235
769
2939
9669
20962
6839076
Đồng chí Đào Quang (còn có tên Đào Xuân Quang) sinh năm 1900 ở làng Thanh Đoài, tổng Thanh Viên, nay là xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Lớn lên trong một gia đình có cha là ông Đào Thế Quý, một nhà nho thanh liêm làm nghề dạy học tại quê nhà. Mẹ là bà Nguyễn Thị Ngạn, một người phụ nữ đảm đang, thương chồng, thương con. Ông bà sinh được bốn người con: Đào Vĩ, Đào Thị Thơ, Đào Quang, Đào Chí Thành.
Từ nhỏ, Đào Quang rất chăm chỉ tìm tòi học hỏi, lại được sự kèm cặp dạy dỗ của cha nên lớn lên cậu thanh niên Đào Quang càng tỏ ra là một người có bản lĩnh. Đồng chí Đào Quang sau này lấy vợ là bà Hồ Thị Nhuỵ, con gái ông Chánh Toán người làng Ngò ở xã Quỳnh Sơn.
Cuối năm 1928, ở Quỳnh Lưu có 8 cơ sở Tân Việt ở các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Bá, Quỳnh Đôi… Ở xã Quỳnh Thuận, cơ sở của Tân Việt Cách mạng Đảng được thành lập tại nhà bà Đào Thị Thơ (chị ruột của đồng chí Đào Quang) ở làng Thanh Đàm Đông (Quỳnh Thuận), gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang và Đào Chí Thành (em ruột của đồng chí Đào Quang). Tại nhà bà Đào Thị Thơ, hội Tân Việt đã tổ chức lớp học chữ Quốc ngữ ban đêm cho thanh niên nghèo, đọc các sách báo tiến bộ cho nhau nghe, rải truyền đơn đòi chia lại công điền, giảm sưu, giảm thuế; vạch tội tham nhũng, tệ hà hiếp, chè chén của quan lại địa phương…Trong thời gian này, các tổ chức quần chúng như Hội lợp nhà, Hội ái hữu... cũng hình thành.
Tháng 12/1928, các đồng chí Trần Đức Nghinh, Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang, Đào Chí Thành, Đậu Sáu, Trần Quy, Hồ Giới, Hồ Mạc, Tô Minh và Tô Trì đứng ra thành lập tổ chức quần chúng có tên là “Khuyên giới Đoàn”, địa điểm tổ chức là nhà ông Hồ Giới làng Thanh Đoài, nhằm giúp đỡ lẫn nhau, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ tệ nạn,…
Năm 1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng sau khi được thành lập ở Bắc Kỳ đã cử hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ An để kết hợp với đồng chí Võ Mai, nhằm mở rộng phát triển các cơ sở Ðảng, tiến tới thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ. Những người làm cách mạng tại Quỳnh Lưu đã nhanh chóng liên hệ được với Kỳ bộ Trung Kỳ, sau đó thành lập được tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở huyện Quỳnh Lưu.
Cuối tháng 11/1929, tại nhà đồng chí Đào Chí Thành đã diễn ra cuộc họp để thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Thành phần tham dự gồm có các đồng chí Nguyễn Đức Mậu, Đào Quang,… Sau đó, Chi bộ cũng làm lễ kết nạp Đảng cho các đồng chí: Trần Đức Nghinh, Đậu Sáu, Trần Quy,…
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/4/1930, ở Thanh Sơn (Sơn Hải) đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Quỳnh Lưu, thông qua phương hướng hoạt động của đảng bộ. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện gồm 5 đồng chí: Nguyễn Đức Mậu (Bí thư), các uỷ viên: Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Nguyễn Xuân Đào, Hoàng Văn Hợp. Đồng chí Đào Quang được giao phụ trách phong trào tổng Thanh Viên. Vượt qua bao gian khổ, nguy hiểm, miệt mài với công tác vận động quần chúng, đồng chí Đào Quang đã xây dựng được nhiều cơ sở Đảng ở những vùng trọng yếu.
