3
578
1299
3766
0
6854955
Quỳnh Lưu là một huyện ở phía Bắc tỉnh Nghệ An, nằm ở thế “nam Thanh– bắc Nghệ”. Đây là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi đã để lại nhiều dấu son trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam. Thừa hưởng truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những chiến sỹ cộng sản đầu tiên của mảnh đất Quỳnh Lưu trong đó có đồng chí Dương Vũ Bản đã hăng hái tham gia và góp phần làm nên nhiều chiến tích trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Đồng chí Dương Vũ Bản sinh ngày 8/8/1904 tại xã Quỳnh Đôi, trong một gia đình nhà nho nghèo nhưng giàu lòng yêu nước. Thân phụ là thầy giáo Dương Lý Thản, còn thân mẫu là bà Hồ Thị Uyển làm nghề canh cửi. Được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên trên quê hương có bề dày lịch sử văn hóa, được tiếp thu những nét đẹp truyền thống của gia đình, dòng họ… đã góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, ý chí kiên cường trong Dương Vũ Bản.
Trải qua thời thơ ấu phải theo cha làm thuê nơi đất Bắc, chịu đựng cuộc sống cơ cực buộc anh phải trở về quê sống nhờ bà nội và được bà cho theo học trường Pháp – Việt Quỳnh Lưu từ lớp 5 đến lớp nhất. Năm 16 tuổi anh cùng một người bạn sang Lào kiếm sống. Nơi khách quê người, Dương Vũ Bản lại tiếp tục chứng kiến bao cảnh sống lầm than, cơ cực của kiếp người nô lệ. Năm 1922 khi vừa tròn 18 tuổi, được sự giúp đỡ của bạn bè Dương Vũ Bản trở về quê hương làm nghề dạy học tư ở làng Bèo (Quỳnh Hậu) để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Vừa dạy học, vừa tiếp tục theo học ở trường Pháp – Việt, Dương Vũ Bản đã có cơ hội kết thân với những bạn học đồng trang lứa, cùng chí hướng như Nguyễn Khắc Nhu, Hồ Ngọc Diệu… những người thanh niên yêu nước càng thêm sục sôi nhiệt huyết đánh đuổi kẻ thù.
Từ năm 1927, Dương Vũ Bản đã hăng hái tham gia vào phong trào quần chúng do Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Hội Hưng Nam phát động như vận động nhân dân quyên góp giúp đỡ những gia đình có người tham gia cách mạng gặp khó khăn… Cuối năm 1928, nhờ những hoạt động tích cực và hiệu quả đó, Dương Vũ Bản đã được đồng chí Võ Mai giới thiệu vào hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Từ đây, anh có cơ hội được tiếp thu nhiều kinh nghiệm và phương pháp đấu tranh; được tiếp xúc với nhiều tài liệu, sách báo tiến bộ trong đó có bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác - Ăng Ghen.
Năm 1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc Kỳ đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung vào Nghệ An liên lạc với đồng chí Võ Mai để phát triển cơ sở lập ra Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Trong thời gian này, đồng chí Dương Vũ Bản được cán bộ Xứ ủy Thanh niên giới thiệu ra làm thợ Nhà máy Diêm Hàm Rồng để tự chuyển mình trong phong trào “vô sản hóa”. Chưa kịp thực hiện thì đồng chí Dương Vũ Bản bị mật thám bắt đưa về giam tại Nhà lao Vinh. Tại đây, trong gần 2 tháng liên tục bị đánh đập, tra khảo, dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn thâm độc nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của mình. Không lấy được bằng chứng buộc tội, cuối năm 1929, đồng chí được thả tự do. Vừa mới ra tù, đồng chí đã tìm cách móc nối, bắt liên lạc với nhiều đồng chí khác như Hoàng Văn Hợp, Hồ Ngọc Diệu, Đào Quang… để tiếp tục hoạt động.
Năm 1930, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ Nghệ An được thành lập, những sự kiện này đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ hai tổ chức cách mạng là Tân Việt và Thanh Niên ở Quỳnh Lưu đi đến thống nhất với nhau thành một tổ chức cộng sản.
Ngày 20/4/1930, tại Thanh Sơn (Sơn Hải) đã diễn ra Hội nghị hai tổ chức cách mạng Tân Việt và Thanh Niên của Huyện. Hội nghị đã quyết định thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu và thông qua phương hướng hoạt động của Đảng bộ. Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ gồm có 5 người: Nguyễn Đức Mậu (Bí thư), Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Nguyễn Xuân Đào, Hoàng Văn Hợp (các ủy viên). Hội nghị tán thành tuyển chọn những người ưu tú của hai tổ chức Tân Việt và Thanh Niên để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, các đồng chí như Dương Vũ Bản, Hồ Ngọc Diệu, Hoàng Văn Hợp, Hoàng Văn Nồng, Nguyễn Thị Thảo, Phạm Thị Uyển… đều được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, đồng chí Dương Vũ Bản cùng các đồng chí khác của quê hương Quỳnh Lưu đã đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ, xông pha vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra từ cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của hơn 1.200 công nông Vinh – Bến Thủy. Sau cuộc đấu tranh này, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về việc phối hợp đấu tranh với các vùng khác, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã họp Hội nghị vào trung tuần tháng 6 năm 1930 tại Quỳnh Thuận. Hội nghị đã quyết định phát động nhân dân làm muối ở tổng Thanh Viên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai để mở đầu cho thời kỳ đấu tranh mới của huyện. Đây là lần đầu tiên, đồng chí Dương Vũ Bản cùng các đồng chí trong Ban chấp hành Huyện ủy Quỳnh Lưu như Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang… lãnh đạo nhân dân, chủ yếu là diêm dân đứng lên đấu tranh đòi giải quyết các yêu sách.
