635
526
2647
20162
20962
6849569
Đình Phúc Yên ( còn gọi là đình Phúc Sơn) hiện nay thuộc xóm 7, xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Di tích này cách thành phố Vinh 71 km về phía Tây, khách muốn đến thăm di tích có thể đi theo 2 đường và sử dụng các phương tiện như: ô tô, xe máy.
Đường thứ nhất: xuất phát từ Thành phố Vinh, du khách ngược đường 1A, hướng Vinh – Hà Nội đến ngã ba Diễn Châu ( cách Vinh 40 km) ta rẽ tay trái theo đường Quốc lộ số 7, qua thị trấn Đô Lương, về đến Quả Sơn ở xã Bồi Sơn. Từ đền Quả Sơn tiếp tục theo đường liên huyện, ngược về phía Tây khoảng 4 km đến xã Ngọc Sơn. Khi gặp ngã 3 cây Bùi ta rẽ tay trái, đi thêm khoảng 400m là đến đình làng. Đình Phúc Yên nằm sát trụ sở UBND xã Ngọc Sơn.
Đường thứ hai: xuất phát từ thành phố Vinh, du khách ngược về phía Tây theo đường Quốc lộ 46, qua huyện Nam Đàn, theo đường 15A, đến thị trấn huyện Đô Lương. Từ thị trấn tiếp tục ngược về phía Tây đến xã Ngọc Sơn theo chỉ dẫn như trên là đến di tích.
Đình Phúc Yên là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, địa điểm hội họp, sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng Phúc Yên, xã Ngọc Sơn. Trong thời kỳ cách mạng 1930 – 1975, đình làng là cơ sở cách mạng của Đảng, gắn với nhiều sự kiện lịch sử chống Pháp, chống Mỹ. Hiện nay, đình đang lưu giữ được 3 tòa kiến trúc cổ và một số hiện vật quý, có giá trị về lịch sử, văn hóa.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, làng Mươn ở xã Bạch Đường ( nay thuộc xã Ngọc Sơn) được khai mở, hình thành từ thời Lý, trải qua hàng trăm năm được bồi đắp bởi phù sa của sông Lam và công sức lao động của các thế hệ ở đây đã phát triển thành làng Phúc Yên từ thời Hậu Lê. Khi làng xã phát triển, nhu cầu về hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tăng lên, cư dân làng Việt muốn xây dựng đình làng để làm nơi hội họp, tế thần, cầu yên, cầu phúc…Nguyện vọng này sớm được các vị chức sắc, hào mục và quần chúng nhân dân ủng hộ. Sau nhiều lần họp bàn, quyên góp được tiền của, học hỏi kinh nghiệm làm đình từ các làng khác, bái đình Phúc Yên được đã được khởi công xây dựng vào năm 1812, dưới triều vua Gia Long.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ. Từ thủa nhỏ ông đã là một người thông minh, lớn lên được rèn luyện nghiêm túc ở hoàng cung nên Lý Nhật Quang đã trở thành vị hoàng tử văn võ toàn tài, giàu lòng yêu nước, thương dân.
Năm 1039, Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông cử vào trông coi việc tô thuế ở Nghệ An. Thời đó, Nghệ An là một vùng đất biên viễn, trọng yếu của Đại Việt đang gặp muôn vàn khó khăn. Khi được triều đình giao cho trọng trách đó, Lý Nhật Quang đã dày công tìm hiểu về chính trị, kinh tế, quân sự ở đây để từ đó đề xuất nhiều giải pháp sáng suốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tháng 10 năm Tân tỵ (1041), ông chính thức nhậm chức Tri châu Nghệ an với tước phong "Uy Minh Hầu". Năm 1044, do làm việc mẫn cán, có nhiều cống hiến với nước nhà nên ông được gia phong tước “Uy Minh Vương”.
Trong thời gian nhậm trị ở đây, Lý Nhật Quang đã thực hiện cải tổ trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, đồng thời sử dụng "ân, uy" để thu phục nhân tâm. Với nỗ lực không ngừng, ông đã biến Nghệ An từ một vùng đất nghèo khó, bất ổn, trở thành một châu hùng mạnh của nước Đại Việt. Chính sách sáng suốt của ông đã góp phần quan trọng giúp Lý Thái Tông đánh thắng quân Chiêm vào năm 1044 và ổn định đất nước.
Năm 1057 Uy Minh Vương Lý Nhật Quang qua đời. Nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc đã mai táng ông dưới chân núi Quả, làng Tạp phúc, Bạch Đường ( nay thuộc xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Trải qua gần 1000 năm, ở Nghệ An đã có 36 đền, đình được tạo lập thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Đây cũng là cách nhân dân xứ Nghệ bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với vị thánh đã có công "bảo quốc hộ dân".
