Di tích Đền Ngọc Điền

Tác giả: admin
Ngày 2013-10-15 02:49:16

Đền Ngọc Điền được nhân dân xây dựng ngay trung tâm của làng Ngọc Điền thuộc khối 4, thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền được xây dựng từ thời Tiền Lê. Trải qua các thời kỳ lịch sử địa danh đã thay đổi nhưng di tích vẫn ở vị trí ban đầu.

Từ Thành phố Vinh, theo Quốc lộ 46, đến di tích Đài tưởng niệm các liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, thuộc thị trấn Hưng Nguyên, rẽ trái theo đường 12/9 qua ngã tư Cầu Mưng, rẽ phải theo đường liên thôn khoảng 270m là đến di tích đền Ngọc Điền.

Đền Ngọc Điền là nơi thờ Thành hoàng Cao Sơn, Cao Các và Thánh mẫu Liễu Hạnh, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân làng Ngọc Điền ở Thị trấn Hưng Nguyên và các vùng lân cận.
Cao Sơn:
Theo tài liệu tục “Tục thờ thần và thần tích Nghệ An” của giáo sư Ninh Viết Giao và tài liệu chữ Hán lưu tại đền Ngọc Điền : Thần Cao Sơn tên thật là Cao Hiển, tự làVân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng, hiểu sâu, tài kiêm văn võ. Năm 29 tuổi đậu Tiến sỹ dưới triều vua Hy Tông nhà Tống và làm quan đến chức Thượng thư. Khi vùng biên giới nhà Tống có loạn quấy phá, Cao Hiển nhanh chóng dẹp loạn, giúp dân yên ổn làm ăn, được nhân dân tín phục. Nhờ công lao to lớn đó, Cao Hiển được vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng.
Để thực hiện ý đồ bành trướng, nhằm uy hiếp và khuất phục nước ta, Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam.
Đời sống của nhân dân nước ta còn nhiều khó khăn, nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát. Cao Hiển hiểu rõ và thông cảm với khó khăn của cư dân Đại Việt. Một mặt xin vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân An Nam tìm cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân được ổn định.
Mặc dù là sứ thần nước lớn, nhưng Cao Hiển luôn là vị quan có lòng khoan dung, đức độ, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân bản xứ. Xây dựng mối bang giao hòa bình tốt đẹp giữa hai nước An Nam. Chính vì vậy mà triều đình và nhân dân hai nước đều biết ơn Cao Hiển. Khi ông mất vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ.

Cao Các:
Theo Ngọc Phả Đại Vương tôn vị Trung Thần triều đình : Tại làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô, có ông đồ Cao Trạch, người hiền lành, phúc hậu, lấy bà Lê Thị Điểm. Lấy nhau đã lâu nhưng không có con, một đêm nằm mộng thấy bà cụ già râu tóc bạc phơ, hai tay ẵm đứa bé trao cho bà Điểm và nói với ông Trạch rằng: Nhà ngươi có thiện tâm nên trời đã thấy hiểu, sai ta đem cho đứa con ngoan. Từ đó bà mang thai và ngày 6/1/938 bà sinh được bé trai kháu khỉnh đặt tên là Cao Các. Lớn lên Cao Các thông minh hơn người thường. Khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, ông rời làng đi tìm minh chúa. Khi gặp được Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người. Hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu, giao cho 5 vạn binh lính phò giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn. Với tài trí và mưu lược của mình, Cao Các đã cùng các tướng sỹ lần lượt dẹp loạn, thu phục các sứ quân.

