22
279
740
3207
0
6854396
Đồng chí Lê Tính sinh năm 1895 tại làng Tiên Cầu, tổng Xuân Viên (nay là xã Xuân Giang), huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, có tư tưởng tiến bộ, từ nhỏ, đồng chí đã được gia đình cho theo học chữ Hán, sau đó tiếp tục ra học tại trường Quốc học Vinh. Vốn tư chất thông minh, đồng chí Lê Tính đã sớm tiếp thu thơ văn yêu nước và tư tưởng tiến bộ, đồng thời thấu hiểu thêm về thời cuộc, căm thù bọn đế quốc và cường hào, thông cảm với nỗi thống khổ của bà con nhân dân.
Ngày 14/7/1925, Hội Phục Việt ra đời tại núi Con Mèo, Vinh – Bến Thủy với tôn chỉ mục đích nhằm đoàn kết các lực lượng tiến bộ yêu nước để làm cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành tự do cho dân tộc. Các hoạt động của Hội đã có ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục truyền thống yêu nước và căm thù thực dân xâm lược cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng chí Lê Tính. Khoảng tháng 8/1925, đồng chí Lê Tính cùng cháu là Lê Duy Điếm đã gia nhập Hội Phục Việt. Các đồng chí đã hăng hái tham gia các phong trào do Hội phát động như: tham gia cuộc vận động làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, đọc và bí mật tuyên truyền các tập sách tiến bộ như “Hồi trống tự do” của Trần Hữu Độ, Tiểu sử Tôn Văn, Lê-Nin,… Đầu năm 1926, khi đồng chí Lê Duy Điếm được cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với tổ chức Thanh niên, đồng chí Lê Tính đã trở về tiếp tục hoạt động tại quê nhà.
Sau khi Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh thành lập, cuối tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều thay mặt Tỉnh ủy ra Nghi Xuân mở hội nghị thành lập Huyện ủy lâm thời Nghi Xuân. Sau khi được thành lập, đảng bộ huyện đã rất chú trọng công tác phát triển đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chi bộ Vân Hải, Tiên Cầu, Xuân Viên, Phan Xá… lần lượt được ra đời. Tháng 7/1930, với những hoạt động yêu nước tích cực từ trước, đồng chí Lê Tính được kết nạp vào Ban chấp hành Chi bộ Tiên Cầu.
Tiếp nối quá trình cống hiến tuổi xuân cho phong trào cách mạng địa phương, đồng chí Lê Tính và các đồng chí trong chi bộ Tiên Cầu đã tích cực xúc tiến thành lập các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ,..., đồng thời vận động, lãnh đạo quần chúng Tiên Cầu tham gia các hoạt động đấu tranh cách mạng.
Hưởng ứng chủ trương phát động quần chúng kỷ niệm ngày Quốc tế Chống chiến tranh đế quốc (1/8) và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Bến Thủy của Huyện ủy, tối ngày 1/8/1930, đồng chí Lê Tính đã vận động và lãnh đạo đoàn biểu tình của nhân dân Tiên Cầu phối hợp với nhân dân trong tổng Xuân Viên và các tổng Cổ Đạm, Phan Xá, Tham Xuân tổ chức mít tinh. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí huyện ủy viên, các đảng viên, đoàn biểu tình từ các hướng đã kéo về tập trung tại Bại Rộng (Xuân Hoa). Cuộc mít tinh đã thu hút hơn 500 quần chúng, đảng viên tham gia. Tiếng trống mõ, tiếng hô khẩu hiệu “Đánh đổ địa chủ cường hào, đem lại ruộng đất cho dân cày…” rền vang khắp nơi. Sau khi nghe diễn thuyết, quần chúng đã chia nhau đi tuần hành thị uy trong các xã. Đây được xem là cuộc biểu tình mở màn cho cao trào đấu tranh của nhân dân Nghi Xuân trong thời kỳ cách mạng 1930 – 1931.
Tháng 10/1930, Huyện ủy lâm thời Nghi Xuân đã tổ chức đại hội đại biểu tại Xuân Hoa, bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy chính thức do đồng chí Phan Viết Chiểu làm Bí thư. Đồng chí Lê Tính với những uy tín của mình đã được tổ chức tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Huyện ủy Nghi Xuân.
