630
526
2642
20157
20962
6849564
Đình Trụ Pháp (còn gọi là Đình Tràng Kè, Đình Trung) hiện nay thuộc xóm 10, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Di tích này cách thành phố Vinh khoảng 65km về hướng Tây Bắc. Từ thành phố Vinh, đi theo Quốc lộ 1A, đến Km22 là trụ sở UBND xã Mỹ Thành, từ đây du khách đi thẳng theo đường liên thôn khoảng 800m là đến Đình Trụ Pháp.
Cư dân làng Trụ Pháp, xã Mỹ Thành cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khi làng xã phát triển, nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh ngày càng tăng nên đình Trụ Pháp vừa là trụ sở hội họp của quan viên chức sắc, dân làng, đồng thời cũng là nơi tế lễ, thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian thành hoàng làng.
Theo các tư liệu lịch sử, đình Trụ Pháp được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Lúc đầu, đình được khởi dựng bằng gỗ vườn rừng trong làng cùng với tranh tre, nứa, lá. Đến thời vua Dụ Tông, làng dùng công quỹ và huy động nhân dân đóng góp, mua gỗ Bến Điển về để dựng khung nhà đình. Công trình kéo dài 3 năm từ năm 1717 đến năm 1720 thì hoàn thành phần gỗ, lợp tranh săng.
Năm Mậu Tuất 1898, khi chính quyền nhà Nguyễn chia lại địa giới, làng Trụ Pháp chính thức có tên và Mục Triện. Đến năm Quý Mão 1903, chính quyền, nhân dân làng Trụ Pháp cùng đóng góp công quỹ, mời thợ làng Phượng Lịch (Diễn Châu) xây lò nấu ngói, gạch để lợp mái, lát nền, kiến thiết lại đình to đẹp, nguy nga hơn. Sang năm Giáp Thìn 1904, công trình thiết kế xây dựng lạ đình Trụ Pháp được hoàn thành. Đây là một trong những ngôi đình lớn của huyện Yên Thành mang dáng kiến trúc thời Nguyễn và đến nay vẫn còn giữ được gần như nguyên trạng, vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, vừa chứa đựng các dấu vết lịch sử của quê hương qua từng thời kỳ.
Theo “Địa chí lịch sử xã Mỹ Thành”, văn cúng của làng Trụ Pháp, gia phả của các dòng họ Phạm, Nguyễn Công, Nguyễn Văn ở làng Trụ Pháp và căn cứ tín ngưỡng thờ phụng ở đình hiện nay thì đình Trụ Pháp được xây dựng để thờ Thành Hoàng Cao Sơn, Cao Các (thần Núi, thần Lúa) và các vị thần có công khai canh, lập làng Trụ Pháp như Nguyễn Công Hàng (Triệu tổ học Nguyễn Công), Phạm Văn Trạch (Triệu tổ học Phạm), Nguyễn Đạo An (Triệu tổ họ Nguyễn Văn).
Đình Trụ Pháp trải qua hàng trăm năm tồn tại đã gắn với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương và dân tộc.
Trong phong trào Cần Vương chống Pháp, hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhân dân các làng ở Yên Thành đã tự nổi dậy, thành lập các đội nghĩa binh, đắp luỹ đào làng, lấy làng mình làm căn cứ liên kết lực lượng với các làng xung quanh. Tại Trụ Pháp, ông Nguyễn Công Vinh cùng dân làng nổi dậy rào làng, tổ chức đánh Pháp, sau đó sung vào nghĩa quân của Nguyễn Xuân Ôn. Trong cuộc chiến đấu này, đình làng Trụ Pháp là địa điểm để hội họp, gặp gỡ, tập trung lực lượng của những người tham gia khởi nghĩa.
Vùng đất Mỹ Thành cũng là một vùng rừng núi, địa hình tương đối hiểm trở nên “trong những năm phong trào Cần Vương, các ngọn đồi, các con đường, các xóm làng ở Mỹ Thành từng đón tiếp các đoàn nghĩa binh Cần Vương về trú quân tại đây”, đặc biệt là nghĩa quân của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Năm 1887, cụ Phan Đình Phùng trên đường ra Nghệ An để liên kết lực lượng với nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn cũng đã lợi dụng địa thế kín đáo của vùng rừng núi này để dừng chân và nghỉ lại một đêm tại đình Trụ Pháp.
