337
769
3041
9771
20962
6839178
Trong trang sử vẻ vang của Nhân dân Diễn Châu, có rất nhiều tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên trung tiêu biểu, trong đó có đồng chí Hồ Tựu - ủy viên Huyện uỷ Diễn Châu năm 1930 -1931. Đồng chí Hồ Tựu sinh năm 1896 tại làng Long Ân Trung, tổng Hoàng Trường (nay là xã Diễn Trường); thân phụ là ông Hồ Kế, thân mẫu là bà Chu Thị Lưu.
Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên đã ra đời ở tổng Hoàng Trường. Đồng chí Hồ Tựu tham gia và hăng say hoạt động trong phong trào của Hội Thanh Niên, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của Nhân dân trong vùng. Tháng 9/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hoàng Trường được thành lập, do đồng chí Hồ Xiển làm Bí thư.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 28/4/1930, tại cuộc họp của Ban Chấp hành Phủ uỷ lâm thời Diễn Châu, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tuyên bố chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hoàng Trường thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tổng Hoàng Trường. Để tăng cường, củng cố và mở rộng cơ sở, Chi bộ Hoàng Trường đã kết nạp thêm các đảng viên, gồm: Chu Truật, Hồ Tựu, Hồ Bật, Chu Long,…
Nhân ngày 1/5/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phát động phong trào kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Tại Vinh - Bến Thủy đã nổ ra cuộc biểu tình lớn của 1200 công nhân, nông dân nội, ngoại thành; tại huyện Thanh Chương đã diễn ra 2 cuộc đấu tranh của 3.000 nông dân Hạnh Lâm và cuộc đấu tranh của 100 học sinh trường Tiểu học Pháp - Việt tại Chợ Rộ… Tại Diễn Châu, Chi bộ Hoàng Trường cũng tổ chức in truyền đơn, may cờ Đảng và treo cờ búa liềm trên lên cây gạo đình Long Ân. Đồng chí Hồ Tựu tích cực đi rải truyền đơn trong làng để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng.
Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/1930, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Phủ uỷ Diễn Châu được thành lập, gồm các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh (Bí thư); Chu Trang (Phó Bí thư); Phan Lạc, Đào Xấn, Hồ Tựu (Phủ uỷ viên). Trên cương vị là một uỷ viên Phủ uỷ, đồng chí Hồ Tựu đã đem hết nhiệt tình, tuổi trẻ của mình, nỗ lực cống hiến trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác tuyên truyền.
Đầu tháng 10/1930, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời huyện Diễn Châu quyết định phát động một cuộc đấu tranh toàn huyện. Đồng chí Hồ Tựu cùng các đồng chí trong Phủ uỷ Diễn Châu được cử về các làng để chỉ đạo các chi bộ đấu tranh. Tài liệu, truyền đơn được bí mật chuyển về các cơ sở. Nhận được chỉ thị cấp trên, Chi bộ tổng Hoàng Trường đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên, chuẩn bị các băng cờ, khẩu hiệu; tự vệ sắm sửa vũ khí… chuẩn bị cho cuộc biểu tình.
Ngày 26/10/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Hoàng Trường, Nhân dân các thôn làng ở Hoàng Trường kéo về tập trung ở đình Long Ân nghe đồng chí Chu Trang, Chu Huệ, Hồ Tựu diễn thuyết. Từ đình làng, tiếng trống phát lệnh vang lên như sấm dậy, thúc giục Nhân dân hăng hái xông lên, giương cao cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ, cầm gậy gộc, giáo mác,... kéo về phủ lỵ đấu tranh đòi giảm sưu, hoãn thế, bỏ lệ tuần canh, đòi chia ruộng đất cho dân cày,… Đoàn biểu tình bị lính khố xanh do tri phủ Võ Vọng điều động đến đàn áp, chúng nổ súng làm nhiều người chết và bị thương, trong đó có đồng chí Hồ Sỹ Tiềng, người làng Đông Tháp (Diễn Hồng) đi đầu cầm cờ chỉ huy.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vào cuối tháng 10/1930, Đảng bộ Nghệ An đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại làng Đông Xuân, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương), bầu Ban Chấp hành chính thức của Đảng bộ do đồng chí Nguyễn Tiềm làm Bí thư. Sau Đại hội, mặc dù đế quốc Pháp dùng bom đạn hòng dập tắt phong trào cách mạng, nhưng trong tháng 11/1930 vẫn diễn ra những cuộc biểu tình lớn, trong đó nổi bật là cuộc biểu tình kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga tại huyện Diễn Châu vào ngày 7/11/1930.
Đồng chí Hồ Tựu là Phủ ủy viên, được phân công về phụ trách tổng Hoàng Trường để triển khai kế hoạch đấu tranh, vận động quần chúng tham gia cuộc biểu tình, bố trí cán bộ may cờ, băng khẩu hiệu và rải truyền đơn.
Sáng ngày 7/11/1930, từ hiệu lệnh của tiếng trống tại đình Long Ân (Diễn Trường) vang lên, thúc dục mọi người nhanh chóng về nơi tập trung. Nhân dân tổng Hoàng Trường tập trung ở cánh đồng Nu làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần tập trung ở ga Yên Lý, tổng Lý Trai tập trung ở ga chợ Si. Hơn 2000 nông dân Diễn Châu mang theo gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ sao vàng kéo thẳng về phủ lị đưa yêu sách. Khi đoàn biểu tình kéo đến khúc sông Bùng, đoạn qua xã Diễn Ngọc đã bị địch bao vây xả súng, 30 người đã ngã xuống, rất nhiều người bị thương. Buổi chiều cùng ngày, chúng còn mang 8 người bị thương ra xử bắn tại Bến Tải (khúc sông cạnh quốc lộ 1A) để uy hiếp tinh thần của nhân dân. Cuộc biểu tình tuy thất bại nhưng đã đánh dấu mốc son chói lọi của phong trào cách mạng.
Sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hồ Tựu, Chi bộ Hoàng Trường tiếp tục tổ chức nhiều cuộc đấu tranh nhỏ ở một số làng. Trong hai ngày 11 và 12/11/1930, hơn 800 nông dân tổng Hoàng Trường tập trung tại chợ Hà, kỷ niệm ngày Quảng Châu Công xã, tưởng nhớ những người đã hy sinh trong ngày 7/11/1930 và tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
Ở Diễn Châu, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lên cao, tổ chức Đảng càng được cũng cố, phát triển. Ban Chấp hành Phủ uỷ Diễn Châu được kiện toàn lại. Đồng chí Phan Lạc được bầu làm Bí thư Phủ uỷ. Đồng chí Hồ Tựu phụ trách tài chính.
Tháng 12/1930, Ban Chấp hành Tổng uỷ gồm có 5 đồng chí: Chu Huệ, Trương Châu, Vũ Xước, Hồ Hùng, Hồ Nhiếp. Tổ chức Đảng tổng Hoàng Trường chia ra thành 7 chi bộ trong toàn tổng, gồm 5 chi bộ chính thức và 2 chi bộ ghép. Đó là các Chi bộ: A, B, C, D, Đ, E và G. Chi bộ B gồm có các đồng chí: Chu Trang (Bí thư), Hồ Tựu, Chu Đàm, Chu Toàn, Chu Huệ, Chu Truật, Hồ Nhiếp, Hồ Xiển, Hồ Truyền, Hồ Thức Nguyên, Hồ Bật, Hồ Hùng, Hồ Nghiêm, Trương Châu, Trương Nghiệm, Trương Ninh, Trương Oanh, Trương Đợi, Chu Hiến.
Đầu năm 1931, Ban Chấp hành Phủ uỷ Diễn Châu được củng cố lại do đồng chí Nguyễn Đức Biểu làm Bí thư. Đồng chí Hồ Tựu được giao nhiệm vụ phụ trách tài chính và tổng Hoàng Trường.[1]
Tháng 2/1931, Lê Định thay Võ Vọng làm Tri phủ Diễn Châu, bắt đầu chấn chỉnh lại hệ thống bang tá từ phủ đến tổng, bố trí các điếm canh ở khắp các ngã đường, hình thành một mạng lưới kiểm soát dày đặc, bất kì người nào qua lại hay vào ra đều bị kiểm soát gắt gao nhằm dập tắt phong trào cách mạng.
Trước thực tế đó, đồng chí Hồ Tựu và nhiều đồng chí đảng viên đã được phân công đi đến các tổng ở Diễn Châu để duy trì phong trào. Tổng uỷ Hoàng Trường được củng cố lại, đồng chí Trương Châu làm Bí thư, thành lập thêm các tổ chức quần chúng như Tự vệ Đỏ, Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản đoàn… Thời gian này, đồng chí Hồ Tựu bị địch bắt và kết án 9 năm tù giam và 9 năm quản thúc theo Bản án số 36 ngày 02/2/1931 của Toà án tỉnh Nghệ An. Đồng chí Hồ Tựu đã trốn thoát và tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh ở tổng Hoàng Trường.
Mặc dù kẻ địch khủng bố khốc liệt, nạn đói ngày càng gay gắt, tình thế cách mạng gặp nhiều khó khăn, song Phủ uỷ Diễn Châu vẫn quyết tâm phát động quần chúng đấu tranh, chặn đứng thủ đoạn đàn áp của địch giữ vững thành quả đã đạt được.
Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931, Phủ uỷ quyết định giao nhiệm vụ cho các Tổng uỷ tổ chức cho Nhân dân đấu tranh. Nhân dân tổng Hoàng Trường tập trung ở làng Đông Giai làm lễ kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động, sau đó chia nhau thành từng tổ đến nhà bọn cường hào, tay sai ngoan cố để trừng trị.
Chỉ tính trong tháng 5/1931, ở Diễn Châu đã nổ ra 19 cuộc đấu tranh. [2] Những cuộc biểu tình chống sưu thuế, trấn áp bọn tổng lý được diễn ra ở các tổng như Hoàng Trường, Vạn Phần, Lý Trai. Sức mạnh đoàn kết của nhân dân Diễn Châu làm cho kẻ thù khiếp sợ buộc chúng phải tăng cường khủng bố.
Giữa tháng 8/1931, kẻ địch ra sức truy lùng, vây bắt cán bộ Đảng khiến cho tổ chức Đảng ở Diễn Châu tan vỡ, phong trào đấu tranh của quần chúng giảm xuống. Đồng chí Hồ Tựu sa vào tay giặc và bị giam tại Nhà lao Vinh. Tuy bị tra tấn cực hình, nhưng cuối cùng kẻ thù chỉ nhận được một câu trả lời từ đồng chí: "việc gì cũng do tao làm cả". Bất lực trước khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, địch đã kết án tử hình đồng chí theo Bản án số 85 ngày 23/8/1931 của Toà án tỉnh Nghệ An. Ngày 15/3/1932, kẻ thù đưa đồng chí về tại làng Yên Thịnh, trước đình Long Ân để thi hành án.
Liệt sỹ Hồ Tựu, từ một thanh niên được giác ngộ cách mạnh, trở thành người đảng viên ưu tú, Uỷ viên lâm thời huyện Diễn Châu. Đồng chí ngã xuống khi vừa tròn 36 tuổi, đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng bào, đồng chí. Đồng chí đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, trở thành tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng, Liệt sỹ Hồ Tựu đã được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 157 QĐ/TTg ngày 26/5/1962.
Nguyễn Vân Anh
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT