Đồng chí Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung của quê hương Nam Đàn

Tác giả: Đặng Huyền Trang
Ngày 2025-03-06 10:09:01

Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được xem là vùng “địa linh nhân kiệt” với truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng và là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong những năm đầu khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới được thành lập, đất và người Kim Liên được xem là một trong những điểm sáng của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí Hoàng Kỳ là một trong những tấm gương cộng sản kiên trung tiêu biểu của quê hương Kim Liên trong giai đoạn lịch sử đầy gian khó và hào hùng này.

Đồng chí Hoàng Văn Kỳ (1908-1989), thường gọi là Hoàng Kỳ, bí danh Trung, quê ở làng Vân Hội, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tuy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng ông Hoàng Văn Hạng, cha của đồng chí Hoàng Kỳ là một người có tinh thần yêu nước tiến bộ. Nhận thấy tư chất thông minh và giàu lòng trắc ẩn của con, ông Hoàng Văn Hạng đã tạo điều kiện để Hoàng Kỳ được tham gia lớp học chữ Nho của trường làng.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Kỳ chịu nhiều ảnh hưởng từ người cậu ruột là đồng chí Vương Thúc Thoại (Vương Thoại) – một nông dân có tinh thần yêu nước đã từng tham gia phong trào Văn thân, bị địch bắt giam 7 năm; sau khi được trả tự do đã về tiếp tục tham gia đội Tự vệ đỏ làng Hoàng Trù trong phong trào cách mạng 1930-1931. Noi gương cậu Vương Thúc Thoại, đồng chí Hoàng Kỳ sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ấp ủ hoài bão được cống hiến cho công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương.

Năm 1927 – 1928, thông qua các hoạt động mạnh mẽ của tổ chức Thanh niên và Tân Việt tổng Lâm Thịnh, những tài liệu, sách báo tiến bộ nhanh chóng được truyền bá sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Trong khoảng thời gian này, đồng chí Hoàng Kỳ đã được giác ngộ và hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh giữa phe hộ và phe hào, chống phụ thu lạm bổ, đòi quân cấp công điền, công thổ,…

Giữa năm 1929, đồng chí Vương Thúc Xuân, hội viên Thanh niên ở Kim Liên sau khi bắt liên lạc với chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Xuân Tường (Thanh Chương) đã về tổng Lâm Thịnh để xây dựng cơ sở Đảng. Đồng chí Hoàng Kỳ – người thanh niên hiền lành, có tinh thần yêu nước tiếp tục tham gia vào các hội nhóm đọc sách báo tiến bộ trong thời gian này.

Tháng 4/1930, Ban Chấp hành lâm thời Huyện ủy Nam Đàn được thành lập, nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân. Sau khi được thành lập, các đồng chí Huyện ủy viên đã hội họp và ra quyết định đẩy mạnh tuyên truyền để thành lập các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn toàn huyện. Chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng bộ huyện Nam Đàn đã xây dựng hệ thống tổ chức Đảng quy củ từ cấp tổng đến làng, xã.

Ngày 25/4/1930, chi bộ ghép của các làng Vân Hội, Ngọc Đình, Tình Lý, Hoàng Trù được thành lập. Đến tháng 5/1930, chi bộ phát triển thêm một số đảng viên, lấy tên là Chi bộ Sơn Hà, do đồng chí Nguyễn Danh Đoan làm Bí thư.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đồng chí Hoàng Kỳ và những thanh niên yêu nước làng Vân Hội đã tích cực trong các phong trào đấu tranh ở địa phương. Đồng chí Hoàng Kỳ sớm được kết nạp vào tổ chức tự vệ đỏ và trở thành nhân tố tích cực của các hoạt động đấu tranh.

Hòa nhịp với phong trào của cả nước nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5), thực hiện chủ trương của Huyện ủy Nam Đàn, đêm 30/4/1930, đồng chí Hoàng Kỳ và các chi bộ xã Kim Liên đã bí mật bố trí cắm cờ búa liềm trên đỉnh núi Chung. Sáng ngày 1/5/1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới, truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh được dán và rải khắp nơi, tạo nên một không khí rộn ràng trên mảnh đất Kim Liên. Sự kiện này cùng tin tức cuộc biểu tình ngày 1/5/1930 tại Vinh – Bến Thủy càng củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 6/1930, Huyện ủy Nam Đàn tổ chức cuộc họp, bàn kế sách vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình đưa yêu sách lên Tri huyện vào ngày 18/6/1930. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, từ tối ngày 17/6/1930, các chi bộ ở Kim Liên truyền đạt tinh thần cho đảng viên và vận động quần chúng chuẩn bị lực lượng. Đồng chí Hoàng Kỳ và lực lượng tự vệ đỏ được giao nhiệm vụ là những người đảm bảo cho sự an toàn của quần chúng Nhân dân. Dưới sự bảo vệ của đồng chí Hoàng Kỳ và lực lượng tự vệ đỏ, quần chúng Nhân dân các tổng: Xuân Khoa, Xuân Liễu, Lâm Thịnh theo các ngả đường kéo về tập trung ở chợ Đồn. Tri huyện Lê Khắc Tưởng nghe tin liền cho lính kéo xe kéo, chạy xuống Vinh báo cáo. Vừa chạy xuống chùa Tiên Đường, hắn bị đoàn biểu tình chặn lại, bắt quay về chợ Đồn. Giữa vòng vây của quần chúng, Lê Khắc Tưởng phải nhận bản yêu sách và hứa chuyển lên cấp trên. Cuộc biểu tình giành thắng lợi khiến uy tín của Đảng càng được nâng cao, khí thế đấu tranh của quần chúng càng phát triển sâu rộng trên địa bàn toàn huyện.

Cuối tháng 6/1930, với hoạt động sôi nổi của mình, đồng chí Hoàng Kỳ đã được kết nạp vào Chi bộ Sơn Hà. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Hoàng Kỳ càng hăng hái tham gia và là một trong những người tiên phong, trực diện trong các cuộc đấu tranh, tiêu biểu là cuộc biểu tình ngày 30/8/1930.

Giữa tháng 8/1930, Tổng Công hội Vinh phát lời kêu gọi các tầng lớp Nhân dân khắp nơi hưởng ứng ủng hộ phong trào đình công của công nhân Vinh - Bến Thủy. Theo đó, Huyện ủy Nam Đàn đã chỉ thị cho các liên chi bộ, chi bộ trong toàn huyện chuẩn bị cho cuộc biểu tình mạnh mẽ với quy mô toàn huyện. Nhận chỉ thị của cấp trên, các chi bộ đã nhanh chóng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. Đảng bộ Kim Liên chọn những nơi kín đáo, những gia đình có cảm tình cách mạng để in truyền đơn, trong đó có nhà thờ họ Hoàng và nhà đồng chí Vương Thoại (cậu của đồng chí Hoàng Kỳ). Song song với công tác in ấn truyền đơn, đồng chí Hoàng Kỳ và các đội tự vệ đỏ nhận nhiệm vụ đề phòng, đối phó với địch, giữ gìn trật tự và bảo vệ các cuộc diễn thuyết vận động quần chúng của các cán bộ Đảng.

Sáng ngày 30/8/1930, quần chúng Kim Liên đã nhanh chóng di chuyển, nhập vào đoàn của Nhân dân các tổng Lâm Thịnh, Xuân Liễu, kéo về tập trung tại rú Tán. Khoảng 7 giờ sáng, đồng chí Hoàng Kỳ và tự vệ đỏ mang theo gậy gộc, giáo mác hiên ngang bảo vệ đoàn biểu tình lên đến hàng vạn người khắp, tiến về huyện lỵ Nam Đàn. Trước sức mạnh của quần chúng và đội tự vệ, lính tráng không dám manh động, còn bọn nha lại cũng lần lượt lẩn trốn. Tri huyện Lê Khắc Tưởng run rẩy, một lần nữa phải ký vào yêu sách của quần chúng, trong đó có câu "Nam Đàn tri huyện, huyện quan tự tư dị hậu bất đắc nhũng nhiễu Nhân dân"[1] rồi đóng dấu Nam Đàn huyện ấn.

Cuộc đấu tranh thắng lợi, đồng chí Hoàng Kỳ cùng đoàn biểu tình tổng Lâm Thịnh sau đó còn kéo về biểu tình thị uy cảnh cáo tên Phó Chánh tổng Lâm Thịnh.

Tháng 10/1930, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, cấp trên đã quyết định tách Vân Hội, Tính Lý để thành lập thêm một chi bộ mới, gọi là Tân Cương. Đồng chí Hoàng Kỳ, Ngô Em được tín nhiệm giao giữ vị trí Phụ trách tổ chức[2].

Làn sóng cách mạng dâng cao khiến chính quyền thực dân, phong kiến thi hành hàng loạt chính sách hòng dập tắt phong trào đấu tranh của Nhân dân. Không chỉ tăng cường hệ thống đồn bốt, điều thêm sĩ quan Pháp và lính lê dương, lính khố xanh, mà kẻ địch còn sử dụng hệ thống bang tá, đoàn phu cùng lý trưởng tay sai để vây ráp, bắt bớ các đảng viên, quần chúng yêu nước.

Tháng 7/1931, đồng chí Hoàng Kỳ bị địch bắt. Đối mặt với những thủ đoạn mua chuộc và đủ cực hình tra tấn của kẻ địch, đồng chí Hoàng Kỳ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với Nhân dân. Xác định đồng chí Hoàng Kỳ là đảng viên cốt cán, người đi đầu trong các cuộc đấu tranh, kẻ địch sau đó đã đày đồng chí đi Lao Bảo[3].

Tháng 6/1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền đã có ảnh hưởng tích cực đến tình hình chính trị ở Đông Dương. Trong dịp này, nhiều cán bộ đảng viên được ra tù, trong đó có đồng chí Hoàng Kỳ, Nguyễn Văn Lương, Vương Thúc Nghiêm, Hà Mười, Nguyễn Hữu Tường, Phạm Đắc, Chu Lợu,...

Trở về quê hương, đồng chí Hoàng Kỳ tiếp tục bắt liên lạc để cống hiến cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, đồng chí Hoàng Kỳ cùng các đồng chí Nguyễn Văn Lương, Võ Hưng Thành, Lê Phan, Hà Mười đã khôi phục thành công Chi bộ Kim Liên lấy tên là Chi bộ Kim Chung. Đồng chí Hoàng Kỳ và Chi bộ Kim Chung đã vận động Nhân dân tham gia các phường hội ái hữu. Thông qua các tổ chức đó, các đồng chí đã nâng cao ý thức cách mạng cho quần chúng và vận động Nhân dân đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng ức hiếp quần chúng Nhân dân của bọn hào lý.   

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, với vai trò là là Phó Bí thư Việt Minh tổng Lâm Thịnh, đồng chí Hoàng Kỳ đã lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên địa bàn toàn huyện vào ngày 23/8/1945.

Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Hoàng Kỳ luôn hoạt động tích cực và được tín nhiệm giao giữ nhiều vị trí quan trọng: Bí thư Đảng ủy xã Nam Liên, xã Đông Liên (1947-1952), Chánh án Tòa án đặc biệt trong giảm tô ở Thanh Chương và Hưng Nguyên (1953), Trưởng trại trao trả tù binh ở Cửa Hội (1954), Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (6/1957-3/1959), Phó Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (1959-1961)…

Năm 1961-1971, đồng chí Hoàng Kỳ được điều chuyển ra công tác tại Ban Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Năm 1971, đồng chí nghỉ hưu và trở về quê nhà, tiếp tục hoạt động đoàn thể xã hội tại quê nhà.

Với những cống hiến không mệt mỏi của mình cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đồng chí Hoàng Kỳ là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo. Ghi nhận những cống hiến đó, đồng chí Hoàng Kỳ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1988), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2004),…

ThS. Đặng Huyền Trang

Trưởng phòng Sưu tầm – Kiểm kê – Bảo quản

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nam Đàn (1930-1954), NXB Nghệ Tĩnh, 1990;

- Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Kim Liên, tập 1, Nhà in Báo Nghệ An, 2005, tr.73.

- Sơ lược Lý lịch đảng viên của đồng chí Hoàng Văn Kỳ

 


[1] Từ nay về sau không được nhũng nhiễu nhân dân.

[2] Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Kim Liên, tập 1, Nhà in Báo Nghệ An, 2005, tr.73.

[3] Theo Sơ lược lý lịch đảng viên của đồng chí Hoàng Văn Kỳ.

Video