Trong phong trào cách mạng 1930-1931, đến trước cách mạng tháng Tám 1945, đình Trụ Pháp là nơi hội họp của các chiến sỹ cách mạng, đồng thời cũng là nơi tập trung lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng để đấu tranh chống bọn thực dân, phong kiến, là một trong những địa chỉ đỏ của phong trào đấu tranh cách mạng ở Yên Thành trong giai đoan lịch sử này.
Hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sáng sớm ngày 7/11/1930, nhân kỷ niệm 13 năm cách mạng tháng Mười Nga, hàng trăm quần chúng tổng Vân Tụ đã tập trung tại đình Trụ Pháp. Đoàn biểu tình, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng đã tiến hành sắp xếp lại đội ngũ, anh em tự vệ cầm cờ đi đầu cùng cả đoàn biểu tình hàng trăm người xuất phát từ đình Trụ Pháp qua đường 7 tiến thẳng về huyện lỵ, hô vang khẩu hiệu chống đế quốc, phong kiến, đòi quyền lợi. Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của quần chúng huyện Yên Thành trong cao trào 1930-1931.
Cuộc đấu tranh ở Tràng Kè đã có tác dụng giác ngộ và cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Yên Thành. Các cuộc biểu tìnhm, đấu tranh đòi quyền lợi tiếp tục nổ ra ở nhiều nơi trong toàn huyện. Chính quyền thực dân phong kiến vô cùng hoảng sợ trước sự lớn mạnh của các cuộc đấu tranh nên đã tìm mọi cách đàn áp hòng khủng bố tinh thần của quần chúng và dập tắt phong trào.
Thực dân Pháp đã lập ở Mỹ Thành một đồn binh mạnh nhất huyện, xây dựng hệ thống bang tá huyện và bang tá tổng để chống phá cách mạng tại chỗ. Chúng còn sử dựng Thung Cổ Hùng (một gò đất cao gần chợ Tràng Kè) thuộc làng Trụ Pháp làm nơi xử bắn các chiến sỹ cách mạng để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân. Từ ngày 7/11/1930 đến tháng 9/1931, thực dân Pháp đã xử bắn 72 chiến sỹ Xô Viết, trong đó có 11 người con của quê hương Mỹ Thành.
Dấu tích của cao trào cách mạng hiện còn lưu tại di tích đình Trụ Pháp chính là địa điểm cây trôi từng là nơi cụ Hoe Chuơn (Nguyễn Văn Chuơn) cắm cờ đỏ búa liềm trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930. Cây trôi nằm ở phía Đông của Đình, ngay cạnh đường liên thôn.
Năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp ở nhiều nơi, đồng chí Tôn Thị Quế được giao nhiệm vụ tuyên truyền, xây dựng, chỉ đạo công tác phụ vận, đi các huyện để vận động bà con không nghe theo luận điệu tuyên truyền của địch, nói xấu cộng sản, nói xấu cách mạng tháng Mười Nga; vận động nhân dân đấu tranh chống lại âm mưư và thủ đoạn nham hiểm của địch là phát thẻ quy thuận và rước cờ vàng. Đình Trụ Pháp là một trong những địa điểm đồng chí Tôn Thị Quế lựa chọn để tập trung quần chúng, tổ chức diễn thuyết, tuyên truyền tư tưởng, chủ trương đấu tranh của Đảng vào ngày 20 tháng Giêng năm Tân Mùi (1931).
Sau cao trào cách mạng 1930-1931 đến trước năm 1945, đình Trụ Pháp cùng một số địa điểm khác ở vùng rừng núi Vân Tụ như Nhà thờ họ Nguyễn Công, nhà đồng chí Nguyễn Ngoạn… chính là những cơ sở hoạt động bí mật của Đảng bộ huyện Yên Thành, là nơi ấn loát tài liệu, truyền đơn của Đảng và nơi che dấu, nươi dưỡng, phát triển lực lượng để góp phần giành chính quyền ở huyện Yên Thành trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Năm 1945, trong giai đoạn vận động lực lượng cách mạng của Mặt trận Việt Minh, đình làng Trụ Pháp cũng là nơi vận động quần chúng, tập trung nhân dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng. Các đồng chí Ngô Xuân Hàm, Phan Phúc Tường, Phan Xuân Vinh là những người trực tiếp tham gia, tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền, vận động quần chúng tại đình Trụ Pháp.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình Trụ Pháp là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, phục cụ cho công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.
