287
475
287
2754
0
6853943
Đồng chí Bùi Xuân Nam ( tức là Bùi Thiện, Bùi Miện, Bùi Xuân Nôm ) sinh năm 1894 tại làng Kim Lũy, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Kim), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đây là một làng quê ven biển với nghề đánh bắt hải sản, làm muối và nước mắm nhưng cũng là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Cha đồng chí Bùi Xuân Nam là ông Bùi Xuân Phong hoạt động trong phong trào Yên Thế của nghĩa quân Đề Thám chống Pháp (1885 – 1913), mẹ là bà Nguyễn Thị Lan, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con.
Bùi Xuân Nam từ nhỏ đã sớm được tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình. Năm 12 tuổi cha hy sinh nên Bùi Xuân Nam được một người bạn chiến đấu cũ của cha là ông Luyện Huy Trinh ở làng Xuân Lai, tổng Quỳ Trạch, (nay là xã Đô Thành) huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhận về nuôi và cho ăn học, xem như con cái trong nhà. Đến tuổi trưởng thành nhận thấy Bùi Xuân Nam là một người khí khái, tư tưởng tiến bộ và có chí hướng nên ông Luyện Huy Trinh đã gả con gái của mình là Luyện Thị Chính cho Bùi Xuân Nam và ông ở rể quê vợ luôn từ đây.
Từ năm 1926, một số thành viên trong tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở huyện Diễn Châu như: Chu Đàm, Chu Trang, Chu Huệ, Hồ Nhiếp được cử về các làng Trụ Pháp, Quảng Cư, Phong Niên, Ngọc Luật, Tràng Thành, Tường Lai, Ngọc Thành, Quỳ Lăng… ở huyện Yên Thành để tuyên truyền, gây dựng cơ sở, vận động quần chúng đấu tranh. Đồng chí Bùi Xuân Nam được tuyên truyền, giác ngộ và trở thành một trong những thành viên hoạt động cách mạng tích cực của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại địa phương.
Năm 1927 đồng chí Võ Mai - Ủy viên Hội Thanh niên yêu nước Trung Kỳ quê ở Diễn Châu đã về Yên Thành thông qua đồng chí Bùi Xuân Nam liên hệ, tập hợp và lập ra tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội tổng Quỳ Trạch, bí mật mở lớp dạy chữ quốc ngữ, tổ chức các hoạt động đọc thơ văn, sách báo. Tác phẩm “Đường kách mệnh” đã được phổ biến rộng rãi, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân Xuân Lai nhằm khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc, phong kiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, số hội viên của Hội Thanh niên Quỳ Trạch từ 7 người đã tăng lên 20 người. Hội không chỉ hăng say tuyên truyền giác ngộ cách mạng, mà còn tổ chức nhiều cuộc biểu tình vay thóc nhà giàu cứu đói cho bà con nông dân các làng trong tổng Quỳ Trạch.