Sau khi dẹp loạn, Đinh Bộ Lĩnh về Hoa Lư xây dựng kinh đô, xưng Đại thắng Đinh Hoàng Đế. Ông ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Thấy đây là vùng non nước hữu tình ông bèn cho quân sỹ lập quân cư.
Ba năm sau, chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp nước Đại Việt. Vua Đinh triệu Cao Các về triều giao cho 5 vạn binh lính, ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược của mình, Cao Các cầm quân xông pha trận mạc, khiến vua Chiêm đại bại, phải trốn về nước. Sau trận đại thắng quân Chiêm, vua Đinh muốn giữ ông lại triều đình nhưng Cao Các xin được ở lại An Ninh. Ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà. Vua Đinh thương tiếc cho lập miếu thờ ông. Đến thời Lý Thái Tổ, thấy đền miếu thiêng, biết ông là trung thần nhà Đinh bèn phong tặng ông là Mỹ Tự Đại Vương.
Vào thời Cảnh Hưng có nạn Hồng Thủy, đất nước lụt lội, đồng ruộng ngập sâu , nạn sâu keo phá hoại mùa màng khắp nơi, nhân dân làm lễ cầu đảo nhờ thần Cao Sơn, Cao Các phù hộ. Quả nhiên linh ứng, diệt được sâu keo. Từ đó nhân dân rước bài vị Cao Sơn, Cao Các về lập đền miếu ở nhiều nơi để thờ phụng và hương hỏa quanh năm. Vì sự linh ứng của Ngài mà nhân dân làng Ngọc Điền đã lập đền thờ và tôn Cao Sơn, Cao Các làm Thần.
Năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), thần Cao Sơn, Cao Các tại đền làng Ngọc Điền tiếp tục được ban sắc truy phong là Mạc Sơn Thành Hoàng, tước Minh Triết Đại Vương. Nội dung sắc phong như sau: “ Sắc ban cho Cao Sơn, Cao Các Mạc Sơn thành Hoàng tuy hiến điện lệ túy ngọc khang điền hành nghĩa thành đức duệ thông đại vương, đức tốt từ trời, núi sông linh thần, cùng trời đất hợp thành một thế, thâu ngũ phúc ban khắp muôn dân, mênh mang có thần ngầm phù vận nước…”
Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Theo sách “Tục thờ thần và Thần Tích Việt Nam” của Ninh Viết Giao và “Thần nữ và Liệt nữ Việt Nam” của Mai Ngọc Chúc thì Mẫu Liễu Hạnh vốn là công chúa Quỳnh Hoa, con gái Ngọc Hoàng do phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian. Nàng thác vào một gia đình nghèo ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Tiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), được cha mẹ đặt tên là Giáng Tiên. Càng lớn, Giáng Tiên càng xinh đẹp, lại đủ tài văn thơ nhạc. Đến tuổi lấy chồng, nàng được cha mẹ gả cho Đào Lang. Năm 21 tuổi, vào ngày 3/3 năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái triều vua Lê Thế Tông, Giáng Tiên đột ngột qua đời. Thực ra Giáng Tiên không chết mà đã hết hạn đày ải ở hạ giới phải về trời. Sau đó, vì lưu luyến trần gian, công chúa đã xin với Ngọc Hoàng được xuống trần gian lần nữa với tên gọi là Liễu Hạnh để giúp đỡ người dân nghèo khổ và trừng trị kẻ gian ác. Liễu Hạnh còn hiển linh giúp nhà vua đánh giặc nên còn được gia tặng là Chế Thắng Hòa Diệu đại vương. Sau này Thượng đế cử thêm hai nàng Quế và Thị đi cùng. Nàng ngao du khắp nơi, thường giúp đỡ những người nghèo khó, trừng trị kẻ gian ác nên được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu và được thờ phụng khắp nơi trên cả nước.
Mẫu Liễu Hạnh được liệt vào một trong “tứ bất tử” của hệ thống thần linh Việt Nam.

Đền Ngọc Điền là công trình kiến trúc tín ngưỡng tâm linh, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương nói riêng và dân tộc nói chung.
Đền ở vị trí rất thuận lợi: Phía sau và hai bên đền cây cối um tùm rậm rạp, phía trước được bao bọc bởi con sông cạn, có bến thuyền và cánh đồng trũng rộng lớn. Từ đền Ngọc Điền có nhiều đường tiến, lui đến các địa bàn trong huyện Hưng Nguyên.

Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng lớn mạnh nổ ra khắp cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Đàn ngày 30/8, nông dân các làng Ngọc Điền, Tiên Linh, Chi Nê tổ chức mit tinh ở sân đền Ngọc Điền sau đó kéo nhau tuần hành qua các làng xã thị uy.
Ngày 12/9/1930, đã nổ ra cuộc biểu tình lớn của 8 ngàn nông dân Hưng Nguyên và Nam Đàn, trong đó có nhân dân làng Ngọc Điền. Đi đầu là những người cầm cờ đỏ, hai bên là lực lượng tự vệ tay gậy tay mác hỗ trợ. Khi đoàn biểu tình đi qua làng Ngọc Điền đã dừng lại chấn chỉnh tổ chức và bổ sung thêm lực lượng, một số dân làng Ngọc Điền nhập tiếp vào đoàn. Đến sân đền, đoàn dừng lại nghe bà Nguyễn Thị Phia diễn thuyết. Khi đoàn biểu tình đến ngã ba Thái Lão, Hưng Nguyên thì bị thực dân Pháp cho 2 máy bay ném bom làm 217 người chết, 125 người bị thương, bắt giam hàng trăm người khác. Trong vụ thảm sát này, làng Ngọc Điền và làng Chi Nê có 12 người hy sinh và 3 người bị thương.