Hòa chung không khí đấu tranh sôi nổi của nhân dân các huyện, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Tính và Ban chấp hành Huyện ủy, nhân dân Nghi Xuân đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh trên quy mô lớn: cuộc biểu tình biểu dương lực lượng, thị uy bọn quan lại, hào lý tay sai với sự tham gia của hàng trăm quần chúng (ngày 12/12/1930); cuộc biểu tình thị uy liên tổng nhằm trừng trị tên phó tổng tay sai Phạm Sĩ Độ (ngày 4/12/1930),…
Ngày 27/4/1931, đồng chí Lê Tính và Ban Chấp hành Huyện ủy đã tổ chức cuộc họp mở rộng tại đền Nhà Ngai (Xuân Viên) nhằm nhận định tình hình và phát động kế hoạch đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Cuộc biểu tình sáng ngày 1/5/1931 đã thu hút gần 2.000 người được trang bị trống, chiêng, cờ băng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Xô Viết liên bang; Cơm áo cho dân cày; Ngày làm 8 giờ cho công nhân; Giảm sưu thuế, giảm tô tức, xóa nợ,...”. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, tri huyện Nghi Xuân đã hoảng sợ bỏ trốn khỏi huyện đường.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Tính và Ban Chấp hành Huyện ủy, phong trào đấu tranh của nhân dân huyện Nghi Xuân tiếp tục dâng cao trong tháng 5 và tháng 6 năm 1931 đã khiến cho bộ máy tay sai Nam triều phong kiến ở một số thôn xóm như Tiên Cầu, Phan Xá, Xuân Viên, Động Gián… bị tê liệt, tan rã.
Làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Nghi Xuân đã làm cho bọn đế quốc và phong kiến vô cùng lo sợ. Về sau, địch điên cuồng đối phó bằng các âm mưu thâm độc và chính sách khủng bố trắng: điều lính Tây về đóng đồn tại Xuân Viên, Cổ Đạm, Khải Mông và phái mật thám, đoàn binh đốt nhà, triệt hạ làng mạc, cây cối, giăng lưới lùng sục, bắt giết các đảng viên và quần chúng yêu nước Nghi Xuân.
Tháng 7/1931, đồng chí Lê Tính và một số đảng viên trong chi bộ Tiên Cầu triệu tập cuộc họp ở xóm Mai để bàn kế hoạch chống khủng bố trắng của địch. Tuy nhiên, chánh tổng, lý trưởng tay sai đã dò biết được, liền chỉ điểm cho mật thám đưa lính đồn Khải Mông vây bắt, đánh phá. Đồng chí Lê Tính bị địch bắt và giải về nhà giam huyện Nghi Xuân, rồi đưa vào nhà lao Hà Tĩnh. Mặc dù bị địch dùng đủ cực hình tra tấn, tra khảo nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí kiên cường, bất khuất của đồng chí Lê Tính. Tất cả mọi đòn roi, nhục hình của địch chỉ được trả lại bằng câu “Không biết!”. Không khai thác được thông tin gì, thực dân Pháp và Tòa án Nam triều Hà Tĩnh đã đày đồng chí Lê Tính vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Trong tù, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, bắt mối liên lạc, tham gia vào chi bộ nhà lao, là thành viên tích cực trong các phong trào đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.
Đầu năm 1936, đồng chí Lê Tính và một số đồng chí đảng viên Nghi Xuân được trả tự do, trở về quê hương tiếp tục hoạt động. Tháng 3/1936, các đồng chí đảng viên Nghi Xuân đã nhóm họp ở Tiên Cầu bàn bầu ra Ban lãnh đạo lâm thời mới gồm các đồng chí: Lê Tính, Trần Cầu, Phan Dương. Đồng chí Lê Tính được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban.
Để tạo vỏ bọc nhằm che mắt mật thám, đồng chí làm đơn xin quan huyện Nghi Xuân cho phép đi các làng trong huyện làm nghề buôn bán trâu bò, song mục đích chính là bắt liên lạc với những đảng viên địa phương, Tỉnh ủy Hà Tĩnh để tiếp tục hoạt động. Sau một thời gian, đồng chí Lê Tính đã bắt liên lạc được với đồng chí Trần Mạnh Quỳ, phái viên của Tỉnh ủy.
