26
373
26
21253
20962
6850660
Đồng chí Lê Huy Điệp (tức Phong), sinh ngày 20/4/1909 tại làng Kim Khê Thượng, tổng Kim Nguyên (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thân phụ là Cử nhân Thị giảng học sỹ Lê Huy Thản, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sâm, con gái độc nhất của cụ Tú tài Nguyễn Đức Cầu thuộc dòng họ Nguyễn Đức (Nghi Trung). Bác ruột là Họa sỹ Lê Huy Miến, thầy giáo dạy họa đầu tiên cho Nguyễn Tất Thành khi Người học ở trường Quốc học Huế.
Ảnh: Đồng chí Lê Huy Điệp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước và khoa bảng, thuở nhỏ Lê Huy Điệp được gia đình cho đi học chữ Hán tại trường Pháp - Việt huyện Nghi Lộc. Sau khi tốt nghiệp, Lê Huy Điệp vào học tại Trường Quốc học Huế.
Cuối năm 1927, được thầy giáo Võ Liêm Sơn[1] giới thiệu, Lê Huy Điệp đã gia nhập tổ chức Đảng Tân Việt và trở thành một trong những người hoạt động tích cực tại trường Quốc học Huế. Anh tham gia hoạt động trong tổ chức Sinh hội đỏ của nhà trường và lãnh đạo học sinh trường Quốc học Huế tham gia các phong trào đấu tranh.
Năm 1928, Lê Huy Điệp trở về quê tiếp tục hoạt động. Được đồng chí Trần Phú giới thiệu, Lê Huy Điệp tìm đến gặp đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được giới thiệu về hoạt động trong Chi bộ Đảng của các đồng chí Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhã. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Thị Thiu đã ghi lại:
“Một hôm, mờ sáng, tôi xách rổ ra đồng vờ đi kiếm rau để bắt liên lạc với chị Nguyễn Thị Minh Khai ở trên tỉnh về Nghi Lộc. Vừa ra đến ngõ, bỗng tôi thấy ba bốn người lạ mặt xăm xăm đi thẳng vào cổng nhà mình. Tôi chưa kịp chào hỏi thì mấy người lạ mặt đã dừng lại mỉm cười và lên tiếng trước:
Chúng tôi là những học sinh thất học bị đuổi khỏi trường. Nay về nhà không có việc chi làm, nên rủ nhau đến đây nhờ o xin việc
Không ngờ cuộc gặp gỡ tình cờ của buổi sáng ấy đã đem đến cho tôi một người đồng chí tận tụy trung thành, một người bạn tin cậy và sau này là một người chồng thủy chung, đi suốt cùng tôi cả cuộc đời trọn vẹn ...” [2]
Giữa năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ được thành lập, Lê Huy Điệp, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu và nhiều đồng chí đang hoạt động ở Đảng Tân Việt chuyển sang tham gia.
Nhân kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga lần thứ 12 (7/11/1917- 7/11/1929), Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương phát động phong trào đấu tranh, đồng chí Lê Huy Điệp được giao nhiệm vụ phụ trách bộ phận ấn loát.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thực hiện chủ trương của Đảng và Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Thức Mẫn - Bí thư chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng huyện Nghi Lộc đã triệu tập cuộc họp tại Nhà thờ cụ Nguyễn Thức Tự để triển khai nhiệm vụ. Đồng chí Lê Huy Điệp, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc….. trở thành lớp Đảng viên đầu tiên.[3]
Trở thành người đảng viên Cộng sản, đồng chí Lê Huy Điệp hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh. Từ tháng 6 năm 1930, cùng với các đồng chí đảng viên trong Đảng bộ Nghi Lộc, Lê Huy Điệp đã góp phần thổi bùng lên phong trào cách mạng khắp các địa phương. Ngày 2/6/1930, đồng chí phụ trách vận động nhân dân ba tổng: Thượng Xá, Đặng Xá, Kim Nguyên. Ngày 25/6/1930, tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh với quy mô lực lượng lên đến hàng vạn người trong toàn huyện tham gia. Trong cuộc đấu tranh này, đồng chí Lê Huy Điệp tham gia lãnh đạo quần chúng nhân dân tổng Kim Nguyên. Sau cuộc đấu tranh, cuối tháng 6 - 1930, Lê Huy Điệp và một số đồng chí bị bắt giam tại nhà lao Vinh. Trước những thủ đoạn tra khảo, dụ dỗ của kẻ thù, đồng chí vẫn kiên cường giữ vững khí tiết. Sau một tuần giam giữ, bọn cai ngục đành thả Lê Huy Điệp về. Ra khỏi nhà lao, đồng chí lại tiếp tục hoạt động.