Di tích đình làng Phúc Yên trải qua hơn 200 năm tồn tại đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương. Trong thời kỳ phong trào Văn Thân, Cần Vương chống Pháp, ở làng Phúc Yên, xã Bạch Ngọc đã có người đi theo nghĩa quân Trần Tấn, Đặng Như Mai. Năm 1927 – 1929 ở phủ Anh Sơn ( gồm huyện Anh Sơn và Đô Lương ngày nay) đã xuất hiện cá các tổ chức cách mạng như Hội Phục Việt do các đồng chí Tôn Quang Duyệt, Đặng Sỹ Đối, Cao Tiến Tuệ, Nguyễn Khắc Ất thành lập; Hưng nghiệp Hội Xã, Hội Việt nam cách mạng Thanh niên do đồng chí Dương Đình Thúy, Hoàng Long, Hoàng Thế Hanh thành lập….Đặc biệt, vào tháng 9/1929, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Mai, Nguyễn Phong Sắc, Chi bộ Đông Dương Cộng Sản đầu tiên ở Anh Sơn được thành lập gồm 7 đồng chí, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Các đồng chí đã tích cực tuyên truyền, vận động, kết nạp được nhiều Đảng viên mới. Cùng với việc thành lập Chi bộ ở Anh Sơn đã có nhiều tổ chức quần chúng như Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Nghệ An đã phát triển mạnh ở Vinh, Bến Thủy, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn…
Để xây dựng thêm nhiều cơ sở Đảng, phong trào đấu tranh, Tỉnh ủy Nghệ An đã phân công các đồng chí Trần Dụ, Nguyễn Tạo, Hoàng Trần Thân đến Anh Sơn thành lập Phủ ủy Lâm thời. Dưới sự chỉ đạo của Phủ ủy, sau một thời gian ngắn, các Ban chấp hành Liên chi ở Phủ Anh Sơn và các tổng phát triển mạnh. Ban chấp hành Liên chi ở phủ Đặng Sơn được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Tuy làm Bí thư, tổng Đô Lương do đồng chí Hoàng Trần Liễn làm Bí thư. Ở phủ Anh Sơn, có 18 chi bộ cơ sở với 423 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng ở các làng xã. Để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Vinh – Bến Thủy, nông dan Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương… Phủ ủy Anh Sơn đã quyết định tổ chức cuộc đấu tranh với quy mô lớn vào ngày 8/9/1930 ở tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Đặng Sơn. Ở đây, đã có hàng ngàn người vũ trang bằng “gậy tày, tay thước” có tự vệ hộ tống đã tập trung về Truông Cồn Đọi và bãi Xuân Như rầm rộ biểu tình, hô vang khẩu hiệu “ không được đàn áp, bắt giết các cuộc biểu tình, bãi công, thả những công nhân Vinh – Bến Thủy bị bắt, bỏ thuế hoa lợi và các loại sưu thuế khác”; đồng thời trấn áp bọn chức sắc gian ác ở các tổng…Lo sợ trước sức mạnh của đoàn biểu tình, địch cho máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và nhiều người bị thương.
Căm phẫn trước sự đàn áp dã man của thực dân Pháp và bọn tay sai, ngày 10/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy Anh Sơn, nông dân xã Bạch Ngọc tiếp tục kéo cờ đỏ bùa liềm tuần hành thị uy cùng với các tổng Bạch Hà, Tuần Trung biểu tình, diễn thuyết, trấn áp bọn hào lý ở trong tổng. Ngày 26/9/1930, hơn 100 nông dân các làng thuộc Bạch Ngọc tập trung ở chợ Chùa nghe diễn Thuyết rồi kéo cờ đi biểu tình thị uy trấn áp lý trưởng ở các làng xã.
Mặc dầu bị địch đàn áp dã man, nhưng nông dân Phúc Yên, Bạch Ngọc vẫn bí mật tập hợp trong phe hộ, trực tiếp đấu tranh với phe hào ( bọn địa chủ, hào lý, chức dịch ở làng xã) dòi cơn no ấm, chống sưu cao, thuế nặng, bắt lính đi phu của thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến.
Năm 1931, trong cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân ở các đình làng, ông Cúc Đềnh, ông Vịnh Thềnh, ông Chử, ông In, bốn người đã cõng nhau leo lên cắm cờ đỏ trên nóc đình để kêu gọi quần chúng đấu tranh. Ông Đặng Quang Kiểm và ông Lê Văn Nừu bị địch bắn chết ở đình làng.
