26
279
744
3211
0
6854400
Đồng chí Lê Bật hay còn gọi là Lê Xuân Sơn, sinh năm 1894 tại làng Trung Lương, tổng Trung Lương, huyện Can Lộc (nay là Phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh), tỉnh Hà Tĩnh. Cha là ông Lê Luyện, sinh năm 1853, một thầy giáo dạy chữ Nho có tư tưởng tiến bộ. Mẹ là bà Nguyễn Thị Diêm, sinh năm 1855, một phụ nữ trung hậu, yêu chồng, thương con. Sinh ra trong một gia đình trung nông có 4 anh em, đồng chí và các anh được được cha mẹ chắt chiu tạo điều kiện để ăn học.
Như bao miền quê Hà Tĩnh, làng Trung Lương xưa, phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh nay là mảnh đất nghèo khó thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt nhưng người dân nơi đây rất giàu lòng yêu nước và cách mạng. Người dân Trung Lương thông minh, cần cù chịu khó với những bậc khoa bảng, tướng lĩnh… từng đóng góp tích cực vào sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.
Khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược Nghệ Tĩnh, nhân dân Trung Lương đã hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh trong phong trào Văn thân, Cần Vương. Đặc biệt, trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, nhân dân Trung Lương với nghề rèn nổi tiếng đã nhiệt tình giúp đỡ nghĩa quân rèn các vũ khí như đao, kiếm, mã tấu... và quyên góp thóc gạo, vàng bạc cho nghĩa quân, góp phần tạo nên chiến thắng Khe Trươi vang dội… Chính những truyền thống tốt đẹp của quê hương đã góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, tâm hồn, cốt cách người chiến sỹ cộng sản kiên trung - đồng chí Lê Bật.
Ngay từ nhỏ, đồng chí Lê Bật đã được theo học lớp chữ Nho của cha. Nhận thấy tư chất thông minh, hiếu học của con, ông Lê Luyện tiếp tục cho con theo học lớp chữ quốc ngữ tại trường làng. Sớm được tiếp cận những sách báo, tư tưởng tiến bộ, càng ngày, cậu thanh niên Lê Bật càng tỏ ra là một người có bản lĩnh cứng cỏi, ham học hỏi và say mê với những vần thơ, áng văn đầy chí khí cách mạng, sục sôi lòng yêu nước của các bậc cha anh.
Sau khi Đảng bộ Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh thành lập (tháng 3/1930), tháng 4/1930, Huyện ủy lâm thời huyện Can Lộc ra đời gồm 5 đồng chí, do đồng chí Võ Tạc làm Bí thư đã đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử cách mạng huyện nhà. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị tháng 4 năm 1930 về công tác phát triển Đảng, Ban cán sự Huyện ủy đã phân công đảng viên về các làng xã trong toàn huyện để gây dựng tổ chức và phát triển đảng viên. Nhờ sự năng nổ trong công tác công tác tuyên truyền, vận động của các đồng chí, sau hơn nửa năm, toàn huyện đã có 26 chi bộ với hơn 200 đảng viên và thu hút được đông đảo nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ….
Ở Trung Lương, tuy tổ chức Đảng chưa được thành lập nhưng một số thanh niên yêu nước có tư tưởng cách mạng như đồng chí Lê Bật, Lê Phương, Trần Chiêm… đã được các đồng chí đảng viên là Hồ Văn Ninh (quê ở Trung Lễ, tổng Văn Lâm, Đức Thọ), Nguyễn Tiệp (quê ở Yên Hồ, Đức Thọ) tiếp cận giác ngộ và lập ra tổ chức Nông hội đỏ làng Trung Lương. Là ủy viên Ban Chấp hành Nông hội đỏ của xã, đồng chí Lê Bật đã tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng đến các tầng lớp nhân dân Trung Lương, đồng thời cùng với các đồng chí trong tổ chức Nông hội vận động nông dân trong làng đứng dậy đấu tranh đòi chia 30 mẫu ruộng công mà hào lý địa phương đang giữ cho dân nghèo. Hoảng sợ trước sức ép của nhân dân, lý – dịch địa phương đành nhượng bộ. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi với kết quả hầu hết số ruộng đất công đã được chia cho nhân dân.
