó khăn hơn.
Tháng 12/ 1930, tại xóm Nhà Ao (Tiền Lương), Huyện ủy tổ chức Hội nghị đại biểu các chi bộ để tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã. Nhận được chỉ thị của Huyện ủy, Chi bộ Vĩnh Hòa phân công các đồng chí Lê Tử Trâm, Trần Tuế... phụ trách công tác in ấn tài liệu và tuyên truyền. Tổ ấn loát làm việc cả ngày lẫn đêm. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng nghìn truyền đơn, tài liệu được in rải khắp các ngả đường thôn xóm, làm cho bọn thực dân vô cùng hoang mang, lo sợ.
Khoảng tháng 6, tháng 7/1931, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy huy động quần chúng kéo về thị xã Hà Tĩnh đấu tranh, đồng chí Lê Tử Trâm được giao nhiệm vụ vận động bà con, đặc biệt là những thành viên của Nông hội đỏ làng Canh Hoạch tham gia biểu tình. Từ sáng sớm, hàng ngàn người trong các làng lân cận đã tập trung tại Cồn Giòng mang theo những lá cờ búa liềm, cờ đỏ, các khẩu hiệu như:
Sau khi quần chúng tập trung đông đảo, nghe cán bộ diễn thuyết về tình hình cách mạng, kêu gọi nhân dân đấu tranh theo khẩu hiệu, đoàn người chia làm hai ngả kéo về thị xã, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu. Khi đoàn tổng Canh Hoạch kéo đến bến đò Điệm thì bị lính chặn lại, bắn dữ dội, nhưng nhân dân vẫn tiếp tục kéo đi, người này ngã xuống, người kia xông lên, cờ đỏ búa liềm vẫn giương cao. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp đã bắn chết 3 người, một số người bị thương. Trước sự đàn áp của kẻ thù, đoàn biểu tình tạm thời giải tán để bảo toàn lực lượng.
Sau cuộc biểu tình, chi bộ họp bàn rút kinh nghiệm và tổ chức lễ truy điệu cho 3 người bị địch bắn, qua đó kêu gọi quần chúng tiếp tục đấu tranh chống sự khủng bố của kẻ thù. Cuối năm 1931, tổng Canh Hoạch chỉ còn lại 7 đảng viên. Đồng chí Lê Tử Trâm đã triệu tập chi bộ nhằm củng cố tổ chức và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cuối năm 1931, địch tăng cường đàn áp, khủng bố lùng bắt cán bộ Đảng, cơ sở Đảng ở Vĩnh Hòa bị tan vỡ, đồng chí Lê Tử Trâm và một số đồng chí khác bị bắt và đưa về giam tại đồn Xóm Họ. Qua 2 tháng giam cầm và tra tấn dã man nhưng không thu được kết quả gì, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi được tha về, đồng chí lại tiếp tục hoạt động tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong xã học chữ quốc ngữ, vận động các đội tự vệ tham gia luyện tập chuẩn bị đấu tranh.
Tháng 2/1939, đồng chí Lê Tử Trâm được bầu làm ủy viên Hội đồng dân chủ làng Vĩnh Hòa. Lúc này trong làng lại có cuộc đấu tranh mới, chi bộ hướng dẫn nhân dân viết đơn kiện lý trưởng Nguyễn Văn Thích về tội nhũng loạn, đánh đập nhân dân. Khi phong trào cách mạng ở Canh Hoạch lên cao, thực dân Pháp cho mật thám về dò la tin tức, nắm lấy danh sách cán bộ Đảng và tiến hành vây bắt.
Tháng 3/1939, đồng chí Lê Tử Trâm và các đồng chí Bùi Miên, Lê Bốn... lại bị sa vào tay giặc, lần này chúng đưa đồng chí Lê Tử Trâm về giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Tại đây, đồng chí bị nhốt trong xà lim chật hẹp, nhốt riêng từng người không cho gặp nhau. Ban ngày, chúng bắt từng người ra tra tấn để khai thác thông tin, đêm về lại nhốt vào xà lim. Mặc dù kẻ địch tra tấn, dụ dỗ nhưng vẫn không thể khuất phục được tinh thần cách mạng của đồng chí.
Năm 1940, đồng chí Lê Tử Trâm bị đưa đi đày tại nhà đày Li Hy (Thừa Thiên). Nhà đày Li Hy nằm giữa vùng rừng núi hẻo lánh, giam khoảng 240 người, trong 4 phòng chật hẹp, ẩm thấp lại thêm ruồi muỗi, ăn uống kham khổ, không có vệ sinh, bệnh rốt rét và kiết lị hoành hành nên ngày nào cũng có người chết, có ngày 2,3 người chết. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Lượng – Bí thư chi bộ nhà đày Li Hy đã kêu gọi anh em đứng lên đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi thuốc men cho người bệnh. Đồng chí Lê Tử Trâm đã cùng anh em tù đứng lên đấu tranh buộc kẻ địch phải chấp nhận một số yêu sách của anh em như :tăng khẩu phần ăn lên, giảm bớt việc nặng nhọc…
Đầu năm 1944, bọn địch lựa chọn 50 người đưa về Phú Bài để kết án, trong đó có đồng chí Lê Tử Trâm. Tháng 3/1945 khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, bọn địch lơ là trong chuyện canh gác. Trước tình hình đó, chi bộ họp và bàn bạc phải nắm lấy cơ hội này tổ chức vượt ngục trở về tham gia hoạt động cách mạng. Đêm hôm đó, nhân sơ hở của địch đồng chí Lê Tử Trâm cùng một số đồng chí khác vượt ngục về quê.
Trở về quê nhà vào khoảng tháng 3/1945, đồng chí đã bắt liên lạc với các đồng chí Ca, Thăng, Dương, Hòa tham gia hội Việt Minh và xây dựng tự vệ tại làng. Lúc này, mặt trận Việt Minh đã phát triển tương đối mạnh, quần chúng sôi nổi tham gia mặt trận Việt Minh và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Thực hiện chỉ thị của cấp trên, ngày 11/7/1945, chi bộ huy động nhân dân trong làng và đội tự vệ đứng dậy giành chính quyền. Khoảng 8 giờ sáng, nhân dân đã tập trung đầy đủ và kéo nhau vào nhà lý trưởng thu triện, sổ sách đem đốt hết. Nhân dân Vĩnh Hòa phối hợp với nhân dân Lộc Nguyên (Bình Nguyên) kéo về Đại Yên (Thạch Hà), đi tới đâu đoàn người đều hò reo vang dậy. Sau khi tịch thu triện bạ sổ sách của hào lý địa phương, chi bộ tổ chức thành lập Ủy ban lâm thời ngay tại đó, vận động quần chúng nhân dân góp gạo nuôi tự vệ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Lê Tử Trâm tiếp tục công tác và hoạt động trong các phong trào đoàn thể của địa phương, giữ nhiều chức vụ khác nhau: Trưởng ban Bình dân học vụ xã, Chủ tịch Liên việt xã, Trưởng ban Công trái Quốc gia, cấp ủy viên chi bộ Bình Lộc…
Năm 1990, đồng chí Lê Tử Trâm qua đời vì tuổi già sức yếu. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Lê Tử Trâm được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Tử Trâm là một tấm gương sáng về ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường cho chúng ta học tập, noi theo.
Nguyễn Thị Hội – Bảo tàng XVNT