174
423
3253
20768
20962
6850175
Đồng chí Lê Công Liên (tức Lê Công Tiệu, Lê Tiệu, bí danh là Đức), sinh năm 1906 ở làng Ngọc Luật, tổng Vân Tụ, nay là xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ông nội và ông ngoại Lê Công Liên đều tham gia nghĩa quân của cụ Nguyễn Xuân Ôn. Thân phụ là ông Lê Liệu, anh trai là đồng chí Lê Điều, hai người đều có đóng góp tích cực trong phong trào cách mạng địa phương. Thuở nhỏ, được cha kể cho nghe nhiều câu chuyện về những tấm gương anh dũng trong các phong trào Văn Thân, Cần Vương, từ đó nhen nhóm trong Lê Công Liên ngọn lửa yêu nước.
Ảnh: Đồng chí Lê Công Liên
Năm 1927, đồng chí Chu Đàm (Diễn Châu) đã về làng Ngọc Luật để hoạt động, giác ngộ lý tưởng cộng sản cho các lớp thanh niên tân tiến ở đây. Đồng chí Lê Công Liên hăng hái tham gia tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở tổng Vân Tụ, trở thành hạt nhân đầu tiên của Đảng ở Ngọc Luật. Đồng chí đã tích cực đi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân.
Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, nhân kỷ niệm lần thứ 13 Cách mạng Tháng Mười Nga, huyện Yên Thành đã tổ chức cuộc biểu tình lớn quy mô toàn huyện vào ngày 7/11/1930 nhằm biểu dương lực lượng quần chúng, đòi giảm sưu, hoãn thuế, phản đối đế quốc phong kiến đàn áp công nhân Vinh - Bến Thủy (1/5) và nông dân Hưng Nguyên (12/9). Một cuộc họp được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Ngoạn, gồm có các đồng chí: Nguyễn Thực, Nguyễn Chuyên, Nguyễn Ứng, Lê Điều, Lê Công Liên, Lê Thân, Võ Châu… bàn kế hoạch chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Sáng ngày 7/11/1930, đồng chí Lê Công Liên cùng với dòng người tổng Vân Tụ do các đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy, Nguyễn Thực, Lê Điều… lãnh đạo, kéo xuống huyện đường. Đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:
- Đả đảo bọn đế quốc và phong kiến Nam triều.
- Ủng hộ công - nông Vinh – Bến Thủy, Hưng Nguyên.
- Giảm sưu, hoãn thuế, miễn công dịch.
- Ủng hộ cách mạng Nga – Xô.
Đoàn biểu tình thượng huyện kéo đến Nhà Vàng bị lính bắn chết 2 người và mấy người bị thương. Đoàn biểu tình hạ huyện đi tới Cầu Muống (Phú Thành) bị lính lê dương bắn xả vào đám đông làm chết 10 người và nhiều người bị thương, buộc phải giải tán.
Ngày 10/11/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành được thành lập, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ban Chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các tổng để phát triển chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng. Ngay sau đó, chi bộ Đảng các làng Trụ Pháp, Ngọc Luật, Đông Yên, Quỳ Trạch, Quan Hóa... lần lượt ra đời; các tổ chức quần chúng như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Hội Tán trợ cũng được thành lập để thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Cuối năm 1930, trải qua thử thách trong công tác, đồng chí Lê Công Liên được kết nạp vào Đảng, sinh hoạt trong Chi bộ Cao Sơn do đồng chí Lê Điều làm Bí thư.
Đồng chí Lê Công Liên được phân công nhiệm vụ in truyền đơn, tổ chức Nông hội Đỏ, thành lập đội Xích vệ ở thôn Ngọc Luật nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Đầu năm 1931, đồng chí cùng đội Xích vệ, nhân dân Ngọc Luật biểu tình lấy lúa gạo của địa chủ chia cho người nghèo, tổ chức giải thích vận động nhân dân treo cờ Đảng, đánh trống cổ động khích lệ tinh thần đấu tranh…
Phong trào cách mạng ở Yên Thành phát triển mạnh đã dồn kẻ địch vào tình thế lo sợ, hoang mang. Chúng ra sức khủng bố ác liệt. Thời kì này, ông Lê Liệu được cách mạng bố trí ra làm lý trưởng để che mắt địch. Thực dân Pháp về làng Ngọc Luật để vây bắt anh em đồng chí Lê Công Liên và Lê Điều nhưng không bắt được, chúng quay ra tra tấn, đánh đập ông Lê Liệu, đồng thời cho tên giám binh người Pháp ở Đô Lương đem lính xuống định tàn phá làng Ngọc Luật. Đồng chí Nguyễn Công Liên liền huy động ngay đội Xích vệ để đối phó, tổ chức thành đội tuần phu gồm những người trung kiên đứng ra che chở cho Đảng và bảo vệ làng.