Tháng 8/1930, khí thế đấu tranh vang dội của nhân dân Trường Thi – Bến Thủy và nhân dân Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà càng tiếp thêm động lực, tinh thần đấu tranh cho đồng chí Lê Bật nói riêng và người dân Trung Lương nói chung.
Nhân ngày Quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc 1/8/1930, đồng chí Lê Bật và Ban Chấp hành Nông hội đỏ đã hướng dẫn quần chúng trong làng mang theo cờ đỏ, gậy tầm vông phối hợp với nhân dân các làng Quỳnh Lâm, Phúc Sơn tập trung tại đình làng (khu chùa Tiên hiện nay). Khi lực lượng đã đông, các đồng chí liền phát động cuộc biểu tình. Đoàn người vừa giương cao cờ đỏ búa liềm, vừa đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Đảo đảo đế quốc, phong kiến”, “Chống đốt nhà cướp của”… rầm rập tiến bước và hòa chung vào đoàn của tổng Yên Hồ (Đức Thọ) kéo vào đồn Lạc Thiện (xã Trung Lễ ngày nay). Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, binh lính không dám ra mặt chống đối chỉ cố thủ trong đồn.
Đầu tháng 3 năm 1931, nhân dịp Huyện ủy Đức Thọ chủ trương mở cuộc biểu tình quy mô lớn, đồng chí Lê Bật tiếp tục vận nhân dân làng Trung Lương tham gia đấu tranh. Dưới sự hướng dẫn của các đồng chí Lê Bật, Võ Huấn, nhân dân làng Trung Lương, Ngọc Sơn, Vân Chàng, Vĩnh Ninh (tổng Trung Lương, Can Lộc), Nội Diên, Yên Phúc (tổng Yên Hồ, Đức Thọ) sau khi tập trung tại sân đình xóm Trung (Yên Hồ) đã hàng ngũ chỉnh tề tiếp tục kéo về đồn Lạc Thiện. Vừa đi, đoàn vừa hò reo, vừa hô vang khẩu hiệu. Khi đoàn biểu tình đi đến Cửa Diệc (nay thuộc xã Yên Hồ, Đức Thọ) thì địch đã kịp cử lính Pháp từ đồn Vịnh Đại (nay thuộc xã Đức Vịnh, Đức Thọ) vào chặn đường. Không hề e sợ trước mũi súng của địch, đồng chí Lê Bật, Võ Huấn vẫn lãnh đạo nhân dân hàng ngũ chỉnh tề và hô to các khẩu hiệu đấu tranh. Lính Pháp đã xả súng vào đoàn biểu tình khiến đồng chí Võ Huấn, Phạm Tứ Thắng hi sinh tại chỗ và nhiều người bị thương. Trước tình thế đó, đồng chí Lê Bật và các đồng chí phụ trách Nông hội, Tự vệ đã chỉ đạo bà con giải tán để bảo toàn lực lượng.
Căm thù trước hành động dã man của địch, ngày 25/3/1931, đồng chí Lê Bật và đông đảo quần chúng Trung Lương tiếp tục đứng lên hưởng ứng cuộc đấu tranh do Huyện ủy Đức Thọ phát động. Hàng ngàn quần chúng nhân dân tổng Trung Lương, Lai Thạch (Can Lộc), Yên Hồ (Đức Thọ) vừa đi vừa đánh trống vừa hô vang các khẩu hiệu phản đối việc lập thêm đồn binh Thái Yên (Đức Thọ). Khi đoàn biểu tình đi đến đầu bến Đò Đe thì bị binh lính Pháp kéo đến đàn áp. Trước mũi súng kẻ thù, đồng chí Lê Bật và nhân dân đều đồng thanh hô to ““Đảo đảo đế quốc, phong kiến”, “Đả đảo bắt bớ, bắn giết quần chúng biểu tình”. Trong lúc đoàn biểu tình đánh trống thúc giục tiến tên, địch đã bắn vào đoàn người khiến ông Phạm Kiền (Yên Hồ, Đức Thọ) hi sinh ngay tại chỗ.
Trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Pháp và phong kiến tay sai vô cùng lo sợ đã điên cuồng đối phó bằng các âm mưu thâm độc và chính sách khủng bố trắng. Chúng điều lính từ các đồn Hữu Chế, Lạc Thiện (Đức Thọ) kéo xuống Trung Lương tiến hành các cuộc khủng bố đẫm máu. Sau đó, chúng chiếm đóng trường Sơ học Trung Ngọc làm đồn bính cho lính lê dương về đóng giữ. Được sự giúp sức, chỉ điểm của một số tay sai đắc lực trong làng, lính Pháp đã tiến hành nhiều cuộc lùng sục, bắt bớ các chiến sỹ cách mạng và quần chúng tích cực tham gia cách mạng địa phương. Đồng chí Lê Bật, người cán bộ Nông hội đỏ Trung Lương đã bị bắt ngay tại nhà. Trước những nhục hình tra tấn địch, đồng chí Lê Bật vẫn giữ trọn lời thề sắt son với Đảng, không hề khai báo nửa lời. Đồng chí đã bị Tòa án Nam triều tỉnh Hà Tĩnh kết án 01 năm tù giam theo Bản án số 191 ngày 09/11/1931 và giải về giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Trong tù, đồng chí Lê Bật và các đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước lại tiếp tục bí mật sinh hoạt, trao đổi thông tin và tổ chức các hình thức đấu tranh như: làm reo, tuyệt thực; đấu tranh đòi thả cùm…
Ngày 30/5/1932, đồng chí Lê Bật ra tù và bị đưa về quản thúc tại quê nhà. Ngay sau đó, đồng chí tiếp tục liên lạc với tổ chức đảng và tích cực tham gia hoạt động cách mạng tại quê hương.
Ngày 16/8/1945, chấp hành mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa xã Trung Lương, đồng chí Lê Bật đã kêu gọi nhân dân làng Trung Lương đứng lên tham gia cuộc tuần hành trên quy mô toàn xã. Đoàn tuần hành đi từ Chợ Huyện lên sân Chùa Tiên. Đoàn đến đâu, nhân dân các xóm gia nhập thêm vào đông đảo đến đấy. Đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc phong kiến”, “Việt Minh vạn tuế”. Trước khí thế ngút trời của quần chúng, chánh tổng và lý trưởng các làng Trung Lương, Quỳnh Lâm … đã tự nguyện trao nộp ấn tín, sổ sách, thẻ bài cho Ủy ban khởi nghĩa.
Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, trong giai đoạn lịch sử nối tiếp, đồng chí Lê Bật vẫn tiếp tục cống hiến nhiệt huyết của mình cho phong trào cách mạng quê hương, được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ tại địa phương như: Ủy viên Ban Tư pháp, Ủy ban lâm thời xã Trung Lương (1945), Ủy viên Ban Chấp hành Nông dân cứu quốc xã Hồng Tiên (tháng 9/1946), Ủy viên Ban chấp hành Việt Minh xã Hồng Tiên (11/1948)…
Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng tại địa phương, đồng chí Lê Bật đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Cuộc đời hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Bật là một trong những tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần quả cảm, để lại những bài học quý báu cho thế hệ hôm nay noi theo.
Đặng Huyền Trang – Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
1. Tư liệu, lời kể của gia đình đ/c Lê Bật
2. Sơ thảo LSĐB Phường Trung Lương, TX. Hồng Lĩnh