Tháng 9/1948, trong không khí sôi nổi của phong trào Thi đua ái quốc, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ III đã được tổ chức tại đình Trụ Pháp. Năm 1952, đình Trụ Pháp cũng là địa điểm diễn ra Đại hội thi đua quyết thắng của Tỉnh đội Nghệ An khi đơn vị về sơ tán tại xã Mỹ Thành với gần 1000 cán bộ về dự.
Trong những năm 1964-1968, khi cả nước bước vào cuộc chiến dấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đình Trụ Pháp được sử dụng làm nơi cất dấu lương thực phục vụ kháng chiến. Ngoài ra, theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cunga trong những năm 1960 của thế kỷ XX, khi Trường quân y của Quân khu IV về sơ tán tại xã Mỹ Thành, đình Trụ Pháp còn được chọn làm nơi tổ chức các lớp học y tế, đào tạo y tá của trường.
Trong những năm 1971-1972, đình Trụ Pháp là điểm đóng quân, trú quân của nhiều đơn vị bộ đội của lực như Trung đoàn 57, đơn vị pháo cao xạ 37… để bảo vệ đường 7, tuyến đường quan trọng góp phần chi viện cho kháng chiến…
Bên cạnh những giá trị về lịch sử, đình Trụ Pháp còn là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng.
Theo truyền thống dân tộc, từ sau năm 1945, cứ 3 năm 1 lần, vào các năm lẻ Tý, Ngọ, Mão, Dậu, làng Trụ Pháp tổ chức yến lão cho các cụ cao niên trong làng với nghi thức rất quan trọng.
Tại đình làng xưa đã từng diễn ra các sinh hoạt văn hóa tâm linh, trong đó chủ yếu là thờ cúng Thành Hoàng, tổ chức lễ hội và các nghi thức cúng tế khác theo truyền thống dân tộc.
Vào các ngày giỗ của các vị Thành Hoàng, làng đều tổ chức các nghi thức cúng tế đầy đủ, chu đáo. Trước đây, vào ngày mồng 7 tháng Giêng ở đình còn tổ chức lễ Khai Hạ, lễ mở đầu năm mới, là một nghi lễ quan trọng đầu năm của nhà nông. Lễ thường kéo dài một ngày rưỡi tại đình làng với đầy đủ các nghi thức… Vào rằm tháng Bảy, tại sân đình, làng cũng tổ chức lễ Trung Nguyên để xá tội vong nhân.
Lễ hội xưa ở đình Trụ Pháp được tổ chức vào mồng 4 tháng Giêng hàng năm với nhiều hoạt động vui tươi, lành mạnh. Trong lễ hội, làng tổ chức hát ca trù ở đình, vừa diễn cho quan viên, chức sắc, dân làng, vừa để cho các đấng thần linh, nhất là Thành Hoàng làng nghe…
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi xã Đại Minh được thành lập từ việc hợp nhất xã Yên Đại, Đồng Minh, Lý Nhân, ngày mồng 4 tháng Giêng hàng năm, đình làng Trụ Pháp trở thành nơi tế lễ rất lớn. Nhân dân của 24 làng thuộc xã Đại Minh đều tập trung về đình để dự lễ tế. Mỗi làng rước một kiệu, lễ vật tấp nập từ các hướng tập trung về đình Trụ Pháp chờ làm lễ. Quang cảnh rất long trọng và náo nhiệt. Đến năm 1953, khi xã Đại Minh tách thành 4 xã như hiện nay thì nghi thức rước thần từ 24 làng về đình trong lễ hội mới bị bãi bỏ.
Ngày nay, các nghi thức tế lễ của làng xã không còn được duy trì tại đình. Tuy nhiên, bởi sự linh thiêng của đình, vào các ngày sóc, ngày vọng hàng tháng, nhân dân trong vùng vẫn về đây thắp hương, dâng lễ, cầu mong thần linh phù hộ cho họ được những điều tốt đẹp. Vào các ngày giỗ tổ của họ Nguyễn Công, Nguyễn Văn, họ Phạm, đại diện các dòng họ cũng tập trung về đình để dâng hương cho triệu tổ của dòng họ mình. Trải qua nhiều biến động xã hội, đình Trụ Pháp vẫn là một thiết chế có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng, lưu giữ giá trị văn hóa làng và gắn kết cộng đồng.