Đầu tháng 10/1930, Phủ ủy Lâm thời Hưng Nguyên được thành lập, đồng chí Lê Xuân Đào giữ chức vụ Bí thư Phủ ủy. Toàn tổng Thông Lãng có 1 Chi bộ gọi là Chi bộ Thông Lãng gồm 7 đảng viên do đ/c Trần Hữu Lan làm Bí thư.
Sau khi Chi bộ Thông Lãng được thành lập, đồng chí Trần Hữu Lan tổ chức cuộc họp Chi bộ tại đền Ngọc Điền nhằm củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đồng thời vạch ra phương hướng tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng… Nhờ vậy, các tổ chức quần chúng lần lượt được thành lập như: Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Sinh hội đỏ… Sân đền Ngọc Điền được đội Tự vệ dùng làm nơi luyện tập, và nơi dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân.

Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, theo lời hiệu triệu của Việt Minh, ngày 19/8/1945, nhân dân làng Ngọc Điền, xã Hưng Thái tự vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác, cờ, tập trung tại đên Ngọc Điền, sau đó dưới sự chỉ huy của đồng chí Cao Duệ, quần chúng nhân dân kéo lên đường số 8 với nhân dân tổng Phù Long, Thông Lãng, Hải Đô tiến hành cuộc biểu tinh thị uy, biểu dương lực lượng sau đó kéo về phủ lỵ giành chính quyền cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước giành độc lập, tự do.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền Ngọc Điền là nơi trú quân, là vị trí luyện tập của quân dân tự vệ địa phương, là nơi tổ chức dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân trong vùng…
Năm 1968, nhằm tránh tổn thương cho học sinh và thầy giáo, trường cấp 1,2 xã Hưng Thái đã chuyển về dạy học tại đền Ngọc Điền. Đền trở thành ngôi trường che chở cho thầy trò yên tâm học tập.

Theo hương ước của làng Ngọc Điền, tại đền diễn ra nhiều kỳ lễ trong năm như: lễ Khai hạ, lễ Cầu Phúc đầu xuân, lễ Cầu an, lễ Tế xuân, lễ Tết Thanh minh, lễ sinh nhật Tôn Thần, lễ Nhập tịch, lễ hóa tôn thần, Tết Đoan Ngọ, lễ cầu phúc mùa thu…Vào những ngày lễ này, nhân dân 3 giáp của thôn Ngọc Điền cùng đứng ra tổ chức rất chu đáo và quy củ.
Ngày nay, do điều kiện khách quan, đền mới chỉ phục hồi và phát huy được các kỳ lễ:
Lễ cầu phúc mùa thu vào ngày 10/7 (âm lịch)
Lễ sinh nhật Tôn Thần (Cao Sơn, Cao Các) : ngày 10/3 (âm lịch)
Trong những kỳ lễ này thu hút đông đảo nhân dân địa phương và vùng phụ cận về tham dự.