Có thể nói rằng trong suốt thời kỳ cách mạng 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân của làng Phúc Yên, xã Bạch ngọc đã liên tục nổi dậy đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột của kẻ thù, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của Đô Lương, Nghệ An.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, đình làng Phúc Yên được sử dụng làm nơi dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân, là nơi hội họp của làng xã để bàn việc tổ chức kháng chiến và kiến quốc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng là nơi cất giữ lương thực, lúa gạo dự trữ để cung cấp cho chiến trường Lào, miền nam, Lực lượng vũ trang quân khu IV đã dùng đình Phúc Yên làm kho quân nhu, cất giữ bông, vải sợi, tổ chức sản xuất của xưởng nhuộm, xưởng may 10, làm hội trường hội họp, hậu cần phục vụ kháng chiến.
Trải qua một thời gian dài, việc tế thần, hội họp, sinh hoạt văn hóa ở đình làng Phúc Yên đã trở thành nếp sống quen thuộc của cư dân Phúc Yên, Bạch Ngọc dưới thời phong kiến. Việc phe hộ đấu tranh với phe hào, thực dân Pháp bắn người cách mạng, tổ chức dạy chữ, làm kho phục vụ kháng chiến diễn ra ở đình làng là sự kiện đáng được ghi nhớ, lưu giữ ở đình Phúc Yên.
Đình làng Phúc Yên được xây dựng trên một cồn đất cao, gần tả ngạn sông Lam, trước mặt và hai bên đình là ruộng lúa, ao hồ. Sau lưng là trụ sở của UBND xã Ngọc Sơn. Xa xưa, khuôn viên đình rộng hơn 2 ha. Ở đình Phúc Yên còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ, được xây dựng vào thời Nguyễn.
Trải qua hơn hai trăm năm bị lụt bão, chiến tranh tác động, cảnh quan, kiến trúc, hiện vật của đình làng đã ít nhiều có sự đổi thay. Hiện nay trong khuôn viên rộng 3.997,6m2, đình làng Phúc yên còn có các công trình, cửa cống, hàng rào, nhà bia liệt sỹ xã Ngọc Sơn, sân vườn, bái đình, hậu cung, nhà nghè. Địa điểm xây dựng đình làng được coi là nơi phù hợp với phong thủy địa lý vì có thế rồng chầu, hổ phục.
Cửa cổng, hàng rào: Do tác động của bão lụt, tam quan đã bị hư hỏng, cửa đình được xây dựng lại năm 1996. Lòng cửa rộng 4,43m, cánh cửa làm bằng sắt để ngăn gia súc thả rông. Hai bên có các trụ cửa mô phỏng các trụ cửa truyền thống. Trụ đình xây bằng gạch vữa. Chân trụ choãi, thân thẳng, đỉnh lắp con nghê. Ở mặt ngoài thân trụ có các gờ nổi, phía trong lõm viết câu đối ca ngợi vị trí cát địa của đình, làng Phúc Yên.
“ Trung thiên nhật nguyệt quang thiên hạ
Đại địa sơn hà tráng địa duy”.
Sân vườn đình: sân và vườn đình rộng 1672m2, ở giữa sân có một con đường nhỏ chạy từ cửa vào nhà Bái đình. Mặt đường láng vữa, vỉa gạch khá sạch sẽ. Phần đất còn lại phía hai bên sân được chia thành 4 ô để trồng cây xanh, cây cảnh làm đẹp, tạo bóng mát cho sân đình..
Nhà bia liệt sỹ xã Ngọc Sơn: công trình mới này được xây dựng vào năm 1996, bằng vật liệu gạch, đá, vữa, ngói nhằm đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước.
Nhà Bái đình: Bái đình có 5 gian, 2 hồi, diện tích xây dựng 199,95m2. Mái đình trang trí rồng, nguyệt, khung sườn làm bằng gỗ lim, vì kèo kết cấu chữ Đinh, có chạm khắc hoa lá theo mô típ kiến trúc truyền thống. Bái đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tâm linh thờ Lý Nhật Quang của làng Phúc Yên nên trước đấy có nhiều đồ thờ bằng gỗ, gốm, sứ. Phía trên có hoành phi: “ Thượng hạ tôn ti, phi lễ bất định”. Nghĩa là: sinh hoạt ở đình phải có trật tự, phép tắc theo quy định của lệ làng, phép nước. Phía dưới đặt một hương án bày tam sự, bình hoa, mâm chè, đài trản, chén sứ, nậm rượu phục vụ nghi thức tưởng niệm, cúng tế Thành Hoàng.
Sân sau: Sân sau có diện tích 34,41m2. Mặt sân thấp hơn nền nhà Hậu cung 0,45m. Đây là không gian phụ để tạo sự thông thoáng cho đình làng.