Đình Trụ Pháp hiện nay nằm cạnh ngã ba của đường liên thôn, cổng đình mở về hướng Nam, ở một vị trí thoáng đãng, không gian mở. Ở các phía Bắc, Tây và Nam di tích đều là khu vực dân cư sinh sống. Phía Đông di tích là đường liên thôn với cây trôi đã đi vào lịch sử là nơi dân làng Trụ Pháp cắm cờ của Đảng trong phong trào cách mạng 1930-1931. Từ Đình nhìn về phía Đông và Đông Nam là hệ thống núi non trùng điệp với động Vườn, cồn Rọ Khái, động Tù Và. Phía Tây của đình là động Cao Sơn… Cảnh núi non trùng điệp bao quanh đình Trụ Pháp đã tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên, nâng cao thêm vị thế của ngôi đình.
Nguyên xưa đình Trụ Pháp có kiến trúc hình chữ “Nhất”, gồm 3 gian 2 hồi. Sân đình tương đối rộng, được bài trí nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu là hai con voi bằng gỗ rất đẹp. Phần lớn diện tích của đình sử dụng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn hoá của làng. Hồi phía Bắc của đình được thưng ván, tạo thành một cung thờ kín đáo, thâm nghiêm, bố trí theo hình thức thờ dọc. Trong cung thờ phía trên có treo bức đại tự “Dân hoà phúc thần” với mong muốn thần linh phù hộ, hưởng phúc lành của thần mà nhân dân được hoà mục, vui vẻ. Phía dưới đại tự bố trí bàn thờ và các đồ tế khí phục vụ cho nghi thức tế lễ. Nội thất cung thờ gồm có bàn thờ lớn 2 cấp, cấp cao hơn có long ngai, bài vị, lư hương thờ Cao Sơn, Cao Các, cấp thấp hơn bày long ngai, bài vị, lư hương thờ 3 vị thần khai canh của làng cùng các đồ tế khí.
Trải qua thời gian với nhiều biến động, các hiện vật của đình xưa như hai con voi bằng gỗ đặt ở sân đình, các đại tự,long ngai, bài vị, đồ tế khí của đình đã thất tán gần hết. Tuy nhiên, kết cấu kiến trúc đình Trụ Pháp đến nay vẫn cơ bản được giữ nguyên trạng.
Hiện nay, khuôn viên di tích đình Trụ Pháp có tổng diện tích là 946m2, bao gồm các hạng mục công trình chính là cổng, tường rào, tắc môn, sân đình và toà đình.
Cổng và tường rào của đình là hạng mục kiến trúc mới được xây dựng từ năm 2003. Cổng đình được tạo bởi 2 cột trụ chính bằng bê tông với thân cột hình vuông, không có trang trí hoa văn, có các gờ đắp nổi ở các cạnh và được chia thành các ô. Phần trên cùng là một khung hình vuông rỗng nâng đỡ một búp hoa cách điệu, làm cho cột trụ có phần mềm mại hơn. Tiếp nối với cổng là hệ thống tường rào xây bằng gạch cao 1,2m bao quanh 4 phía di tích. Trên tường bao ở gần cổng có xây thêm hai cột phụ, trên đỉnh cột đắp hình hai con nghê, đầu ngoảnh về phía cổng đình.
Sau cổng đình là tắc môn, cũng được xây dựng năm 2003, có hình chữ nhật vát góc ở phía trên, kiến trúc khá đơn giản không có trang trí hoa văn, chạm khắc.
Sân đình có diện tích 200m2 phía trong được lát gạch chỉ, phía ngoài trồng một số cây xanh.
Bao quanh sân là vườn đình được trồng một số cây đại, si sanh… để tạo thêm vẻ đẹp cho di tích.
Đình xưa có sàn bằng gỗ lim, gỗ săng lẻ dày 0,1m. Trải qua thời gian sàn gỗ không còn nữa nhưng vết tích của nó vẫn còn lưu lại trên các lỗ mộng ở các gian của đình. Hiện nay, neenf đình được lát bằng gạch đất nung, được xây cao hơn so với sân đình, các phía đều có các bậc tam cấp để lên xuống. Trên mặt nền, ở các vị trícột cái và cột quân có đặt các chân tảng bằng đá xanh để chống mối mọt và tăng thêm sự vững chãi cho khung nhà.
Đình làng Trụ Pháp được đặt dọc theo hướng quý đinh, có kiểu dáng kiến trúc theo môtíp các đình làng cổ. Khung nhà làm bằng gỗ lim, gồm có 3 gian 2 hồi với 8 cột cái, 16 cột quân, 12 cột hiên và các xà, hạ… nâng đỡ toàn bộ phần mái. Các chi tiết liên kết với nhau bằng hệ thống mộng thắt trên các đầu cột, đuôi xà vững chắc.
Bộ khung của đình gồm có 4 bộ vì chính. Vì kèo kết cấu theo kiểu thượng giao nguyên hạ kẻ. Vì được tạo thành bởi các cặp cột cái làm bằng gỗ lim, thân tròn, bào trơn với chiều cao 5,5m, đường kính 0,4m; câu đầu dài 3m, cắt ngang có dạng hình chữ nhật khá đơn giản; hai kẻ dài dốc theo mặt mái, ăn mộng ở đỉnh vì và chạy suốt đến tận đầu cột quân.
Nhìn chung trên toàn bộ kiến trúc khung nhà mà đặc biệt là trên ván thưng đã thể hiện được sự phong phú của các loại đề tài trang trí và hình tượng biểu hiện. Ngoài các đề tài quen thuộc như tứ linh (long, ly, quy, phượng); tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai) còn có nhiều mô típ, hình tượng mang tính điển tích như lưỡng long triều nguyệt, cá chép hoá rồng, phượng hàm thư… Các nghệ nhân dân gian cũng đã kết hợp trang trí giữa các chủ đề với các hình thức vẽ, chạm, khắc khác nhau cũng tạo nên sự phong phú, độc đáo cho nghệ thuật trang trí như kết hợp hình thức chạm lộng hoa sen trong hồ nước với chạm nổi hình vân mây, sóng nước, vẽ hình tượng rùa đội hạc…
Sự kết hợp khéo léo của các môtip, hình tượng biểu hiện quen thuộc của nghệ thuật trang trí dân gian truyền thống đã tạo ra được một bức trang mang sắc thái tinh thần mới, vui tươi, gần gũi mà vẫn sang trọng với chủ đề mà các chữ Hán khắc trên ván thưng đã thể hiện rõ “long vân khánh hội”…
Tương ứng với 4 bộ vì nóc, 8 cột cái, 16 cột quân của đình là 12 bộ vì nách. Ngoài 2 vì nách đã miêu tả trong bộ vì cuối cùng với kết cấu theo kiểu ván mê, các vì nách còn lại đều có kiểu dáng khá đơn giản.
Trên 4 cột hiên ở phía Nam, từ ngoài cổng vào đều có ghi câu đối. Hai đôi câu đối ở mặt ngoài cột do thời gian, mưa nắng tác động nên đã bị mờ, không còn độc rõ chữ, chỉ còn đọc được các câu đối ở mặt trong của cột với nội dung ca ngợi công đức của các vị thần được thờ tại đình như:
“ Sơn hà nhất vọng anh linh khí
Hương hoả thiên thu kỷ niệm công”
Dịch nghĩa:
"Núi sông một lần trông đã thấy được khí anh linh
Hương hoả ngàn năm khắc ghi công lao
Hay : “Thánh đức cao minh như nhật nguyệt
Miếu đường khải thiết vọng tinh quang”
Dịch nghĩa:
"Đức thánh sáng cao như mặt trời mặt trăng
Miếu đường rộng mở trông thấy ánh sáng rực rỡ"
Mái đình lợp ngói vảy có mấu, được nâng đỡ trực tiếp bằng hệ thống hoành. Nhìn chung hệ mái của di tích khá dài, rộng, quy mô tương đối lớn và trang trí kiến trúc vôi vữa khá đẹp và tinh tế. Nhìn từ xa, cùng với quy mô khung nhà, hệ mái là một bộ phận góp phần làm cho di tích thêm nổi bật…
Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng cũng như khôi phục lại nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng xưa, chính quyền và nhân dân làng Trụ Pháp đã lập lại bàn thờ, mua sắm đồ tế khí.
Cũng như trước đây, đình vẫn được bài trí theo hình thức thờ dọc, gồm có 2 bàn thờ được sơn son thiếp vàng với nhiều đồ tế khí như: bình hoa, đèn, bát hương, mâm chè, nậm rượu... Ngoài ra do nhu cầu cúng tế ngày càng lớn nên nhân dân làng Trụ Pháp đã lập thêm một bàn thờ để thờ công đồng…
Đình Trụ Pháp là một công trình kiến trúc cổ, quý, bảo lưu được tương đối nguyên trạng kiểu thức kiến trúc thời Nguyễn với quy mô tương đối lớn và nghệ thuật trang trí kiến trúc đặc sắc, cả trên vôi vữa và trên gỗ. Với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, mỹ thuật riêng có Đình Trụ Pháp là di tích cần được bảo vệ và phát huy giá trị trên mảnh đất Yên Thành giàu truyền thống cách mạng.