Cuối năm 1937, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, tại nhà đồng chí Lê Tính ở Tiên Cầu đã diễn ra Hội nghị đại biểu toàn huyện. Hội nghị gồm 8 đồng chí đảng viên trung kiên đã thống nhất thành lập Huyện ủy lâm thời Nghi Xuân. Tại cuộc họp này, đồng chí Tính được bầu làm Bí thư Huyện ủy lâm thời. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí, phong trào cách mạng đòi quyền lợi dân chủ, dân sinh ở Nghi Xuân đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các phường hội được thành lập ở hầu khắp các xã và thu hút được đông đảo lực lượng nông dân, ngư dân như: phường lợp nhà, phường cấy thuê, gặt thuê, hội đọc sách báo... Trong phong trào cách mạng 1936 – 1939, đồng chí được lịch sử đánh giá là “Tiêu biểu cho số đảng viên hoạt động trong thời kỳ này ở huyện nhà”(1) và ngay cả chính mật thám ở Hà Tĩnh cũng phải thừa nhận “Lê Tính là một phần tử xông xáo nhất”(2).
Tháng 5/1945, đồng chí Lê Tính đã bắt liên lạc được với ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm trưởng ban. Sau khi tham dự Hội nghị Việt Minh liên tỉnh tại chợ Tràng (Nghệ An), ngày 14/8/1945, đồng chí Lê Tính tổ chức hội nghị Việt minh mở rộng huyện Nghi Xuân tại nhà cụ Lê Văn Hy ở xã Xuân Viên. Đồng chí Lê Tính đã phổ biến nghị quyết của Việt Minh liên tỉnh và đề ra chương trình hành động, chủ trương bầu Ban chấp ủy Việt Minh lâm thời huyện Nghi Xuân trong thời kỳ mới. Tại hội nghị này, đồng chí Lê Tính được bầu giữ chức vụ Bí thư. Tiếp đó, sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, ngày 19/8/1945, Ban chấp ủy Việt Minh lâm thời đã mở Hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa và bầu Ủy ban Khởi nghĩa huyện do đồng chí Lê Tính làm Chủ tịch.
Chiều 19/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện, đứng đầu là đồng chí Tính đã huy động quần chúng nhân dân hàng ngũ chỉnh tề tiến vào huyện lỵ, bắt tri huyện Nguyễn Dự, phá nhà lao, thả hết người bị giam cầm, tịch thu ấn tín, sổ sách, tiền bạc công quỹ, tước vũ khí của bọn lính lệ. Đến sáng ngày 20/8/1945, đồng chí Lê Tính và Ủy ban khởi nghĩa lãnh đạo cuộc biểu tình quy mô toàn huyện với hàng vạn người tham gia, tập trung ở sân vận động huyện để làm lễ chào cờ, tuyên bố cuộc chiến đấu của nhân dân Nghi Xuân dưới lá cờ của Đảng nhằm lật đổ ách thống trị thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã thành công.
Tháng 12/1945, đồng chí Lê Tính được tổ chức tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng ban Vận động lâm thời huyện Nghi Xuân.
Năm 1955, mặc dù được Đảng và Chính phủ quan tâm đưa ra Hà Nội chữa bệnh nhưng do tuổi cao và chế độ tra tấn tàn bạo trong lao tù đế quốc, đồng chí Lê Tính đã qua đời để lại tình thương yêu, đau xót cho đồng chí, bạn bè, quê hương và gia đình.
Đồng chí Lê Tính – người chiến sĩ cộng sản gan dạ, kiên trung của quê hương Nghi Xuân, dù ở đâu, với cương vị nào đồng chí đều cố gắng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ghi nhận những cống hiến đó, đồng chí Lê Tính đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí Lê Tính là một trong những tấm gương sáng về ý chí chiến đấu cũng như tinh thần lạc quan cách mạng cho thế hệ trẻ noi theo./.
Đặng Huyền trang - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
(1) (2) Lịch sử Huyện đảng bộ Nghi Xuân (1930-1945), Xưởng in Hà Tĩnh năm 1971; tr.53