Sáng sớm ngày 20/6/1930, đúng phiên chợ chính ở Quỳnh Thuận, khoảng 3000 người từ các nẻo đường của các làng xã phía đông – nam huyện tiến về chợ Đình nơi dưới gốc cây đa có người cán bộ tay cầm cờ đỏ búa liềm đang diễn thuyết kêu gọi đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc – phong kiến. Sau khi nghe diễn thuyết, đoàn người tiến đến đồn lính Phú Đức đưa yêu sách:
Đoàn người biểu tình với băng cờ trên tay, khí thế sôi nổi. Bọn địch ở haitổng Thanh Viên và Phú Hậu không dám đàn áp. Lính đồn Phú Đức đóng cửa bỏ chạy tháo thân trước khi đoàn biểu tình kéo đến, chỉ còn tên đồn trưởng người Pháp Guyômơ. Đoàn biểu tình phá cửa đồn tiến vào, đồn trưởng hoảng sợ buộc phải nhận yêu sách và hứa 3 ngày sẽ trả lời dân chúng.
Cuộc đấu tranh ngày 20/6/1930 nổ ra đúng hai tháng sau khi Đảng bộ huyện được thành lập đã tỏ rõ năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện và chi bộ cơ sở cũng như nhiều đảng viên trẻ của Đảng trong đó có đồng chí Dương Vũ Bản. Sau cuộc đấu tranh này để tăng cường thêm lực lượng lãnh đạo, đồng chí Dương Vũ Bản, Hồ Ngọc Diệu, Nguyễn Xuân Đào đã được Tỉnh bộ Nghệ An quyết định bổ sung vào Ban chấp hành Đảng bộ Huyện; đồng thời chỉ định đồng chí Đào Quang làm Bí thư Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo phong trào quần chúng.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ban chấp hành Đảng bộ huyện trong đó có đồng chí Dương Vũ Bản, phong trào cách mạng của nhân dân Quỳnh Lưu đã phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều thắng lợi.
Thực hiện quyết định của Ban Cán sự Đảng, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Cứu tế đỏ 1/8/1930, nhiều nơi ở Quỳnh Lưu như Tiên Yên, Cầu Giát, Bờ Nậu, núi Tùng Lĩnh, Phú Mỹ, Tiên Đội… đã treo cờ, rải truyền đơn cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Nhiều nơi khác, quần chúng đã đứng lên đấu tranh trực tiếp với bọn hào lý thu được 2 tấn thóc chia cho người nghèo, bắt bọn chúng phải công khai xóa nợ 2000 quan tiền cho những người vay.
Công tác tuyên tuyền, vận động quần chúng đấu tranh cũng được Ban cán sự Đảng của Huyện cũng như các chi bộ cơ sở chú trọng. Đồng chí Dương Vũ Bản và Ban cán sự huyện đã bám sát cơ sở, ngày đêm lăn lộn với phong trào, dựa vào nhân dân, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng bộ cấp trên một cách sáng tạo, nhạy bén vào hoàn cảnh của huyện.Với sự cố gắng đó, đến cuối năm 1930, đầu năm 1931, tổ chức đảng ở huyện đã có 9 chi bộ với hơn 50 đảng viên. Từ đây, các tổ chức quần chúng như Nông hội, Công hội, Thanh niên, Phụ nữ giải phóng, Cứu tế đỏ, Tự vệ đỏ… được gây dựng và phát triển mạnh mẽ.
Cuối năm 1930, thực dân Pháp và tay sai đẩy mạnh chiến dịch khủng bố ở nhiều vùng trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Ở Quỳnh Lưu, sau nhiều ngày bị truy tìm, đồng chí Đào Quang đã sa vào tay giặc. Chúng đưa đồng chí về Nhà lao Vinh để tra tấn, xét hỏi rồi giải về xử bắn trước của huyện đường Quỳnh Lưu ngày 24/12/1930. Để tiếp tục duy trì phong trào đấu tranh quần chúng, ngày 28/2/1931, đồng chí Dương Vũ Bản được Tỉnh bộ Nghệ An chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy. Trước sự truy lùng ráo riết của kẻ thù, cơ quan Huyện ủy bị lộ, buộc phải dời vào tổng Hoàng Trường (Diễn Châu) tiếp tục hoạt động. Tỉnh ủy Nghệ An cử đồng chí Trần Ánh Sáng ra chỉ đạo củng cố phong trào.