Năm 1931, kẻ địch điên cuồng mở cuộc khủng bố trắng. Chúng lục soát các cơ sở ấn loát của Đảng đặt tại nhà đồng chí Lê Huy Điệp. Để tránh tổn thất cho cách mạng, đồng chí Lê Huy Điệp được Tỉnh ủy Nghệ An điều lên làm việc tại cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ, cùng đồng chí Nguyễn Thị Phúc phụ trách cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ đóng ở làng Yên Lưu (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh).
Ngày 13/9/1931, tên bang tá Kiều ở tổng Đặng Xá đã huy động lực lượng gồm lính bang tá và đoàn phu trong vùng kéo đến bao vây cơ quan Huyện ủy, nhiều đồng chí cán bộ Xứ ủy, Huyện ủy sa lưới địch, trong đó có đồng chí Lê Huy Điệp.
Những ngày bị giam trong nhà lao Vinh, đồng chí Lê Huy Điệp đã dạy mọi người học văn hóa, học làm thơ, giúp anh em hiểu những âm mưu xảo quyệt của kẻ thù và có thêm kinh nghiệm đối phó khi họ bị gọi đi hỏi cung. Lê Huy Điệp đã trao đổi kinh nghiệm đối khẩu với kẻ thù khi bị ép cung để vừa giữ được thanh danh, vừa bảo vệ được Đảng mà kẻ thù không có cớ để buộc tội. Tinh thần đoàn kết, tình thương yêu và giúp đỡ anh em học tập trong nhà lao Vinh của Lê Huy Điệp là một tấm gương động viên tù chính trị giữ vững niềm tin, tiếp tục đấu tranh phản đối mọi chế độ hà khắc của thực dân Pháp đối với tù chính trị.
Năm 1932, nhân dịp Vua Bảo Đại hồi loan, để lấy lòng dân chúng, phong kiến Nam triều đề nghị thực dân Pháp đặc ân, cho thả một số tù chính trị trong đó có đồng chí Lê Huy Điệp.
Ra tù khi các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Nghi Lộc bị bắt gần hết, các đồng chí Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc vẫn chưa được thả. Lê Huy Điệp tìm cách khôi phục các cơ sở Đảng đã bị xóa sau cuộc khủng bố trắng. Từ đây, phong trào cách mạng của tổng Kim Nguyên được khôi phục và phát triển mạnh hơn. Trước tình hình đó, lấy cớ Lê Huy Điệp chống lại lệnh trình diện, bọn hương hào, lý trưởng làng Kim Khê trình lên tri huyện, kết tội Lê Huy Điệp tuyên truyền cộng sản, xúi giục thanh niên địa phương gây mất trật tự trị an, đồng chí bị bắt lần thứ 3.
Năm 1935 được thả tự do, đồng chí Lê Huy Điệp lại cùng các chiến sỹ cộng sản huyện Nghi Lộc vận động nhân dân đấu tranh trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Khôi phục các cơ sở Đảng trước đây đã bị tan rã, Lê Huy Điệp tiếp tục viết bài đăng lên báo để tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi tự do dân chủ, liên lạc với các đồng chí đã hoạt động trước đây để phát động phong trào đấu tranh trong thời kỳ mới.
Tháng 7-1936, tranh thủ thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền, Đảng ta chủ trương vận động nhân dân đấu tranh đòi thả tù chính trị, tổ chức các buổi mít tinh, biểu tình để thị uy lực lượng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Lê Huy Điệp cùng các đồng chí đảng viên đến từng làng xã vận động nhân dân đi đón tiếp Gô đa để đưa yêu sách.
Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, Lê Huy Điệp đã tích cực tổ chức lại các lớp học chữ Quốc ngữ, vận động một số đảng viên và trí thức yêu nước tự bỏ tiền nhà, mua các loại sách báo bán công khai phục vụ nhân dân, góp phần nâng cao dân trí.