Nhà hậu cung: Hậu cung có 3 gian, 2 hồi, diện tích xây dựng 74,9m2, trang trí đẹp và kết cấu vững chắc. Mái đình đắp nổi "lưỡng long chầu nguyệt", góc mái trang trí hình con rồng mềm mại, khung sườn làm bằng gỗ lim có nhiều bộ phận chạm khắc rồng phượng, hoa lá rất sinh động. Bộ vì thiết kế theo kiểu tiền trụ, tam oai, chỉ có 2 cột cái, 1 cột con, 1 cột bồng. Kỹ thuật đục, ghép, đấu ở các cấu kiện gỗ thực hiện theo phương pháp sàm, mộng của nghề thủ công truyền thống xứ Nghệ. Hai bên nhà hậu cung treo câu đối:
" Nghinh thọ nghiêu dân thế cửu yên
Hòa bình chu nhạ thần di phúc"
Nhà Trù: còn có tên gọi khác là nhà Nghè, gồm có 3 gian, 4 vì, diện tích xây dựng là 51,4m2. Khung làm bằng gỗ, nền làm bằng đất. kết cấu đơn giản nhưng vẫn mang được dấu ấn của kiến trúc nhà Việt vào thời Nguyễn. Công trình được sử dụng làm nơi nấu nướng, sửa soạn lễ vật phục vụ cho lễ cúng tế thành hoàng hàng năm .
Ngoài các giá trị vật thể về kiến trúc, đình làng Phúc Yên còn có giá trị về mặt văn hóa tâm linh. Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, thực hiện nghi lễ tưởng niệm, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài của nhân dân. Lễ tế thành hoàng diễn ra hàng năm vào ngày 15/2 âm lịch đã thu hút được đông người dân về dự. Các hoạt động dâng hương, dâng lễ, đọc tế văn diễn ra trang trọng, linh thiêng. Những trò chơi dân gian, hát ví, hát tuồng mang lại cho mọi người sự lạc quan, yêu đời.
Trước năm 1945 lễ hội ở đình Phúc Yên thường có 2 phần. Phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nội dung: khai quang tẩy uế, làm tổng vệ sinh ở khu vực nội và ngoại thất đình làng; Lễ mộc dục: Tắm rửa long ngai, bài vị và các đồ thờ; Lễ gia quan: thay, mặc áo cho Uy Minh Vương; Lễ yên vị: Đưa long ngai, bài vị đã tắm rửa về bái đình, hậu cung. Lễ Yết cáo: Báo cáo với Thành hoàng Uy Minh Vương, trời đất, thần linh về thời gian, nội dung, thành phần lễ tế và mời các vị tham dự; Lễ đại tế: Dâng hương, hiến dâng vật phẩm, tấu nhạc, đọc văn…tưởng nhớ công lao củ Uy Minh Vương, cầu xin ngài tiếp tục ban phước, giải hạn cho con cháu; Lễ tạ: cảm ơn thành hoàng, thần linh đã về dự tế lễ, ban phúc cho dân làng và xin lượng thứ về những khiếm khuyết trong ngày tế.
Phần hội: Ngày xưa, vào dịp tế thần thành hoàng, trước hoặc sau khi hành lễ ở đình Phúc Yên thường có các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra ở trong và ngoài sân đình. Nhiều vở diễn tuồng trò Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa… và các làn điệu dân ca, ví, dặm Nghệ Tĩnh ở sân đình đình đã thu hút được đông đảo du khách tham dự. Các trò chơi dân gian sôi nổi như: chọi gà, đánh cờ, chơi đu diễn ra ở trước đình là những sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh đã góp phần thể hiện được bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt ở Đô Lương.
Tham gia lễ hội tế thần ở làng Phúc Yên, người dân không chỉ được dâng lễ bày tỏ lòng biết ơn đối với Uy Minh Vương và những người có công mà còn được trở về với nguồn cội. Lễ tế thần, các trò hội diễn ra ở đình làng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu giữa người làng Phúc Yên với bạn hữu trong vùng. Thông qua lễ hội, tình cảm của cộng đồng được gắn kết hơn. Lễ tế thành hoàng và các sinh hoạt văn hóa ở đình làng Phúc Yên xưa là nét đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc .
Đình Phúc Yên là di tích cổ, quý có kiến trúc cảnh quan đẹp, lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị về lịch sử, mỹ thuật. Đình là nơi thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang và các liệt sỹ có công với đất nước và gắn với nhiều sự kiện lịch sử về thời kỳ đấu tranh chống Pháp; phong trào cách mạng 1930 – 1975. Đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động tế thần, cầu phúc, cầu lộc, càu tài của làng Phúc Yên, xã Bạch Ngọc. Với những giá trị to lớn Đình làng Phúc Yên đã được Ban quản lý Di tích và danh thắng lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào tháng 9/2013.