Sáng ngày 20/01/1930 theo sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Xuân Nam, dân làng Xuân Lai và Gia Mỹ đã tập trung đầy đủ, trực tiếp kéo đến nhà bang tá Luyện Tần để vay thóc. Trong nhà hắn lúc nào cũng có dư hàng chục tạ thóc, nhưng không chịu cho bà con vay để cứu đói. Bằng cách tuyên truyền, thuyết phục, sự ứng xử khôn khéo của các đồng chí lãnh đạo và trước sức ép của quần chúng nhân dân buộc bang tá Luyện Tần phải mở cửa cho bà con vào lấy thóc. Trận ra quân đầu tiên thắng lợi đã cổ vũ tinh thần nhân dân các làng Đại Độ, Xuân Lai, Gia Mỹ, Phú Tăng... thuộc tổng Quỳ Trạch tiếp tục đứng lên đấu tranh vay thóc của các nhà điền chủ khác dưới sự lãnh đạo của Hội Thanh niên Quỳ Trạch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ở Nghệ An, phong trào đấu tranh phát triển ngày càng mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Đàn ( ngày 30/8/1930) nhân dân huyện Thanh Chương ( 1/9/1930); nông dân Anh Sơn ( 5/9/1930. Từ ngày 8 đến ngày 11/9/1930 khí thế đấu tranh càng sục sôi khi hàng chục nghìn nông dân huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu liên tiếp nổi dậy. Phong trào được đẩy lên đỉnh điểm đó là cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn trong ngày 12/9/1930 với khẩu hiện như “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! đả đảo phong kiến”. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom xả súng liên thanh vào đoàn biểu tình, làm chết 217 người, bị thương 125 người, đốt cháy 177 nóc nhà. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã cử các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc về chỉ đạo, định hướng các hoạt động đấu tranh của nhân dân Yên Thành. Nhà đồng chí Bùi Xuân Nam (làng Xuân Lai) là một trong những địa điểm tổ chức các cuộc họp bí mật bàn bạc kế hoạch đấu tranh và cũng là nơi ăn nghỉ của các đồng chí cấp trên khi về làm việc. Với địa thế nằm sâu trong xóm, xung quanh cây cối um tùm, rậm rạp, vừa rộng rãi, kín đáo rất thuận lợi để khi bị động có thể trốn ra vườn sau và thoát ra ngoài. Tại đây đã diễn ra cuộc họp cán bộ cốt cán của huyện Yên Thành (1) để bàn về kế hoạch chuẩn bị cho cuộc biểu tình toàn huyện kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1930).
Tối ngày 6/11/1930, trước ngày biểu tình, bà con các làng Xuân Lai, Đại Độ, Gia Mỹ đã tụ họp, cùng nhau nấu ăn chung theo kế hoạch đã định. Bên ánh lửa bập bùng, bà con được nghe các đồng chí lãnh đạo kể về sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga, kể về gương đấu tranh anh dũng của nhân dân Hưng Nguyên đồng thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phong kiến tay sai. Khoảng 3 giờ sáng ngày 7/11/1930, tiếng trống, tiếng mõ vang lên thúc giục rộn rã. Trên các cây cao, khắp các ngả đường, cờ đỏ búa liềm bay phấp phới. Đoàn biểu tình của tổng Quỳ Trạch dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Bùi Xuân Nam, Luyện Nhận, Lưu Xuân Giản, hàng ngũ chỉnh tề tập trung tại trường Yên Mã. Người mang theo một ô vuông vải đỏ làm cờ, người dương biểu ngữ, thanh niên trai tráng thì mang theo cuốc, liềm, gậy gộc... kéo về tập trung tại đền Cồn Trăn để nghe diễn thuyết, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, vừa rải truyền đơn. Trên đường kéo về huyện đường, vừa đến địa phận cầu Muống (làng Tương Lai) thì bị lính khố xanh, lính lê dương từ Diễn Châu lên đàn áp. Đồng chí Bùi Xuân Nam dẫn đầu đoàn, hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ chính quyền Xô Nga”; “Phản đối việc bắn giết nhân dân trong các cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh”. Hưởng ứng lời kêu gọi, đoàn người giương cao cờ và biểu ngữ, đồng thanh hô vang “Đả đảo! Đả đảo!”. Hoảng sợ trước khí thế xung thiên của nhân dân, tên đội Tây đã lệnh cho lính bắn xối xả vào đoàn biểu tình khiến 10 người chết và hàng chục người bị thương. Trước tình thế không cân sức, để bảo toàn lực lượng, đồng chí Bùi Xuân Nam đã chỉ đạo bà con rút lui. Tối 9/11/1930, đồng chí cùng nhân dân tổng Quỳ Trạch đã tập trung về Cồn Diệc (Thọ Thành) để làm lễ truy điệu cho những người hy sinh.