Cuối tháng 6/1931, Tỉnh ủy Nghệ An cử đồng chí Nguyễn Trình (người Nam Đàn) về khôi phục lại Huyện ủy Yên Thành, thành lập Ban Chấp hành Huyện ủy gồm có các đồng chí: Nguyễn Trình (Bí thư), Lê Công Liên, Lê Điều, Nguyễn Dục, Phạm Khương. Huyện ủy lại chọn miền đồi núi Ngọc Luật làm căn cứ, vừa để bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, vừa chỉ đạo phong trào.
Ngày 1/7/1931, đồng chí Lê Công Liên bị địch bắt và giam ở đồn Trụ Pháp, rồi đưa về giam ở nhà lao huyện Yên Thành. Sau một thời gian giam giữ, tháng 11/1931, tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An kết án đồng chí Lê Công Liên 2 năm tù giam và 18 tháng quản thúc và đem về nhà lao Diễn Châu (Bản án số 172 ngày 18/11/1931). Cuộc sống trong tù vô cùng khổ cực, ăn uống thiếu thốn lại toàn gạo mốc với cá thối. Trước hoàn cảnh đó, đồng chí Lê Công Liên và anh em trong tù quyết định đấu tranh tuyệt thực, khiến địch phải nhượng bộ, cải thiện bữa ăn và sinh hoạt trong tù.
Năm 1933, đồng chí Lê Công Liên được thả tự do, về quê tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1934, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Phan Vinh, người làng Liên Trì, xã Liên Thành đã về làng Ngọc Luật bắt mối với đồng chí Lê Công Liên và các chính trị phạm vừa ở tù ra để làm hạt nhân khôi phục phong trào, xây dựng cơ sở Đảng ở Yên Thành. Chỉ sau một thời gian ngắn, Chi bộ Tổng Vân Tụ gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Phan Vinh, Lê Điều, Lăng Lai, Lê Du… được thành lập.
Đầu năm 1936, chi bộ ghép tổng Vân Tụ được tách ra thành bốn chi bộ nhỏ: chi bộ Ngọc Luật (do đồng chí Lê Công Liên làm Bí thư), Chi bộ Quan Chương, Chi bộ Trụ Pháp, Chi bộ Liên Trì.
Tháng 12/1936, đồng chí Lê Đình Vỹ thay mặt Tỉnh uỷ Nghệ An ra Liên Trì (Liên Thành) triệu tập hội nghị thành lập ban chấp hành Đảng bộ huyện lâm thời gồm 3 đồng chí: Phan Vinh, Lê Công Liên, Nguyễn Khương (làng Trụ Pháp) do đồng chí Phan Vinh làm Bí thư.
Đầu năm 1937, theo chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An, huyện ủy Yên Thành triệu tập Đại hội Đảng bộ ở làng Ngọc Luật. Ban chấp hành chính thức Đảng bộ huyện gồm có đồng chí Phan Vinh (Bí thư), Lê Công Liên (Phó Bí thư), Ngô Xuân Hàm, Nguyễn Khương, Nguyễn Tân.
Năm 1940, thực dân Pháp thấy phong trào quần chúng ở làng Ngọc Luật ngày càng mạnh, chúng ra sức khủng bố, bắt bớ Đảng viên và những người tình nghi, đồng chí Lê Công Liên bị mật thám Vinh cho lính về tận nhà bắt lần thứ 2 và bị đưa đi an trí ở La Hy (nhà tù La Hy ở Huế).
Năm 1943, đồng chí Lê Công Liên bị đưa về nhà lao Phú Bài ở Huế. Suốt những năm tháng trong tù, đồng chí bị địch dùng đủ cực hình để tra tấn, đánh đập, nhưng với một lòng trung thành, một ý chí kiên cường của người đảng viên, địch vẫn không khai thác được thông tin gì từ đồng chí Lê Công Liên. Trong những trang hồi ký của mình, đồng chí Lê Công Liên nhớ lại: “… Lúc đó tinh thần tôi rất vững vàng một trận thi gan với chúng… Chúng dùng dây thừng trói chặt hai tay tôi, vặn trái ra sau lưng rồi uốn thẳng cả người lên rồi dí điện vào người tôi, máu trong người như sôi lên, toàn thân rã rời, tê buốt nhưng nói được điều nào tôi đều trả lời: Không biết…”. Trong lao tù, đồng chí Lê Công Liên vẫn tích cực tham gia đấu tranh đòi cải thiện đời sống, sinh hoạt, học tập, chống khủng bố đánh đập, chống các hình thức bóc lột anh em tù.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Lê Công Liên cùng anh em tù phá nhà lao trốn thoát ra ngoài. Đồng chí Lê Công Liên tìm cách trở về quê, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia cướp chính quyền và giữ nhiều chức vụ quan trọng ở địa phương. Đồng chí Lê Công Liên với những đóng góp to lớn của mình trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như sau này đã được Tỉnh ủy Nghệ An quyết định công nhận là cán bộ lão thành cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Công Liên đã để lại một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nguyễn Vân Anh
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Hồi ký đồng chí Lê Công Liên lưu tại kho lưu trữ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Địa chí – lịch sử xã Minh Thành, NXB Nghệ An, 2009.
- Lịch sử đảng bộ xã Đại Thành, huyện Yên Thành