Vào tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Đức Mậu đã về và trực tiếp thành lập Chi bộ Đảng ở xã Quỳnh Thuận. Chi bộ gồm các đảng viên: Đào Chí Thành (Bí thư), Đào Quang, Trần Đức Nghinh, Đậu Sáu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng làng Quỳnh Thuận nói riêng và huyện Quỳnh Lưu nói chung phát triển mạnh. Cùng với sự ra đời của các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng cách mạng như Nông hội Đỏ, Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng, Tự vệ đỏ… cũng lần lượt ra đời và hoạt động rất sôi nổi.
Cũng trong tháng 5/1930, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ Nghệ An, Chi bộ Quỳnh Thuận đã họp tại nhà đồng chí Đào Chí Thành thảo luận chủ trương của Huyện ủy về tổ chức cuộc biểu của nhân dân vùng làm muối vào ngày 20/6/1930. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Mậu, Đậu Sáu, Đào Quang, Trần Đức Nghinh, Trần Quang. Huyện uỷ phân công đồng chí Nguyễn Đức Mậu trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh, đồng thời cử thêm đồng chí Đào Quang và Nguyễn Hữu Giảng cùng xuống cơ sở bám sát phong trào, giúp chi bộ cơ sở lãnh đạo Nhân dân đấu tranh.[1]
Sáng ngày 20/6/1930, đúng phiên chợ Đình, hàng nghìn diêm dân các làng trong tổng Thanh Viên và huyện Quỳnh Lưu kéo về tập trung dưới gốc cây đa chợ Đình làng Thanh Đàm, để nghe cán bộ Đảng diễn thuyết, vạch mặt bọn phong kiến đế quốc, kêu gọi đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Sau đó, đoàn biểu tình kéo xuống bao vây đồn Phú Đức để đưa yêu sách: Tăng giá muối lên 30%; Cho dân làm muối được để một ít dùng và không được tự tiện khám xét nhà lấy muối; Được tự do đổ nước, cạo muối; Không được đánh đập và để chó cắn dân làm muối; Phải thả tù chính trị ở các nơi; Không được bắt bớ, tàn sát những người tham gia biểu tình ngày 1/5 ở Nghệ An,…
Trước khí thế sục sôi của quần chúng, tên chánh đoan Guyômơ khét tiếng đã phải hứa sẽ giải quyết những yêu sách của dân làm muối. Rời đồn Phú Đức, đoàn biểu tình còn kéo sang đồn Thanh Đàm. Bọn Tây đồn ở đây cũng phải đáp ứng một số yêu sách của Nhân dân.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 20/6/1930 đã tỏ rõ năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện và đồng chí Đào Quang, thổi lên ngọn lửa đấu tranh sôi sục trong toàn huyện. Nhiều nơi trong huyện, quần chúng Nhân dân ở các làng xã đã đấu tranh chống áp bức, bất công khiến cho thực dân Pháp và phong kiến lo sợ.
Sau ngày 20/6/1930, địch tiến hành một cuộc khủng bố gắt gao. Chúng đưa lính và mật thám đến các làng xã khám xét, nhận mặt những người tham gia biểu tình, bắt bớ hàng loạt cán bộ và Nhân dân, trong đó có Nguyễn Đức Mậu - Bí thư Huyện uỷ.
Tháng 7/1930, đồng chí Đào Quang đã triệu tập Hội nghị cán bộ tại xã Quỳnh Thuận để kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch tiếp tục đấu tranh. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được củng cố lại gồm: đồng chí Đào Quang (được bầu làm Bí thư), Dương Vũ Bản, Hồ Ngọc Diệu và Nguyễn Xuân Đào. Hội nghị quyết định phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ, sâu rộng hơn của quần chúng Nhân dân, tích cực triển khai xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng.[2]
Ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Cứu tế đỏ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đào Quang, nhiều nơi đã treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn chống đế quốc cổ vũ tinh thần đấu tranh trong Nhân dân. Cờ và truyền đơn đã xuất hiện ngay tại huyện lỵ ở Tiên Yên (Quỳnh Bá) rồi ở Cầu Giát, Bờ Nậu (Quỳnh Đôi), núi Tùng Lĩnh (Quỳnh Xuân)... Ở Phú Mỹ, Tiên Đội (Quỳnh Hoa) và một số nơi khác, Nhân dân đấu tranh trực tiếp với bọn hào lý thu được hơn 2 tấn thóc chia cho người nghèo, bắt bọn hào lý ở Thượng Yên phải công khai xoá nợ 2.000 quan tiền cho những người vay.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh được đồng chí Đào Quang và Ban cán sự Đảng của huyện cũng như các chi bộ cơ sở chú trọng. Qua phong trào cách mạng, các tổ chức đảng trong huyện được củng cố thêm về tổ chức, lập trường, tư tưởng. Đến cuối năm 1930 đầu năm 1931, tổ chức đảng ở huyện đã có 9 chi bộ với hơn 50 đảng viên. Các tổ chức quần chúng như Công hội, Nông hội, Đội tự vệ, Cứu tế đỏ,… cũng được phát triển.
Ngày 29/01/1931, tại nhà thờ Hồ Nam Sơn (Quỳnh Yên), một hội nghị mở rộng của huyện Quỳnh Lưu được triệu tập để nghe đồng chí Võ Trọng Bành phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy, chỉ thị của Xứ ủy… Để làm phân tán lực lượng của địch, hội nghị quyết định lấy ngày 4/2/1931 phát động nhân dân toàn huyện đấu tranh biểu tình. Hội nghị đã thông qua kế hoạch chung cho toàn huyện và phân công các Huyện ủy viên phụ trách từng tổng, vận động, tập dượt quần chúng chuẩn bị đấu tranh. Đồng chí Đào Quang đã phân công cho từng cấp uỷ viên về từng tổng tổ chức vận động, tập dượt quần chúng chuẩn bị biểu tình. Ở tổng Thanh Viên, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, chi bộ Đảng đã cử người đi rải truyền đơn, cắm cờ ở nhiều địa điểm quan trọng như đình Thanh Đàm, Thanh Đoài, đình Tám Mái,…
Theo kế hoạch của Huyện ủy, từ sáng sớm ngày 4/2/1931, đoàn biểu tình khoảng 6000 người thuộc các tổng Thanh Viên, Phú Hậu, Quỳnh Lâm, Hoàng Mai tập trung về các địa điểm: đồng Tương (giữa xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Đôi bây giờ), Tiên Đội (Quỳnh Hoa), lèn Bất Hủ (Quỳnh Xuân), núi Bà Bà (Quỳnh Thuận).Đoàn biểu tình của 4 tổng rầm rộ tiến về huyện đường ở làng Tiên Yên (Quỳnh Bá).
Trên đường đi, đoàn của tổng Thanh Viên trên đường lên huyện lỵ đi qua làng Thanh Sơn đã vào nhà tên phó đoan huyện là Phạm Quang Vị, nhưng tên này đã trốn vào Diễn Châu.
Đoàn của tổng Phú Hậu trên đường lên huyện lỵ đã bắt giữ được phó tổng đang từ làng Thạch Động (Quỳnh Thạch) chạy về huyện lỵ, đồng thời đã kéo vào phá nhà chánh tổng Hồ Văn Biểu ở Quỳnh Hậu.
Đoàn của tổng Quỳnh Lâm qua làng Phú Mỹ (Quỳnh Hoa) đã kéo vào nhà chánh Tổng Kỉnh. Tên này chịu hàng phục, buộc phải vác cờ đi theo đoàn. Tên phó tổng ra đón đoàn và xin tha tội chết. Đoàn của tổng Hoàng Mai cũng tới thị uy nhà chánh, phó tổng, rồi kéo vào huyện lỵ.
Đoàn của tổng Thanh Viên có đồng chí Đào Chí Thành chỉ huy cuộc biểu tình. Các đồng chí Đào Vĩ (anh trai đồng chí Đào Quang), Hồ Giớc là những hội viên Nông hội đỏ cầm cờ đi đầu. Quần chúng 4 tổng vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: Chống sưu cao thuế nặng; Phản đối chính sách đàn áp, khủng bố của đế quốc và tay sai đối với 2 làng Song Lộc và Tân Hợp (thuộc Nghi Lộc); Chống khủng bố, đốt nhà những người tham gia biểu tình; Chống bắt rượu và muối…
Tại huyện đường, kinh hoàng trước khí thế áp đảo của quần chúng, tên Tri huyện Trịnh Thuần hoang mang lo sợ vội gọi điện vào Vinh xin cầu cứu. Công sứ Pháp đã điều lính lê dương ra tăng cường, cùng với lính đồn trú ở Cầu Giát và các huyện lân cận ra đàn áp cuộc biểu tình. Trước tình hình so sánh lực lượng không có lợi cho ta, nên lãnh đạo các đoàn biểu tình ra lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 6/2/1931, Sở mật thám ở Vinh đã lệnh cho Tri huyện Quỳnh Lưu tiến hành các cuộc lùng sục, bắt bớ các chiến sĩ cộng sản. Sau nhiều ngày đêm theo dõi, truy tìm, tại làng Quỳnh Thuận, địch bắt giữ nhiều người đem ra đình tra khảo. Trong đó có đồng chí Đào Quang và Đào Vĩ. Sau đó, chúng giam giữ các đồng chí tại huyện đường Quỳnh Lưu. Tại nhà lao huyện Quỳnh Lưu, địch đã dùng mọi cực hình để tra tấn với hy vọng sẽ làm cho đồng chí Đào Quang khuất phục, khai báo. Nhưng càng tra tấn dã man thì đồng chí Đào Quang càng kiên quyết chịu đựng, một lòng một dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc, quyết không khai báo, đầu hàng trước kẻ thù.
Ngày 13/2/1931, đồng chí Đào Vĩ sau một thời gian tra tấn cũng bị địch đưa về xử bắn tại xã Quỳnh Đôi. Ngày 15/2/1931, trước ý chí sắt đá của đồng chí Đào Quang, kẻ địch đã đưa đồng chí về xử bắn trước cửa huyện đường Quỳnh Lưu để làm nhụt chí đấu tranh của Nhân dân. Trước khi bị bắn, đồng chí hiên ngang đọc câu đối như một lời di chúc đầy ý nghĩa gửi lại lớp con cháu thế hệ sau:
" Chết như thế cũng nên chết, chết vì nòi giống, chết vì non sông, chết vẻ chết vang, chết để ngàn thu ghi tạc mãi.
Sống mà chi, thà đừng nên sống, sống kiếp ngựa trâu, sống đời nô lệ, sống nhơ sống nhuốc, sống dù trăm tuổi cũng không màng".[3]
Đồng chí Đào Quang hy sinh là một tổn thất lớn của phong trào huyện Quỳnh Lưu. Anh em, gia đình và nhân dân địa phương đã đưa đồng chí về quê nhà mai táng chu đáo.
Gia đình ông bà Đào Thế Quý và Nguyễn Thị Ngạn là một trong những gia đình tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng ở Quỳnh Thuận. Bà Nguyễn Thị Ngạn được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2016 vì đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Đào Vĩ đã được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 vào năm 2011 và được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 219 - QĐ/TTg ngày 27/5/2003. Đồng chí Đào Chí Thành – Bí thư chi bộ Quỳnh Thuận năm 1930 cũng được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 vào năm 2011 và được Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất (1962). Bà Đào Thị Thơ, chị gái ruột đồng chí Đào Quang cũng có công nuôi dưỡng cán bộ, nhà bà là cơ sở họp hành của Huyện uỷ Quỳnh Lưu những năm 1930-1931.
Đồng chí Đào Quang, Bí thư Huyện uỷ Quỳnh Lưu năm 1930-1931 là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, cao cả của người cộng sản đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với những đóng góp cho phong trào cách mạng, đồng chí Đào Quang đã được công nhận là cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 vào năm 2011 và được Nhà nước truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 1228 - QĐ/TTg ngày 10/11/2003.
Nguyễn Vân Anh
Phòng STKKBQ – Bảo tàng XVNT