Tháng 11/1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trước tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Từ năm 1943- 1945, Lê Huy Điệp phụ trách công tác Thanh niên Việt Minh bí mật. Đồng chí tích cực viết báo để tuyên truyền, chống những luận điệu xuyên tạc của địch, nói xấu Đảng Cộng sản, tổ chức phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ và vận động tương tế ái hữu để cứu đói cho dân .
Từ tháng 5 đến tháng 8-1945, đồng chí Lê Huy Điệp hoạt động trong Ban Huyện bộ Việt Minh lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945. Đến tháng 10-1945, đồng chí được bầu làm Ủy viên Huyện ủy lâm thời huyện Nghi Lộc, tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội trong thời kỳ đất nước vừa giành được độc lập .
Từ năm 1946 đến 1947, sau khi cả nước tiến hành bầu cử Quốc hội (6-1-1946) và Hội đồng nhân dân các cấp, đồng chí Lê Huy Điệp được bầu làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến huyện Nghi Lộc.
Tháng 3-1947, Đảng bộ huyện Nghi Lộc tiến hành Đại hội để bầu ra một Ban chấp hành chính thức gồm 13 ủy viên. Đồng chí Lê Huy Điệp được bầu làm Bí thư Huyện ủy khóa đầu tiên của Đảng bộ huyện Nghi Lộc.
Tháng 12-1947, trong không khí sục sôi tinh thần kháng chiến và kiến quốc, Đảng bộ huyện Nghi Lộc tiến hành Đại hội để bầu Ban Chấp hành mới gồm có 17 Ủy viên. Đồng chí Lê Huy Điệp tiếp tục được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức vụ Bí thư.
Ngày 6 tháng 1 năm 1948, tại Đại hội Đảng bộ Nghệ An, đồng chí Lê Huy Điệp được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An và được Ban Chấp hành Tỉnh ủy bầu vào Ban Thường vụ. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Huy Điệp vẫn giữ chức Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc. Đến tháng 1-1949, đồng chí được điều động lên tỉnh, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Tôn giáo.
Từ năm 1950, đồng chí Lê Huy Điệp làm ủy viên Thường vụ Thường trực Đảng bộ, kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Năm 1953, đồng chí là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, lần lượt phụ trách các công tác: Trực Đảng, Tuyên huấn, Tổ chức và Phó Hội trưởng Liên Việt tỉnh Nghệ An.
Từ năm 1954-1957, đồng chí Lê Huy Điệp được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1957, sau thời gian mãn khóa Trường Đảng cao cấp, đồng chí trở về Nghệ An công tác, tiếp tục đảm nhiệm công việc Trưởng Ban Tôn giáo vận Tỉnh ủy.
Từ năm 1961 đến năm 1969, đồng chí Lê Huy Điệp được cử giữ chức Trưởng ban Tôn giáo vận kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An. Đến năm 1969, đồng chí được về nghỉ hưu với gia đình tại khu tập thể cán bộ ở Giảng Võ, Hà Nội.
Với những đóng góp trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Lê Huy Điệp đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, Huân chương cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh và nhiều phần thưởng cao quý của các Ban, Ngành.
Năm 1991, vì tuổi cao sức yếu, sau thời gian lâm bệnh, đồng chí Lê Huy Điệp đã từ trần vào ngày 7-1- 1991, tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Huy Điệp xứng đáng là tấm gương sáng ngời về đạo đức, phẩm chất cao cả của người cán bộ cách mạng cho chúng ta học tập, noi theo.
Lương Thùy Vân
Phòng TBTTGD - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Cụ Võ Liêm Sơn, một thân sỹ yêu nước, nhà thơ, quê ở xã Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 10 tuổi, Võ Liêm Sơn học tại trường Quốc học Huế với Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tất Đạt, Lê Đình Thám. tốt nghiệp Thành chung năm 1911. Năm 1912, đậu Cử nhân Hán học. Năm 1919, Võ Liêm Sơn được điều ra dạy Hán văn và Việt văn tại trường Quốc học Huế
[2] Nữ chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Phụ nữ 1980 Tr 33-34
[3] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Nghi Lộc. Nxb Nghệ An 1991 Tr 65.