Đền Ngọc Điền là công trình kiến trúc tâm linh xây dựng vào thời Tiền Lê, ở trung tâm làng Ngọc Điền với diện tích khoảng 1500m2, kiến trúc bố trí theo kiểu chữ Tam theo thứ tự sau: cổng, tắc môn, sân, nhà Hạ đường, Trung đường, Thượng đường. Trải qua thời gian dài, chiến tranh, thiên tai tác động, các công trình chính của đền chỉ còn lại tảng đá, chân cột và nền đất.
Năm 2007, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và nhân dân khối 3,4 Thị trấn Hưng Nguyên đền đã được phục dựng với diện tích 2041m2 gồm cổng, sân vườn, Bái đường và Hậu cung.
Cổng được xây bằng gạch, được giới hạn bởi hai cột nanh có khoảng cách 4.35m. Hai cột có kích thước và kiểu dáng như nhau. Được chia làm 3 phần
Phần đầu được dật nhiều cấp , trên cùng đặt 2 con nghệ bằng sứ chầu vào
Phần thân hình trụ vuông, mặt trước có câu đối chữ hán:
Công cao hộ quốc vạn niên trường
Đức đại yên dân thiên cổ định
Phần bệ dật làm 2 cấp, cấp 1 nhỏ hơn và thót lại ở phía dưới, cấp 2 hình vuông tạo cảm giác nâng đỡ toàn bộ phía trên.
Sân có diện tích 53.6m2, nền láng xi măng. Trên sân có tắc môn nhỏ, mặt trước đáp hình tượng hổ trong tư thế chầu ra ngoài.
Vườn đền rộng 1000m2, trồng nhiều cây ăn quả như xoài, chuối, na, cây thuốc và hoa màu.
Nhà Bái là nơi thờ mẫu Liễu Hạnh, có diện tích 52m2, gồm 3 gian, 2 vì, độ cao từ mái xuống nền nhà là 4,7m, mái lợp ngói âm dương.
Nâng đỡ mái nhà là hệ thống khung nhà bằng bê tông giả gỗ với 2 bộ vì được làm theo kiểu “chuyền chụp”. Trên hai vì bài trí thêm 2 con rắn thần vắt lên.
Nhà Bái đường gồm 1 cửa với 4 cánh bằng nhau, được làm theo kiểu thượng song hạ bản cách tân. Phía sau để thông với Hậu cung
Trong nhà Bái đường đặt một bàn thờ bằng gỗ, trên đặt lư hương, hai bên là đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa.
Tiếp theo là một hương án bằng gỗ hai cấp. Cấp thấp phia trước đặt đôi hạc gỗ đứng trên lưng rùa, hai cọc nến. Cấp cao phía sau đặt tượng Mẫu Liễu Hạnh trong tư thế ngồi xếp bằng rất khoan thai. Đầu đội mũ miện vàng, mắt phượng, mày ngài, môi đỏ, nét mặt bình thản. Các nếp áo được tạo tác giản dị với hai lớp áo choàng ở ngoài mà đỏ và một chiếc yếm đào màu xanh. Hai bên tượng đặt đôi nến gỗ sơn nâu
Hai cột hai bên treo câu đối chữ Hán:
Bảo quốc hộ dân chiêu thánh đức
Trừ tai giáng phúc hiển thần công.
Hậu cung có diện tích 20.4m2 , gồm một gian dọc, với một thanh gác tường chính giữa. Hồi xây bít đốc, phía trên nóc dật cấp mái nhằm tạo độ thông thoáng và lấy ánh sáng tự nhiên. Độ cao từ đỉnh xuống nền nhà là 3.9m, mái lợp ngói âm dương, rải rui bản.
Hệ thống cửa Hậu cung được làm theo kiểu bàn khoa gồm 1 cửa và 4 cánh, có kích thước, kiểu dáng như nhau. Hai trụ hai bên có câu đối:
Công cao hộ quốc vạn niên tường
Đức đại an dân thiên cổ thịnh
Hậu cung là nơi thờ Cao Sơn, Cao Các, được bài trí nhiều đồ thờ.
Ngoài cùng là bàn thờ bằng gỗ, trên để lư hương đồng. Mặt trước trang trí “lưỡng long chầu nhật”, hai cọc nến gỗ cao, 1 đỉnh hương, 1ống đựng hương, 2 hình tượng sư tử ngậm ngà voi.
Trong cùng là hương án hai cấp, phía trên đặt 1 lư hương đá cổ tai rồng. Trong cùng là chiếc ngai hai bậc, phía trên đặt long ngai và tượng Thánh Hoàng ngồi trong. Tượng được đặt trong tư thế ngôi, hai chân thả xuống, bàn chân chạm bậc 1 của ngai. Bên cạnh tượng là chiếc mũ màu vàng cánh chuồn; 1 chiếc giá gương viền vàng trong khắc vị hiệu của thần Cao Sơn, Cao Các: “Cao Sơn, Cao Các Mạc sơn Thành hoàng tuy hiến điện lệ túy ngọc khang điền hanh nghĩa thành đức duệ thông minh Triết đại Vương (Cảnh Hưng năm thứ 44). Hai bên hương án bài trí hai chiếc lọng màu vàng, khắc họa phong cảnh đồng quê.

Đền Ngọc Điền là nơi tôn thờ và tưởng niệm các vị thần gắn liền với đời sống sản xuất của cư dân nông nghiệp như Cao Sơn, Cao Các, Mẫu Liễu Hạnh. Tại đền còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, và trong 2 cuộc kháng chiến chống pháp, chống Mĩ cứu nước. Ngôi đền đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và trở thành điểm đến không chỉ của nhân dân Hưng Nguyên mà cho cả du khách thập phương.

Video