Ngày 10/11/1930, Huyện uỷ lâm thời Yên Thành được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban chấp hành Huyện ủy đã phân công các đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Nguyễn Ứng về các cơ sở để phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng: như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ... Tổ chức Nông hội đỏ làng Xuân Lai ra đời đảm nhận việc quản lý, điều hành mọi mặt ở làng thay cho bọn hào lý. Đồng chí Bùi Xuân Nam là thành viên Ban Chấp hành của Nông hội làng Xuân Lai. Các đồng chí đã công khai tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ, đấu tranh đòi hào lý phải trả lại một phần ruộng đất công và nạp thóc để chia cho nhân dân với khẩu hiệu “Vay thóc cứu đói”...
Tháng 12/1930, chi bộ ghép Quỳ Trạch – Quan Hóa ra đời gồm 7 đảng viên do đồng chí Trần Cuông làm Bí thư, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, đồng chí Bùi Xuân Nam và Nông hội đỏ đã cùng nhân dân Xuân Lai tổ chức nhiều cuộc đấu tranh như: cuộc đấu tranh ngày 17/2/1931 của nhân dân toàn tổng Quỳ Trạch mít tinh thị uy, diễn thuyết vạch trần tội ác của bọn thực dân đế quốc; ngày 24/2/1931, nhân dân làng Xuân Lai phối hợp với nhân dân làng Gia Mỹ, Phú Vinh tiến hành cuộc đấu tranh lấy thóc chia cho người nghèo...
Đầu năm 1931, do hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động cách mạng đồng chí Bùi Xuân Nam đã được kết nạp vào Đảng tại động Mồng Gà, núi Dạ Sơn (làng Xuân Lai). Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí luôn phát huy tốt vai trò đi đầu dậy trước, dũng cảm tiên phong trong các cuộc mít tinh, biểu tình, hô hào, cổ vũ tinh thần, ý chí đấu tranh phát huy sức mạnh, sự đoàn kết của quần chúng.
Từ tháng 4/1931, để ngăn chặn làn sóng đấu tranh cách mạng tại Yên Thành đang dâng cao, bọn địch tăng cường chính sách bắt bớ và khủng bố toàn huyện khiến nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật. Tháng 11/1931 đồng chí Bùi Xuân Nam bị địch bắt giam và bị kết án 2 năm rưỡi tù và 2 năm theo dõi (theo bản án số 172 ngày 18/11/1931 của tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An) với tội danh hoạt động cộng sản, cổ động của thôn bộ cộng sản. Ngày 12/01/1932, đồng chí bị đày đến Quảng Nam và bị bọn địch dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo và man rợ nhất để tra tấn nhằm khuất phục tinh thần cách mạng, lòng yêu nước. Nhưng với bản lĩnh kiên cường, đồng chí Bùi Xuân Nam đã đấu tranh chống lại mọi chế độ hà khắc và tham gia nhiều cuộc đấu tranh do anh em trong tù tổ chức, một lòng luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Năm 1939, sau khi ra tù đồng chí Bùi Xuân Nam đã cùng gia đình sinh sống và hoạt động cách mạng tại Phan Thiết. Đến năm 1955 đồng chí trở về quê Yên Thành. Năm 1958 đồng chí mất sau một cơn bạo bệnh, thọ 64 tuổi. Với những đóng góp của mình và gia đình cho phong trào cách mạng, ngày 14/08/2013 đồng chí Bùi Xuân Nam đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ra quyết định công nhận số: 4422/QĐ-TU “Về việc người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 đã hy sinh, từ trần” được hưởng chế độ ưu đãi và nhiều danh hiệu khác.
Phan Thị Thảo – Bảo tàng XVNT
Chú thích:
([1]) Lê Điều (người làng Ngọc Luật, tổng Vân Tụ), Nguyễn Thực (người làng Đông Yên, tổng Vân Tụ), Lê Cổn, Trần Cuông (người làng Yên Định, tổng Quỳ Trạch), Lưu Xuân Giản (người làng Tường Lai), Phan Xuân Thuyên (người làng Tràng Thành, tổng Quan Hóa), Nguyễn Hữu Dung (người làng Quỳ Lăng, tổng Quỳ Trạch), Nguyễn Linh (người làng Công Trung, tổng Quan Hóa).