Tháng 4/1931, Huyện ủy Quỳnh Lưu được kiện toàn lần thứ ba. Đồng chí Dương Vụ Bản tiếp tục được cử làm Bí thư, các đồng chí Hồ Ngọc Diệu (làm Phó Bí thư), Phan Hữu Khiêm, Nguyễn Văn Xô làm Huyện ủy viên. Trên cương vị của mình, đồng chí ra sức tăng cường lãnh đạo, tìm mọi cách để khôi phục lại phong trào, động viên quần chúng nhân dân tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng, đồng thời tổ chức các hoạt động quyên góp cho các gia đình đồng chí đã hy sinh. Bên cạnh đó, đồng chí Dương Vũ Bản còn chỉ đạo xuất bản tờ Báo “Lao động” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu để khích lệ tinh thần yêu nước của quần chúng và lên án, tố cáo tội ác của kẻ thù. Nhờ những hoạt động tích cực đó của đồng chí nên phong trào cách mạng ở Quỳnh Lưu từng bước được phục hồi.
Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, liên tiếp trong tháng 4, tháng 5 năm 1930, nhân dân các làng ở Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Minh, một số vùng ở Bãi Ngang đã đấu tranh bằng nhiều hình thức như: mít tinh nghe diễn thuyết, thị uy trấn áp cường hào, treo cờ, rải truyền đơn, đánh trống… Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 5/1931, toàn huyện đã có 9 chi bộ với khoảng 70 đảng viên; các tổ chức quần chúng cũng từng bước được phục hồi.
Để tránh sự truy lùng khủng bố của kẻ thù, đồng chí Dương Vũ Bản tiếp tục chỉ đạo dời cơ quan Huyện ủy lên Khe Chiêm (khu vực giáp giữa Diễn Châu – Quỳnh Lâm) nơi có núi non hiểm trở để tiếp tục hoạt động. Trong hoàn cảnh phải liên tục di chuyển, khó khăn, nguy hiểm luôn bủa vây, nhưng Dương Vũ Bản cùng các đồng chí lãnh đạo cốt cán của Huyện ủy vẫn luôn kiên trì bám trụ với phong trào.
Ngày 28/9/1931, toàn bộ cơ quan Huyện ủy ở Khe Chiêm sa vào tay địch. Các đồng chí Dương Vũ Bản, Hồ Ngọc Diệu, Phan Hữu Khiêm bị bắt đưa về giam tại huyện đường Quỳnh Lưu. Tại đây các đồng chí đã bị địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng lung lạc tinh thần cách mạng. Nhưng trong lao tù tăm tối, Dương Vũ Bản cùng các đồng chí của mình vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, tiếp tục đấu tranh bằng nhiều hình thức để phản đối chế độ hà khắc đối với tù chính trị.
Đến năm 1935, Mặt trận bình dân của Pháp lên nắm quyền và thực thi nhiều chính sách tiến bộ đối với Việt Nam và Đông Dương, nhân cơ hội đó đồng chí Dương Vũ Bản và nhiều tù chính trị được thả tự do. Ngay khi vừa mới ra tù, đồng chí đã móc nối liên lạc với các đồng chí chưa bị bắt để gây dựng lại phong trào. Cùng với các đồng chí trong Ban chấp hành Huyện ủy, đồng chí Dương Vũ Bản đã ra sức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, tổ chức các lớp học chữ Quốc ngữ, lập Hội đọc sách báo, hội văn nghệ… Nhờ đó, phong trào quần chúng nhân dân Quỳnh Lưu trong thời kỳ này phát triển rất mạnh mẽ…
Năm 1945, đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng ban khởi nghĩa giành chính quyền, Chủ tịch Tổng Phú Hậu. Đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo Mặt trận Việt Minh huyệnlãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền về tay mình. Từ năm 1946 đến năm 1965, đồng chí đã giữ nhiều cương vị khác nhau như: Trưởng ban bình dân học vụ; Hiệu trưởng trường Cấp 1 Quỳnh Xuân; Hiệu Trưởng trường Cấp 2 Quỳnh Tiến, Quỳnh Thanh, Quỳnh Đôi; Chủ tịch mặt trận tổ quốc Huyện… Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí cũng đóng góp hết sức mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Sinh ra trên mảnh đất Quỳnh Lưu giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn yêu nước của gia đình, dòng họ, trưởng thành từ phong trào cách mạng của quê hương, đồng chí Dương Vũ Bản đã trở thành một người chiến sỹ cách mạng kiên cường, bản lĩnh, cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Quỳnh Lưu nói riêng, nhân dân Nghệ An nói chung học tập và noi theo.
Trần Thị Hồng Nhung - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo: