Đồng chí Hồ Lạc – Người chiến sỹ cách mạng kiên trung của quê hương Yên Thành

Tác giả: admin
Ngày 2020-05-13 07:31:21

Đồng chí Hồ Lạc sinh năm 1886 tại làng Xuân Lai, tổng Quỳ Trạch, Yên Thành (nay là xóm Xuân Lai, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) – một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Cuối năm 1927, đồng chí Võ Mai - Ủy viên Hội Thanh niên yêu nước Trung Kỳ (quê ở Diễn Châu) đã thông qua Bùi Xuân Nam, liên hệ với một số thanh niên tiến bộ ở tổng Quỳ Trạch, lập được nhóm Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tổng Quỳ Trạch. Hồ Lạc là một trong số bảy hội viên của tổ chức này.

Do sự hoạt động tích cực của các hội viên, nên chỉ trong một thời gian ngắn, Hội đã có 20 người tham gia. Hồ Lạc cùng các anh em hội viên năng nổ, hăng hái bí mật tham gia công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, trong đó tác phẩm “Đường kách mệnh”  đã được Hội phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Xuân Lai. Thời gian này, đồng chí Hồ Lạc cùng các đồng chí trong Hội Thanh niên tổng Quỳ Trạch đã vận động bà con tổ chức được nhiều cuộc “vay thóc”  nhà giàu để cứu đói cho nhân dân trên quy mô toàn tổng. Thắng lợi của các cuộc đấu tranh đã cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân.

Tháng 3/1930, Đảng Bộ lâm thời Nghệ An ra đời đã cử một số cán bộ chủ chốt như Nguyễn Hữu Bình, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung... ra tăng cường cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Giữa tháng 10/1930, nhận chỉ thị từ Tỉnh ủy, các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc đã trực tiếp về Quỳ Trạch phổ biến chủ trương của cấp trên và tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh. Đồng chí Hồ Lạc với tư cách là hội viên hoạt động tiêu biểu đã tham gia cuộc họp tổ chức tại nhà Lê Cổn (làng Yên Đinh). Sau một thời gian bàn bạc và xem xét các khả năng, các đồng chí đã thống nhất phương án tổ chức cuộc biểu tình trong toàn huyện vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga để biểu dương lực lượng, đòi giảm sưu giảm thuế, phản đối đế quốc và chính quyền tay sai đàn áp công nhân Bến Thủy, nông dân huyện Hưng Nguyên. Trước ngày biểu tình, truyền đơn được rải khắp các chợ và các đường thôn, ngõ xóm....

Như kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 7/11/1930, đoàn biểu tình của nhân dân các làng Xuân Lai, Đại Lộ, Gia Mỹ do các đồng chí Hồ Lạc, Luyện Nhận, Bùi Xuân Nam dẫn đầu kéo đến điểm tập trung. Đồng chí Hồ Lạc giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Xuân Nam đi mua vải đỏ may cờ, người dương biểu ngữ, thanh niên trai tráng thì mang theo cuốc, liềm, đi hai bên bảo vệ. Đồng chí Hồ Lạc đã dùng chiếc mạng khăng (đoạn gậy gỗ dài khoảng 50 – 100 cm) làm vũ khí bảo vệ đoàn biểu tình. Đoàn người vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, vừa rải truyền đơn.

Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, bọn tay sai địa phương đã co lại cố thủ trong nhà không dám manh nha hành động. Đến địa phận cầu Muống (thuộc làng Tương Lai) thì chỉ huy đồn Diễn Châu đã kịp phái lính khố xanh, lính lê dương lên đàn áp đoàn biểu tình. Hồ Lạc cùng các đồng chí Bùi Xuân Nam, Lưu Xuân Giản dẫn đầu đoàn, không hề e sợ đứng lên hô to: “Ủng hộ chính quyền Xô Nga”;  “Phản đối việc bắn giết nhân dân trong các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh”. Hưởng ứng lời của các đồng chí, đoàn người giương cao cờ và biểu ngữ, tiếng trống, mõ, chũm chọe vang động cả vùng trời và đồng thanh hô vang “Đả đảo! Đả đảo!”. Tên đội Tây đã lệnh hô lính bắn xối xả vào đoàn biểu tình khiến 10 người chết và hàng chục người bị thương. Để bảo toàn lực lượng, các đồng chí đã hướng dẫn nhân dân tạm rút lui. Tối 9/11, Hồ Lạc cùng hơn 1.000 nhân dân tổng Quỳ Trạch đã tập trung về Cồn Diệc (Thọ Thành) để làm lễ truy điệu cho những người hy sinh tại cuộc biểu tình ngày 7 tháng 11 năm 1930.

Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng trong huyện, ngày 10/11/1930, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, phái viên của Tỉnh ủy Nghệ An đã về triệu tập hội nghị tại nhà thờ họ Nguyễn Công ở làng Trụ Pháp. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện  gồm 5 đồng chí, dô đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Huyện ủy Yên Thành ra đời đã kịp thời đưa phong trào cách mạng lên một bước phát triển mới, nhiều làng xã đã hình thành các tổ chức quần chúng như: Nông hội đỏ, tự vệ đỏ...

Tháng 12/1930, một số đồng chí trong Huyện ủy lâm thời bị giặc bắt, trước tình hình đó, một lần nữa, tỉnh ủy Nghệ An lại cử cán bộ về Yên Thành củng cố lại Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cử ra Ban Chấp hành Huyện ủy chính thức gồm 6 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Hữu Dung làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các Tổng để phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng. Tại Xuân Lai, sau cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 và tối 9/11/1930, bộ máy chính quyền tay sai bị tê liệt không còn dám tác oai tác quái với dân làng như trước. Ban Chấp hành Nông hội đỏ ( xã bộ nông) ra đời đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho bọn hào lý. Đồng chí Hồ Lạc là thành viên Ban Chấp hành của Nông hội làng Xuân Lai. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Nông hội đã công khai tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, công khai vạch tội tham nhũng của bọn chức dịch làng xã và xóa bỏ lệ “phụ thu, lạm bổ”... đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công để chia cho nhân dân. Sau thời gian dài chịu ách áp bức một cổ hai tròng, người dân được làm chủ trên ruộng đồng quê hương khiến không khí vui tươi, phấn khởi và rộn ràng bao trùm cả Xuân Lai.

Tháng 12/1930, nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy cũng như hoạt động tích cực của các đồng chí Huyện ủy, chi bộ ghép Quỳ Trạch – Quan Hóa được ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng Xuân Lai. Được sự lãnh đạo của chi bộ tổng Quỳ Trạch, đồng chí Hồ Lạc và Nông hội đỏ đã hướng dẫn nhân dân Xuân Lai tổ chức nhiều cuộc đấu tranh như: cuộc đấu tranh ngày 17/2/1931 của nhân dân toàn tổng Quỳ Trạch mít tinh thị uy, diễn thuyết vạch trần tội ác của đế quốc đô hộ; ngày 24/2/1931, nhân dân làng Xuân Lai phối hợp với nhân dân làng Gia Mỹ, Phú Vinh tiến hành cuộc đấu tranh lấy thóc chia cho người nghèo cứu đói tại nhà địa chủ Vũ Mân...

Từ tháng 4/1931, giặc Pháp và bộ máy phong kiến tay sai tăng cường khủng bố phong trào cách mạng ở Yên Thành. Thực dân Pháp đã điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Yên Thành rình rập, bắt bớ suốt ngày đêm. Sau một tháng địch mở rộng cuộc khủng bố ra toàn huyện, nhiều cơ sở cách mạng ở Yên Thành bị vỡ, số đảng viên còn lại rất ít. Đồng chí Hồ Lạc và các đồng chí khác trong chi bộ Quỳ Trạch - Quan Hóa như Luyện Nhận, Trần Cuông... bị địch bắt đưa về nhà giam ở đồn Trụ Pháp. Trong suốt thời gian bị giam, kẻ địch đã dùng nhiều thủ đoạn như tra tấn, đánh đập, dụ dỗ, lừa phỉnh nhưng đồng chí vẫn một lòng giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khai báo nửa lời. Không khuất phục được ý chí của đồng chí Hồ Lạc, người chiến sỹ cách mạng của quê hương Xuân Lai, ngày 17/5/1931, lính đồn Trụ Pháp đã tiến hành xử bắn đồng chí cùng 71 chiến sỹ và quần chúng cách mạng tại khe Đập Làng (Trụ Pháp).

Với những đóng góp to lớn trong phong trào cách mạng địa phương, ngày 29 tháng 11 năm 2000, đồng chí Hồ Lạc được Thủ Tướng chính phủ Phan Văn Khải truy tặng bằng “Tổ quốc ghi công” theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg.

Cả cuộc đời mình, đồng chí Hồ Lạc đã sống, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Tên tuổi của đồng chí đã đi vào trang sử hào hùng của quê hương và luôn là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo.

Hồ Thị Hải Liễu - Bảo tàng XVNT

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-2005), NXB Chính trị Quốc gia, Năm 2010

- Lịch sử Đảng bộ xã Đô Thành (1930-1975), NXB Chính trị Quốc gia, Năm 2013

- Lý lịch Đảng của đ/c Hồ Lạc lưu tại Vp Đảng ủy xã Đô Thành

- Lời kể, tư liệu do ông Hồ Tuấn, con trai của đồng chí Hồ Lạc cung cấp.

- Hồ sơ hiện vật lưu tại kho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video